Danh sách bài viết

Nhiều trường tán thành kế hoạch mở cửa từ tháng 1/2022

Cập nhật: 25/10/2023

Biết kế hoạch mở cửa trường học từ tháng 1/2022, TS Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Giáo dục phổ thông (trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM) đồng tình, đánh giá đây là thời điểm chín muồi, phù hợp để học trực tiếp. Theo ông Khả, mặc dù phần lớn các quận huyện tại TP HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, rất khó cho học sinh trở lại lúc này.

Lo ngại thứ nhất của ông là phụ huynh sẽ không yên tâm khi con mình chưa được tiêm đầy đủ vaccine trước khi đến trường. Từ cuối tháng 8, Thủ tướng đã yêu cầu sớm triển khai tiêm vaccine cho trẻ. TP HCM cũng đưa ra đề xuất tương tự. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết chưa thể tiêm cho trẻ em do nguồn cung vaccine đang thiếu và phải ưu tiên cho nhóm nguy cơ. Ông Khả hy vọng từ nay đến cuối năm 2021 là quãng thời gian đủ để thành phố triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh từ 12-18 tuổi như công bố trước đó.

Ông Khả cũng nhận định việc học online được đánh giá là đang vào guồng, khá ổn định. Như nhiều trường khác, Trung tâm Giáo dục phổ thông chuẩn bị kế hoạch dạy online đến hết học kỳ I theo kế hoạch dự kiến đầu năm của Sở. Do đó, việc dạy trực tiếp bắt đầu từ học kỳ II, tức khoảng giữa tháng 1/2022 không làm các trường hoặc học sinh lúng túng.

"Thời điểm bắt đầu học trực tiếp đồng loạt vào tháng 1/2022 là hợp lý, các trường có đủ thời gian chuẩn bị để đảm bảo an toàn. Dĩ nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, trường đáp ứng được bộ tiêu chí, học sinh được tiêm vaccine sớm thì có thể cho học sinh cuối cấp như 9 và 12 học trước, cuốn chiếu dần các khối sau", ông Khả nói.

Với 1.500 học sinh, ông Khả tự tin đảm bảo kế hoạch dạy trực tiếp, đáp ứng chương trình đến hết học kỳ I. Đồng thời, trường chuẩn bị song song kế hoạch mở cửa trước 1-2 tháng ở một số khối lớp nếu được thành phố chấp thuận.

Học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Du được chia lớp, ngồi giãn cách trong buổi học tháng 5/2021. Ảnh: Mạnh Tùng.

Học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Du được chia lớp, ngồi giãn cách trong buổi học tháng 5/2021. Ảnh: Mạnh Tùng.

Một số trường dù đang được trưng dụng làm địa điểm phòng chống dịch, vẫn sẵn sàng với kế hoạch mở cửa trở lại vào đầu năm sau.

Là nơi đặt Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Phú Nhuận từ đầu tháng 8, lãnh đạo trường THPT Phú Nhuận tán thành phương án học trực tiếp từ 1/2022. Theo Hiệu trưởng Trần Công Tuấn, dự kiến trường được bàn giao từ giữa tháng 11, mất khoảng 2-3 tuần sau đó để sửa chữa, sát khuẩn, phục hồi nguyên trạng.

Theo đó, nếu địa phương kiểm soát được dịch bệnh, được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép, trường có thể cho học sinh khối 12 đi học trước vào đầu tháng 12, đến tháng 1/2022 mở cửa đồng loạt các khối.

Trường dự định khối 12 được tách làm đôi, học theo hai ca sáng hoặc chiều. Sau vài tuần, nếu tình hình ổn định, học sinh khối 10 và 11 dần đến trường nhưng chỉ học một buổi mỗi ngày. Thời khoá biểu sẽ được chia trực tiếp và trực tuyến xen kẽ. Sau khi các khối ổn định, trường bố trí cho hơn 2.300 học sinh ba khối học bình thường.

"Tất nhiên, thời gian trở lại ra sao vẫn chờ quyết định chung của thành phố, cũng như diễn biến thực tế dịch bệnh. Tôi thấy mốc thời gian tháng 1/2022 cũng phù hợp với các trường đang được trưng dụng cho việc phòng chống dịch", ông Tuấn cho biết.

