Danh sách bài viết

Trường ở trung tâm ủng hộ điều chỉnh hệ số môn thi lớp 10

Cập nhật: 25/10/2023

Ngày 11/3, một ngày sau khi biết đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo giảm hệ số từ 2 xuống 1 với môn Toán và Văn trong kỳ thi lớp 10, Cải Thị Trâm Anh (học sinh lớp 9, THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) tỏ ra vui mừng.

Từ đầu năm, nữ sinh đã chú trọng môn tiếng Anh với nguyện vọng đăng ký vào 3 trường THPT Ngô Quyền, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trãi. "Em thấy đề xuất này hợp lý, giúp học sinh bớt lo lắng. Hiện, em chỉ cần tập trung ôn đều ba môn, hệ thống chắc kiến thức để đạt được điểm tốt nhất", Trâm Anh nói.

Tường Vy, học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cũng ủng hộ cách tính điểm này, bởi nữ sinh vốn học tốt tiếng Anh, sẽ có lợi thế hơn. "Cơ hội trúng tuyển nguyện vọng một của em sẽ cao hơn", Vy nhận định.

Thạc sĩ Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, ủng hộ việc điều chỉnh hệ số các môn thi và cho rằng sự thay đổi này không ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, học tập. "Từ đầu năm học chúng tôi đã xác định cho các em lớp 9 phải học tốt các môn, không có tư tưởng chỉ cần giỏi một môn là có thể gánh các môn còn lại. Phần lớn học sinh cũng tập trung học tiếng Anh rất tốt", ông Khánh cho biết.

Theo ông Khánh, Ngoại ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh vốn là môn học nổi trội của học sinh TP HCM so với cả nước, qua các kỳ thi THPT quốc gia. Ngay tại kỳ tuyển sinh lớp 10 thành phố, môn này có phổ điểm tốt nhất. Do đó, sự thay đổi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập và thi cử của học sinh.

Trong tương lai, ngoại ngữ là công cụ quan trọng cho việc học lên cao, công việc của học sinh, do đó đầu tư đúng mức cho môn này là cần thiết. Ông Khánh cho rằng, quy định hệ số điểm ba môn bằng nhau sẽ tạo ra một cách học tích cực, thầy cô và học sinh không còn khái niệm "môn phụ, môn chính".

Thí sinh dự thi lớp 10 công lập tại TP HCM hồi tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thí sinh dự thi lớp 10 công lập tại TP HCM hồi tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Một số hiệu trưởng trường trung học khác ở quận 1, 3, Bình Thạnh cũng cùng quan điểm, ủng hộ chủ trương đổi mới trên.

Theo dõi sát sao, phân tích dữ liệu kỳ thi lớp 10 ở TP HCM hàng chục năm nay, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) đánh giá "đây là một bước đột phá trong tuyển sinh".

Thầy Minh cho biết, Toán, Văn sở dĩ được nhân hệ số 2 bởi thời lượng hai môn này trong chương trình từ trước đến nay là lớn nhất, thường gấp 2-3 lần môn khác, trong đó có Ngoại ngữ. Hiện, trong chương trình giáo dục phổ thông, thời lượng Ngoại ngữ đã được tăng lên do chủ trương đổi mới, tăng cường môn này, khá cân bằng với hai môn còn lại.

Ngay cả tư duy của trường khi nhìn nhận về Ngoại ngữ cũng thay đổi. Trước đây, nhiều người chỉ xem môn học này là công cụ để tiếp cận kiến thức, làm việc nhưng nay Ngoại ngữ trở thành nền tảng, kỹ năng phải có trong thời buổi hội nhập.

