Danh sách bài viết

Hai con gấu ngựa được cứu hộ từ Tây Nguyên ra miền Bắc

Cập nhật: 30/04/2021

Tổ chức động vật châu Á cho biết, hai gấu ngựa cái 12 tuổi ở An Khê (Gia Lai) vừa được chủ nuôi tự nguyện chuyển giao cho lực lượng cứu hộ và quá trình này có sự giám sát của Chi cục Kiểm lâm Gia Lai.

hai-con-gau-ngua-duoc-cuu-ho-tu-tay-nguyen-ra-mien-bac

Người chủ ở Gia Lai nuôi gấu trong lồng sắt. Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.

Hai con gấu có tên là Bazan (kỷ niệm vùng đất Tây Nguyên) và Wendles (tên vị bác sĩ gắn bó nhiều năm với công tác cứu hộ), được đưa lên xe tải và bắt đầu hành trình hơn 1.000 km về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (Vĩnh Phúc). Dự kiến, đoàn sẽ về đến Vườn quốc gia Tam Đảo trưa 14/4.

Đông người xung quanh, Wendles đang chờ các anh chị đưa lên xe về nhà.

Gấu Wendles chờ được đưa về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam.

Bác sỹ Weng Yan Nash, người trực tiếp cứu hộ gấu Bazan và Wendles cho biết, tình trạng sức khỏe của chúng tốt, nhưng khá căng thẳng. Chúng có một vài biểu hiện của loài bị nuôi nhốt trong lồng hẹp lâu năm, như thường chà xát đầu vào các thanh chuồng dẫn đến trụi lông các mảng trên đầu. 

Đây là chuyến cứu hộ đầu tiên trong năm 2017 của Tổ chức động vật châu Á. Bazan và Wendles là thành viên thứ 177 được tổ chức này cứu hộ thành công tại Việt Nam.

Do bị thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắt gấu tự nhiên để đưa vào các trại trích hút mật,  nên số lượng gấu ngoài hoang dã ước tính chỉ còn vài trăm con.

Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm đầu năm 2015, Việt Nam còn khoảng 1.245 con gấu ngựa đang bị giam cầm trong 430 trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại đây, gấu bị nhốt trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật, khiến chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều con gấu bị tàn tật sau khi được cứu hộ và không sống được nếu thả về tự nhiên.

Phạm Hương