Danh sách bài viết

GS Lê Kim Ngọc, tác giả nhiều công trình chấn động ngành thực vật học

Cập nhật: 19/04/2021

"Chào em, cô là Ngọc, chú Vân đang bận chút việc, cô có thể giúp gì cho em không?", giọng nói hiền từ, sáng rõ gây ấn tượng với người nghe là của giáo sư Lê Kim Ngọc - vợ giáo sư Trần Thanh Vân. Do nói tiếng Việt tốt hơn nên bà thường nghe và "phiên dịch" lại câu nói hoặc ý tưởng của chồng.

Bà chính là người phụ nữ nhỏ bé lúc nào cũng tất bật đón khách trong suốt sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 tổ chức ở Quy Nhơn (Bình Định) đầu tháng 5. Là người đồng sáng lập chương trình kết nối khoa học Việt Nam với thế giới, năm nào bà cũng cùng chồng về Quy Nhơn.

Không chỉ ở Gặp gỡ Việt Nam mà trong mọi sự kiện, hiếm khi nào thấy vợ chồng bà tách rời nhau dù đã 84 tuổi. Với ông, bà không chỉ là người bạn đời, mà còn là bạn đồng hành gần 60 năm qua trong công việc.

Ông bà gặp nhau vào năm 1958 tại buổi hoạt động giúp đỡ sinh viên Việt Nam tại Paris (Pháp). Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn luôn hết mình cho các hoạt động thiện nguyện khiến chàng trai Vân nhớ mãi. Họ có cơ hội làm việc chung, rồi tình yêu chớm nở và đi đến hôn nhân.

"Chúng tôi luôn cùng nhìn một hướng và làm việc vì xã hội. Cả hai đều cởi mở và quan tâm đến người khác. Nếu giúp được gì cho quê hương, chúng tôi sẽ cố gắng làm bằng được", giáo sư Vân nói. 

Giáo sư Lê Kim Ngọc trong Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14. Ảnh: Đắc Thành.

Giáo sư Lê Kim Ngọc trong Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14. Ảnh: Đắc Thành.

Bậc thầy về nghiên cứu thực vật 

Sinh năm 1934 tại Vĩnh Long, bà Lê Kim Ngọc theo gia đình lên sống ở TP HCM. Thời gian học trung học tại trường Pháp Marie Curie như một bước tiền định đưa bà đến với khoa học. Ở trường, cô học trò tên Ngọc giành được nhiều giải thưởng xuất sắc nên được gửi sang Pháp du học. 

Năm 16 tuổi, bà học tại Đại học Sorbonne (Paris), tốt nghiệp hạng ưu ngành khoa học tự nhiên rồi làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp. Đây cũng là thời điểm bà có nhiều nghiên cứu về thực vật được báo chí Pháp "săn lùng". 

Nếu giáo sư Vân được xem "bậc thầy của các nhà nghiên cứu lý thuyết vật lý nguyên tử", thì giáo sư Ngọc là "bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học". Giáo sư Vân còn nhận định vợ mình làm nghiên cứu khoa học giỏi hơn. Bằng chứng là bà có tới ba bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng NatureScience, điều ông chưa làm được. "Bà ấy có số ấn phẩm công bố gấp 100 lần tôi. Trong giới khoa học, bà ấy nổi tiếng hơn tôi rất nhiều", giáo sư Vân nói. 

Giáo sư Ngọc là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm "lát mỏng tế bào" (Thin Cell Layer) tạo ra bước phát triển cách mạng trong công nghệ sinh học thực vật. Phát hiện này của bà được nhiều ấn phẩm khoa học, tạp chí chuyên ngành trích dẫn, đồng thời được ứng dụng tại các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học ở nhiều nước. Do tên Ngọc khó đọc với người Âu - Mỹ nên bà lấy chữ lót Kim hay Kiêm làm tên. Vì vậy trên các công bố, người ta thường thấy tên là Kiem Tran Thanh Van, hoặc K. Tran Thanh Van, hoặc Mrs Tran.

Một trong công trình khác của bà gây chấn động là nghiên cứu khám phá quy luật của quá trình nở hoa ở thực vật. Những năm 1970, các báo, tạp chí Pháp nhắc đến công trình của bà như "cuộc cách mạng trong thực vật", "khi rễ cây nở hoa", "bắt phong lan nở hoa theo đơn đặt hàng". Khi đó, bức ảnh của người phụ nữ Việt gây ấn tượng mạnh với mái tóc buông xõa đen mượt, mũi dọc dừa, áo dài lụa hoa, bàn tay thon thả bên kính hiển vi điện tử.

