Danh sách bài viết

Thủ khoa tốt nghiệp sớm Đại học Bách khoa Hà Nội

Cập nhật: 25/10/2023

Tốt nghiệp sớm một học kỳ với số điểm 3.83/4, Trần Hữu Trí, 23 tuổi, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, hài lòng vì đạt được mục tiêu đặt ra. Thế nhưng, em chưa từng nghĩ sẽ giành danh hiệu thủ khoa đầu ra của trường. Cùng với điểm rèn luyện đạt 83/100, Trí trở thành sinh viên có điểm cao nhất trong 18 bạn tốt nghiệp xuất sắc được nhà trường khen thưởng năm nay. "Điều này khiến em khá bất ngờ. Em vui vì danh hiệu này như một dấu ấn để tự hào mỗi khi nhớ về quãng thời gian học tại Bách khoa", Trí nói.

Nhớ lại ngày đăng ký nguyện vọng vào trường, Trí bảo như một cơ duyên. Trở thành học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng, lúc ứng dụng Flappy Bird ra đời và được biết đến rộng rãi trên thế giới. Trí cũng ước mình làm ra được các ứng dụng vang danh người Việt như Flappy Bird nên sớm lựa chọn ngành Công nghệ thông tin cho bậc đại học.

Tìm hiểu thêm, nam sinh thấy có hai trường phù hợp với định hướng của mình là Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bách khoa Hà Nội. Em phân vân bởi nghe danh Bách khoa "dễ ra trường sớm", không phải bởi học dễ mà bởi kỷ luật rất chặt, hàng năm có nhiều sinh viên bị buộc thôi học. Cuối cùng em quyết định đăng ký cả hai trường.

Với Đại học Công nghệ, Trí sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển, nhưng không đỗ vào ngành yêu thích. Còn với Bách khoa, năm đó điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin là 8,82 (Toán nhân 2 cộng hai môn còn lại trong tổ hợp rồi chia cho 4), em đạt 8,85 điểm.

Trí là sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trí là sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trúng tuyển vào Bách khoa, Trí xác định học hành cẩn thận từ năm nhất để không bị đuổi ra khỏi trường sớm. Học kỳ đầu, các môn như Giải tích, Đại số, Vật lý không làm khó cựu học sinh chuyên Toán. Nhưng em cũng nhận được bài học vì quá tự tin.

Ở bài kiểm tra giữa kỳ môn Giải tích, Trí tự thấy làm đúng hết, nhưng khi trả điểm chỉ đạt 6. Trường không cho xem lại bài, Trí xin phúc tra nhưng điểm cũng không lên được. Đau đầu tìm nguyên nhân, Trí nhận ra lúc làm bài đã chủ quan, bỏ lỡ nhiều dữ kiện dẫn đến đáp số sai.

Với các môn xã hội như Pháp luật đại cương, Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Trí gặp khó khăn hơn nhiều. Em lúng túng ngay từ đầu bởi cách dạy nhanh, khối lượng kiến thức lớn. "Đến giờ em vẫn còn ấn tượng bởi thầy cô giảng rất nhiều trong một tiết. Nếu như một tiết Ngữ văn ở cấp THPT học 5 trang sách là cùng thì ở đây đến hơn 10 trang. Chưa hết tiết, nhưng bảng đã không còn chỗ trống", Trí nói.

Không giỏi việc học thuộc lòng lại phải học quá nhiều trong thời gian ngắn, Trí nghĩ cần thay đổi cách học sớm. Em dần trở nên cẩn thận hơn ở những môn đòi hỏi tư duy, tính toán, tìm ra phương pháp học phù hợp cho các môn thuộc lòng như vẽ bản đồ từ duy, vạch ý, từ khóa thay vì cố nhồi nhét hàng chục trang giấy.

Lê Tuấn Thành, bạn cùng lớp với Trí, đánh giá nam sinh có nhiều phương pháp học tập rất riêng cùng những ý tưởng hay trong các bài tập lớn. Chính điều này giúp Trí kết thúc kỳ I năm nhất với số điểm cao 3.53/4. Ngoài Pháp luật đại cương bị C+, các môn còn lại từ B trở lên.

"Mọi người vẫn thường nói Bách khoa học rất nặng, đạt bằng giỏi là quái vật. Kỳ I em đạt 3.53 - mức giỏi và chỉ cần lên 3.6 là đạt loại xuất sắc. Em mới nghĩ sao mình không cố vượt lên để lấy bằng xuất sắc cho hơn cả quái vật đi", Trí cười nói. Có mục tiêu, đến học kỳ II, em nghiêm túc học hành hơn, điểm số các môn xã hội được cải thiện, không còn điểm C nào trong bảng điểm.

