Danh sách bài viết

ĐH Mỹ yêu cầu lại bài thi chuẩn hóa có ảnh hưởng cơ hội du học?

Cập nhật: 01/03/2024

Test-optional, quy định tuyển sinh không buộc ứng viên nộp kết quả các bài thi chuẩn hóa, được hơn 1.900 ĐH Mỹ triển khai trong năm 2024. Song chỉ trong tháng 2.2024, hai trường Ivy League (8 ĐH tư thục tinh hoa của Mỹ) là Yale và Dartmouth đã quyết định ngừng áp dụng này kể từ năm 2025, tức sẽ yêu cầu SAT, ACT trở lại. MIT, một trường hàng đầu khác tại Mỹ, cũng chung động thái từ kỳ mùa thu năm 2023.

ĐH Mỹ yêu cầu lại bài thi chuẩn hóa có ảnh hưởng cơ hội du học?- Ảnh 1.

NGỌC LONG

MINH BẠCH VÀ NÂNG CHUẨN

Ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT (TP.HCM), phân tích quy định test-optional nở rộ trong thời điểm dịch Covid-19 vì khi đó các trung tâm đóng cửa, du học sinh (DHS) gặp nhiều khó khăn khi ôn luyện, thi cử. Tuy các ĐH Mỹ nói động thái này chỉ là tạm thời, việc không bắt buộc nộp điểm bài thi chuẩn hóa hiện vẫn được đông đảo đơn vị áp dụng đến hiện tại.

Song, test-optional cũng có nhiều hạn chế, ông An nhận định. Thứ nhất, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nhờ các bài thi chuẩn hóa, trường ĐH có thể dự đoán chính xác hơn về tỷ lệ thành công của DHS trước, trong và sau ĐH, nhất là trong bối cảnh "lạm phát" điểm số diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí ngay tại Mỹ. Thứ hai, việc không bắt buộc thi chuẩn hóa khiến các trường vướng tin đồn tuyển sinh dựa trên gia cảnh ứng viên.

"Bên cạnh đó, nhiều đơn vị tại Mỹ đang rao bán các gói dịch vụ có giá cả chục nghìn USD, thay DHS tạo ra những tài liệu, dự án, hoạt động... sáng tạo để "đánh bóng" hồ sơ. Từ những vấn đề trên, có thể thấy việc yêu cầu nộp điểm các bài thi chuẩn hóa trở lại là động thái để các trường thể hiện sự minh bạch, bình đẳng trong hoạt động tuyển sinh", ông An nhận định.

Anh Trần Anh Khoa, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) và là cố vấn viên du học tại Miyork Education (TP.HCM), lưu ý việc các trường ĐH hàng đầu Mỹ yêu cầu lại điểm các bài thi chuẩn hóa là để tìm được những ứng viên giỏi giang, chăm chỉ nhất.

Bà Đào Nhật Mai, Tổng giám đốc Công ty tư vấn du học NEEC (TP.HCM), đồng tình với quan điểm này. Theo bà Mai, trong bối cảnh một số trường ĐH hàng đầu Mỹ bị tụt hạng sau khi tẩy chay bảng xếp hạng của trang U.S. News & World Report, việc yêu cầu lại SAT, ACT là lời khẳng định rằng trường có nguyên tắc riêng chứ không phải chất lượng bị giảm sút.

ĐH Mỹ yêu cầu lại bài thi chuẩn hóa có ảnh hưởng cơ hội du học?- Ảnh 2.

PEXELS

KHÓ LAN RỘNG ?

Việc những trường ĐH hàng đầu Mỹ bắt đầu từ bỏ test-optional dấy lên câu hỏi: Liệu xu hướng này có tiếp tục diễn ra và lan rộng trong mùa tuyển sinh năm 2025 sắp tới? Bà Đinh Mỹ Phương, đại diện tuyển sinh ĐH Rochester (Mỹ), cho biết viễn cảnh này sẽ khó diễn ra, vì ĐH Rochester cùng nhiều trường hàng đầu khác tại Mỹ giữ nguyên quy định tuyển sinh như năm trước, tức không bắt buộc nộp SAT, ACT.

"Vì chúng tôi đánh giá toàn diện các yếu tố trong hồ sơ ứng tuyển từ học thuật, thành tích, kỹ năng đến hoạt động ngoại khóa nên điểm các bài thi chuẩn hóa chỉ là một yếu tố giúp tăng tỷ lệ cạnh tranh. Tuy nhiên, SAT lại là tiêu chí bắt buộc nếu DHS nộp đơn xin học bổng hoặc hỗ trợ tài chính", bà Phương thông tin, đồng thời cho biết mỗi trường có trọng số riêng cho các yếu tố và ĐH Rochester xem trọng nhất ở khả năng học thuật.

