Danh sách bài viết

Văn chương cứu rỗi nhân loại

Cập nhật: 27/12/2017

1. Cứu rỗi tự thân - Đào luyện bản ngã

Văn là người! Văn chương bởi con người, cho con người và vì con người. Song văn chương không phải là con người bằng xương bằng thịt mà văn chương là ý nghĩa, là hình ảnh về con người. tuy vậy văn chương không chỉ là hình ảnh giống như chiếc bóng của con người đổ xuống mặt đường, đổ lên tường vách, lên cuộc đời, mà văn là con người ở mức cao hơn, một con người đang phóng về phía trước với dự phóng cao cả siêu việt của nó bằng một ý chí làm người mỗi ngày một người hơn. Bởi vậy mà chữ Văn được xem xét như là đã vượt qua chặng bán khai mọi rợ để đi vào ánh sáng minh huệ. Và khi con người đã tiến bộ về tâm thức, tình bác ái và lối sống thì con người được xem như là đang bước vào con đường nhân văn, nhân bản và nhân đạo. Đó là chữ VĂN, nghề VĂN trên bình diện phổ quát, còn ở phương diện đặc thù: Văn là con người, nhưng con người của chữ nghĩa và giáo dục và con người đó hành động vì chữ nghĩa và giáo dục.

Nhà văn là ai? Anh ta thiết yếu là con người của chữ nghĩa, bởi chữ nghĩa và cho chữ nghĩa. Tất yếu không có nhà văn mù chữ, nhà văn tuyệt đối vô học. Khi nói nhà văn của chữ nghĩa thì không có nghĩa là nhà văn chỉ làm cái việc:

Nghề xếp chữ ôi nghề con trẻ
Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu
(Xuân Diệu)

Chữ nghĩa không phải món rêu rao làm hàng suông cho cuộc đời, hoặc đọc véo von để phỉnh nịnh đôi tai thích nghe vần điệu, âm thanh, hoặc kích động tâm trí thích giật gân kỳ quái của những tâm hồn nông nổi. Chữ nghĩa tự thân phải hướng đến nhiệm vụ đền trả những bó lượm ngôn từ, kiến thức mà nó gặt hái trên cánh đồng giáo dục bằng cách gieo trồng lại chính chữ nghĩa cho cánh đồng đó. Hơn nữa bổn phận của chữ nghĩa phải hướng đến chân lý, công lý, và đạo lý làm người.

Văn là người. Vậy chúng ta phải hướng đến con người nào? Con người tinh khiết trong suốt như pho tượng thánh pha lê? Hay con người trầm đục u mê trong lạc thú như động vật? Không! Chúng ta hướng đến một con người chẳng phải thần thánh cũng chẳng phải động vật, một con người ở giữa trần gian, một con người ở trên đất đứng giữa thế giới này, một con người nhân loại cao cả như Kant nói: “Con người vì thuộc về nhân loại, là một cứu cánh tự thân và không phải bị hạ xuống cấp phương tiện”.

Con người là “một cứu cánh tự thân” nghĩa là con người phải là mục đích nhắm tới chính mình, con người là cứu cánh tối hậu của mình, là chủ nhân ông tôn vinh mình lên xứng với nhân phẩm cao cả nhất như hình ảnh và trí tuệ của con người ở bên trên tất cả những tạo vật khác, và con người sẽ sống với nhau - với bạn đời của mình trong sự tin cậy, bình đẳng và nhân ái xứng đáng như thể cuộc sống là trọn vẹn cho con người và vì con người. Con người tận hiến cho chính con người, cho xã hội của con người chứ không phải là vật thí thân cho bất kể mục đích phi nhân bản - hoặc ngoài mục đích của con người. Lý tưởng cần đạt đến con người chính là con người, đó là lý tưởng về một nhân loại lương hảo, công chính, tự do, và bác ái.

Con người là cứu cánh của con người !
Con người là lý tưởng của con người !

Cứu cánh là gì? Lý tưởng là gì? Cùng đích điều đó có phải là tinh thần thăng tiến đưa thân xác con người vào dự phóng – vào giá trị của một tâm hồn khao khát thăng hoa tuyệt đối. Hegel đã chẳng từng nói: “Cứu cánh là cứu cánh của tinh thần”. Bởi thế khi nhắm đưa con người vào cứu cánh, sứ mệnh của văn chương có thoát khỏi bổn phận cứu vãn linh hồn mà Platon nhắc nhở: “Người ta hết lòng chăm sóc đến sự giầu có, danh vọng mà không để ý đến tư tưởng, sự cứu vãn linh hồn”(Apologie). Còn ngả đường nào khác hơn nữa? Văn chương còn định làm gì khác hơn là tham dự vào cuộc hành trình của tư tưởng và khích khởi linh hồn? Chúng ta hãy bám sát cái sứ mệnh chữ nghĩa của văn chương, thì thấy rằng: Chữ nghĩa chỉ là hình ảnh, là ý nghĩa cuộc đời, về cuộc đời, chứ không phải chính thực tại cuộc đời đang phập phồng thở thứ dưỡng khí của trần gian. Đời sống văn chương là đời sống ảo huyền hoặc của bút mực đang hành trình trên những trang giấy phi thực tại.

Nhưng văn chương là gì? Nó là hình ảnh, là biểu tượng, là quan niệm, vậy nó thiết yếu sát cánh với đời sống suy tưởng và đời sống tinh thần. Một cuốn sách không ăn được, nhưng nó là thức ăn để bổ dưỡng tinh thần. Tuy nhiên văn chương không phải là thứ mây ngũ sắc phiêu lãng bồng bềnh trôi trên tận tầng trời bỏ mặc trần gian lam lũ trong những thân xác nặng nề. Linh hồn là linh hồn khi nó thiết yếu sát cánh và cấu kết với thân xác, và trong dự phóng cao cả của mình, nó muốn đưa đưa người anh em thể xác cật ruột của nó về cứu rỗi nơi ngưỡng cửa mở vào trời. Đó là đời sống toàn diện của con người: linh hồn và thể xác. Đó cũng là lẽ sống toàn diện của văn chương: cứu rỗi linh hồn và thể xác cùng một trật. Nhưng trước hết chúng ta hãy cứu rỗi thân xác đã, bởi thân xác luôn bị dè bỉu, hạ thấp và quên lãng như một công dân thấp cổ bé họng hay ô uế của nước tâm hồn. Trong Kinh Cựu Ước, sách Cô-rinh-tô, Chúa Trời có phán: “Đối với bộ phận ta cho là ô nhục, ta phải săn sóc hơn cả. Như bộ phận nhục dục chẳng hạn, ta phải chăm nom như thể vinh hạnh nhất. Còn đối với bộ phận tự nhiên đã cao quí, thì ta không cần tôn trọng bằng”.

Thân xác phải được tôn trọng như một sáng tạo sáng láng kề cận cùng linh hồn. Vả lại trong vương quốc cứu cánh siêu việt cao vòi vọi của linh hồn, thân xác là nền móng, nó phải được coi sóc tận tình như một công dân chịu nhiều thiệt thòi nhất – đó cũng là bổn phận bình đẳng và biết ơn của linh hồn, thánh Bernard nói: “Cái thiêng liêng không đi trước cái súc vật, trái lại cái thiêng liêng chỉ đến sau, vì vậy trước khi mang hình ảnh người cõi trời, chúng ta phải bắt đầu mang hình ảnh người cõi thế.”

Một Đức Chúa Jê-su chịu đóng đanh trên thập giá để chở mang bớt gánh nặng ô nhục của kiếp người đầy đoạ trần gian, và Ngài hứa trở lại trong ngày tận thế để cứu vớt những công dân của Ngài. Và nhân danh Đức Chúa Cha, Ngài đã tuyên xưng để an lòng kẻ dưới thế: “Nước trời không phải ở trần gian này nhưng bắt đầu từ trần gian này”.

Một Đức Phật đã ngộ Niết bàn trở lại cõi phù sinh trầm luân bể khổ để cứu độ chúng sinh còn mê muội, với một nỗi niềm day dứt rằng: “Còn một chúng sinh nào chưa thành Phật, thì ta cũng chưa thành Phật”.

Vậy nhà văn làm gì, tham dự vào cuộc đời để cứu rỗi cuộc đời? Văn chương vì mọi người và cho mọi người. Nhưng trước hết và mãi mãi là vậy, văn chương nhắm đến mọi người qua từng nhịp cầu tâm hồn, từng trái tim độc giả. Văn chương trước hết là một cuộc đối thoại với độc giả của một tâm hồn văn sĩ riêng biệt, nó là cuộc đối thoại chữ nghĩa nhân văn của trái tim phóng rọi và trái tim hấp thụ, và ngược lại là cuộc đối thoại của những tia sáng phản tỉnh - độc giả với tâm thức tiếp thâu của nhà văn.

