Danh sách bài viết

Nhân lực vi mạch bán dẫn: Muốn đi xa phải tập trung trình độ cao

Cập nhật: 17/04/2024

Hôm qua (17.4), tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã diễn ra hội thảo về định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn VN. Hội thảo do Bộ KH-CN và ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức.

NHU CẦU TUYỂN DỤNG NHÂN LỰC SAU ĐH SẼ CAO

Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu nêu thực trạng VN thiếu nhân lực trình độ cao, vì thế giải pháp để đạt mục tiêu năm 2030 có 50.000 kỹ sư phục vụ công nghiệp chip bán dẫn không phải là mở rộng tuyển sinh ĐH mà là đầu tư cho các chương trình đào tạo chuyên sâu, để đào tạo các chuyên gia.

GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết gần đây ông được nghe một giáo sư của một ĐH bên Mỹ chia sẻ con số thống kê khá ấn tượng. Theo đó, cơ cấu sử dụng nhân lực được đào tạo ngành trong từng loại doanh nghiệp là khác nhau. Đặc biệt, dù ở loại doanh nghiệp nào, nhân lực mới tốt nghiệp ĐH thường chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định.

Hoạt động nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Chẳng hạn, doanh nghiệp tích hợp linh kiện (ví dụ như Samsung, Intel) có cơ cấu tuyển dụng nhân lực như sau: điện tử viễn thông - kỹ thuật máy tính 50%; khoa học dữ liệu, khoa học máy tính 10%, kỹ thuật công nghiệp 9%; kỹ thuật vật liệu 6%; cơ điện tử 5%; vật lý 4%. Về trình độ, có sự khác nhau ở mỗi quốc gia. Ở Mỹ, trình độ ĐH là 40%, thạc sĩ 30%, tiến sĩ 30%.

Còn doanh nghiệp chế tạo thì cơ cấu tuyển dụng có sự thay đổi: điện tử viễn thông - kỹ thuật máy tính 11%; khoa học máy tính 3%; kỹ thuật công nghiệp 6%; kỹ thuật vật liệu 15%; công nghệ hóa học 25%... Với những doanh nghiệp loại này làm việc ở Mỹ thì cơ cấu tuyển dụng theo trình độ là 46% ĐH, 38% thạc sĩ, 16% tiến sĩ.

Theo GS Trình, nếu nhìn vào bức tranh tuyển dụng trên, so sánh với quy mô đào tạo ĐH các ngành tương ứng ở VN thì thấy về cơ bản chúng ta đáp ứng được số lượng, nên mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư trong 5 - 6 năm tới không khó. Nhưng nếu các doanh nghiệp tuyển dụng theo mô hình Mỹ thì đó là một mối lo lớn, do tỷ lệ đào tạo ĐH của ta rất cao, còn thạc sĩ và tiến sĩ thì rất thấp. Muốn đi xa phải tập trung đào tạo nhân lực sau ĐH. Nhưng vấn đề là hiện nay người học ở VN không có động lực học tiếp sau khi tốt nghiệp ĐH nên việc tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ sẽ rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này cần có sự vào cuộc của nhà nước và truyền thông.

VN THIẾU KỸ SƯ TRƯỞNG THIẾT KẾ HOÀN CHỈNH MỘT CON CHIP

PGS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay hiện cả nước có khoảng hơn 40 công ty có hoạt động liên quan tới chip, với khoảng 5.600 kỹ sư. Hầu hết các công ty FDI (chỉ có hai công ty VN là Viettel và FPT) làm về kiểm tra và thiết kế vi mạch cho phần frontend (thiết kế nguyên lý) và backend (thiết kế vật lý). Các kỹ sư VN chỉ giỏi một công đoạn thiết kế, thiếu những kỹ sư trưởng có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con chip.

PSG Vũ cho biết công đoạn thiết kế vi mạch có nhiều khâu, trong đó có khâu thiết kế nguyên lý. Đó là khâu khó, đòi hỏi kỹ sư được đào tạo ở trình độ cao (sau ĐH). Đây là khâu rất ít kỹ sư VN làm được. Các kỹ sư VN chủ yếu làm việc ở khâu thiết kế vật lý, tức là làm theo yêu cầu của các kỹ sư thiết kế nguyên lý. "Khâu này đòi hỏi nhân lực nhiều, nhưng tạo ra giá trị gia tăng ít", PGS Vũ nói.