Sang năm hai, thấy nhiều bạn đã biết lập trình, trong khi mình mới học các môn đại cương, chưa động nhiều đến chuyên ngành, Trí bắt đầu lo lắng. Em nghĩ mình cần đi vào thực tế, tiếp xúc với chuyên ngành sớm thay vì chỉ lo điểm số trên trường. Hơn nữa, học được kiến thức trong thực tế cũng giúp em thuận lợi hơn khi học ở trường. Nam sinh tìm kiếm công việc thực tập với mục tiêu "không cần được lương, miễn được kiến thức".

Trúng tuyển vào công ty startup, Trí có sáu tháng được đào tạo kỹ lưỡng về an toàn bảo mật. Sau đó, em được làm những phần việc giúp đỡ cho dự án của công ty và được trả lương đầy đủ. Do làm parttime, khi nào không phải học trên trường Trí mới đến công ty. Dù vậy, em luôn giữ nguyên tắc không mang việc về nhà vào buổi tối để có thời gian ôn bài trên lớp.

Việc thực tập sớm trước cả khi chưa học chuyên ngành hỗ trợ Trí nhiều trong việc học ở trường. Từ những bỡ ngỡ ban đầu khi đi thực tập với vốn kiến thức ít ỏi về công nghệ thông tin, em đã có thể áp dụng vào những gì học được vào các môn học ở trường nên tự tin hơn, đặt kỳ vọng có một kỳ đạt điểm tuyệt đối (4/4).

"Em không quá quan trọng điểm số phải nhất nhì, nhưng luôn đặt ra mục tiêu để có động lực phấn đấu", Trí nói. Phải sau ba học kỳ, Trí mới đạt được mức điểm tuyệt đối.

Trần Hữu Trí hiện thực tập ở VinBigdata. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trần Hữu Trí hiện thực tập ở VinBigdata. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đạt được điều mong muốn ở trường rồi, Trí đặt mục tiêu khác là trau dồi thêm kiến thức chuyên môn để làm việc. Em muốn thử thách bản thân ở một số lĩnh vực để tìm ra mảng phù hợp nhất khi ra trường. Từ làm về an toàn bảo mật, Trí chuyển sang công ty khác về trí tuệ nhân tạo. Em phải tự học thêm trên Internet, trau dồi tiếng Anh để đọc được các bài báo, tài liệu quốc tế nhằm phát triển ý tưởng thực hiện công việc công ty giao.

Làm về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Trí đưa luôn đề tài liên quan vào đồ án tốt nghiệp. Giai đoạn này, em đã ứng tuyển và được tham gia chương trình đào tạo nhân lực của Tập đoàn Vingroup. Chương trình đào tạo khá nặng, kéo dài 3 tháng nên thời gian nghiên cứu cho đồ án bị thu hẹp, chỉ còn cuối tuần và các buổi tối. May mắn, thầy giáo hướng dẫn hỗ trợ tận tình nên Trí bảo vệ thành công, tốt nghiệp sớm một kỳ với điểm tổng kết 3.83/4.

"Em không có kế hoạch tốt nghiệp sớm nhưng do hè năm nhất chơi nhiều, thấy thời gian nghỉ quá dài nên đăng ký một số tín chỉ học tập vào kỳ hè các năm sau. Em cũng đăng ký 18-20 tín chỉ mỗi kỳ chính thay vì 14-15 như kỳ đầu bởi thấy mình còn khả năng. Nhờ đó, em tiết kiệm được một học kỳ", Trí chia sẻ.

Do Covid-19, Đại học Bách khoa Hà Nội phải hoãn lễ tốt nghiệp. Điều này không ảnh hưởng nhiều tới Trí. Hiện, em đã hoàn thành chương trình đào tạo của Vingroup, đang thực tập cho phòng xử lý ngôn ngữ và tiếng nói của VinBigdata. Tháng 9 này kết thúc, Trí dự định tìm cơ hội học thạc sĩ ở một trường công nghệ có thứ hạng cao trên thế giới.

Nhìn lại hơn bốn năm đại học, Trí cho rằng điều giúp em đạt danh hiệu thủ khoa là luôn đặt ra mục tiêu cụ thể và thực tập sớm. "Khung chương trình có một môn là thực tập doanh nghiệp, kéo dài khoảng 2-3 tháng. Nếu chỉ thực hiện theo đúng chương trình, có lẽ em không đạt được những thành quả như hôm nay", Trí nói.

Dương Tâm