Cập nhật: 15/12/2022
Đề bài
Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Phải trở lại với những khái niệm cơ bản của các giá trị như tự do. Chẳng hạn như, khi bạn thực thi quyền tự do của mình thì không được ảnh hưởng đến người khác. Bạn có quyền tự do nhưng phải là tự do trong sự nhận thức đầy đủ về văn hóa và văn minh. Khi tự do mà thiếu đi văn hóa thì đó chỉ là một thứ tự do hoang dã. Tôi cho rằng, văn hóa không chỉ là một cái thắng giúp chúng ta dừng lại trước những cái xấu mà văn hóa còn vun đắp, giúp con người thăng hoa trước cái đẹp.
Để có văn hóa, con người phải được khai minh và khai tâm. Với một cái đầu vô minh và với trái tim vô hồn thì sẽ rất tai hại cho chính mình và cho người khác. Vì khi đó sẽ không minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai, mình sống trên đời này vì điều gì. Đây cũng chính là cội nguồn của mọi thứ không hay.
Văn hóa chính là thứ tạo nên ai đó, là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta sẵn lòng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác, khi có văn hóa có nghĩa là người ta có “chính mình” và khi có “chính mình” thì cái mà con người ta sợ hãi nhất đó là sợ “đánh mất chính mình”. Còn ngược lại, khi con người chưa có được cái “chính mình” này thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền và có tiếng nhưng lại chẳng sợ cái gì cả.
(Trích Tự do không có văn hóa là thứ tự do hoang dã, Giản Tư Trung, http://laodong.vn, 11/7/2013)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Văn hóa không chỉ là một cái thắng giúp chúng ta dừng lại trước những cái xấu mà văn hóa còn vun đắp, giúp con người thăng hoa trước cái đẹp.
Câu 2: Anh/chị hiểu như thế nào về hai từ "khai minh” và “khai tâm” trong câu: Để có văn hóa, con người phải được khai minh và khai tâm.
Câu 3: Tác giả bài viết quan niệm như thế nào về vai trò của văn hóa đối với cuộc sống con người?
Câu 4: Anh/chị có đồng ý với nhận định: Khi có văn hóa có nghĩa là người ta có chính mình không? Vì sao?
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Trong truyện ngắn Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã có nhiều chi tiết nói về phản ứng tâm lý và hành động của Tnú vào cái đêm thằng Dục dẫn lính về làng Xô Man. Miêu tả tâm lý và hành động Tnú khi chứng kiến cảnh Mai và đứa con bị đánh đến chết, nhà văn viết:
“Một tiếng hét dữ dội. Tnú nhảy xổ vào giữa bọn lính. Anh không biết đã làm gì. Chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục tháo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Rồi Mai ôm đứa con chui vào ngực anh. Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”.
Miêu tả tâm lý và hành động của Tnú khi bị thằng Dục tẩm dầu xà nu đốt mười đầu ngón tay, nhà văn viết:
“Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy trong bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!”
Phân tích nhân vật Tnú trong hai lần miêu tả như trên. Từ đó, nhận xét sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân vật.
Lời giải chi tiết
Phần I: Đọc hiểu
Câu 1:
- Biện pháp tu từ: so sánh
- Tác dụng: Gợi hình ảnh cụ thể, dễ hiểu, qua đó thấy được giá trị văn hóa trong đời sống con người.
Câu 2:
- “Khai minh”: Mở mang trí tuệ, vốn hiểu biết
- “Khai tâm”: Bồi dưỡng tâm hồn
Câu 3:
- Vai trò của văn hóa:
+ Văn hóa là cái thắng giúp chúng ta dừng lại trước cái xấu. Là thứ vun đắp, giúp con người thăng hoa trước cái đẹp.
+ Góp phần tạo ra bản sắc, giá trị của một con người.
Câu 4:
- Học sinh đưa ra quan điểm của mình, đồng tình hoặc không đồng tình. Lý giải thuyết phục vì sao lựa chọn quan điểm ấy.