Về phía các trường công lập, bà Lê Thị Thu Trang, đại diện tuyển sinh và tiếp thị tại VN của ĐH Bang Arkansas (Mỹ), cũng nhìn nhận xu hướng bắt buộc nộp điểm SAT, ACT có thể chỉ tập trung ở những trường hàng đầu. Bởi trong bối cảnh một số quốc gia du học lớn như Úc, Canada cắt giảm số DHS, Mỹ với khoảng 5.000 trường CĐ, ĐH trở thành điểm đến lý tưởng và dự kiến bùng nổ về lượng hồ sơ ứng tuyển.

"Nhận được nhiều đơn nhất chắc chắn là những trường thứ hạng cao, nhưng vì chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nên các trường sẽ "siết" đầu vào để đảm bảo chất lượng xét duyệt. Mặt khác, các trường công lập nếu muốn thay đổi quy định tuyển sinh sẽ cần phải chờ thời gian dài để được sở giáo dục của tỉnh bang chấp thuận. Điều này khiến chúng tôi khó linh động bằng các trường tư thục như Ivy League", bà Trang nhận xét.

Ông Vũ Thái An cũng dự đoán xu hướng yêu cầu trở lại SAT, ACT chủ yếu diễn ra ở các trường hàng đầu. Trong số đó, những trường tư thục khác ngoài Ivy League như Duke, Stanford hay hệ thống trường ĐH công lập California chỉ công bố duy trì test-optional hay test-blind (không xem xét điểm số ngay cả khi ứng viên đính kèm trong hồ sơ - PV) đến kỳ mùa thu năm 2025.

ĐH Mỹ yêu cầu lại bài thi chuẩn hóa có ảnh hưởng cơ hội du học?- Ảnh 3.

UNSPLASH

CƠ HỘI CỦA DU HỌC SINH VIỆT

Nhìn chung, các chuyên gia du học nhận định quyết định áp dụng lại các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT hay thậm chí mở rộng sang những bài thi khác như AP, IB, A-level hầu như không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội du học Mỹ của người Việt. Bởi nếu nhắm vào các trường hàng đầu, DHS thường chuẩn bị từ khá sớm, thậm chí ngay từ lớp 7, với toàn diện các yếu tố trong đó có ôn luyện SAT, ACT, theo ông Vũ Thái An.

Tương tự, bà Đào Nhật Mai cho hay việc yêu cầu điểm các bài thi chuẩn hóa đã được áp dụng từ lâu, và chỉ tạm ngưng thời gian gần đây. Thế nên, quyết định dùng lại SAT không gây sốc với phụ huynh, DHS và được mọi người chấp nhận.

Đại học Mỹ yêu cầu lại điểm SAT, ACT có ảnh hưởng đến cơ hội đi du học?

Tuy nhiên, cần biết rằng chi phí luyện thi bài bản là cực kỳ tốn kém tại VN, dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, theo anh Trần Anh Khoa. Điều này khiến giấc mơ đến Mỹ học trường danh tiếng sẽ thêm xa vời với các bạn có hoàn cảnh khó khăn hoặc tài chính yếu. "Một số học viên của tôi đang cân nhắc thêm các quốc gia khác như Singapore", anh Khoa cho hay.

Mặt khác, theo anh Khoa, việc nhiều trường mở rộng công nhận thêm những bài thi khác như AP, IB hay A-level sẽ gia tăng cơ hội trúng tuyển cho DHS. Theo đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra những bài thi này dự đoán tỷ lệ thành công trong học thuật tốt hơn SAT. "Chưa kể, SAT hay ACT ngoài từ vựng khó thì còn yêu cầu kiến thức về văn hóa Mỹ. Trong khi đó, AP hay IB yêu cầu thí sinh dự thi các môn toán, lý, hóa..., vừa không bị rào cản ngôn ngữ, vừa gần gũi với chương trình học trên lớp", anh Khoa nói.

Bà Đinh Mỹ Phương cho rằng với các trường hàng đầu, việc yêu cầu thí sinh dự thi những bài kiểm tra đạt chuẩn quốc tế đồng nghĩa trao cơ hội để các bạn chứng minh bản thân, "và đây chính là lợi thế". Bởi không phải ứng viên nào cũng học giáo trình Mỹ nên hội đồng tuyển sinh sẽ rất khó đánh giá năng lực của các bạn nếu chỉ dựa trên điểm trung bình trên lớp của một nền giáo dục ngoài Mỹ.

