Danh sách bài viết

Lo ngại giáo viên kém chất lượng khi đấu thầu đào tạo

Cập nhật: 25/10/2023

Ngày 29/4, tại hội nghị triển khai Nghị định 116/2020 về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ nhiều quan điểm xoay quanh việc các địa phương được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.

Theo GS Minh, Nghị định 116/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là văn bản quan trọng, tác động không chỉ đối với việc gắn đào tạo với sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mà còn đến toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, mầm non và quyết định sự thành bại của giáo dục đất nước, nhất là trong giai đoạn đổi mới giáo dục.

So với Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị định 86/2015, chính sách mới (Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 116/2020) có nhiều ưu điểm, trong đó có việc mở ra cơ chế đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, ông Minh vẫn có những lo lắng về việc này.

Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú Khánh Hòa ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho học sinh. Ảnh: Xuân Ngọc.

Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú Khánh Hòa ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho học sinh. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ông Minh cho rằng đấu thầu hay đặt hàng nằm trong quy luật của thị trường. Các bên liên quan phải xem xét xem bài toán chất lượng và tài chính, làm sao để loại trừ chi phối tiêu cực. "Phải nhớ rằng đây không đơn thuần là việc mua bán mà đây là trọng trách đối với tương lai giáo dục của đất nước", ông Minh nói.

Theo dự thảo công văn hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp tỉnh được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên đối với các trường trực thuộc địa phương. GS Minh nhận định việc này sẽ diễn ra theo xu thế chung, nghĩa là trường ở địa phương có bao nhiêu chỉ tiêu thì tỉnh sẽ giao cho đào tạo hết trước khi làm việc với cơ sở khác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngưỡng đầu vào ở các trường địa phương chỉ ở mức sàn. "Đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là điều kiện cần bởi không có bột thì khó gột nên hồ, thiếu thí sinh có năng lực thì không dễ tổ chức đào tạo tốt được", ông Minh chia sẻ và đặt câu hỏi "nên chăng thí sinh sẽ được chọn trường trên cơ sở cam kết của họ theo đúng quy định".

Theo Hiệu trưởng Minh, địa phương muốn có giáo viên chất lượng, một trong các cách để thí sinh đăng ký là xét kết quả thi từ cao xuống thấp và để thí sinh tự chọn trường theo ngưỡng đảm bảo chất lượng của mỗi cơ sở đào tạo.

Về đấu thầu và tham gia đấu thầu đào tạo giáo viên, ông Minh lưu ý tới hai vấn đề là năng lực của cơ sở đào tạo và giá. Năng lực là điều rất khó nói vì trường nào cũng "tuyên ngôn" đào tạo chất lượng cao. Vì vậy, chỉ còn giá để nói.

Khi bàn về giá, GS Minh ví von câu tục ngữ "tiền nào của ấy". Ông cho rằng cạnh tranh về giá có những mặt tích cực, nhưng nếu thiếu thận trọng sẽ có những tiêu cực, mà hệ quả là thế hệ nhà giáo chất lượng không cao. Khâu định giá không đơn giản, không loại trừ tác động thân hữu.

Ngoài ra, ông Minh cho rằng cần có giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu nhằm giải quyết các hệ luỵ thừa thiếu giáo viên cục bộ và các vấn đề xã hội khác. Để làm được điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dự báo nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các địa phương đăng ký nhu cầu theo từng giai đoạn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần hướng dẫn để sinh viên được quyền đề xuất nguyện vọng trên cơ sở yêu cầu của địa phương; nếu sinh viên không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi hoàn.

Nghị định 116/2020 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, nhưng áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022. Theo đó, các địa phương được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.

Dương Tâm