Phần II: Làm văn
1. Giới thiệu chung:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Trung Thành và truyện Rừng xà nu.
- Giới thiệu nhân vật Tnú
2. Phân tích:
- Nêu vấn đề cần nghị luận: Tâm lý và hành động của Tnú trong 2 lần được miêu tả thể hiện sự chuyển biến của người chiến sĩ cách mạng anh hùng.
- Phân tích nội dung, nghệ thuật thể hiện tâm lý và hành động của Tnú ở 2 đoạn văn
2.1 Phân tích tâm lý và hành động của Tnú khi chứng kiến cảnh Mai và đứa con bị đánh đến chết:
* Hoàn cảnh cụ thể:
- Dân làng chưa sẵn sàng để chống lại bọn thằng Dục. Cụ Mết và Tnú cùng thanh niên trong làng đang phải vào rừng lẩn trốn;
- Tnú chứng kiến cảnh Mai và con bị bọn lính đánh đến chết.
* Tâm lý và hành động của nhân vật Tnú:
- Tnú kêu lên đau đớn;
- Tnú lao ra cứu vợ và con nhưng Mai và đứa con đã chết. Tnú bị bắt trói vào gốc cây xà nu.
* Ý nghĩa:
- Thể hiện nỗi đau mất mát không thể kìm nén;
- Thể hiện hành động mang tính tự phát và đơn độc của Tnú khi dân làng chưa sẵn sàng để hành động chống lại kẻ thù.
2.2 Phân tích tâm lý và hành động của Tnú khi bị thằng Dục tẩm dầu xà nu đốt mười đầu ngón tay:
* Hoàn cảnh cụ thể: Sau cái chết của Mai và con, Tnú bị thằng Dục tẩm dầu xà nu đốt mười đầu ngón tay.
* Tâm lý và hành động của nhân vật Tnú:
- Không thấy lửa ở mười đầu ngón tay;
- Cắn nát cả môi, cảm thấy mặn chát ở đầu lưỡi;
- Nhớ đến lời anh Quyết, Tnú không kêu van;
- Tnú cảm thấy lửa cháy cả ruột đây rồi.
* Ý nghĩa:
- Thể hiện nỗi đau tột cùng và sự kìm nén của Tnú;
- Thể hiện sự vận động của nỗi đau thành nỗi căm thù;
- Thể hiện ý chí của người cộng sản đã trưởng thành trong nhận thức cách mạng và lý tưởng đấu tranh.
* Về nghệ thuật:
- Tác giả đã sáng tạo được nhiều chi tiết giàu ý nghĩa tượng trưng, lời văn trau chuốt giàu hình ảnh, giọng điệu ngợi ca, tự hào…
- Tác giả đặt nhân vật vào tình huống đau đớn, nghiệt ngã để bộc lộ tính cách, tậm trạng hợp lý, xúc động.
2.3 Nhận xét sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân vật Tnú.
- Qua hai lần miêu tả, tác giả đều thể hiện những nỗi đau, những bi kịch cuộc đời và phẩm chất anh hùng, lòng gan dạ, dũng cảm, yêu thương và căm thù trong tâm hồn Tnú - người chiến sĩ cách mạng;
- Qua hai lần miêu tả, nhân vật Tnú có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động: biến nỗi đau thành sức mạnh và lòng căm thù, báo hiệu về hành động trả thù quật khởi. Đó chính là tính cách và phẩm chất anh hùng cách mạng của người dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
3. Kết luận
- Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của nhân vật Tnú qua hai lần miêu tả;
- Rút ra bài học cuộc sống từ nhân vật Tnú (sống yêu thương và căm thù; sống có lý tưởng, không đầu hàng hoàn cảnh…)
Nguồn: https://loigiaihay.com/de-kiem-tra-giua-hoc-ki-ii-ngu-van-12-de-so-14-co-loi-giai-chi-tiet-a81317.html /