Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, được Quốc hội thông qua sáng 13/11, nêu nội dung trên.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch Covid-19, bao gồm cả thách thức và cơ hội với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch thích ứng với dịch bệnh. Ngoài việc đánh giá hiệu quả học trực tuyến, ngành cần có giải pháp bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên một trường THCS Song ngữ - Quốc tế trong buổi dạy trực tuyến.
Hôm 11/11, tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, dạy học trực tuyến "không thể đòi hỏi chất lượng như dạy trực tiếp". Vì vậy, Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi kiểm tra, đánh giá các em.
Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ, sớm tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh; xây dựng chiến lược, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường. Về điểm này, Bộ Giáo dục có chủ trương mạnh dạn cho học sinh vùng an toàn quay lại trường. Hiện tại, nhiều trường học trên cả nước đã cho học sinh đi học lại với những giải pháp thích ứng mới, phù hợp bối cảnh "sống chung với Covid-19".
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, Luật tại kỳ họp thứ 2, tháng 11/2021. Ảnh: Media Quốc hội
Chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cũng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ. Đây là một trong những vấn đề "nóng" khiến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận được nhiều câu hỏi tại phiên chất vấn. Theo đó, các đại biểu đề nghị lãnh đạo Bộ nhận trách nhiệm và có giải pháp rà soát, xử lý dứt điểm sai sót trong các bộ sách giáo khoa hiện hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021; hoàn thiện phương án thi cho năm 2022 đảm bảo an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, Quốc hội đề nghị tăng cường kiểm tra chất lượng hoạt động dạy thêm, học thêm; hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các đại học; định hướng phát triển các đại học, cao đẳng; tăng cường quản lý việc mở ngành đào tạo khối sức khỏe.
Nghị quyết cũng yêu cầu về giải pháp sớm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nơi khó khăn; ban hành chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời trước Quốc hội ngày 11/11. 28 đại biểu tham gia chất vấn ông; 10 ý kiến tranh luận; một đại biểu có câu hỏi nhưng hết thời gian trả lời; 20 đại biểu đăng ký nhưng chưa kịp chất vấn. Các đại biểu này được đề nghị gửi phiếu câu hỏi đến ông Nguyễn Kim Sơn để được trả lời bằng văn bản.