Khi điều chỉnh hệ số tính điểm ba môn tương đồng, đồng nghĩa với việc tỷ trọng điểm môn Ngoại ngữ trong điểm xét tuyển tăng lên so với cách tính cũ (từ 1/5 lên 1/3 điểm xét tuyển). Theo ông, dù có thay đổi ngay trong năm nay không ảnh hưởng đến việc dạy và học ở trường, bởi chương trình được phân phối từ đầu năm. "Đây chỉ là thay đổi cách tính điểm xét tuyển chứ không thay đổi nội dung học tập nên không cần quá lo lắng. Việc để hệ số điểm các môn tương đồng là hợp lý về nhiều mặt", thầy Minh nói.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo các trường ngoại ô tỏ ra e ngại trước đề xuất trên của Sở. Hiệu phó một trường THCS ở TP Thủ Đức cho biết, mặt bằng chung ở trường này và nhiều trường lân cận, tiếng Anh là môn học kém nhất của học sinh. Hằng năm, trường có 80-90% học sinh lớp 9 đậu vào lớp 10 công lập, song chủ yếu do Toán và Văn "gánh" điểm xét tuyển. "Nếu thay đổi ngay trong năm nay, e rằng sẽ thiệt thòi cho học sinh bởi nhiều em không đầu tư đúng mức cho môn này từ đầu năm. Với cách tính mới này, tôi lo tỷ lệ đậu lớp 10 sẽ giảm", ông nói.

Tương tự, thầy cô các trường THCS ở vùng ngoại thành, các huyện trăn trở, học sinh vùng ven ít có điều kiện học tập tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, điều kiện học trong trường không tốt như học sinh nội thành. Có nơi khó khăn, ngoài việc học, học sinh phải phụ giúp cha mẹ công việc gia đình.

"Ngoại ngữ ở đây tệ lắm. Học cấp một, học sinh trong thành phố đã biết nói tiếng Anh đơn giản nhưng ở đây không như vậy. Điểm xuất phát thấp nên tăng tỷ trọng điểm tiếng Anh lên sẽ bất lợi cho các em trong tuyển sinh", một giáo viên THCS ở huyện Cần Giờ cho hay.

Thí sinh ôn tập môn Văn trước giờ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Ảnh: Mạnh Tùng.

Thí sinh ôn tập môn Văn trước giờ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hôm qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết Sở đang trình UBND TP HCM dự thảo thay đổi cách tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Mọi năm, điểm xét tuyển được tính theo công thức Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2 cộng với điểm Ngoại ngữ hệ số 1 và điểm ưu tiên nếu có. Năm nay, các môn dự kiến đều được tính hệ số 1; đề Ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi, thời gian làm bài từ 60 phút lên 90 phút.

Lý giải cho đề xuất này, ông Hiếu cho rằng việc học Ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng khi Chính phủ đã ban hành Đề án ngoại ngữ quốc gia để các địa phương tập trung đầu tư cho việc này, biến ngoại ngữ thành thế mạnh. TP HCM cũng có một đề án phát triển ngoại ngữ cho học sinh với mục tiêu các em đạt được chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, có thể tiếp cận chương trình học của các nước, tự tin du học.

Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cũng đề cao vai trò ngoại ngữ khi môn này cùng với Văn, Toán là tiêu chí quan trọng xếp loại học lực. Học sinh muốn đạt loại giỏi phải có điểm trung bình các môn từ 8 điểm trở lên, điểm trung bình của một trong ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8 trở lên.

Ngoài ra, thời lượng học môn ngoại ngữ ở bậc THPT bằng với môn Ngữ văn, tức là 105 tiết mỗi năm. Do đó, việc điều chỉnh hệ số 3 môn thi bằng nhau trong tuyển sinh là định hướng phù hợp.

"Việc nâng tầm ngoại ngữ phải được thể hiện qua thời lượng, cách đánh giá. Sự thay đổi hệ số thi trên với mong muốn phát triển đẩy mạnh việc dạy và học môn ngoại ngữ trong nhà trường", ông Hiếu nói.

Phó giám đốc Sở cho rằng, sự thay đổi này không làm xáo trộn công tác dạy và học ở các trường phổ thông trong định hướng kế hoạch từ đầu năm học. "Định hướng đề thi giống các năm trước, nội dung nằm trong phạm vi chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Câu hỏi trong đề thi không chú trọng vào việc kiểm tra lý thuyết đơn thuần mà nhằm vào việc đánh giá năng lực học sinh", ông Hiếu cho biết.

Hằng năm, thành phố có khoảng 80.000 học sinh tốt nghiệp THCS, đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10, trong đó khoảng 70% thí sinh đậu vào trường công, 30% rớt sẽ học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề. Kỳ thi dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6.

Mạnh Tùng - Diệu Uy