Nhưng mà khởi đầu văn học cứu rỗi ai? Berger nói: “Văn chương bao giờ cũng là một nỗ lực giải phóng cá nhân”.

Đây là nền tảng đầu tiên, và ít nhất nếu bạn muốn phản đối điều đó, thì bạn cũng nên chấp nhận nó như bước khởi đầu sáng tạo của bản ngã nhà văn.

Nhà văn là ai?

Trước hết anh phải là anh đã, nghĩa là anh phải mang lấy bản ngã của mình như một tác giả có bản ngã riêng biệt, và từ bản ngã ấy anh mới hình thành lên tác phẩm với những nhân vật của mình. Cái bản ngã của anh để xác định rằng: tác phẩm là của anh, tư tưởng tác phẩm là của anh, bút pháp là của anh.

Nhà văn sáng tạo trước hết là bởi mình, qua mình, sau đó mới từ mình phóng rọi đến độc giả thị kiến của mình. Tác phẩm của nhà văn chỉ là một bức thư nhiều trang đời ấp ủ của tác giả gửi đến người tình : bạn đọc. Simenon nói: “Viết lách không phải là một nghề nghiệp mà là một khuynh hướng về bất hạnh.

Tại sao vậy? ... Nếu một người có nhu cầu thúc bách phải trở thành nghệ sĩ bởi vì hắn cần tìm kiếm mình qua những nhân vật của hắn, qua tất cả các tác phẩm của hắn” (1).

Nhà văn là bản ngã của mình, bởi lẽ nhà văn có bổn phận phải mang lấy danh tác giả của mình, nhà văn hứng lấy cuộc thăng trầm khốc liệt của thời gian, đón nhận vinh quang của giới bạn đọc, cũng như búa rìu từ tứ phía của công luận. Nhà văn mang lấy tên mình, anh không trốn nổi khỏi bản ngã của mình cũng như không thể nào biệt xứ khỏi thân phận văn chương của mình. Và khi nhà văn muốn cứu rỗi mình như cứu rỗi một bản ngã đầu tiên trên thế giới cũng là lẽ đương nhiên và chính đáng. Sartre đã trình bày cuộc cứu rỗi bản ngã bế tắc của mình như: “Về sau tôi đã trình bày vui vẻ rằng con người thật là bế tắc, tôi đây cũng bế tắc, nhưng tôi khác người ở chỗ tôi có sứ mệnh tuyên bố sự bế tắc ấy ra, nhờ đó sự bế tắc này được biến hình, trở thành khả thể thâm sâu nhất của tôi, bàn đạp cho vinh dự của tôi” (2).

Sự giải thoát bế tắc của nhà văn được xem như nỗ lực đầu tiên để biến cải và đào luyện chính mình trở thành một tiềm năng với khả thể thâm sâu nhất. Nhà văn mang trọng trách như một ngọn đèn muốn phóng rọi vào tinh thần nhân loại ánh sáng nhân văn tự bản ngã của mình, bởi thế việc đầu tiên của nhà văn là phải trải nghiệm thử thách và biết tự đào luyện mình trở thành một bản ngã ưu tú và riêng có, như vậy mới mong toả sáng hay tham dự vào cuộc dấn thân cứu rỗi con người một cách xứng đáng nhất. Bởi vậy, trước sáng tạo, trước sự toả rọi của tia chiếu sáng tạo cần đào luyện, cứu rỗi chính bản ngã sáng tạo của mình. Thích Minh Châu nói: “ Chỉ có một cuộc cách mạng quan trọng và có ý nghĩa, đó là cuộc cách mạng nội tâm của cá thể sáng tạo. Cách mạng nội tâm là cuộc cách mạng của ý thức, của tư tưởng toàn diện con người” (3)

Sau cuộc cách mạng nội tâm bùng nổ, cá thể sáng tạo phải lên đường, lên đường thực hiện sứ mệnh của mình bởi một lẽ vô cùng hiển nhiên là mọi đời sống đều phải thực hiện cứu cánh của nó, và mọi năng lực đều nhắm tới sự giải thoát toàn diện con người khỏi đời sống gian truân còn hằn sâu dấu vết đoạ đầy. Con người như một Odyssey dũng lược muốn chủ động bước vào cuộc hành trình gian nan trắc trở mong tìm về quê hương, chốn hạnh phúc của mình, chứ không chịu há miệng chờ sung đón đợi ân sủng cứu rỗi từ thiên thai Ô-lanh-pơ rót xuống, mà trước hết con người muốn tự cứu rỗi lấy mình bằng chính hành động của mình. Sartre đã nói: “Có Chúa hay không có Chúa, cũng vậy thôi, con người vẫn phải tự cứu rỗi lấy mình”.

Bạn có nghĩ rằng sẽ có một Thiên Chúa mặc áo cho bạn không? Có một Thiên Chúa bón mớm cho bạn không? Không! Thiên Chúa cho chúng ta hoa hồng, chúng ta hãy chịu khó trưng cất lấy nước hoa cho đời sống của mình. Có một châm ngôn là: “Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, còn con người tạo dựng những quốc gia của mình”. Bạn thử nghĩ xem, nếu như có một Thiên Chúa toàn năng đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không muốn cất khỏi vai con người gánh nặng phải tự đào luyện lấy mình, mà ngược lại Thiên Chúa còn đổ thêm xuống đầu con người những gian nan đầy thử thách, những nẻo đường chông gai, những nạn hồng thuỷ, những núi lửa, những động đất... để thử sức xem con người có ngã lòng? Không! Dù thế nào đi nữa, con người luôn phải xây lấy diện mạo của mình, xây lên đất đứng của mình, và xây nên lịch sử của mình. Đó là sự nghiệp của con người, một sự nghiệp bất khả từ thác trách nhiệm khi con người phải mang lấy sứ mệnh làm người.

Song con người không chỉ thiết kế thế giới của mình bằng những thành phố, hệ thống dẫn nước, bến cảng, đường bộ, và đường sắt, mà nhiệm vụ tối cao hơn của con người là phải xây lên giá trị của tâm hồn sao cho nó xứng danh phẩm giá của con người. Bởi vậy khi xây dựng thế giới, cùng một trật hãy xây dựng linh hồn, cũng vậy khi khôi phục thế giới hãy khôi phục linh hồn. Gagnon nói một câu theo tinh thần Kinh Thánh: “Khôi phục cả thiên hạ mà đánh mất linh hồn nào có ích gì”.

Xây dựng giá trị linh hồn! Tái thiết giá trị linh hồn! Khôi phục giá trị linh hồn! Cứu chuộc linh hồn! Cứu rỗi linh hồn! Đó phải là cứu cánh cao cả của tất cả các cây bút nhân văn.

Bạn là nhà văn, bạn muốn làm gì hơn nữa? Cây bút của bạn có đào được kênh, có xây được móng, có lợp được mái hay không?

Không! Sứ mệnh của bạn là tham gia vào việc cứu rỗi và gìn giữ tâm hồn nhân loại. Và muốn làm được việc đó, trước hết bạn phải trở nên một ngọn đèn sáng láng đã. Tagore nói: “Không bao giờ một ngọn đèn đã tắt có thể thắp sáng một ngọn đèn khác” ( Jamais une lampe eteinte n’a pu en allumer une autre).

Chú thích:
1- Nguyễn Hữu Hiệu “Con đường sáng tạo” (CĐST), tr.207
2- Lê Thành Trị “Hiện tượng luận về hiện sinh” (HTLHS), Sài Gòn 1969, tr.201
3- Thích Minh Châu “Trước sự nô lệ của con người” (TSNLCN), Đại học Vạn Hạnh 1970, tr.24

*
* *

2. Đào luyện bản ngã - Tự do

Nhà văn trước hết là một cá nhân độc lập, một bản ngã đặc thù. Nghĩa là anh phải là anh đã: anh là tài năng của anh, là trách nhiệm của anh, là vinh quang của anh, và cả sự thiếu hụt của anh. Khi anh xây xong bản ngã đích thực phong phú cho mình, thì anh mới mong nhân danh chính mình để tuyên xưng hay loan báo những thị kiến của mình cho bạn đọc. Thánh Gandhi nói: “Người nào có khả năng trở thành một cá nhân mới có thể hoà hợp với nhân loại” ( Ce qui est possible pour un individu est possible pour l’ensemble de l’humanite’ ) (1).

