Danh sách bài viết

Lịch sử thú vị của pizza

Cập nhật: 09/02/2024

Pizza là một trong những món ăn phổ biến ở Italy cũng như trên toàn thế giới.

Pizza là một trong những món ăn phổ biến ở Italy cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự, cũng như ai là người đầu tiên làm ra nó thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số tài liệu cho rằng, lịch sử pizza trải dài từ thời cổ ở Ai Cập, La Mã và Hy Lạp.

Từ bánh mì hàng nghìn năm trước

Hoàng hậu Margherita và chiếc bánh pizza mà bà ưa thích
Hoàng hậu Margherita và chiếc bánh pizza mà bà ưa thích

Trong hàng nghìn năm, con người đã kết hợp các loại thảo mộc, gia vị, rau, nấm và thịt khác nhau để tạo ra những món ăn không chỉ với mục đích duy trì sự sống, mà còn làm cho chúng có hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Một số sự kết hợp này có thể cho ra đời món pizza. Tên món ăn này đã xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Gaeta (Italy) vào năm 997.

Ngược dòng lịch sử xa hơn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về bánh mì từ bột lên men được “nướng” trên đá cách đây khoảng 7.000 năm ở Sardinia. Dần dần, người cổ quyết định thêm hương vị bằng cách kết hợp dầu, rau, thịt và gia vị vào chiếc bánh dùng hằng ngày.

Theo Science Trends, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, những người lính Ba Tư dưới sự lãnh đạo của vua Darius I đã rắc đều chà là và pho mát lên bánh mì dẹt.

Trong khi đó, người Trung Quốc cổ đại có loại bánh hình tròn dẹt gọi là bing, còn Ấn Độ làm ra loại bánh mì tẩm chất béo có tên paratha. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy loại bánh mì dẹt tương tự ở các nền văn hóa Nam và Trung Á khác, với tên gọi roti và naan.

Các nhà sử học La Mã cổ đại từng ghi chép lại các món ăn trong nhiều tài liệu khác nhau. Vào thế kỷ thứ 3, Cato the Elder đã viết về một loại bánh mì dẹt tròn phủ lên đó rau thơm và ô liu. Vào thế kỷ thứ 5, Virgil cũng mô tả một món ăn tương tự.

Các nhà khảo cổ sau này đã tìm thấy những dụng cụ nấu nướng từ tàn tích của Pompeii, có thể được sử dụng để làm những món ăn tương tự pizza, nghĩa là chúng có niên đại ít nhất là từ vụ phun trào núi Vesuvius vào khoảng năm 72.

Đến pizza hiện đại

Hầu hết các nhà sử học ngày nay đều cho rằng bánh pizza hiện đại phát xuất ở Naples. Thành phố này bắt đầu tồn tại như một khu định cư của người Hy Lạp vào khoảng năm 600, nhưng đến thế kỷ 18 và 19, nó đã trở thành một vương quốc độc lập, dù thịnh vượng nhưng tỷ lệ người lao động nghèo vẫn cao.

Raffaele Esposito được cho là "cha đẻ" của bánh pizza hiện đại
Raffaele Esposito được cho là "cha đẻ" của bánh pizza hiện đại và tấm biển ghi nhớ nhân 100 năm ngày pizza ra đời.

Pizza được phát minh vào khoảng thời gian này. Carol Helstosky, Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Denver, tác giả cuốn sách Pizza: A Global History, giải thích rằng, những lao động nghèo ở Naples cần một bữa ăn rẻ tiền và có thể ăn nhanh chóng.

Pizza phục vụ tốt mục đích nêu trên. Người nghèo rất thích loại bánh mì phủ cà chua, pho mát, cá cơm, dầu và tỏi, trong khi đó, những người thuộc tầng lớp xã hội cao hơn tỏ ra kinh ngạc trước thói quen ăn uống mà họ cho là “kinh tởm” này.

Vào năm 1805, Napoléon chinh phục Naples và cai trị nó cho đến khi ông buộc phải thoái vị vào năm 1814. Mãi đến năm 1861, vương quốc này mới chính thức trở thành một thành phố của Italy.

Năm 1889, nhà vua Italy, Umberto I và hoàng hậu Margherita đến thăm Naples. Bà hoàng bày tỏ mong muốn được thưởng thức những món ăn đặc sắc của thành phố này. Đầu bếp hoàng gia đã giới thiệu Raffaele Esposito, chủ sở hữu cửa hiệu Pizzeria Brandi, người có biệt tài làm ra những chiếc bánh thơm ngon, hấp dẫn.

Esposito dâng lên hoàng hậu ba chiếc bánh: Pizza marinara (với tỏi), pizza với cá cơm và pizza có ba thành phần phủ cà chua, phô mai mozzarella và húng quế. Hoàng hậu rất thích chiếc bánh thứ ba nên Esposito đã đặt tên cho nó theo tên bà: Pizza Margherita.

Sau chuyến thăm của hoàng gia đến Naples, danh tiếng của Esposito đã đạt đến đỉnh cao, nhưng món ăn này đã không phổ biến ngay lập tức ở đất nước của ông ta. Trên thực tế, pizza đã phát triển mạnh ở Mỹ, trước khi cơn sốt pizza lan tràn khắp Italy.

