Danh sách bài viết

Lần đầu tiên tổ chức thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm

Cập nhật: 25/10/2023

Lần đầu tiên diễn ra hội thi, 24 đơn vị đăng ký tham gia với 30 đội, trong đó 17 đội ở khối đào tạo giáo viên và 13 đội ở khối khác.

Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong buổi thi chiều 11/11. Ảnh: MOET.

Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong buổi thi chiều 11/11. Ảnh: MOET.

Hai hình thức thi theo đội và cá nhân. Thi theo đội gồm các phần: hiểu biết sư phạm, xử lý tình huống sư phạm và chào hỏi hoặc năng khiếu. Với thi cá nhân, các giảng viên phải hùng biện; thi năng khiếu hoặc tư vấn, hướng dẫn sinh viên học tập, rèn luyện, hoặc thiết kế hoạt động giáo dục.

Trên cơ sở kết quả, các giảng viên tham dự sẽ được nhận chứng nhận tham dự hay danh hiệu giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm. Đây là một hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh giảng viên.

Cô Lê Thị Thu Hường, giảng viên Đại học Đồng Tháp, cho rằng đây là hội thi ý nghĩa, giúp giảng viên có cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ. "Hội thi tạo điều kiện để chúng tôi được lan tỏa những giá trị tốt đẹp, là sân chơi để chúng tôi khẳng định bản thân", cô Hường nói về lý do vượt 1.700 km từ Đồng Tháp ra Phú Thọ dự thi.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại lễ khai mạc hội thi. Ảnh: MOET.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại lễ khai mạc hội thi. Ảnh: MOET.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh với giảng viên, nghiệp vụ sư phạm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức, "truyền lửa" và hướng dẫn kỹ năng.

"Trình độ chuyên môn hết sức cần thiết nhưng nếu không có trình độ về nghiệp vụ sư phạm để truyền tải, nắm bắt tâm lý người học, không có khả năng xử lý tình huống sư phạm thì trình độ chuyên môn đó không thể lan toả được hết", Thứ trưởng nói.

Dương Tâm