Muốn trở thành một cá nhân, anh phải quay mặt vào tâm hồn mình để nhìn nhận chính mình như cách mà Socrate đã làm “connais toi- toi même” – Hãy tự hiểu mình! Như vậy anh phải trở thành ốc đảo cô độc tự xây lấy giá trị cho mình bằng cách phản tỉnh chính tâm hồn mình, tự đào luyện tri thức cho thông tuệ, nuôi dưỡng tình cảm cho dạt dào bằng ngả đường bản ngã của mình. Anh hãy xác định: bản ngã của anh là độc lập! Ngòi bút của anh là cô đơn! Lời tâm sự thổn thức của con tim anh với độc giả là riêng rẽ! Sáng tạo tinh thần của anh là biệt lập với những lối mòn mà kẻ khác đã vãng lai tam phiên tứ hồi! Và nếu nhà văn không chịu trở nên cái anh ta là, thì anh chẳng có bất cứ hành trang nào để mong khai sinh sáng tạo. Anh hãy nghe lời tuyên cáo của chính Karl Marx: “Tư tưởng và hành động nhất loạt, chẳng qua chỉ là tin tưởng mù quáng và thừa lệnh một cách thụ động như xác chết” (theo Allians der Sozialisstischen – Die Zeit 9/3/1962).

Nhà văn không có bản ngã chỉ là cái xác chết mấp máy lời hấp hối của chiếc máy ghi âm sinh học, anh ta sẽ chẳng có lấy một cái tôi để đặt tên mình là tác giả.

Chẳng còn cách nào khác, bạn phải tự xây lên bạn. Và không còn cách nào tốt hơn cho một ngòi bút là khơi chảy ngọn nguồn chân lý bằng chính cái bản ngã tác giả đang khát khao chân lý. Hãy trở nên chân lý về mình! Đó là con đường chính đáng mà một Shakespeare , một Dostoievski, một Albert Camus, một Jack London... đã từng làm. Muốn trở nên chân lý về mình bạn hãy bắt đầu bằng cách: “Chỉ có một điều duy nhất quan trọng là mỗi người phải dám nhìn thẳng vào bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi mình có lường gạt mình bằng con đường tinh vi” (Thích Minh Châu)(2).

Sau khi nhà văn đã trở nên chân lý về mình, khởi từ giá trị đích thực nơi mình, anh bắt đầu sự nghiệp như một chân tác giả, và anh viết những lời, những trang sách cho tác phẩm mang lấy chân giá trị, chân thẩm mỹ, những tư tưởng và tình cảm trăn trở đích thực. Và khi mà anh đã trở thành một ngọn đèn sáng tỏ rồi, nào bây giờ anh hãy thắp sáng cho những ngọn đèn khác!

Thắp sáng người khác! Còn gì đáng ao ước hơn thế! Còn gì hạnh phúc hơn thế! Bởi thế anh hãy tham gia vào việc đánh thức kẻ khác. Anh hãy nghe Henry Miller: “Đối với tôi, những nhà cách mạng đích thực duy nhất là những kẻ đánh thức kẻ khác, những yếu nhân như Jê-su, Lão Tử, Đức Phật Thích Ca, Ahhanato, Ramakrisna, Krisnamurti. Tiêu chuẩn tôi dùng là cuộc đời: những người đó đứng thế nào trong tương quan với cuộc đời. Chẳng phải họ đã thành công trong việc lật đổ một chính phủ, một tôn giáo hay một nguyên tắc luân lý... Đúng hơn là họ ảnh hưởng đến cuộc đời như thế nào” (3).

Nhà văn thiết yếu là nhà văn của bạn đọc. Không có nhà văn cho riêng mình - thứ nhà văn khoá cửa trùm chăn trước cuộc đời. Bởi vậy, sau khát vọng hoá giải cứu rỗi chính mình, sự nghiệp của nhà văn thiết yếu phải hướng đến tha nhân và nhân loại. Dostoievski đã từng nói một câu đầy da diết: “Nếu tất cả không được cứu rỗi, một mình được cứu rỗi mà làm gì”.

Nhà văn không cứu rỗi cho riêng mình, anh phải mang lấy sứ mệnh tinh thần của văn nhân: cứu rỗi người khác. Nhà văn không viết văn cho riêng mình đọc, anh phải viết cho độc giả và vì độc giả của mình. Văn chương chỉ có nổi ý nghĩa và có nổi một chỗ đứng ở đời bởi vì nó tham dự vào cuộc đời như một nỗ lực cống hiến trái tim, khối óc của nhà văn; bởi nếu văn chương không làm được gì hơn là phun châu nhả ngọc những ngôn từ phù phiếm véo von vô bổ, thì văn chương quả là thứ xa xỉ vô ích vì nó chẳng mang lại được hiệu ứng thiết thực như mỹ phẩm son phấn của các quí bà quí cô. Henry Miller nói: “Đừng băn khoăn về văn chương ( Don’t worry about literature). Nếu chúng ta có thể làm được việc gì khác thay vì văn chương thì hãy làm cái việc khác đấy” (4).

Nhưng nhà văn không làm việc gì khác hơn là vun đắp cho sự nghiệp văn chương của mình mỗi ngày một đồ sộ ý nghĩa tận hiến cho đời sống, bởi văn chương cao cả hơn nhiều việc hát ru những ngôn từ sáo rỗng. William Faulkner đã nói về sứ mệnh của văn chương như sau: “Nghệ thuật thông thường là kích thích mãnh liệt cuộc đời, một nỗi say sưa cuộc đời”(5).

Nhà văn là người thổi sinh khí vào đời sống bằng cách kêu gọi đào luyện một ý chí sống cao thượng quả cảm. Nhà văn không phải kẻ ru ngủ đời sống trong lạc thú và mê muội. Song sinh khí mà nhà văn muốn thổi cho đời sống không phải thứ sinh khí cứu chuộc của Đấng trên cao, mà là thứ sinh khí của trần gian tha thiết còn khổ ải, bầm dập, nhức nhối này – đó là thứ sinh khí của chính con người đang đi trên mặt đất muốn cứu rỗi và thánh hoá ngay dưới cõi thế này. Bởi vậy, sứ mệnh của nhà văn là sứ mệnh ở trong đời sống, giữa đời sống và dưới trần gian - một sứ mệnh gạn đục khơi trong ngay ở giữa cuộc đời còn vẩn đầy bất công, đau khổ và bệnh họan. Trước hết văn chương hãy “xuống thế” và sống “dưới thế”, thánh Gioan Climaque nói: “Người nào hướng nhiều về sự dâm dục là người hay thương xót, trái lại những kẻ hướng nhiều về sự tinh khiết không biết tin yêu”.

3. Cứu rỗi tha nhân, cuộc đời

Văn là người! Văn chương là cuộc đời!

Bởi thế trước hết nhà văn sống như một con người bình dị, anh tham gia vào cuộc sống tại thế để xây dựng, gạn lọc và cứu rỗi đời sống tại thế bằng chính ngòi bút của mình. Andre’ Gide nói: “Sự sai lầm vĩ đại là tìm cách đặt cuộc đời bên ngoài tác phẩm”(5). Còn Henry Miller thì khẳng định: “Với tôi sách vở là con người, và cuốn sách của tôi là chính con người toi, dâm đãng, hiếu động, trầm tư, thận trọng, dối trá và thành thực một cách quỉ quái” ( Song of my life ).

Để cứu rỗi cuộc đời trước hết hãy sống cuộc đời toàn vẹn đã. Để cứu rỗi linh hồn trước hết hãy cứu rỗi thân xác đã. Để cứu rỗi vũ trụ trước hết hãy cứu rỗi trần gian này đã. Peguy nói: “Cái thiêng liêng cũng là xác thịt... phúc cho những kẻ chết vì đất thịt này” ( Heureux ceux qui sont morts pour la terre charnelle). Và một Pascal cũng đặt công cuộc cứu rỗi con người vào cuộc hành trình tuần tự từ động vật đến thần thánh, ông nói: “ Con người không phải là thần thánh cũng không phải là súc vật, nhưng sự bất hạnh muốn rằng kẻ nào muốn làm thần thánh sẽ làm súc vật” (L’ homme n’est ni ange. Ni bete, et le malheur veut que qui veut faire l’ange fait la bete).

Con người là con người sống giữa cuộc đời, và ở giữa đời sống nhà văn tìm thấy tha nhân và xã hội, anh sẽ tham dự vào sự nghiệp chung của loài người bằng con người tác giả của mình, Sartre nói: “Không phải trú ẩn ở một nơi nào đó mà chúng ta khám phá ra chúng ta, nhưng là trên đường đi, trong thành phố, ở giữa đám đông, là sự vật ở giữa sự vật, làm người giữa mọi người.”