Còn ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, cho biết bên cạnh vấn đề công nghệ thì nhân lực là mối quan tâm hàng đầu thường trực của lãnh đạo Viettel. Hằng năm Viettel có mục tiêu tuyển 20 - 30 kỹ sư làm về vi mạch nhưng thực tế mỗi năm chỉ tuyển được hơn 10 người. Trong 10 hồ sơ doanh nghiệp chỉ tuyển được 1 mà nguyên nhân có thể vì Viettel làm đầy đủ công đoạn trong chuỗi quy trình công nghiệp chip bán dẫn nên nhân lực đòi hỏi tương đối cao và rộng.

Ông Hoàng nói: "Việc tuyển dụng nói chung vất vả (chứ không chỉ với kỹ sư vi mạch - PV). Bởi xung quanh 50 kỹ sư chất lượng cao nói trên sẽ có ít nhất 50 người phục vụ. Thiết kế, sản xuất ra chip chỉ là một phần thôi. Có chip rồi thì phải thử nghiệm để đưa sản phẩm ra sử dụng trong thực tế, nên hiện tại chúng tôi có đội ngũ kỹ sư hơn 100 người làm về chip bán dẫn".

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái (người cầm micro) chủ trì thảo luận tại hội thảo

ĐỨC THÀNH


PHẢI CÓ NĂNG LỰC NỘI SINH VỀ CÔNG NGHỆ

Theo PGS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội, để cung ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn, chúng ta cần phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, chuyên sâu về các công đoạn công nghệ tương ứng với yêu cầu của công nghiệp bán dẫn, bài bản và rõ ràng. Ví dụ, với riêng Tập đoàn Samsung, trung tâm R&D của họ có hàng vạn tiến sĩ làm việc. Trong khi cả VN, số tiến sĩ làm việc trong ngành vi mạch bán dẫn chưa đến nghìn người. Đây là một thực tế cần được thay đổi. Vì thế, nhà nước cần tập trung đầu tư vào một số cơ sở đại học mạnh trong nước để đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Cách đầu tư là tránh dàn trải, nguồn tiền phải đặt vào đúng nơi có năng lực.

"Để phát triển công nghệ về AI, công nghệ số, công nghệ thông minh, nếu không đầu tư công nghệ lõi thì chúng ta luôn luôn là người đi sau, người sử dụng lại công nghệ lạc hậu của nước ngoài, cho nên không thể nào đi vào được chuỗi giá trị của nền công nghiệp này. Vì thế, bên cạnh mục tiêu ngắn là đáp ứng nhanh về đào tạo ĐH thì đào tạo lực lượng nghiên cứu, đào tạo các chuyên gia cần sự đầu tư rất lớn. Có như thế chúng ta mới thực sự có đội ngũ đủ mạnh, để có thể tham gia các khâu trong chuỗi giá trị này", PGS Trương Việt Anh bày tỏ.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, nêu quan điểm để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hay bất kỳ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nào thì năng lực công nghệ là yếu tố quyết định. Chúng ta không thể xây dựng nền công nghiệp vi mạch bán dẫn nếu chúng ta không có năng lực nội sinh về công nghệ. Việc thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài là chưa đủ mà cần có các doanh nghiệp trong nước phát triển lĩnh vực này cũng như có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Việc thu hút FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, là giai đoạn đầu khi chúng ta xây dựng hệ sinh thái.

Bộ KH-CN sẽ định hướng đề tài quốc gia, cấp bộ về vi mạch bán dẫn

Việc đào tạo nhân lực chuyên sâu, trình độ cao về bán dẫn thì không thể tách rời nghiên cứu. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH thì sự đầu tư của Bộ KH-CN cho hoạt động nghiên cứu có vai trò quan trọng.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái cũng nhận định nếu cứ phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI thì chúng ta không bao giờ làm chủ công nghệ. Sẽ mãi mãi ở vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng thấp và có thu nhập thấp, không phát triển được. "Tất nhiên, phải thấy FDI là rất quan trọng với VN. Chúng ta sẽ phải dựa vào họ để học hỏi, để làm chủ công nghệ. Nhưng chúng ta phải đi cùng họ thì mới tham gia được", ông Thái nói.

