Tại chương trình tư vấn trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 27.2, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho thí sinh về việc lựa chọn ngành học trong khối ngành này như thế nào để phát huy được năng lực và có cơ hội việc làm cao.
PGS-TS Phạm Hà, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết giai đoạn 2018-2025, TP.HCM cần 2,5 triệu nhân lực, trong đó khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm 33%.
Ngoài ra, ngành luật cũng có nhu cầu nhân lực lớn và nhiều trường đào tạo ngành này do việc tư vấn hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp và cá nhân trong tương lai ngày càng nhiều.
"Hàng năm trường nhận được nhiều đặt hàng tuyển dụng của doanh nghiệp với số lượng có nơi đến hàng trăm nhân sự", PGS-TS Phạm Hà cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng nhận định TP.HCM là trung tâm kinh tế văn hóa dịch vụ tài chính của cả nước nên các ngành học về kinh tế, tài chính, ngân hàng luật luôn có triển vọng rất lớn. "Bản thân trường cũng hợp tác với 2.000 doanh nghiệp nên sinh viên ra trường đều có cơ hội việc làm", tiến sĩ Phương thông tin.
Tuy nhiên, trong khối ngành này có rất nhiều ngành học, bên cạnh những ngành truyền thống như kinh tế học, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật... còn có những ngành mới như tiếp thị số, kinh doanh số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử... Nhiều thí sinh thắc mắc nên lựa chọn ngành nào để đạt được thành công sau khi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Phạm Quang Trường, Phó khoa Kinh doanh và luật Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng nếu thí sinh chọn ngành mang tính truyền thống thì thị trường lao động đang có sẵn, dễ kiếm việc làm, tuy nhiên tính cạnh tranh cao, các em phải có sự khác biệt.
"Năm nay trường có ngành mới là trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, công nghệ giáo dục, kinh doanh số, tiếp thị số. Cho dù là chọn ngành truyền thống hay ngành mới, thì các em ngay từ đầu khi vào năm nhất nên lên các trang việc làm tìm hiểu xem doanh nghiệp có những yêu cầu gì với ứng viên để có sự chuẩn bị mang tính chất chiến lược và dài hơi, chứ không phải đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu", thạc sĩ Trường nhận định.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận trước xu hướng phát triển của công nghệ và nhu cầu lao động, nhiều ngành học mới ra đời.
"Năm nay trường mở thêm ngành kinh tế số, trước đó là nghệ thuật số, tiếp thị số... Mỗi năm trường đều có sự rà soát, đối sánh lại nhu cầu nhân lực bên ngoài và nhân lực nội tại để quyết định mở ngành mới phù hợp".
"Dù học ngành truyền thống hay ngành mới thì các em cũng cần phải hiểu ngành đó cung cấp những kiến thức gì, các em có đam mê hứng thú với ngành học hay không. Và khi có đam mê, nỗ lực học tập thì chắc chắn các em sẽ thành công", thạc sĩ Phương chia sẻ.