Danh sách bài viết

Giải quyết 'nghịch lý' trong cung - cầu nhóm ngành công nghệ

Cập nhật: 20/03/2024

Nội dung trên đã được đặt ra trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Cơ hội phát triển với nhóm ngành công nghệ" diễn ra chiều 19.3, được phát trực tuyến trên các nền tảng: website thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.

"CUNG" CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC "CẦU"

Tại chương trình, tiến sĩ Trần Hồng Ngọc, điều phối viên ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Việt Đức, dẫn lại số liệu trong một báo cáo về nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT). Theo đó, đến năm 2025 cả nước cần 700.000 nhân lực trong lĩnh vực CNTT trong khi hiện tại chỉ có 530.000 người. "Chỉ còn 1 năm nữa, chúng ta không thể đào tạo kịp 170.000 nhân lực, do mỗi năm các trường ĐH chỉ đào tạo khoảng gần 60.000. Chưa kể trong số đó chỉ có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp là có thể theo đuổi công việc", tiến sĩ Ngọc cho hay.

Giải quyết 'nghịch lý' trong cung - cầu nhóm ngành công nghệ- Ảnh 1.

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo tiến sĩ Ngọc, trong bối cảnh ngày nay, CNTT đi sâu vào đời sống, ứng dụng trong mọi lĩnh vực. Vì thế nhu cầu tuyển dụng luôn cao, chỉ là sinh viên có đáp ứng được năng lực, yêu cầu của doanh nghiệp hay không.

Tiến sĩ Phan Trần Minh Khuê, Trưởng bộ môn Khoa học dữ liệu, Khoa CNTT Trường ĐH Mở TP.HCM, nêu thực trạng hiện nay các công ty công nghệ sa thải hàng loạt nhân viên, điều này khiến nhiều sinh viên lo ngại. "Tuy nhiên, ngược lại, các báo cáo, dự đoán xu hướng việc làm lĩnh vực CNTT trong tương lai lại cho thấy nhân lực đang và sẽ rất thiếu hụt. Đó là do cung và cầu chưa gặp nhau. Chẳng hạn nhà tuyển dụng cần tuyển kỹ sư trí tuệ nhân tạo, thì thị trường hiện chỉ có ứng viên ở các công nghệ phổ thông, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp", tiến sĩ Khuê thông tin.

Tiến sĩ Khuê còn cho rằng xu hướng việc làm chú trọng nhân lực có chất lượng do doanh nghiệp yêu cầu cao về kỹ năng và công nghệ. Vì thế các trường rất cần bổ sung kiến thức mới vào chương trình đào tạo, kỹ năng mềm... Bên cạnh đó, ông Khuê khuyên học sinh: "Công nghệ thay đổi rất nhanh, vì thế muốn học giỏi CNTT hay các ngành công nghệ, các em cần có tính chăm chỉ và kiên nhẫn. Phải luôn tự học hỏi, cập nhật kiến thức mới để không bị tụt hậu. Các em cũng cần có tính tò mò, tìm tòi, ưa khám phá, giỏi tiếng Anh và có kỹ năng làm việc nhóm".

Tiến sĩ Trương Thành Công, Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Tài chính-Marketing, bổ sung: "Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải có năng lực làm việc với AI vì AI cũng có thể lập trình. Khi đó, người làm việc giỏi là người có tư duy sáng tạo, tư duy phản biện để chúng ta không bị các "nhà lập trình AI" thay thế".

CÁC NGÀNH HỌC SẼ PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI

Tiến sĩ Trương Thành Công nhận định những ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó là an ninh mạng và an toàn thông tin.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Mận, Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo Quốc tế thuộc Trường ĐH Duy Tân, đánh giá: "Bên cạnh khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thì vi mạch bán dẫn, lập trình web và ứng dụng cũng rất "hot". Mấy năm gần đây, Trường ĐH Duy Tân có số lượng thí sinh chọn vào ngành IT như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, big data, hệ thống thông tin quản lý tăng từ 15-20%. Tỷ lệ có việc làm ngay sau tốt nghiệp là hơn 80% và sau 6 tháng là hơn 90%".

