Danh sách bài viết

Niềm vui nhân đôi của thủ khoa đầu ra Đại học Y Hà Nội

Cập nhật: 25/10/2023

Tháng 11 là thời gian đáng nhớ của Nguyễn Thanh Hải (24 tuổi) khi vừa được vinh danh là một trong 90 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện ở Hà Nội; vừa biết mình trở thành á khoa kỳ thi bác sĩ nội trú. Sau hai tháng ôn 9 môn học, anh trở thành bác sĩ nội trú Sản phụ khoa.

"Mình tự hào với những gì đạt được. Đó là bước đầu trong hành trình còn dài phía trước", Hải nói.

2021 là năm thứ 19 liên tiếp TP Hà Nội tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Được vinh danh là những sinh viên có thành tích ấn tượng về học tập, rèn luyện và công tác Đoàn - Hội. Với tiêu chí này, sinh viên có điểm học tập cao nhất một trường nếu không có điểm rèn luyện xuất sắc sẽ không đủ tiêu chí để được xét chọn.

Nguyễn Thanh Hải là thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Thanh Hải là thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Thuận Châu, Sơn La, Hải là học sinh chuyên Hóa của trường THPT chuyên Sơn La. Đến trước lớp 12, Hải chưa từng nghĩ sẽ học Y, mà tập trung cho ba môn Toán - Lý - Hóa với mục tiêu trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội. Với Hải, đó là ngành "hot" của một trường "hot" - nơi để khẳng định năng lực.

Thế nhưng, một cuộc nói chuyện với anh trai khiến Hải thay đổi suy nghĩ. Người anh phân tích nhiều điều, trong đó đề cập đến việc bố mẹ đã có tuổi, bị bệnh xương khớp và cả dòng họ từ lâu đã mong đợi có một người theo ngành Y. Cuộc nói chuyện khiến Hải cân nhắc lại mục tiêu ban đầu.

Đó cũng là bước ngoặt khiến Hải hạ quyết tâm đỗ ngành Bác sĩ đa khoa của một trường Y nào đó, mà mục tiêu hàng đầu là Đại học Y Hà Nội, dù chỉ còn một kỳ để học thêm môn Sinh cho tổ hợp Toán - Hóa - Sinh.

Kết quả, Hải đạt 28,5 (cả điểm ưu tiên), thừa 0,75 điểm đầu vào. Chỉ "ở nhóm trung bình" khi vào trường, Hải tự tin vẫn có thể học tốt khi đã có định hướng rõ ràng.

Bước vào năm nhất, Hải thích thú khi được học ngay một số môn chuyên ngành như Giải phẫu, Y học cơ sở hay Sinh học tế bào. Lần đầu tiên, anh được tìm hiểu và quan sát các bộ phận trong cơ thể người một cách chân thực. Thế nhưng, việc phải học chuyên ngành ngay từ kỳ đầu cũng khiến nam sinh choáng ngợp.

"Do lượng kiến thức quá nhiều so với cấp THPT với nhiều thứ hoàn toàn mới, lại không được thầy cô dẫn dắt từng tí như thời phổ thông, có thời điểm mình không thể bắt kịp", Hải kể.

Hải trong lễ tuyên dương thủ khoa do TP Hà Nội tổ chức hôm 18/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hải trong lễ tuyên dương thủ khoa do TP Hà Nội tổ chức hôm 18/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bắt đầu từ kỳ II năm thứ ba, Hải được đi học lâm sàng ở viện. Từ đó, cứ sáng anh đến viện, 11h30 về ăn trưa rồi 13h30 lại lên giảng đường học lý thuyết. Có hôm trực đêm, ngay khi học xong ở trường, anh phải đến viện ngay. Đây là đặc thù của trường Y, khiến sinh viên vất vả hơn nhưng cũng là lợi thế để họ học đến đâu ứng dụng ngay tới đó.

Hải cho rằng đi lâm sàng là cách để học tốt và làm bài thi hiệu quả. Thay vì chia riêng lẻ lý thuyết và thực hành để học trước mỗi kỳ thi, Hải thường kiểm nghiệm ngay những gì được học vào thực tế. Anh học theo các bước: đọc kỹ sách để hiểu; chỗ nào không hiểu thì hỏi bạn bè, thầy cô; tập trung khi đi lâm sàng. Vì vậy, mỗi lần học lâm sàng, 9X thường tranh thủ xuống phòng cấp cứu để tiếp cận bệnh nhân từ đầu, cố gắng tự lập luận để đưa ra chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân suốt quá trình điều trị cho tới lúc ra viện.

Tận dụng tối đa thời gian học lâm sàng để hiểu bài, nắm bắt nhiều loại bệnh cũng giúp Hải có kiến thức rộng hơn để đưa ra những tư vấn cơ bản cho người thân trong gia đình. "Ngay từ năm ba, mình đã tìm hiểu và giúp bố mẹ cải thiện bệnh xương khớp. Giờ bố mẹ cũng đã đỡ nhiều", Hải chia sẻ.

Thời gian học lâm sàng giúp Hải hiểu hơn công việc và trách nhiệm của một bác sĩ. Anh vẫn nhớ như in lần trực ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hồi năm ba. Một nam bệnh nhân lớn tuổi bị trả về sau khi gặp những biến chứng nặng từ bệnh ung thư máu. Nhìn cảnh hai vợ chồng già lặng người khi bác sĩ giải thích, Hải không kìm được nước mắt. Anh đồng cảm với bệnh nhân, và rồi nghĩ đến những gì mình cần làm khi trở thành bác sĩ. "Một bác sĩ cần nhiều hơn cả kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp", Hải nói.

Hải trong một lần tham dự giải cầu lông trong khuôn khổ hội thao của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hải trong một lần tham dự giải cầu lông trong khuôn khổ hội thao của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp với tấm bằng bác sĩ loại giỏi (đạt 8,23/10), điểm rèn luyện xuất sắc cùng nhiều học bổng khuyến khích học tập, Hải thấy may mắn khi hoàn thành tốt 6 năm học đầy vất vả. Không ít sinh viên học trường Y bị stress nặng, phải điều trị, thậm chí nghỉ học, vì vậy, Hải cho rằng bất cứ sinh viên nào theo học ngành này cũng cần biết cách cân bằng.

"Mình luôn tuân thủ nguyên tắc học tập trung và chơi hết mình. Cầu lông chính là phương pháp giúp mình xả stress. Mình từng làm chủ nhiệm câu lạc bộ cầu lông của trường, tham gia nhiều giải đấu và mang về nhiều tấm huy chương. Bộ môn này giúp mình thoải mái để học tập tốt hơn", Hải chia sẻ.

Học cùng Hải 6 năm, Hồ Thị Giang khâm phục khả năng cân bằng giữa việc học và hoạt động thể dục thể thao của Hải. "Không biết bằng cách nào, Hải có thể cân bằng rất tốt, điều không nhiều sinh viên trường Y làm được. Bạn hiểu rất sâu nhiều vấn đề mà không cần học thâu đêm suốt sáng. Hải vẫn có thời gian hỗ trợ các bạn trong lớp và các em khóa dưới và vẫn có thời gian chơi thể thao, tham gia các hoạt động ở trường", Giang nói.

Hiện, 9X Sơn La chuẩn bị bước vào ba năm học nội trú chuyên ngành Sản phụ khoa. Anh cũng tự trau dồi các kỹ năng liên quan đến máy tính, tiếng Anh, giao tiếp để phục vụ công việc trong tương lai.

Dương Tâm