Danh sách bài viết

Giáo viên mầm non trường tư tìm cách đổi nghề

Cập nhật: 25/10/2023

Tốt nghiệp cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, Hiền rời quê Thái Bình vào TP HCM lập nghiệp hơn 3 năm nay. Ban đầu, chị làm việc tại hai nhóm trẻ với hợp đồng thời vụ, trước khi ổn định với hợp đồng dài hạn tại một trường tư thục ở TP Thủ Đức giữa năm 2020.

Nhận lương hơn 6,5 triệu đồng, Hiền thuê nhà trọ chung với hai người bạn, tính cả điện nước mỗi tháng mất khoảng 2 triệu đồng. "Nếu tình hình ổn định, tôi có thể được tăng lương chút đỉnh qua mỗi năm. Cuộc sống không dư dả nhưng cũng ổn nếu biết tiết kiệm", chị Hiền nói.

Tuy nhiên, sự ổn định không kéo dài bao lâu khi từ giữa tháng 5, tất cả trường học phải đóng cửa để phòng dịch. Lúc này cũng trùng dịp nghỉ hè nên Hiền dọn về nhà người thân tại quận Tân Phú để đỡ tốn tiền trọ. Chị và đồng nghiệp được nhận nửa tháng lương cộng thêm khoản phụ cấp nhỏ.

Giáo viên mầm non ở Sài Gòn chật vật mưu sinh

Giáo viên trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp trong ngày làm việc tháng 5/2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Vài tuần đầu tiên, chị khấp khởi hy vọng dịch sớm được dập như những đợt trước để trường mở cửa. Nhưng sau một tháng thành phố giãn cách xã hội, chủ trường than thở với giáo viên "không có nguồn thu mà mặt bằng vẫn phải gồng". Cô giáo trẻ và nhiều giáo viên, bảo mẫu khác có chút hoang mang.

Đến cuối tháng 8, cô giáo như chết lặng khi chủ trường quyết định đóng cửa, không nhắc tới khả năng mở lại trường. Mặt bằng trong khu nhà phố được trả lại, bảng hiệu được dỡ, đồ chơi trẻ em chất đống chỏng chơ giữa sân.

"Tôi mông lung, không biết ngày nào các trường được mở cửa, nếu được mở thì có xin được việc hay không. Tôi quyết định tạm gác nghề mà mình mơ ước và theo đuổi bấy lâu để tìm hướng đi mới. Hôm đó, tôi đã gọi điện cho mẹ và khóc rất nhiều", Hiền kể.

Chị đăng ký khóa học kinh doanh ngắn hạn của một trường đại học theo hình thức trực tuyến, đồng thời tự học tiếng Anh. Chị tính, khi hoạt động kinh tế trở lại sẽ thử sức với công việc bán hàng hoặc tiếp thị. "Trước mắt là giải quyết được chuyện thu nhập, duy trì cuộc sống hàng ngày. Nếu mọi thứ ổn định trở lại, tôi sẽ quay lại nghề giáo viên mầm non, đầu tư học để nâng chuẩn", chị nói.

Giống Hiền, nhiều giáo viên mầm non trường tư cũng muốn đổi nghề, một số mới ra trường muốn gắn bó song thấy tương lai mù mịt. Tốt nghiệp cao đẳng Giáo dục mầm non ở Đại học Sài Gòn, Thu Nguyệt (23 tuổi, TP Thủ Đức) xin làm giáo viên một trường mầm non phường Phước Long B từ cuối năm 2020. Mức lương 5,5 triệu đồng mỗi tháng đủ để chị chi tiêu và dành một khoản giúp ba mẹ lo cho em gái ăn học.

Covid-19 bùng phát, Nguyệt và gần 20 giáo viên trong trường thất nghiệp, mỗi người nhận được một suất gói hỗ trợ. Nhà nằm trong khu phố bị phong tỏa suốt nhiều tuần, tiếp đó đến các đợt giãn cách xã hội khiến gia đình chị lâm vào khó khăn. Cha là lao động tự do mất việc, quán tạp hóa của mẹ cũng đóng cửa. "Tôi đã trưởng thành mà bản thân không giúp được gì cho ba mẹ nên rất áy náy. Mấy tháng nay cả nhà phải sống bằng tiền dành dụm và lương thực trợ cấp từ phường", chị kể.

Nhiều lúc, Nguyệt muốn tìm một công việc để kiếm tiền trong thời gian thất nghiệp nhưng cũng không thể khi thành phố giãn cách xã hội. "Cùng là giáo viên nhưng ở khối công lập, thu nhập có giảm nhưng vẫn có lương cứng. Còn ở trường tư, giáo viên trẻ phần lớn là hợp đồng ngắn hạn, làm tháng nào được tiền tháng nấy. Khi không có lương thì khó trăm bề", chị nói.

Cô Ái, Hiệu trưởng một trường mầm non phường An Phú (TP Thủ Đức), cho biết khoảng một nửa trong số 14 giáo viên, nhân viên trong trường về quê trước khi dịch bùng phát. Nhiều người đến nay chưa tính ngày trở lại thành phố để làm việc bởi chưa biết ngày trường được mở cửa.

"Đợt dịch năm ngoái, trường phải giải thể một cơ sở vì không đủ tiền mặt bằng. Cũng may cơ sở hiện có là mặt bằng của chủ đầu tư, không phải thuê mướn nên có thể duy trì", cô nói. Trong nhóm chat với đồng nghiệp, phần lớn than khó vì không có lương, phải "xén" khoản tiết kiệm từ những năm trước.

Trên nhiều diễn đàn giáo viên mầm non TP HCM, giáo viên kháo nhau bán rau, thực phẩm cho cư dân trong thời gian giãn cách xã hội, kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhiều cô giáo khó khăn chồng chất khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Một số phải kêu gọi hỗ trợ để mua sữa, bỉm cho con nhỏ.

Nhân viên bảo vệ trường Mầm non Chuột túi Thông minh, TP Thủ Đức dọn dẹp đồ chơi cho trẻ hồi tháng 5/2020.  Ảnh: Mạnh Tùng

Nhân viên bảo vệ trường Mầm non Chuột túi Thông minh, TP Thủ Đức dọn dẹp đồ chơi cho trẻ hồi tháng 5/2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đến nay ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi vì dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.

Ngành giáo dục, công đoàn có nhiều chương trình giúp đỡ; hơn 7.500 giáo viên nhận được hỗ trợ với gần 15 tỷ đồng tại các quận, huyện. Tuy nhiên, báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM hồi đầu tuần, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hoài Nam cho biết nhiều giáo viên chưa nhận được hỗ trợ.

Có thầy cô đủ điều kiện nhưng thiếu giấy tờ, hồ sơ để đối chiếu, chứng minh do khó khăn đi lại trong điều kiện giãn cách xã hội. Ở nhiều trường ngoài công lập, giáo viên, nhân viên không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc mua bảo hiểm xã hội tự nguyện nên chưa đủ điều kiện để được nhận trợ cấp theo Nghị quyết 09 của thành phố. "Chính sách, thủ tục hỗ trợ cần thực hiện linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả hơn", ông Nam đề xuất.

Hơn 4 tháng qua, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục thành phố. Khoảng 10.000 học sinh, gần 3.400 giáo viên thuộc diện F0; hơn 1.500 em mồ côi do có cha hoặc mẹ mất vì nhiễm bệnh. 1,3 triệu học học sinh phổ đang học trực tuyến trong khi 340.000 trẻ mầm non chưa xác định được ngày quay lại trường.

*Tên giáo viên đã thay đổi.

Mạnh Tùng