Năm 1905, Gennaro Lombardi khai trương G. Lombardi’s trên phố Spring ở Manhattan, biến tiệm bánh của ông trở thành một trong những cơ sở kinh doanh bánh pizza có giấy phép đầu tiên ở Mỹ. Sau đó không lâu, các cửa hàng tương tự xuất hiện trên khắp New York, Chicago, Boston, New Jersey và bất kỳ nơi nào có những người Naples định cư.

Điều tương tự cũng xảy ra ở châu Âu. Những người nhập cư từ Naples đã mang theo món ăn yêu thích của họ đi khắp nơi. Sau Thế chiến thứ Hai, pizza không còn là món ăn “dân tộc” ở Mỹ nữa, và những người không phải gốc Naples đã vào cuộc, tạo ra phiên bản riêng theo ý thích của họ.

Vào những năm 1950, pizza tiếp tục chiếm lĩnh thế giới. Chủ hiệu bánh pizza, Rose Totino đã nảy ra ý tưởng tuyệt vời là bán pizza đông lạnh. Năm 1958, Pizza Hut đầu tiên được mở tại Wichita, Kansas.

Một năm sau, Little Caesar’s đầu tiên được khai trương tại Garden City, Michigan. Năm tiếp theo, đó là Domino’s ở Ypsilanti. Năm 1962, một người Canada gốc Hy Lạp tên là Sam Panopoulos tự nhận là người đã phát minh ra món Pizza Hawaii.

Tính đến năm 2022, thị trường pizza trên toàn thế giới là một ngành công nghiệp trị giá 141,1 tỷ USD. Chỉ riêng ở Mỹ, có hơn 75.000 địa điểm mở cửa hàng pizza, hơn một nửa trong số đó là cửa hàng độc lập.

Vào năm 2001, Pizza Hut đã gây ấn tượng khi giao một chiếc bánh pizza xúc xích đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Chỉ hơn một thập niên sau đó, các nhà khoa học do NASA tài trợ đã chế tạo một máy in 3D có thể cho ra chiếc bánh pizza trong một phút mười lăm giây. Đây là một phần của dự án sản xuất thức ăn cho các phi hành gia lên sao Hỏa.


    Nguồn: /

    Dùng AI để tạo ra các loại bia có hương vị hấp dẫn hơn

    Các ngành công nghệ

    Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Giờ đây, các nhà khoa học đang muốn nhờ AI để giúp tạo ra những loại bia ngon hơn.

    Trung Quốc tiến gần hơn chip lượng tử nhờ tạo ra nguồn sáng mới

    Các ngành công nghệ

    Các nhà nghiên cứu Trung Quốc sử dụng loại chất bán dẫn thông thường để tạo ra nguồn sáng lượng tử - thành phần quan trọng để chế tạo chip lượng tử.

    Robot thụ phấn 6 tay hoạt động trong nhà kính

    Các ngành công nghệ

    Nhờ có 6 cánh tay, robot Stickbug có thể thụ phấn cho nhiều bông hoa cùng lúc với tốc độ 1,5 lần thụ phấn mỗi phút.

    Tốc độ 6G trong thử nghiệm mới - nhanh hơn 500 lần so với 5G

    Các ngành công nghệ

    Một tập đoàn gồm các công ty ở Nhật Bản đã chế tạo thiết bị không dây 6G tốc độ cao đầu tiên trên thế giới.

    Robot hình người đa năng tự phát triển đầu tiên của Trung Quốc

    Các ngành công nghệ

    Robot hình người Tiangong cao 1,63 m và nặng 43 kg trình làng tại Khu phát triển kinh tế - công nghệ Bắc Kinh hôm 27/4.

    Tạo ra quần áo, túi xách có thể sạc điện thoại

    Các ngành công nghệ

    Các nhà khoa học Trung Quốc vừa giới thiệu loại túi xách và vải có thể sạc điện thoại vô cùng tiện lợi.

    AI phát hiện 3 bệnh ung thư nguy hiểm chỉ với một giọt máu khô

    Các ngành công nghệ

    Một công cụ mới, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), có thể phát hiện 3 loại ung thư nguy hiểm nhất trong vòng vài phút, chỉ cần một giọt máu khô.

    Các nhà khoa học Hàn Quốc phát triển phương pháp sản xuất nhanh kim cương trong 150 phút

    Các ngành công nghệ

    Các nhà khoa học phát triển quy trình sản xuất kim cương nhân tạo với kim loại lỏng ở mức nhiệt khoảng 1.000 độ C và áp suất thấp.

    Thiết bị sản xuất điện nhiệt hạch đạt nhiệt độ 37 triệu độ C

    Các ngành công nghệ

    FuZe là thiết bị nhỏ giá rẻ có thể đạt nhiệt độ năng lượng nhiệt hạch nhanh chóng và đáp ứng nhu cầu điện của con người trong tương lai.

    Google Maps sắp có tính năng mới siêu hữu ích, không còn lo đi lạc dù đi vào vùng mất sóng

    Các ngành công nghệ

    Với tính năng mới này, người dùng sẽ luôn biết vị trí của mình, không cần lo sợ đi lạc khi mất mạng di động hay đi vào những vùng mất sóng.