Tại phiên trả lời chất vấn ngày 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này là điều cần thiết để điều tiết hoạt động dạy, học thêm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 - văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm dạy và quản lý trường phổ thông, TS Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (tỉnh Lâm Đồng) ủng hộ và cho rằng việc này sẽ hạn chế tối đa trung tâm dạy thêm tự phát.
Gốc rễ của vấn đề là cần nhìn nhận, dạy thêm, học thêm là nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Với cách đánh giá, thi cử, tuyển sinh vẫn nặng nề như hiện nay, chưa thể bỏ ngay dạy thêm mà cần bàn cách tổ chức hoạt động này bài bản hơn.
Theo ông Chương, khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, muốn mở trung tâm dạy thêm, chủ sở hữu phải đáp ứng được các điều kiện tối thiểu như: chất lượng giáo viên (trình độ, kinh nghiệm, đạo đức, sức khoẻ); cơ sở vật chất; kế hoạch tổ chức dạy và học...
Hoạt động này cũng sẽ được kiểm tra và có chế tài chặt chẽ để xử lý nếu xảy ra tiêu cực, sai phạm. Khi còn làm hiệu trường, ông Chương từng nhận được phản ánh về một giáo viên thường xuyên ép học sinh đến nhà học thêm nhưng cách làm của thầy rất tinh vi, khó tìm bằng chứng rõ ràng. Ông Chương cho rằng, giáo viên này không phải là trường hợp cá biệt, bởi trên cả nước, các cơ sở, lớp học thêm tự phát mọc lên như nấm. Chỉ khi lớp học, giáo viên được cấp phép, danh mục học sinh được quản lý, những chuyện làm trái quy định như dạy thêm chính học sinh của mình, ép học sinh học thêm... mới dễ phát hiện, xử lý.
Một cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường tại TP Thủ Đức, chiều 24/11. Ảnh: Mạnh Tùng
Tán thành quan điểm chưa thể bỏ ngay dạy thêm lúc này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du nhận định, khoảng thời gian học thêm mang lại lợi ích kép cho phụ huynh - đặc biệt ở các đô thị lớn.
Thứ nhất, việc dạy thêm, học thêm đáp ứng mục tiêu đỗ vào trường điểm, đại học top đầu. Hiện, chương trình học còn nặng, các kỳ thi mang tính cạnh tranh cao. Nếu chỉ học trong sách giáo khoa mà không được đào sâu, nâng cao sẽ khó đỗ đạt đúng nguyện vọng.
Thứ hai, nhiều phụ huynh bận rộn với công việc, thời gian dành cho con cái hầu như chỉ còn buổi tối. Với những trường chưa thể tổ chức dạy học hai buổi một ngày, học sinh sẽ "tự do" ở buổi còn lại sau giờ chính khoá, dễ tiếp xúc với cám dỗ, tệ nạn. "Nếu được học sẽ vẫn tốt hơn là lêu lổng ở bên ngoài. Đây là câu chuyện cần nhìn nhận dưới góc độ nhu cầu của thực tế xã hội", ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, yếu tố thu nhập cho giáo viên cũng là một tác động tích cực từ việc hợp pháp hóa dạy thêm. Khi đồng lương giáo viên chưa thể cải thiện, dạy thêm sẽ giúp họ có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống. Tạo cơ hội cho giáo viên kiếm thu nhập chính đáng tốt hơn việc để họ phải lách luật, lén lút.
Học sinh thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM năm 2019. Sự cạnh tranh trong các kỳ thi để được vào trường điểm, trường top là một nguyên nhân của việc học thêm. Ảnh: Mạnh Tùng
Đưa dạy thêm, học thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cho là giải pháp chặn tình trạng thả nổi hoặc quản lý nửa vời hoạt động này.
Một lãnh đạo trường THCS ở TP HCM cho biết, nhiều thầy cô vẫn tổ chức các lớp dạy thêm tại nhà, dạy luôn học sinh chính khóa của mình. Theo quy định của Thông tư 17, việc này là trái phép nhưng thường ít bị xử lý. Các đoàn thanh tra chủ yếu phạt những lớp học bị phản ánh gây mất trật tự hoặc không đảm bảo an toàn cho học sinh.
"Ở trường học, đôi khi phải lờ đi, xem như khuất mắt trông coi. Bởi giáo viên thường lấy lý do dạy thêm theo đề nghị của phụ huynh. Nên nếu họ vẫn hoàn thành tốt công việc được giao thì trường cũng đành chấp nhận", thầy giáo nói.
Ở góc độ pháp lý, Thạc sĩ Lưu Minh Sang, Giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, dạy thêm, học thêm xuất hiện do sự gặp nhau giữa cung - cầu trên thị trường. Phụ huynh, người học có nhu cầu bổ sung kiến thức trong khi các trung tâm, giáo viên có năng lực cung cấp các hoạt động dạy học.
Do đó, hoạt động dạy thêm cần được nhìn nhận như là một dịch vụ giáo dục. Đưa dịch vụ vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết. Góc nhìn này sẽ giúp phân định được rạch ròi cơ chế quản lý giáo dục tại trường học công lập và các trung tâm dịch vụ dạy thêm.
Chẳng hạn, giáo viên tham gia dạy thêm sẽ đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ giáo dục, không thể mang tâm thế là giáo viên chính khoá trên trường để sử dụng "quyền lực mềm" với học sinh. Được điều chỉnh bởi pháp luật như một hoạt động kinh doanh, các chủ thể tham gia dạy thêm, học thêm (phụ huynh, học sinh, giáo viên) phải dựa trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, thiện chí.
"Việc đặt ra các điều kiện kinh doanh sẽ góp phần đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước được tốt hơn, qua đó bảo vệ quyền lợi người học. Chất lượng dịch vụ sẽ quyết định giá cả và yếu tố cạnh tranh, giúp cho chất lượng dạy học tăng lên", ông Sang nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này đề nghị làm rõ nội hàm "dạy thêm, học thêm" trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, việc truyền thụ các kiến thức phổ thông cần được xem là sứ mệnh, nhiệm vụ của trường phổ thông và giáo viên, được giải quyết trong trường học, không thuộc hoạt động "học thêm". "Dạy thêm" phải bao gồm các nội dung mà nhà trường không có, không cung cấp. Quy định rõ điều này mới đảm bảo quyền lợi của học sinh, đồng thời hạn chế tiêu cực.
Thông báo lịch học của một lớp luyện viết chữ đẹp cho học sinh lớp 1 tại TP Thủ Đức. Ảnh: Mạnh Tùng
Tuy vậy, đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn vấp phải sự lo ngại của một số nhà giáo. Họ cho rằng, việc này sẽ khiến sự nghiệp giáo dục bị "thương mại hoá", thậm chí mang đến tác dụng ngược.
"Bộ Giáo dục cần giảm tải chương trình, đổi mới thi cử mạnh mẽ để việc dạy thêm, học thêm biến mất một cách tự nhiên khi xã hội không còn nhu cầu. Hợp thức hoá dạy thêm sẽ khiến đổi mới giáo dục trở nên luẩn quẩn", một cựu giáo chức ở TP HCM nói.