Năm 1973, bà được mời nói chuyện với công chúng Pháp yêu khoa học tại Lâu đài Phát minh (Palais de la Découverte) ở Paris với nội dung: Làm thế nào buộc các loài thực vật vốn không nở hoa phải nở hoa.

Bán rong ở Pháp lấy tiền giúp trẻ mồ côi Việt

Những năm đầu 1970, chiến tranh khiến hàng trăm đứa trẻ ở Việt Nam chịu cảnh mồ côi, đói ăn, không chốn nương thân. Ông bà nghĩ cần phải làm điều gì đó để cuộc sống các cháu bé đỡ bất hạnh. 

Hai người đã thành lập "Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam - Aide à l’Enfance du Vietnam", với ý tưởng xây một ngôi làng cho trẻ mồ côi Việt Nam. "Nhưng lấy tiền đâu để xây dựng bây giờ, nhiều người nói đó là ý tưởng viển vông", giáo sư Ngọc nhớ lại. 

Giáo sư Lê Kim Ngọc đã giúp hàng trăm trẻ Việt Nam có nơi trú ẩn yên bình.

Giáo sư Lê Kim Ngọc đã giúp hàng trăm trẻ Việt Nam có nơi trú ẩn yên bình.

Ngày ấy, Pháp hay Mỹ chưa có thư điện tử, điện thoại cũng chưa phổ biến, tại lễ Giáng sinh người dân thường mua thiệp giáng sinh để gửi lời chúc tới người thân, bạn bè. Ông bà nảy ra ý tưởng chọn một số bức tranh lụa của họa sĩ Việt danh tiếng in lên thiệp Giáng sinh để bán lấy tiền. 

Hàng đêm trong cái lạnh dưới 0 độ C, giáo sư Vân và vợ mang những tấm thiệp đứng trước cửa Nhà thờ Đức Bà Paris để bán. Nhiều người phương Tây xúc động nên tình nguyện cùng ông bà bán thiệp.

Bán một gói 10 tấm thiếp được 2 USD, lãi 1 USD, ông bà dành dụm từng đồng tiền lẻ, cuối cùng cũng xây dựng được Làng Trẻ em SOS đầu tiên tại Đà Lạt, khánh thành năm 1974. Sau đó, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho bà Ngọc làm Chủ tịch xây dựng thêm Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân ở Huế năm 2000 (nay là Làng trẻ em SOS Huế) và làng trẻ em SOS Đồng Hới, Quảng Bình (năm 2006). Các khu làng là nơi trú ẩn yên bình của hàng nghìn trẻ em Việt Nam.

Nhẹ nhàng, nụ cười đôn hậu, bà nói chỉ muốn đứng sau "hậu trường" cùng chồng góp công sức nhỏ bé cho khoa học và giáo dục Việt Nam. "Chúng tôi làm không mong được ai vinh danh mà chỉ muốn thế hệ trẻ Việt có tương lai tốt. Chúng tôi lao động gom góp và bắt đầu từ con số 0, nhưng có thể làm được tất cả, đó đều là nhờ có niềm tin", giáo sư Kim Ngọc chia sẻ với VnExpress.

Hai vợ chồng giáo sư gặp Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tháng 8/2017.

Vợ chồng giáo sư gặp Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tháng 8/2017.

Tổng thống Pháp vinh danh

Vì những đóng góp không mệt mỏi cho khoa học, trẻ mồ côi Việt Nam, ngày 6/9/2016, tại Tòa Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM, Tổng thống Cộng hòa Pháp - François Hollande - đã trao tặng Huân chương hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh cho giáo sư Lê Kim Ngọc.

Theo Tổng thống Pháp, bà không chỉ là nhà sinh vật học nổi tiếng thế giới mà còn hơn thế nữa - một tâm hồn tỏa sáng và một trái tim vàng. Bên trong con người bà là sự kết hợp giữa trí thông minh và sức trẻ vĩnh hằng. Bà đã luôn dốc hết năng lượng vừa tĩnh lặng vừa bất khuất vào khoa học.

"Bà hoàn toàn có thể tự bằng lòng với đóa hoa tâm hồn, nhưng bà còn đi xa hơn, bà hướng đến người khác. Bà luôn chìa tay đến những người khốn khó nhất với tâm hồn nhân ái. Sự nghiệp cuộc đời bà là minh chứng: "Tiền bạc và danh dự có thể tan như mây như khói, chỉ lòng trắc ẩn và tình yêu thương tha nhân mới có giá trị vĩnh hằng", Tổng thống François Hollande nói.

GS Sheldon Lee Glashow (Nobel vật lý 1979) cũng từng nói: "Đó là người phụ nữ châu Á tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp".

Phạm Hương