Tiến sĩ Trương Hải Bằng, khoa Kỹ thuật và Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ thêm: "Nhóm ngành nghề mới thuộc xu hướng công nghệ còn có điện toán điện tử, siêu tự động hóa, kết nối tương lai 5G hay 6G, kiến trúc đám mây phân tán, công nghệ sạch, khai thác quy trình, các ứng dụng của AI, lập trình cho tương lai… Sinh viên học những ngành công nghệ mới có rất nhiều lợi thế như tăng cường khả năng sáng tạo, phát triển kỹ năng cá nhân, thu nhập hấp dẫn và có thể khởi nghiệp".

Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, 3 năm trở lại đây số lượng thí sinh đăng ký vào khoa CNTT luôn vượt chỉ tiêu dù điểm chuẩn đầu vào không thấp, 23,5 điểm. Theo tiến sĩ Phan Trần Minh Khuê, tỷ lệ có việc làm của các ngành này năm 2023 là từ 86-91%.

Trong khi đó, tỷ lệ chọi vào ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Việt Đức và ngành hệ thống thông tin quản lý của Trường ĐH Tài chính-Marketing khoảng 1/5 do số lượng hồ sơ nộp vào ngày càng tăng nhiều trong khi chỉ tiêu mỗi năm tăng rất ít.

"Điểm chuẩn vào ngành hệ thống thông tin quản lý của trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng trên 24,5, phương thức xét điểm đánh giá năng lực là 780 trở lên và học bạ là từ 26 điểm trở lên", tiến sĩ Trương Thành Công thông tin.

MỞ NHIỀU NGÀNH HỌC LIÊN NGÀNH

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM, cho hay hiện nay thí sinh đang có xu hướng lựa chọn lĩnh vực công nghệ khá nhiều vì chiến lược quốc gia liên quan đến quá trình chuyển đổi số nên cần nguồn nhân lực chất lượng cao và biết ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. "Bên cạnh đó, CNTT cũng được tích hợp vào chương trình đào tạo của những ngành khác như truyền thông đa phương tiện, thương mại điện tử, kinh tế số, công nghệ tài chính", thạc sĩ Nguyên chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng trong xu thế phát triển giáo dục và chuyển đổi số trên toàn cầu, các chương trình đào tạo hiện nay theo định hướng liên chuyên ngành, không còn đơn ngành như trước. "Vì thế, việc kết hợp công nghệ vào các ngành khác như kinh tế, y tế, nghệ thuật, nông nghiệp... là rất phổ biến. Cơ hội việc làm cho các em học những ngành này hấp dẫn, đa dạng hơn, chẳng hạn các em có thể làm chuyên viên phân tích dữ liệu hoặc kinh doanh marketing số, quản trị nguồn nhân lực hay tài chính của doanh nghiệp. Nếu học chuyên ngành ứng dụng công nghệ vào y tế, sinh viên có thể viết phần mềm cho y tế, lập trình app (ứng dụng điện thoại di động) y tế…".

Được biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có đào tạo nhiều ngành như vậy, như kinh tế số, du lịch số, công nghệ y sinh học, công nghệ tài chính, quản lý bệnh viện.

Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Dương Thành Phết, Phó trưởng khoa CNTT, cho biết năm 2024 trường mở thêm 7 ngành học mới, trong đó có 5 ngành liên quan đến công nghệ và có ngành là sự kết hợp giữa công nghệ với dịch vụ. Các ngành mới gồm khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật nhiệt, công nghệ thẩm mỹ. Chỉ tiêu cho các ngành về CNTT và công nghệ của trường năm 2024 là 2.000.

"Nhiều học sinh trăn trở liệu rằng thí sinh nộp đơn xét tuyển ngành học công nghệ mới thì cơ hội trúng tuyển có cao hay không? Tôi cho rằng cao vì ngành mới thường tỷ lệ chọi thấp hơn và cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở", thạc sĩ Dương Thành Phết chia sẻ. 

Giải quyết 'nghịch lý' trong cung - cầu nhóm ngành công nghệ- Ảnh 2.