Khi sống cùng mọi người, nhà văn đối thoại với tha nhân, tìm kiếm tha nhân, kết ước với tha nhân, và anh bắt tay vào sự nghiệp của mình: “Nâng đỡ con người và khuyến khích con người trong cuộc chiến đấu để sinh tồn và thường tồn ghê gớm này là thiên chức của nhà văn.

Nhà văn không được chiều theo yếu đuối và sa đoạ của con người, không thể có một thứ nghệ thuật hư vô, không thể có một thứ nghệ thuật đòi chết. Không thể có một thứ nghệ thuật bi quan. Nghệ thuật bao giờ cũng phải khẳng định” (W. Faulkner) (6).

Muốn cứu rỗi cuộc đời, trước hết nghệ thuật phải đòi sống, nghệ thuật phải khẳng định ý chí sống của mình. Nietzsche: “Không có nghệ thuật bi quan... nghệ thuật tự khẳng định” (Il n’ y a pas d’art pessimist ... l’art affirme. Volonte’ de puissance).

Nhà văn phải khẳng định sức sống, giá trị đời sống bằng sứ mệnh nghệ thuật của mình nhưng mà theo chiều hướng cứu rỗi – nâng cao – thánh hoá đời sống, chứ không phải đòi cho đời sống cái quyền tồn tại ù lỳ sự bất dịch hay vắng bóng một cứu cánh cao viễn hướng về miền đất hứa.

“Nhà văn không được nói về cô đơn, hắn phải nói về cô đơn và sức mạnh. Nhà văn không được nói về đau khổ, hắn phải nói về đau khổ cao quí và giải thoát. Nghĩa là hắn phải trình bày ‘cuộc đời toàn diện’. Và hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim, hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay về tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để bổ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đoạ thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đoạ như một cám dỗ thánh thiện và như một bước đầu trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về con người toàn diện vậy” ( W. Faulkner) (7).

Nhà văn như một đại diện cao quí của sứ mệnh xướng ngôn tiếng nói con người về cuộc đời. Nhà văn phải dùng tiếng nói của mình để hoà sắc cùng tiếng nói con người mỗi ngày thêm phong phú, dạt dào và sâu sắc. Nhà văn phải viết để trợ giúp con người vượt qua những khúc mắc gian khó của cuộc đời bước vào con đường thánh thiện. Và cuối cùng nhà văn hãy ca tụng sự nghiệp vượt thắng bước về thánh thiện của linh hồn con người bất khuất và cao cả.

W. Faulkner nói: “Con người bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vật một mình nó có tiếng nói không thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh chịu đựng. Bổn phận của thi sĩ, của nhà văn là viết về những điều này. Đặc ân của hắn là giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn con người” (8).

Ghi chú:

1- Camille Drevet “La pensee de Gandhi”, Bordas 1954, tr.39
2- Sđ d (TSNLCN), tr.32
3- Sđ d (CĐST), tr.250
4- Nt, tr. 246
5- Nt, tr.258
6- Nt, tr. 292
7- Nt, tr. 259
8- Nt, tr. 260
9- Nt, tr. 271

*

4. Văn chương dấn thân chân lý 

Nhà văn phải có được một bản ngã tác giả. Bản ngã đó trước hết là độc lập, đứng riêng rẽ và tự tồn. Khi có một bản ngã tự tồn thì lập tức ý thức tự do – cái ý thức mẹ đẻ của sáng tạo mới nảy sinh. Không có tự do, theo Karl Marx thì con người chỉ thừa lệnh một cách thụ động. Một thụ sinh không bao giờ có thể sản sinh sáng tạo. Sáng tạo buộc phải là tạo phẩm của một chủ nhân ông có được tự do, tự do đó làm nên và qui định rằng: tác phẩm đã được hun đúc và thành quả theo đúng dự phóng và lao động của kiến trúc sư – cha đẻ tác phẩm. Bởi vậy, khi nhà văn xây lên bản ngã tự tại của mình, cùng lúc anh xây lên tự do đầu tiên để tự nguyện dấn thân vào sự nghiệp sáng tạo. Mounier nói: “Tôi chỉ tạo vận mệnh cho tôi khi tôi dùng tự do của tôi với những phản kháng”.

Tự do làm nên vận mệnh, bởi lẽ tự do là khởi điểm đưa tác giả vào cuộc lựa chọn trước cuộc hành trình sáng tạo, một sáng tạo của tác giả chứ không phải thứ bản sao hay dập khuôn người khác. Kierkegaard nói: “Tồn tại đối với con người đó là hữu tự do và trách nhiệm, đó là hữu lựa chọn và dấn thân” ( Exister, pour l’homme, c’est etre libre et responsable, c’est choisir s’engager ) (1).

Khi có tự do con người chân chính lựa chọn thái độ dấn thân chủ động; kẻ bạo ngược lười nhác lựa chọn thái độ bị động, cơ hội, vui đâu chầu đấy để kiếm chác. Nhà văn chân chính không lựa chọn thái độ bị động vì anh không muốn là thụ sinh, là phù sinh cho chính tác phẩm của mình. Nhà văn chân chính muốn trở thành cha đẻ đích thực cho tác phẩm của mình, muốn vậy anh hãy bắt tay vào. Kinh Gita có câu: “Đừng để cho ý niệm của nhà ngươi trở thành hậu quả của hành động và cũng đừng đắm mình vào con đường thụ động”.

Nhà văn với sứ mệnh nhân văn của mình, sứ mệnh mong nâng cao tâm hồn con người như một cứu rỗi thánh thiện không thể có mặt ở đời như một đoá phù du đua sắc hớn hở mong mời gọi những ánh mắt ham vui nông nổi của cuộc đời; trái lại nhà văn đến như một kẻ trợ lực tâm hồn nhân loại, và để làm được điều đó anh hãy tận hiến như những con người chân chính nhất. Nhà văn, nghề văn, viết văn không phải là món nghề mong vừa kiếm được tiền một cách sạch sẽ vừa ấn loát được tên tuổi mình một cách đại trà để vinh danh trên sách báo. Nhà văn khi bước vào nghề, cũng như một con người chân chính khi có mặt ở đời thì phải luôn tâm niệm rằng: “Con người đã không đến để được cung phụng, song để phục vụ và hiến sinh mạng mình làm giá cứu chuộc nhiều người” ( Tân Ước, Kinh Matheus).

Nhưng nhà văn đến để phụng hiến cuộc đời như thế nào? Anh có viết về những tấm lụa đang sột soạt triền miên trên da thịt để móc túi những kẻ chỉ quen chìm ngập trong lạc thú hay không? Anh có viết về những chiêu võ độc hại, những quyền cước, những đầu rơi máu chảy như là bản năng thích bạo hành của con người hay không? Anh có viết để biến dạng chân lý vì những đồng tiền bố thí của kẻ giầu có hay không? Anh có viết như thể ngòi bút mảnh dẻ lông ngỗng của anh phải vào hùa với đao búa của kẻ mạnh để ức hiếp kẻ yếu hèn ? Không! Chắc hẳn đó không phải là cách viết của một nhà văn chân chính. Muốn phụng hiến cuộc đời, nhà văn trước hết phải “xuống tầu” đã, phải bắt tay vào chính cuộc đời còn đầy nhọc nhằn cát bụi này. Lacroix nói: “Cần biết hoà vào nhơ bẩn để tẩy rửa nó”.

Đây cũng là một ý tưởng dấn thân hết sức triệt để mà Sartre cũng bày tỏ rốt ráod trong cuốn “Những bàn tay bẩn” ( Les maines sales). Và cụm từ “bàn tay bẩn” đã trở nên khá quen thuộc và gây nên một ý niệm định hình về cuộc dấn thân khá phổ quát trong giới văn bút. Theo đó thì ý tưởng của Sartre là: tôi căm thù những bàn tay sạch bởi chúng vô can lãnh cảm trước cuộc đời. Và tôi yêu những bàn tay bẩn, những bàn tay bắt vào công cuộc dọn dẹp cuộc đời.