Điểm mới tuyển sinh năm 2025

Theo anh Trần Anh Khoa, sau vụ kiện liên quan đến phân biệt người châu Á tại ĐH Harvard, một thay đổi đáng kể trong mùa tuyển sinh năm 2024 là các trường ra thêm bài luận mới, yêu cầu miêu tả lại sự tác động hai chiều giữa ứng viên với môi trường, cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Quy định này dự kiến tiếp tục ở những năm tới.

"Thế nên ứng viên thay vì thực hiện quá nhiều hoạt động ngoại khóa ở các tỉnh, thành khác hay những quốc gia khác, hãy bắt đầu tìm hiểu cộng đồng của mình là gì, và bạn có thể làm gì để đóng góp cho cộng đồng này. Ngoài ra, các bạn hãy chân thành về bối cảnh của bản thân, dù xuất thân khó khăn hay từ gia đình thượng lưu, và dùng nó để tạo ra điểm mạnh cho mình trước hội đồng tuyển sinh", anh Khoa khuyên.

Bà Lê Thị Thu Trang lưu ý, các trường Mỹ đang nâng chuẩn tiếng Anh để đảm bảo DHS có thể hiểu bài. Như ở ĐH Bang Arkansas, 80% DHS Việt nhập học với điểm IELTS 5.5 đều phải xin xuống học tăng cường tiếng Anh, theo dữ liệu từ bộ phận học thuật. "Thế nên từ kỳ mùa thu năm 2025, yêu cầu tiếng Anh của trường sẽ tăng từ 5.5 lên 6.0 IELTS với bậc cử nhân", bà Trang chia sẻ.


Nguồn: / Theo Thanhnien

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý các mục liên quan xét tuyển ĐH

Giáo dục và đào tạo

Thí sinh đã trải qua những ngày đầu tiên của đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chỉ trong ngày đầu tiên, Hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT đã ghi nhận có trên 196.000...

SV ĐH Duy Tân giành giải nhì, ba tại Ngày hội Ngôn ngữ Văn hóa Hàn 2024

Giáo dục và đào tạo

Nổi trội trong nhiều lĩnh vực nói, viết, hát tiếng Hàn và nhảy Kpop, sinh viên Khoa Tiếng Hàn của Trường Ngôn ngữ - Xã hội nhân văn (LHSS), thuộc Trường đại học (ĐH) Duy Tân đã...

Chỉ 11% người lao động Việt Nam hài lòng về ý nghĩa công việc hiện tại

Giáo dục và đào tạo

Kết quả của một khảo sát mới công bố cho thấy 99% người lao động Việt Nam nghĩ rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Đáng chú ý, chỉ 11% hài lòng...

Tuyển sinh đại học: Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất

Giáo dục và đào tạo

Trong hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT mới ban hành, bộ này tiếp tục nhấn mạnh, nếu trúng tuyển thì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng...

Thi tốt nghiệp THPT: Trường hợp nào được miễn thi ngoại ngữ vẫn cần đăng ký thi?

Giáo dục và đào tạo

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định được miễn thi và được tính điểm 10 môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Dù vậy, thí sinh vẫn...

Phó thủ tướng: Nhân lực là bài toán quyết định trong phát triển công nghiệp bán dẫn

Giáo dục và đào tạo

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, để phát triển nền công nghiệp bán dẫn, chúng ta cần phải chạy đua với thời gian, bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao có tính quyết định...

ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển được 14 nhà khoa học, có người công bố 115 bài báo

Giáo dục và đào tạo

Sau hơn 2 tháng thực hiện công tác tuyển dụng, ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển được 14 nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành. Trong đó, có ứng viên từng công bố 115...

Đào tạo qua E-learning có ‘lỗi thời’ đối với nhân sự trẻ?

Giáo dục và đào tạo

Trong thời đại của thông tin nhanh và sự phổ biến của video ngắn, việc yêu cầu nhân sự Gen Z tham gia những khóa học trực tuyến dài hàng chục phút có thể gây lãng phí...

Thừa Thiên-Huế: Giông lốc thổi bay nhiều phòng học, học sinh phải tạm nghỉ

Giáo dục và đào tạo

Trận giông lốc chiều tối qua đã thổi bay mái của 6 phòng học nên sáng nay (3.5) toàn bộ học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 (Thừa Thiên-Huế) phải tạm nghỉ học.

Trẻ mầm non, tiểu học có học bù thứ 7 không?

Giáo dục và đào tạo

Sau kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 dài 5 ngày liên tục, các trường mầm non, tiểu học ở TP.HCM tổ chức dạy bù, cho học sinh học bù vào thứ bảy (4.5) không?