Hơn 1.300 trong tổng số 2.400 trường học tại TP HCM trong tình trạng tương tự trường THPT Phú Nhuận. Dự kiến đến giữa tháng 11, tất cả mới được bàn giao, sau đó họ có khoảng một tháng để sửa chữa, trùng tu. Đại diện nhiều trường cho rằng, thời điểm để ổn định mọi việc từ cơ sở vật chất, nhân sự để mở cửa sớm nhất là đầu tháng 1/2022.

Trường THCS Phú Hữu, TP Thủ Đức được làm điểm tiêm vaccine ngày 15/8. Ảnh: Thành Nguyễn

Trường THCS Phú Hữu, TP Thủ Đức được làm điểm tiêm vaccine tháng 8/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Kế hoạch này dù không phải bất khả thi nhưng được đánh giá sẽ là cuộc chạy đua với thời gian ở những khu vực chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch như quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Bình Tân là quận có đông học sinh thứ nhì thành phố (hơn 120.000 em), tất cả 62 trường học đang được trưng dụng. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Bình Tân cho biết đã xây dựng kế hoạch mở cửa sau khi kiểm soát dịch. "Dự báo giữa tháng 11 các trường mới được trả lại, sửa chữa hơn 60 trường nếu chỉ trong một tháng là không kịp. Do đó, mốc thời gian đầu năm sau là phù hợp nhất với chúng tôi, dù cũng phải nỗ lực hết sức", ông Tuyên chia sẻ.

Nói về phương án mở cửa dần, cho một số khối đi học trước thời điểm tháng 1/2022, ông Tuyên nhận định Bình Tân khó thực hiện. Tính riêng khối tiểu học, THCS, toàn quận có 90.000 em, tăng hơn 3.000 so với năm ngoái. Sĩ số lớp trung bình hơn 40 em, vượt xa tiêu chuẩn. Quận cần thêm 77 lớp học cho năm mới nhưng chỉ mới đưa vào sử dụng thêm 30 lớp.

Ở phường Bình Trị Đông A có hơn 1.000 trẻ vào lớp 1, nhưng chỉ có một trường tiểu học, đáp ứng được 250 em. Số học sinh còn lại phải học các trường khác ngoài phường. Thậm chí, có trường tiểu học chỉ có 15 phòng nhưng có đến 30 lớp. Học sinh đông, cơ sở vật chất hạn chế nên phương án chia tách lớp, bố trí lệch ca để đảm bảo bộ tiêu chí, sớm mở cửa là rất khó.

Năm nay, TP HCM có 1,7 triệu học sinh, tăng hơn 11.000 em so với năm trước, nhiều nhất ở bậc tiểu học. Học sinh tăng tập trung ở TP Thủ Đức, các quận Bình Tân, Gò Vấp, 12 và huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Nếu học sinh quay trở lại trường cùng lúc, nhiều nơi bị áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất, khó đảm bảo việc giãn cách để đảm bảo an toàn.

Do đó, ở cấp học nhỏ hơn như mầm non, tiểu học, các trường càng thận trọng hơn trong kế hoạch mở cửa. Bởi lẽ, độ tuổi các em chưa được tiêm vaccine, phụ huynh không mấy yên tâm đưa con đến trường. Các trường cũng muốn bậc trung học đến trường trước, tạo bước đệm, sau đó mới tới các lớp nhỏ.

"Mọi việc còn khá ngổn ngang nên phải rất thận trọng. Ở địa phương khác, dù dịch bệnh không nóng như TP HCM nhưng vẫn phải đóng cửa trường sau một vài tuần học", hiệu trưởng một trường tiểu học ngoại thành TP HCM chia sẻ.

Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 được rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, tháng 4/ 2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 được rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, tháng 4/ 2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Hiện 20 quận huyện tại TP HCM được đề nghị công bố kiểm soát được dịch, chỉ còn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa đạt. Trong phương án mở cửa trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc này chỉ diễn ra ở quận huyện được xác định an toàn phòng chống Covid-19, đồng thời trường học đảm bảo bộ tiêu chí an toàn. Việc dạy học trực tuyến được duy trì, thành phố dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1/2022, thời điểm kết thúc học kỳ I.

Mạnh Tùng