Quả vậy! Bàn tay sạch là bàn tay của những kẻ ăn trên ngồi trốc , bàn tay của cậu ấm cô chiêu hay bàn tay của mấy ả đào kép – bán bar lúc nào cũng sửa sang tinh tươm xanh xanh đỏ đỏ. Còn bàn tay của những người cần lao, những người có trách nhiệm thu dọn tẩy uế cuộc đời, những người thợ gốm sáng tạo đang nhào đất nung sành sứ thì phải lấm lem. Đó là thái độ cần lao tích cực trước cuộc đời. Tuy nhiên, thực tế đây đó hoặc nơi nơi vẫn còn nhan nhản những kẻ bước vào cuộc đời thủng thẳng như đi dạo chốn ăn chơi hưởng lạc của trần gian. Và cũng không thiếu cây bút sống như vậy, họ sống như những tao nhân mặc khách đến cưỡi ngựa xem hoa cuộc đời. Văn học thi ca lúc ấy chỉ là thứ uống rượu làm thơ, là thứ để đọc đọc, ngâm ngâm, thù thù, tạc tạc. Với họ văn chương chỉ là một mảnh đất sạch sẽ tươi mát để kiếm chác tiền bạc và danh vọng giữa cuộc đời còn khổ luỵ này.

Không! Một nhà văn chân chính không làm như vậy! Không viết như vậy! Nhà văn chân chính phải là kẻ đi tiên phong trên trường chữ nghĩa – giáo dục và tư tưởng con người. Như một Dostoievski khắc khoải trăn trở trong luồng gió cải cách tinh thần của một nước Nga to xác khổng lồ lạc hậu đang trở mình hốt hoảng xung đột và sợ hãi; như một Tagore chia xẻ lòng mình với sự nghiệp đòi độc lập của dân tộc Ấn Độ khao khát tự do; như một Jack London lần theo những dấu chân dẫm lên bùn tuyết gian truân của những tay đào vàng đi tìm kiếm tài nguyên cho nước Mỹ trong những ngày khai quốc; như một Albert Camus chia xẻ nổi đau đớn của kiếp người trong “Dịch hạch”; như một Geoghiu Virgille gào thảm thiết khúc bi sầu đẫm máu của súng liên thanh, xe tăng, trọng pháo, hàng rào kẽm gai của Đại chiến thế giới hai; như một Jean Paul Sartre gào la thống khổ cho sự đổ nát về vật chất và tinh thần của một thế giới đang tuyệt vọng trong và sau thảm hoạ chiến tranh thế giới hai.

Nhà văn, thi sĩ là những kẻ sáng tạo, vậy anh phải đi vào lãnh địa hoang vu chưa từng ai biết đến để sáng tạo ra dấu vết của mình. Hơn nữa như một kẻ tiên phong can trường nhất, sáng tạo của nhà văn phải vượt lên những bước tiên phong của con người xã hội, chứ nhà văn không phải thợ cày chỉ quen mui sống trên những mảnh đất gieo trồng đã quen thuộc mong được nhàn nhã an phận khi gặt hái, chẳng cần mệt nhọc. Bởi thế không có nhà văn thích lui về địa hạt quen hơi bén tiếng đã rào chắn củng cố kỹ càng uy danh của mình như: tôi là nhà văn viết về mỏ, tôi là nhà văn của những mảnh đất huê lợi phần trăm, tôi là nhà văn của chiiến sĩ... Không! Con người là con người toàn diện, là con người mang lấy muôn ngàn diện mạo về con người, thậm chí mang cả diện mạo phi con người, vậy văn chương không phải nỗ lực mô tả những khuôn mặt nhẵn lỳ sự quen thuộc , càng không phải là cuộc lui về cố thủ trong khuôn viên đã mòn gót chân sáng tạo.

Sáng tạo đòi luôn luôn mới mẻ, bởi sáng tạo là phép lạ của cái mới. Và nhà văn chỉ cao quí khi anh vượt lên với tư tưởng tiền phong sáng láng của mình mong hướng đạo tâm hồn nhân loại. Hãy làm như một Dostoievski, một Jack London đã từng làm. Hãy làm như nền văn học Pháp đã cố xây lấy diện mạo của mình bằng cuộc cách mạng cắt đi cuống nhau của nền văn hoá mẹ đẻ Latin đã từng nuôi ẵm mình hàng chục thế kỷ. Hãy làm theo tấm gương của những nhà văn tiền bối Việt Nam ở thế hệ “khai sáng” mở cửa đầu tiên với thế giới, họ đã cố gắng thoát thai khỏi đồng quê bùn lầy lạc hậu trong chuỗi thời gian thế kỷ để lao đến ngoại vi của một ánh sáng thành thị còn đang ngỡ ngàng bật lên những ngọn đèn đầu tiên.

Đối với nhà văn, sứ mệnh dấn thân hay tiền phong của anh không nằm ở chỗ: anh sẽ tìm cách nổi danh thế nào? Tác phẩm của anh sẽ in bao nhiêu? Anh sẽ thu được bao nhiêu tiền? Anh sẽ giữ chức gì? Chúng ta thử ngẫm: những cuốn sách của Aristote chẳng có mấy người đọc nổi nhưng nó đã truyền vào não trạng loài người trên 2000 năm rồi mà vẫn chẳng hề suy giảm ánh sáng truyền bá thông thái của nó; nó là cuốn sách “bà mẹ vĩ đại”, và con người chẳng thể nào thống kê nổi cuốn sách đã đẻ ra bao nhiêu cuốn sách khác? Thuyết tương đối của Einstein có mấy người hiểu nhưng nó đã trùm một cái bóng lồng lộng lên cuộc đời như thế nào, ai có thể lượng giá nổi nó? Sứ mệnh cứu rỗi loài người của Đức Phật Thích Ca cùng đích chỉ là giác ngộ đưa chúng sinh vào con đường viên giác thế giới - một thế giới như chân lý về nó và cho nó.

Nhà văn cũng vậy, sứ mệnh cao cả nhất của anh là hướng đích chân lý để lôi cuốn tâm hồn bạn đọc. Chỉ có vậy là cao cả! Và cũng chỉ chừng ấy thôi đã quá đủ rồi. Henry miller nói: “ Thi sĩ có ích lợi gì trừ khi hắn đạt đến viễn tưởng về cuộc đời, trừ khi hắn sẵn sàng hy sinh cuộc đời để chứng minh chân lý và vẻ rực rỡ của thị kiến hắn”(2).

Nếu nhà văn không viết cho chân lý thì hắn sẽ viết cái gì? Chẳng lẽ hắn muốn viết về một cuộc đời méo mó, một cuộc đời tô son trát phấn cho thực tại còn đầy ngang trái bệnh hoạn đang cần cứu rỗi. Không! Sứ mệnh của nhà văn là cứu rỗi cuộc đời, là giúp con người sống chân lý, chứ văn chương không phải sứ mệnh của một cửa hàng uốn tóc lo sửa móng bôi son cho cuộc đời. Simenon nói: “Tôi nghĩ tiểu thuyết gia có bổn phận phải trình bày con người đích thực chứ không phải con người của tuyên truyền” (3).

Nhà văn viết cho chân lý! Bởi vì chẳng có sứ mệnh nào cao cả hơn là sứ mệnh chân lý. Nhà văn dấn thân cho chân lý, và cuối cùng cây bút của nhà văn là cây bút tận hiến đến tận cùng con đường chân lý của mình. Và nhà văn hãy lắng nghe niềm hoan hỉ say sưa vô bờ của mình khi anh bước đi và hướng cùng đích con đường chân lý: “Cuối cùng thì sự thật sẽ thắng... nhưng sự thật không thể thắng nếu chúng ta không có niềm tin không gì lay chuyển nổi, một lòng kiên nhẫn tột cùng” ( Gandhi ).

Nhưng nhà văn dấn thân cho đời sống chân lý thế nào? Có phải nhà văn xoay sở làm tất cả mọi việc để mong nhìn thấy một xã hội tiến bộ? Không! Tốt hơn hết bạn hãy viết văn đi! Và bạn hãy nghe lời khuyên thành thật của thánh Gandhi: “Lòng tận hiến càng thuần khiết thì công cuộc tiến bộ càng tiến nhanh”.

Bạn là nhà văn, bạn có định sáng tác một chút nhạc để có tên nhạc sĩ? Bạn có định vẽ một chút để thành hoạ sĩ không? Bạn có định ngâm nga một vài vần điệu để thành thi sĩ không?... Hoặc giả bạn có định viết một chuyện cho tháng năm để kiếm ít gạo mùa vừa gặt, hay một chùm thơ vào tháng chạp để kiếm ít nếp chiêm để giành đến tết? Không ! Chỉ có một con đường giành riêng cho bạn, con đường văn học! Bạn hãy viết văn như thể mang lấy sự nghiệp văn duy nhất! Đó là sự nghiệp, là sứ mệnh cầm bút riêng có của bạn.