Ông Thái cho biết tuy Bộ KH-CN không được cấp kinh phí cho nhiệm vụ đào tạo nhưng cũng sẽ tham gia thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp chip bán dẫn thông qua các chương trình tài trợ nghiên cứu. Sau hội thảo, Bộ KH-CN sẽ định hướng đề tài quốc gia, đề tài cấp bộ về vi mạch bán dẫn.

"Đây là một hướng để các trường ĐH tạo điều kiện cho các thạc sĩ, nghiên cứu sinh có được sự hỗ trợ về nghiên cứu, tham gia vào nghiên cứu", ông Thái nhận định.


Nguồn: / Theo Thanhnien

Đề xuất có giáo viên tiếng Anh trong trường mầm non công lập

Giáo dục và đào tạo

Các trường mầm non ở Hà Nội có chung đề xuất Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ phê duyệt vị trí việc làm cho giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ tại...

'Thế hệ XO'

Giáo dục và đào tạo

Đồng hồ điểm 16 giờ 5 phút, chị Hoàng Thanh Hiền tắt phụt màn hình máy tính, sấp ngửa chạy ra bấm thang máy. Tới hầm xe, chị có 3 phút để choàng hết đồ bảo hộ, chống chọi với thời...

Chọn học ngành 'nóng' sẽ dễ có việc làm?

Giáo dục và đào tạo

Trong thời gian qua, nhiều ngành học mới ra đời đáp ứng xu hướng và được xem là ngành "nóng/hot". Tuy nhiên, những ngành học trước đó cũng vẫn không giảm 'nóng'. Vậy độ...

Chọn ngành 'nóng' phải chấp nhận cạnh tranh?

Giáo dục và đào tạo

Khi quyết định nộp hồ sơ vào các ngành học xu hướng, ngành 'nóng'/'hot', thí sinh có những thuận lợi và khó khăn gì? Với những ngành học không được xem là...

Từ hôm nay học sinh có thể thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Giáo dục và đào tạo

Bắt đầu từ hôm nay 24.4, thí sinh đang học lớp 12 có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên hệ thống quản lý thi ngay sau khi được cấp tài khoản và mật khẩu.

Nhóm sinh viên đại diện Việt Nam đến Anh giành cơ hội khởi nghiệp bằng AI

Giáo dục và đào tạo

Với ý tưởng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá tình trạng kích ứng và dị ứng da đầu, 3 sinh viên từ Trường ĐH RMIT Việt Nam đã vượt qua hơn 5.000 người để đại diện Việt...

Trang web tuyển sinh bị sập, dữ liệu thí sinh đăng ký có bị mất?

Giáo dục và đào tạo

Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM vừa thông báo gia hạn thời gian đăng ký thi các môn năng khiếu và đăng ký xét tuyển trực tuyến sau sự cố trang web tuyển sinh bị sập nhiều ngày liền.

Đề kiểm tra ngữ văn lan tỏa tinh thần 'Sống đẹp' từ cuộc thi Báo Thanh Niên

Giáo dục và đào tạo

Sáng 24.4, học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) làm bài kiểm tra môn ngữ văn có chủ đề xuyên suốt 'Sống đẹp', với ngữ liệu ở phần đọc hiểu là đoạn trích của những bài viết về...

Tài trợ gần 30 tỉ đồng cho các dự án tiếng Anh, giáo dục, nghệ thuật

Giáo dục và đào tạo

Hội đồng Anh tài trợ 946.000 bảng Anh (gần 30 tỉ đồng) để hỗ trợ 30 dự án hợp tác giữa Anh và Việt Nam ở 3 lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục, tiếng Anh nhằm tạo ra di sản lâu dài về kết nối, cộng tác...

Công bố phổ điểm 3 đợt đầu bài thi đánh giá năng lực HSA 2024

Giáo dục và đào tạo

Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố phổ điểm 3 đợt đầu bài thi đánh giá năng lực HSA 2024.