Học các ngành lĩnh vực công nghệ, sinh viên cần phải đam mê, kiên trì, có tư duy logic và nhạy bén

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM)

Giải quyết 'nghịch lý' trong cung - cầu nhóm ngành công nghệ- Ảnh 3.

Để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ mới, sinh viên cần cập nhật kiến thức liên tục, thực hành và áp dụng thường xuyên, phát triển kỹ năng mềm.

Tiến sĩ Trương Hải Bằng (khoa Kỹ thuật và Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)

Giải quyết 'nghịch lý' trong cung - cầu nhóm ngành công nghệ- Ảnh 4.

Cơ hội làm việc cho các em học những ngành có sự kết hợp giữa công nghệ với kinh tế, y tế, du lịch, nông nghiệp như kinh tế số, du lịch số, công nghệ y sinh học, công nghệ tài chính… sẽ đa dạng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc (Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Giải quyết 'nghịch lý' trong cung - cầu nhóm ngành công nghệ- Ảnh 5.

Ngành học mới trong lĩnh vực công nghệ và CNTT thường đón đầu xu hướng nên thị trường lao động rất rộng mở, cơ hội việc làm cao .

Thạc sĩ Dương Thành Phết (Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)


Nguồn: / Theo Thanhnien

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý các mục liên quan xét tuyển ĐH

Giáo dục và đào tạo

Thí sinh đã trải qua những ngày đầu tiên của đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chỉ trong ngày đầu tiên, Hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT đã ghi nhận có trên 196.000...

SV ĐH Duy Tân giành giải nhì, ba tại Ngày hội Ngôn ngữ Văn hóa Hàn 2024

Giáo dục và đào tạo

Nổi trội trong nhiều lĩnh vực nói, viết, hát tiếng Hàn và nhảy Kpop, sinh viên Khoa Tiếng Hàn của Trường Ngôn ngữ - Xã hội nhân văn (LHSS), thuộc Trường đại học (ĐH) Duy Tân đã...

Chỉ 11% người lao động Việt Nam hài lòng về ý nghĩa công việc hiện tại

Giáo dục và đào tạo

Kết quả của một khảo sát mới công bố cho thấy 99% người lao động Việt Nam nghĩ rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Đáng chú ý, chỉ 11% hài lòng...

Tuyển sinh đại học: Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất

Giáo dục và đào tạo

Trong hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT mới ban hành, bộ này tiếp tục nhấn mạnh, nếu trúng tuyển thì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng...

Thi tốt nghiệp THPT: Trường hợp nào được miễn thi ngoại ngữ vẫn cần đăng ký thi?

Giáo dục và đào tạo

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định được miễn thi và được tính điểm 10 môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Dù vậy, thí sinh vẫn...

Phó thủ tướng: Nhân lực là bài toán quyết định trong phát triển công nghiệp bán dẫn

Giáo dục và đào tạo

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, để phát triển nền công nghiệp bán dẫn, chúng ta cần phải chạy đua với thời gian, bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao có tính quyết định...

ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển được 14 nhà khoa học, có người công bố 115 bài báo

Giáo dục và đào tạo

Sau hơn 2 tháng thực hiện công tác tuyển dụng, ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển được 14 nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành. Trong đó, có ứng viên từng công bố 115...

Đào tạo qua E-learning có ‘lỗi thời’ đối với nhân sự trẻ?

Giáo dục và đào tạo

Trong thời đại của thông tin nhanh và sự phổ biến của video ngắn, việc yêu cầu nhân sự Gen Z tham gia những khóa học trực tuyến dài hàng chục phút có thể gây lãng phí...

Thừa Thiên-Huế: Giông lốc thổi bay nhiều phòng học, học sinh phải tạm nghỉ

Giáo dục và đào tạo

Trận giông lốc chiều tối qua đã thổi bay mái của 6 phòng học nên sáng nay (3.5) toàn bộ học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 (Thừa Thiên-Huế) phải tạm nghỉ học.

Trẻ mầm non, tiểu học có học bù thứ 7 không?

Giáo dục và đào tạo

Sau kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 dài 5 ngày liên tục, các trường mầm non, tiểu học ở TP.HCM tổ chức dạy bù, cho học sinh học bù vào thứ bảy (4.5) không?