Khi thánh Gandhi nói phải tận hiến một cách thuần khiết là nhân danh chính những kinh nghiệm đấu tranh của ông. Chính nhờ kiên gan theo đuổi sự nghiệp bất bạo động của mình, ông đã đưa dân tộc vào con đường độc lập đầy nhân bản. Khi thánh Gandhi tổ chức một cuộc biểu tình mới, có một số người vì quá khích đã mang theo vũ khí bằng cách tin tưởng rằng họ có thể đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi một cách nhanh chóng hơn bằng cả hai thủ đoạn: bất bạo động và bạo động. Khi biết tin đó thánh Gandhi đã dẹp cuộc biểu tình đi, ông nói: “Vấn đề chính yếu không phải chỉ giành độc lập cho Ấn Độ, mà đào luyện cho dân tộc một phẩm giá tự tại để xứng đáng sống trong độc lập”.

Đúng vậy, một dân tộc nếu không mang một phẩm chất kiêu hùng tự trọng, thì dân tộc đó mãi mãi chỉ là một tâm hồn nô lệ dù đang ở trên mảnh đất đã rào chắn kỹ của mình.

Phấn đấu vì một tinh thần thuần khiết, đó là một kinh nghiệm đã mở màn rất sớm từ buổi bình minh của lịch sử trí tuệ nhân loại. Đó là cách mà hàng loạt triết gia, học giả chân đi dép cỏ, vận những tấm vải quây lấy thân mình một cách lượt thượt giản dị, những Thale, Anximander, Pythagore, Heraclite, Socrate, Platon, Aristote, Lão Tử, Trang Tử... đã làm. Tại sao những con người ấy có thể thành công trong sự nghiệp thông thái của mình? Có phải vì họ biết sống trong điều kiện thanh thản để suy tưởng nghiền ngẫm những ý tưởng còn đang thai nghén, và họ tự do trao đổi, tranh luận để tìm ra chân lý. Chính vì được trải nghiệm một xã hội khá lý tưởng mà các triết gia cổ đại cho rằng: Một xã hội chỉ tiến bộ khi mọi người được tạo điều kiện thoải mái để suy tưởng cũng như hành động theo suy tưởng đặc thù tối ưu của mình.

Các học giả phải suy tư trong tinh thần thuần khiết! Đó là phương châm của những đại học giả Hy Lạp. Và họ đã tạo dựng những giá trị nào cho thế giới thì bạn cũng đã thấy rồi. Ngày nay đến lượt thời đại của chúng ta, đến lượt chúng ta, chúng ta có định theo đuổi một sự nghiệp tinh thần thuần khiết hay không? Hay chúng ta có cách nào khác hơn để đạt đến sự thông thái bằng cách tổ hợp những ý tưởng còn đang vụn vặt để nhào nặn món thập cẩm cho trí tuệ của mình? Bạn có tin những dải đất hỗn tạp nửa bùn nửa đá có thể xây lên những đỉnh non sừng sững hoặc cùng lắm chúng chỉ tụ thành những dải đồi bé mọn lúp xúp lô nhô? Còn những đỉnh non cao vòi vọi chọc thủng những tầng mây kia, dãy Alpe, dãy Hymalaya phải chăng chúng không được chất lên từ đá tuyền tinh khiết nhất?

Những phiến đá tinh khiết nhất đã xây lên những đỉnh cao sừng sững nhất! Còn những viên đá tổ ong làm nên những đỉnh non có bõ bèn gì! Bởi vậy bạn hãy theo đuổi sự thuần khiết, đó cũng chính là ý chí cháy bỏng mãnh liệt của bạn mà ý chí thì chẳng bao giờ hỗn tạp. Bạn hãy noi gương con đường của thánh Gandhi: “Sự thuần khiết về phương tiện phải ngang bằng với sự thuần khiết về cứu cánh” ( La purete’ des moyens doit egaler la purete’ de la fin” (4).

Ghi chú:

1-Emile Brehier “Histoire de la Philosophie” (HdlP), Presses Universitaires de France 1953, tr. 91
2- sđ d (CĐST), tr. 92
3- nt, tr.207
4- sđ d (PdG), tr. 112

5. Văn chương tận hiến thì cũng tận thu

Con người tạo dựng nên xã hội và quốc gia của mình. Bởi vậy, khi bạn tự cứu rỗi lấy mình không phải bạn chỉ mong mình bạn được giải thoát và sung sướng, mà bạn đang tham dự vào sự nghiệp cứu rỗi con người nói chung - bởi chính bạn là một con người. Tuy vậy sự cứu rỗi của bạn còn phải hướng đến hay rọi sáng vào xã hội, ở đó bạn mong ước xây lên một bầu không khí cao cả đẹp đẽ với tha nhân. Vì vậy cùng với việc cứu rỗi mình, như một công dân chân chính nhà văn phải tham dự vào công cuộc cứu rỗi xã hội bằng sứ mệnh nhân văn cao cả, bằng ý chí mãnh liệt, bằng tư tưởng siêu việt và bằng ngòi bút không biết mệt mỏi của mình. Bạn hãy nhớ: sự nghiệp làm người là sự nghiệp thanh lọc đau đớn. Và bạn hãy tìm cách chia vui với cuộc đời, với xã hội bằng một sự nghiệp dấn thân đau đớn của mình. Đó là sự nghiệp cao cả mà bạn sẵn sàng tham gia vào quá trình mang thai giá trị nhân loại. Song trước hết, bạn hãy cùng những công dân khác tham gia vào việc xây dựng quốc gia của mình. Con người trước hết phải làm bổn phận công dân đã! Thánh Gandhi nói: “ Không một quốc gia nào từng lớn lên mà không trải qua cuộc thanh lọc bằng ngọn lửa đau đớn của nó” ( Aucun pays ne’ s’est jamais eleve’ sans s’etre purifie’ au feu de la souffrance ) (1).

Lịch sử con người chỉ là những di chứng của những cuộc đấu tranh vì tự do. Vì tự do cho con người, đó là mục đích cao cả đầu tiên mà ngòi bút “nhỏ bé” của nhà văn tham dự vào với một ý chí thôi thúc mãnh liệt. Và cùng với các triết gia, các tư tưởng gia, nhà văn tham dự vào cuộc đấu tranh vì tự do cho con người như một người đi tiên phong vào lãnh địa tự do đầu tiên: đó là tư tưởng. Nhà văn phấn đấu vì lý tưởng này. Nguyễn Văn Trung có nói: “ Khi không có tự do chính trị, tất cả đều là chính trị và sự phân biệt giữa nhà văn và người công dân không còn nữa" (2).

Nhà văn thiết yếu sống trong một thời đại, bởi vậy sau khi phụng hiến quốc gia như một công dân văn chương, nhà văn phải hướng về thời đại của mình, thực hiện bổn phận thời đại của mình và cứu rỗi thời đại của mình. Raugh nói: “Luân lý chân chính là luân lý của thời mình, chỉ có kẻ nào sống dưới thời mình mới thực sự là người... Đề tài suy tư luân lý, ấy là tờ nhật báo. Là đường phố, là cuộc đời, là trận chiến diễn ra từng ngày”.

Văn chương trước hết và luôn luôn phải viết vì thời đại của mình. Vì cơn đau nhức nhối trăn trở của thời đại! Viết về bệnh dịch của thời đại! Nhà văn phải bám sát đời sống. Một đời sống phải là chất liệu thực tại nóng chảy cho nhà văn và là nền móng chân lý của tác phẩm văn học. Nhà văn phải bám sát nỗi đói khổ rách rưới của dân chúng, nỗi bất công của xã hội, những biến cố , tai nạn, khủng bố, chiến tranh, bạo hành xảy ra trên đường phố, trong làng mạc, ở khắp quốc gia hay trên thế giới. Nghĩa là nhà văn phải viết về một con người thời đại toàn diện: nào hạnh phúc và bất hạnh, nào vinh quang hay điếm nhục, nào tự do hay nô lệ, nào tình yêu cao thượng hay tình dục khả ố , nào công chính hay bất công, lương hảo hay tội ác... Nghĩa là tác phẩm của nhà văn phải hít phả từng hơi thở sống còn của thời đại, bởi chẳng còn lúc nào khác, chẳng còn cơ hội nào khác để nhà văn có thể thực hiện sứ mệnh thời đại của mình. Sartre: “ Chúng ta không muốn bỏ rơi thời đại chúng ta: chúng ta chỉ có cuộc sống này để sống, ở giữa cuộc chiến tranh này và cách mạng này”.

