Danh sách bài viết

Tranh cãi về xóa sổ lớp không chuyên trong trường chuyên

Cập nhật: 26/10/2022

Trong dự thảo Thông tư về quy chế và hoạt động của trường THPT chuyên (trường chuyên), Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất không tổ chức các lớp không chuyên. Trường chuyên sẽ chỉ duy trì các lớp theo môn học thuộc chương trình phổ thông, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), đồng tình với đề xuất của Bộ. Ông cho rằng "cần đưa trường chuyên về đúng bản chất" là "phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu về một số môn học". Điều này được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ tại Thông tư 20 năm 2014 về quy chế tổ chức, hoạt động của trường chuyên. "Không thể lẫn lộn các học sinh chuyên và không chuyên, dù các em cùng mang phù hiệu trường chuyên", ông Phú nói.

Theo hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, trường chuyên được nhà nước ưu tiên đầu tư nguồn lực cùng nhiều chính sách ưu đãi. Do đó, lớp thường trong trường chuyên sẽ làm hao tổn nguồn lực, khiến ngân sách đầu tư chưa đến đúng người thụ hưởng.

Chưa kể, ông Phú cho rằng việc phân công giáo viên dạy cả lớp chuyên và không chuyên tạo sự chồng chéo, bất hợp lý trong việc chi trả các ưu đãi lấy từ ngân sách nhà nước.

Theo Nghị định 61 năm 2006 của Chính phủ, cán bộ, giáo viên công tác tại trường THPT chuyên được hưởng phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc, cùng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung. Ngoài các ưu đãi này, cán bộ, giáo viên trường chuyên còn được hưởng trách nhiệm công việc, hệ số 0,3 so với mức lương tối thiểu, tương đương 0,3 x 1,49 triệu đồng = 447.000 đồng/tháng.

"Thầy cô dạy cả hai loại hình lớp mà hưởng phụ cấp của giáo viên trường chuyên thì chưa thỏa đáng, có thể dẫn tới tình trạng trục lợi chính sách", ông Phú nói.

Thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội), ngày 1/6. Ảnh: Thanh Hằng

Thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội), ngày 1/6. Ảnh: Thanh Hằng

Hiện, cả nước có 78 trường chuyên (7 trường thuộc đại học, còn lại thuộc tỉnh, thành phố). Trong đó, gần một nửa tuyển sinh hệ không chuyên.

Dù việc tồn tại hai mô hình lớp tại trường chuyên không gây ra bất cập lớn về tổ chức và quản lý, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cũng cho rằng chỉ nên mở lớp chuyên trong trường chuyên. "Bỏ lớp không chuyên thì học sinh vẫn có thể học tại các trường thường. Hiện các trường này cũng vẫn có các loại hình lớp chọn, phân ban", ông Ngai nói.

Tại TP HCM và Hà Nội, ngoài mô hình lớp thường trong trường chuyên còn có một số trường THPT không chuyên được tuyển lớp chuyên: Chu Văn An, Sơn Tây (Hà Nội), Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hữu Huân, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi (TP HCM). Các nhà giáo cho rằng cũng nên xóa bỏ mô hình lẫn lộn này. "Tôi cho rằng trường thường chỉ nên có lớp thường, và trường chuyên cũng chỉ có lớp chuyên. Nếu cứ lẫn lộn như vậy, trường nào cũng đòi mở lớp chuyên có ổn không?", ông Phú đặt câu hỏi.

Có quan điểm khác, TS Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội), cho rằng thay vì xóa sổ lớp không chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên để các cơ sở đào tạo tự quyết dựa vào nhu cầu, tiềm lực của mình.

Theo ông Tiến, các trường chuyên thường được bố trí tại những nơi có mật độ dân số cao, nên hàng năm số thí sinh dự thi đông. Trong khi đó, chỉ tiêu chỉ khoảng 350-400 học sinh mỗi trường.

"Một kỳ thi không thể đánh giá chính xác tuyệt đối năng lực của học sinh. Có những em sơ sẩy, làm bài không tốt nên trượt, dù có năng lực và điểm xấp xỉ ngưỡng trúng tuyển", ông Tiến nói và cho rằng việc mở lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ trao cơ hội cho những học sinh này. Các em sẽ được trải nghiệm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chất lượng như một học sinh chuyên.

Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm hiện vẫn tuyển sinh lớp không chuyên (lớp chất lượng cao). Ông Tiến cho biết mô hình này được hình thành và duy trì khoảng 10 năm nay. Hàng năm, trường vẫn xét thành tích của học sinh tại lớp không chuyên, nếu đạt điều kiện có thể được chuyển lên lớp chuyên. Ngược lại, học sinh không theo kịp chương trình chuyên được cân nhắc chuyển về lớp không chuyên.

Đồng tình với quan điểm TS Vũ Văn Tiến, ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng nên để các trường và địa phương tự quyết việc có nên mở lớp không chuyên, căn cứ vào nguồn lực, đội ngũ giáo viên. Bộ có thể đưa ra một mức tối đa hoặc duy trì quy định số học sinh không chuyên tối đa bằng 20% tổng học sinh trong trường chuyên đang được áp dụng.

Tại trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, mỗi khóa tuyển sinh hai lớp không chuyên trên tổng 13 lớp chuyên. Ông Duy đánh giá tỷ lệ này phù hợp, không nhiều. Học sinh lớp không chuyên học chương trình THPT đại trà, chủ yếu được dùng làm nguồn để tuyển chọn lên các lớp chuyên khi học sinh chuyên chuyển trường.

