Danh sách bài viết

Những rào cản trong dạy trẻ khuyết tật giữa đại dịch

Cập nhật: 25/10/2023

Trường Khiếm thính Lâm Đồng hiện dạy cho 126 học sinh từ tiểu học đến THPT. Trong số đó, gần 30 em ở TP Đà Lạt, hơn 70 em ở các huyện, thành phố khác của Lâm Đồng, 14 em ở các tỉnh lân cận. Nằm ở vùng Tây Nguyên nên trường có khá đông học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, học sinh trường Khiếm thính Lâm Đồng chưa được học trực tiếp. Đến đầu tháng 11, trường mới tổ chức dạy online cho các em, chủ yếu các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Dạy trực tuyến với học sinh bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật khó khăn tăng thêm nhiều lần. Ngoài vấn đề chuyên môn, ông Phan Linh Khánh, Hiệu phó nhà trường, cho biết một rào cản trong việc tiếp cận giáo dục của các em là thiếu sự hợp tác từ phụ huynh.

Ông Khánh kể, nhiều phụ huynh thẳng thắn chia sẻ với nhà trường rằng trẻ khiếm thính không cần học nhiều, chỉ cần biết chữ rồi đi làm phụ gia đình. Nhận thức này khiến gia đình ưu ái điều kiện học tập, tài chính cho đứa con bình thường hơn trẻ khuyết tật. Một học trò của trường ở huyện vùng xa Lâm Đồng không thể học online bởi chiếc điện thoại duy nhất trong nhà được dành cho người em bình thường - thay vì bố trí thời gian phù hợp để cả hai cùng sử dụng.

Trường Khiếm thính Lâm Đồng có 10 cặp học sinh là anh em, phần lớn ở gia đình thuộc diện khó khăn. Một vài em trong số này đã phải bỏ ngang việc học để lao động, phụ giúp gia đình.

Trong khi đó, thực tế chứng minh kiến thức nền tảng rất quan trọng với học sinh khuyết tật. Được dạy dỗ bài bản, nhiều học sinh bậc THPT ở trường thầy Khánh có nhận thức, tư duy không thua kém các bạn bình thường, đồng trang lứa. "Các em rất hăng say học tập và sẽ tiến bộ đáng kể khi được học đến nơi, đến chốn", ông Khánh nói.

Nguyễn Hà Hải Nguyên, học sinh lớp 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Tân Bình được cô giáo hướng dẫn học Toán, Tiếng Việt tại nhà, tháng 12/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Nguyễn Hà Hải Nguyên, học sinh lớp 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Tân Bình, TP HCM được cô giáo hướng dẫn học Toán, Tiếng Việt tại nhà, tháng 12/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhiều lãnh đạo các trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cũng chỉ ra những nguyên nhân tương tự xuất phát từ gia đình: thiếu điều kiện học tập, sự hỗ trợ từ người thân.

Cũng giống như học sinh bình thường, thiết bị học tập của học sinh khuyết tật ở mỗi gia đình không đồng đều. Có gia đình đầy đủ điện thoại, laptop cho con nhưng có gia đình chỉ có chiếc điện thoại cũ.

Nhiều phụ huynh không có kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh để hướng dẫn con học tập trực tuyến. Trong khi đó, nếu không có người kèm cặp, học sinh khuyết tật rất lúng túng khi tương tác qua màn hình.

Bà Hà Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập Tân Bình, TP HCM cho rằng, để giải quyết những khó khăn này, trường học phải linh động các phương thức dạy học.

Từ đầu năm học, giáo viên tại trung tâm này đã liên hệ với phụ huynh, hướng dẫn một số cách sử dụng nền tảng học trực tuyến tại nhà. Sau khi thu thập thông tin, giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch bài học cho học sinh theo tuần, tháng.

Việc dạy online ở trung tâm được kết hợp với quay video hướng dẫn các kỹ năng, gửi cho phụ huynh và hướng dẫn họ tương tác cùng con. Nhiều trường hợp, giáo viên phải đến tận nhà giao bài, dạy học cho trẻ. "Điều này giúp tất cả các em đều được tiếp cận học tập trong bối cảnh đại dịch", bà Vân cho biết.

Học sinh trường Khiếm thính Lâm Đồng được dạy nghề trong giờ học tập ngoại khoá, tháng 3/2018. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh trường Khiếm thính Lâm Đồng được dạy nghề trong giờ học tập ngoại khoá, tháng 3/2018. Ảnh: Mạnh Tùng

Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dạy học trên cả nước, trong đó tác động mạnh đến cơ hội tham gia của trẻ khuyết tật.

Phó giáo sư Phạm Minh Mục, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chỉ ra, trẻ khuyết tật thường chậm nhớ, hay quên, thiếu tập trung, dễ bị xao nhãng. Nếu được học trực tiếp, giáo viên sẽ có những hoạt động cá nhân, phương pháp và kỹ thuật dạy học đặc thù.

Việc học hiện chỉ có thể diễn ra trực tuyến, nhưng không phải biện pháp nào dành cho học sinh khuyết tật cũng có thể chuyển được sang hình thức này. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều em khó phát triển kỹ năng.

Chưa kể, với một số trẻ, do không được tham gia các hoạt động để giải phóng năng lượng, các em có xu hướng tạo ra nhiều hành vi không phù hợp hơn. Những học sinh khó khăn trong giao tiếp cũng mất đi cơ hội gặp gỡ bạn bè, thầy cô, dẫn đến tình trạng một số kỹ năng được luyện tập cũng dần biết mất.

Để giải quyết việc này, ông Mục cho rằng, cần có sự hợp sức giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục trẻ khuyết tật. Trong đó, nhà trường là đầu mối thiết lập, vận hành sự tham gia của các bên liên quan. Chẳng hạn, trường sẽ nhận sự hỗ trợ thiết bị và đồ dùng dạy học cho học sinh từ các tổ chức, giữ liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đã thống nhất.

Phía cơ quan quản lý cần duy trì các hoạt động hỗ trợ dành cho học sinh khuyết tật, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng các bài học trực tuyến, tập trung cho các nhóm khuyết tật trí tuệ, khiếm thị, khiếm thính, rối loạn phổ tự kỷ. Tài liệu hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật cần được phổ biến đến gia đình và ngoài xã hội.

Theo báo cáo cuối năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 12.000 học sinh khuyết tật học chuyên biệt. Hệ thống trường dành cho học sinh khuyết tật chuyên biệt gồm hơn 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập và khoảng 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt công lập, chưa kể các trường, trung tâm tư thục.

Các trường, trung tâm cho trẻ khuyết tật cũng dạy văn hoá, hỗ trợ học sinh hòa nhập bằng hình thức trực tuyến trong thời gian nghỉ học phòng Covid-19.

Mạnh Tùng - Thanh Hằng