Đó là thái độ tận hiến cho thời đại, một thái độ hoà vào thời đại để phục vụ và cứu rỗi thời đại. Một thái độ hiện sinh tích cực của nhà văn. Mỗi nhà văn có trở nên vĩnh cửu như một Homer, một Victor Hugo, một Dostoievski thì trước hết anh phải có khả năng tự xây lên đầy ắp giá trị ở thời đại của mình. Nhưng khởi sự anh hãy dấn thân cho thời đại của mình bằng một ý chí quả cảm kiên trinh đã, chúng ta hãy nghe Nietzsche xác quyết một ý chí vượt thắng hùng tráng trong nỗi thống khổ của thời đại: “ Chính trong thời gian đau ốm, chúng ta không được phép bi quan, cũng vậy chính trong thời đại bi thảm, chúng ta phải chấm dứt mọi triết lý bi đát” (3).

*

* *


Người Trung Hoa có câu “Thiên kinh vạn quyển hữu nghĩa vi tiên” : nghìn kinh vạn quyển lấy nghĩa làm đầu. Nghĩa ở đây là nghĩa làm người, nghĩa đạo lý làm người, nghĩa đối nhân xử thế, nghĩa sống với mọi người trong tình nhân ái, nghĩa của luân lý đạo đức con người.

Bởi vậy khi nhà văn thực hiện sứ mệnh ngòi bút của mình, anh không thể trốn tránh phải làm bổn phận giáo dục vốn có của chữ nghĩa. Chữ nghĩa của anh phải hướng tới cuộc đào luyện một con người càng ngày càng nhân ái và tốt đẹp hơn, và hơn nữa anh phải có sứ mệnh hướng đạo tâm hồn độc giả về chân lý, về lý tưởng làm người, về vùng đất thánh thiện con người bằng cách kêu gọi con người lên đường thực hiện những dự phóng cao viễn của con người: “Giáo dục phải kêu gọi cá thể lên đường , liên tục lên đường và chối bỏ tất cả những nơi nương tựa yếu đuối” (Thích Minh Châu) (4).

Sau khi kêu gọi con người lên đường, nhà văn phải tiếp tục nuôi dưỡng không mệt mỏi sứ mệnh khích lệ trong con người hành hương dòng máu nóng luôn hăm hở nhiệt thành hoàn tất hình ảnh hoàn hảo toàn diện của con người, Donald Butler nói: “Người thầy phải là một con người đánh thức trong học trò khao khát học hỏi. Người thầy phải là người cộng tác với Chúa để hoàn hảo con người” ( The teacher should be a person who awaken in the pupil the desire to learn. The teacher should be a co-worker with God in perfecting man) (5).

Nhà văn không chỉ là một người thầy ở trong bốn bức tường của nhà trường, nhà văn là một người thầy đã trưởng thành ở giữa cuộc đời, vậy anh hãy làm bổn phận của anh đi, bổn phận: kích thích mãnh liệt ý chí say sưa cuộc đời và một ý chí lên đường không mệt mỏi để hoàn hảo con người. Nhưng cùng đích cái mẫu hình con người mà nhà văn hướng tới là ai? Đó là cái con người đang nhảy vọt khỏi chính mình để lấp đầy khát vọng chân lý, khát vọng lý tưởng và khát vọng làm người siêu việt của nó. Nghĩa là khao khát của nhà văn phải là khao khát xây lên một con người dân danh lý tưởng về chính con người. Nietzsche nói: “Ta yêu thích những con người không tìm kiếm đằng sau những vì tinh tú mà ta yêu những con người hy sinh cho trần gian để ngày kia trần gian thuộc về siêu nhân”.

Nhà văn phải viết vì một con người hôm nay, vì thế giới hôm nay và vì thời đại của mình. Song cái lý tưởng mà khao khát của nhà văn hướng đến vẫn là một giá trị nhân loại trong trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử. Nhà văn viết cho hôm nay nhưng nhân danh khát vọng tinh thần mãi mãi của vĩnh cửu. Nhà văn không thể thoát khỏi việc cắm rễ vào quá khứ cũng như việc vươn những tán lá dự phóng đến tương lai, bởi lẽ con người là con người của lịch sử và con người của dòng thời gian miên viễn bất tận. Văn chương cũng vậy. Nhà văn tham dự vào công cuộc cứu rỗi thời đại của mình với mong ước trọn vẹn rằng anh đang muốn cứu rỗi con người và nhân loại nói chung. Và chỉ có thế, và phải như thế nhà văn mới trở thành nhà văn của mọi thời đại, nhà văn của con người phi lằn giới thời gian và địa lý. Chỉ có thế nhà văn mới trở nên cao quí hơn, bởi lẽ: “ Ai không biết hy sinh cho thế giới này, người đó chẳng bao giờ thấy được thế giới khác” ( Kinh Gita).

Một Homer dũng khí can trường mã thượng của cây bút khải diễn chiến cuộc thành Troy độc nhất vô nhị trong thiên trường ca Iliade đã trở nên bất tử trên giấy mực!

Một Victor Hugo chia xẻ nỗi đau của thị dân Paris trong nghịch cảnh xa hoa và đói khát, cao thượng và hèn mạt trước cuộc cách mạng thảm khốc diễn ra trên đường phố giữa quân vương và bạo lực quân vương đã trở nên bất tử !

Một Shakespeare than vãn cùng vua Lia bị con cái đẩy khỏi ngai vàng lộng lẫy ra giữa gió loạn cuộc đời để nếm trải mùi bần hàn cơ cực khốn khổ của dân chúng, đã trở nên bất tử!

Nhà văn như giá trị mà anh uống ở suối nguồn nhân loại, như giá trị dồi dào ngữ văn mà anh gặt hái trên cánh đồng nhân loại, như những giá trị chân lý mà anh học được của những tấm gương nhân loại, thì anh phải viết trả ơn cho giá trị nhân loại trọn vẹn và mãi mãi. Nhà văn không thể vĩ đại nếu anh chỉ chăm chăm viết cho những thời vụ ăn xổi ở thì, viết cho những lãnh địa rào chắn của quê hương, viết cho cái này hay cái nọ, viết cho bên hữu hay bên tả của con sông, viết cho đêm hoặc ngày, viết cho vinh quang hay thất bại, viết cho lạc thú hay đau khổ.

Không ! Con người là toàn diện! Cuộc sống là toàn diện! Chân lý là toàn diện! Nhà văn chỉ vĩ đại khi anh viết nhân danh cái toàn diện và toàn hảo, khi ngòi bút của anh viết vượt không gian và thời gian bay đến vĩnh hằng. Sartre nói: “Xác định lập trường từ cái riêng biệt của thời đại, chúng tôi bắt gặp cái vĩnh cửu, và nhiệm vụ của nhà văn là bày tỏ giá trị vĩnh cửu bao hàm trong những giao tranh xã hội chính trị.”

Nhà văn phải dấn thân cứu rỗi đời sống! Nếu đó là cách nói vui tai theo kiểu “thơ ngâm phú đọc” thì chẳng có gì to tát. Nhưng đó là cách nói mong biến thành những dòng chữ, những trang giấy, những tác phẩm thành dòng chảy hoà vào thực tại cuộc đời thì đó quả là một đính ước khởi đầu một sự nghiệp cam go, gian truân và thống khổ. Bởi lẽ, nếu văn học viết cho dân nghèo, viết cho lợi ích của đông đảo công chúng thời đại, viết cho những tâm hồn , những tình cảm trong sáng, viết cho chân lý, viết cho công lý thì nền văn học đó luôn đứng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ hắc ám; hoặc khi nền văn học muốn bày tỏ một cuộc cách mạng tinh thần làm đảo lộn các giá trị cổ truyền hướng đến một giá trị tinh khôi cấp tiến khác thì nền văn học đó lại trở nên một “mặt hàng” bị chính công chúng tẩy chay, nhà văn trở nên hiệp sĩ bị ruồng bỏ ở chính con tim bạn đọc của mình. Bạn là nhà văn, bạn lựa chọn lối nào? Lối viết thù tạc cưỡi ngựa xem hoa, vô thưởng vô phạt kiếm sống chơi? Hay lối viết cho chân lý để hứng chịu những bi kịch không phải đầu cũng phải tai?

Con người như một giọt nước, nó hoà vào thênh thang dòng chảy để sống cuộc đời vui hưởng ý nghĩa cộng tồn một cách vô tư của nó. Khi giọt nước quên mình đi, thì nó càng tan loãng và nhảy nhót trong dòng nước, và lúc đó nó hoà nhập vào cuộc đời toàn diện. Nó được sống nhiều nhất. Henry de Moutherlant nói: “Đời ta sẽ trở nên thú vị khi nào ta nhất quyết xem thường nó”. Và Saroyan cũng nói: “Chương trình kế hoạch của tôi là sống vô hạn định” ( It is my plan to stay alive indefinitely) (6).