Tầng 2 rộng 400 m2 của thư viện trong trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ( TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Tầng 2 rộng 400 m2 của thư viện trong trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ( TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Về việc phân công và sắp xếp giáo viên dạy cả lớp chuyên và không chuyên, hiệu trưởng Vũ Văn Tiến cho biết không gặp khó khăn hay tạo ra bất cập. Theo ông, về bản chất, giáo viên lớp chuyên Toán vẫn dạy môn này ở các lớp chuyên khác, không khác so với dạy các lớp không chuyên.

Ông Tiến nhận định việc tồn tại hai loại hình lớp giúp trường chuyên đa dạng học sinh. Khi đó, các phong trào, câu lạc bộ sẽ hiệu quả hơn, tạo môi trường học tập năng động, tích cực.

Trước quan điểm này, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Nguyễn Văn Ngai cho rằng các trường chuyên có thể đề xuất tuyển thêm lớp chuyên. "Chẳng hạn trước kia một lớp Toán, 35 học sinh, giờ có thể tuyển hai lớp. Số lượng lớp của từng chuyên không nhất thiết đều nhau, cần căn cứ vào số học sinh đăng ký dự thi hàng năm", ông Ngai nói.

Bên cạnh đó, trong trường hợp mỗi năm, sĩ số từng lớp hao hụt do học sinh chuyển trường, ông Ngai đề xuất tổ chức một hoặc nhiều bài kiểm tra đầu vào, trao cơ hội cho học sinh các trường THPT không chuyên. Ông cho rằng không nhất thiết duy trì nhiều lớp không chuyên chỉ để làm nguồn để đưa lên lớp chuyên.

Dù vậy, Phó Giám đốc Phạm Khương Duy cho rằng không dễ để tăng số lớp chuyên vì còn liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cần được tỉnh phê duyệt.

Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được lấy ý kiến từ 14/10 đến 14/12. Theo khảo sát của VnExpress, trong 1.563 người tham gia trả lời, 851 người (tương đương 54%) cho rằng nên giữ lại lớp cận chuyên, chất lượng cao, còn 712 người đồng ý xóa bỏ mô hình các lớp này trong trường chuyên.

Kết quả khảo sát của VnExpress, tính đến 21h ngày 25/10. Ảnh chụp màn hình

Kết quả khảo sát của VnExpress, tính đến 21h ngày 25/10. Ảnh chụp màn hình

Hiệu trưởng Vũ Văn Tiến nhận định các trường chuyên đang có sự thay đổi về định hướng đào tạo, không chỉ tập trung vào các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế mà phát triển học sinh toàn diện. "Trường chuyên phải là hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và môi trường giáo dục, nên trong trường chuyên cần có nhiều mô hình đào tạo khác nhau", ông Tiến nói.

Thanh Hằng


Nguồn: /

Thêm hàng loạt đơn vị được liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Giáo dục và đào tạo

Hôm nay 11.5, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã công bố danh sách mới nhất các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam.

169 thí sinh thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại Quy Nhơn

Giáo dục và đào tạo

169 thí sinh ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định).

IDP và Hội đồng Anh cấp hơn 124.000 chứng chỉ trong 1 năm: 'Sức nóng' của IELTS

Giáo dục và đào tạo

Tổng số chứng chỉ IELTS do IDP và Hội đồng Anh cấp trong năm 2022 hơn 124.000 phần nào phản ánh sự sôi động của thị trường luyện thi, cũng như nhu cầu ngày càng tăng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Hơn 90.000 chứng chỉ tiếng Anh bị cấp sai quy định: Hội đồng Anh khẳng định gì?

Giáo dục và đào tạo

Hội đồng Anh chính thức lên tiếng về kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng đơn vị này cấp sai quy định hơn 90.000 chứng chỉ IELTS, Aptis trong năm 2022.

7.000 giáo viên nghỉ việc: Sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi vẫn làm ngành khác

Giáo dục và đào tạo

Mới đây, dư luận chú ý với số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8.2023 đến tháng 4.2024 có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó ở bậc mầm non, khoảng 1.600...

Bao nhiêu trường được tổ chức thi tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc?

Giáo dục và đào tạo

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) vừa công bố danh sách các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cập nhật đến tháng 4.2024.

Phụ huynh nhận đơn in sẵn 'xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10'

Giáo dục và đào tạo

Ngày 11.5, trên các diễn đàn mạng xã hội lan truyền lá đơn có tựa đề 'Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2024-2025' được cho là xuất phát từ một trường THCS tại...

Những lưu ý cho thí sinh sau khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Giáo dục và đào tạo

17 giờ hôm qua (10.5), việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã kết thúc. Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đưa ra một số lưu ý sau thời điểm này.

Khó khăn trong phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS

Giáo dục và đào tạo

Công tác phân luồng học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS gặp nhiều khó khăn, thách thức do bệnh thành tích và tâm lý của phụ huynh.

4 chàng 'thi cho vui', ẵm ngay 4 giải nhất giải toán trên máy tính cầm tay

Giáo dục và đào tạo

'Với trường em thì kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay là một sân chơi, tụi em cũng xác định đi thi cho vui thôi, nào ngờ mới 'bung' một chút thì...