Bạn là nhà văn, với con người của nhà văn và nhân danh văn chương, bạn hãy để tâm viết như thế nào cho cuộc đời, viết được gì cho cuộc đời, đó là điều chính yếu! Bạn đừng quá để ý sống như thế nào trong cuộc đời để được nhàn nhã, vinh quang và nhiều bổng lộc. Điều đó không phải là không chính đáng, và có thể nếu bạn thích những thứ đó , bạn hãy chuyển sang nghề khác. Bởi lẽ bạn là nhà văn, bạn viết về cuộc đời cho mọi người, cùng một lúc nếu bạn vừa muốn thu hái thành quả của văn chương vừa muốn thu hái lợi ích duy sinh ở đời, bạn buộc phải chơi lối “đi đêm tháu cáy”, cùng lúc đánh tráo, đánh đổi thu về cả hai giá trị. Nếu bạn làm như vậy thì bạn đọc sẽ được gì? Có phải bạn đọc chỉ có được một không khí văn chương uế tạp đã vấy bùn lên hơi thở trong lành của đời sống? Không! Bạn phải tự hiến mình! Đó là nhiệm vụ cao cả của của con người nói chung và của nhà văn nói riêng. Kinh Gita có câu: “Thế giới này gắn liền với hành động, hành động phải được hoàn tất vì danh nghĩa đức hy sinh” ( tr.32).

Nhà văn cứu rỗi cuộc đời bằng cách nào? Có phải anh tham dự vào ánh sáng vinh quang của cuộc đời để cứu rỗi cuộc đời? Có phải anh viết như thể loan báo tên tuổi còn ẩn giấu của mình cho công chúng biết Có phải anh viết như thể chia vui với cuộc đời đã tràn đầy niềm hoan lạc của tinh thần công lý cũng như sự dồi dào của cơm áo? Không! Nhà văn phải cứu rỗi cuộc đời bằng cách mang lấy thập giá đau khổ của cuộc đời, và sứ mệnh của nhà văn là biến cải thập giá đau khổ đó thành giá đỡ cứu chuộc, cũng như tôn vinh sự nghiệp tự thanh lọc đau đớn của con người. Bạn hãy đi theo con đường của Chúa Jê-su như Gagnon nói: “Sự đau khổ và sự chết, vốn là án phạt tội, đã hoá nên giá chuộc tội” (Thủ lãnh, tr.358).

Sứ mệnh nhân văn là một sứ mệnh cao quí! Bạn hãy theo đuổi nó đến tận cùng, và đừng nản lòng! Hãy theo đuổi nó và nỗ lực đi tới cùng đích con đường mà bạn đã chọn như một định mệnh duy nhất cao cả của mình. Henry Miller nói: “Mỗi người có một định mệnh riêng, mệnh lệnh duy nhất là theo đuổi nó, là chấp nhận nó, bất kể nó dẫn mình đến đâu” .

Khi nhà văn lựa chọn cho mình con đường chân lý, nhà văn hãy bền bỉ theo đuổi cuộc tận hiến đó đến tận cùng, bất kể hậu quả có diễn ra thế nào đi nữa. Bạn hãy tin rằng, có nguyên nhân chắc chắn phải có kết quả, bởi lẽ kết quả chỉ là thụ sinh tất yếu của nguyên nhân. Khi bạn đã lựa chọn cho mình một nguyên nhân phụng sự chân lý, bạn hãy chắc tâm vào sự lựa chọn dấn thân đó như một nguyên nhân khởi đầu cao quí, và bạn hãy theo đuổi con đường chân lý đó đến tận cùng.

Khi dấn thân cho con đường chân lý bạn hãy tự chuẩn bị và xác định cho mình một niềm tin vững chãi rằng: sẽ chẳng có một con đường chân lý trơn tru dễ dàng, trái lại con đường chân lý luôn là con đường chông gai đầy thử thách cam go, nhưng bạn sẽ phải vững bước đi trên con đường đó mà chẳng được nao núng ngã lòng. Nhà văn phải vượt thắng mọi gian khó để nhắm tới cứu cánh cứu rỗi của mình. P. H. Lawrence nói: “Bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai, nhưng chúng ta phải đi vòng quanh hay bò quay trở lại. Chúng ta phải sống thây kệ biết bao bầu trời đã sụp.”

Bạn hãy vững tâm thực hiện sứ mệnh cứu rỗi cao cả của mình, và hãy vui lòng rằng bạn đọc sẽ biết ơn bạn, công chúng sẽ ghi dấu nỗ lực cũng như thành quả tận hiến của bạn trong công cuộc mà bạn đã phụng hiến hết sức mình để nâng đỡ và nâng cao tâm hồn con người lên. William Faulkner đã tôn vinh sự nghiệp của các thi sĩ , văn sĩ như sau: “Tiếng nói của các thi sĩ không cần chỉ là bia kỷ niệm ghi dấu con người, tiếng nói đó còn có thể là một trong những vật chống đỡ, những trụ cột giúp cho con người chịu đựng và chiến thắng nữa.”

Vượt lên tất cả, bạn hãy cống hiến sự nghiệp văn bút cho thời đại của bạn, cho lịch sử thanh lọc tâm hồn của con người, cho giá trị nhân loại hằng tồn. Bạn là nhà văn , bạn đừng vừa viết vừa lo chiêm ngắm giá trị của mình! Hãy để cho bạn đọc ngắm nghía và đánh giá giá trị của bạn! Đừng lo rằng những nỗ lực cống hiến của bạn không được ai biết đến hoặc không được đánh giá một cách công tâm, thời gian sẽ chọn lọc và lựa chọn tất cả các giá trị một cách sáng suốt công bằng! Chẳng có điều gì trá nguỵ có thể lọt lưới thời gian! Bạn hãy yên tâm dấn thân cho sự nghiệp văn chương của mình khi nghe văng vẳng lời khuyên của Jasper ở bên tai: “Số phận của mỗi triết gia thăng trầm theo nhu cầu của mỗi thời đại. Quên lãng của người đời đối với mỗi triết gia không có nghĩa là triết gia ấy không có” (8).

Sự nghiệp của nhà văn là sự nghiệp sáng tạo, sáng tạo không ngừng! Sáng tạo là cái gì? Là mở ra những trang viết mới cho cuộc đời . Là đưa tác phẩm vào cuộc đời như một nẻo đường khai sơn phá thạch còn tươi mầu đất mới. Chúng ta hãy chiêm ngắm những con đường tác phẩm ùa vào cuộc đời từ nguyên lý sáng tạo xuyên suốt qua địa hạt văn chương vào cuộc đời của kịch tác gia nổi tiếng Berton Brecht : “ Kịch nhằm tạo tác giả mới, đó là diễn viên bắt đầu khi kịch chấm dứt. Vì diễn chỉ bắt đầu diễn để hoàn thành diễn xuất, nhưng là hoàn thành trong đời sống” ( Esprit 12/1962).

Với cây bút của mình, nhà văn hãy viết mãi mãi, viết không ngừng nghỉ! Viết như một kẻ hành hương chẳng dừng bước trên nẻo đường chân lý hướng về vùng đất hứa!

Hãy đốt cháy trái tim mình lên mà viết! Hãy nổi gió tâm hồn lên mà viết! Hãy siêu phóng linh hồn lên mà viết!

Hãy viết mãnh liệt, viết để cuộc sống trào vọt cuộn chảy ra khỏi tác phẩm!

Viết như thể trang cuối cùng cuốn sách của bạn là trang đầu mở vào cuộc đời thênh thang lồng lộng !

Ghi chú:

1- sđ d (PdG), tr. 110
2- Nguyễn Văn Trung “Khảo lược văn học”, Nam Sơn 1972, tr.218
3- Sđ d (CĐST), tr.261
4- Sđ d (TSNLCN), tr.24
5- J. Donald Butler “ Four Philosophies” , New York 1968, tr.203
6- Phạm Công Thiện “Ý thức mới trong văn chương và triết học”, Lá Bối 1964, tr.221
7- sđ d (CĐST), tr.145

Nguồn:Ý hướng tính văn chương (1999)

Nguồn: / 0

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 68

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 68

 1043 Đọc tiếp

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 67

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 67

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 66

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 66

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 65

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 65

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 64

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 64

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 63

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 63

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 62

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 62

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 61

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 61

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 60

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 60

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 59

Văn học

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN - ĐỀ SỐ 59