Danh sách bài viết

Các nhà khoa học đã tìm ra cách thức ung thư lan truyền qua dòng máu trong cơ thể

Cập nhật: 28/12/2017

Trong một báo cáo mới, các nhà khoa học đã quan sát chi tiết cách mà các tế bào ung thư lan truyền từ khối u ban đầu vào dòng máu trong cơ thể. Sự phát hiện này cho phép chúng ta hiểu biết về ung thư tốt hơn và do đó giúp chúng ta biết cách đánh bại nó.

Đây là một bước tiến quan trọng chúng ta hiểu thêm về cách ung thư di chuyển vòng quanh trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã quan sát được sự lan truyền của các tế bào ung thư từ khối u ban đầu vào trong các dòng máu. Phát hiện này cho thấy rằng: sự sinh trưởng/ phát triển thứ cấp, được gọi là di căn, chính là cách các tế bào ung thư đâm thủng qua các thành của các mạch máu nhỏ nhờ một phân tử mục tiêu, được gọi là thụ thể chết 6 (Death Receptor 6- DR6). Sau đó, sẽ bắt đầu một quá trình tự phân hủy trong các mạch máu, cho phép ung thư lan truyền.

Theo nhóm nghiên cứu từ trường đại học Goethe ở Frankfurt và viện Max Planck ở Đức: sự mất khả năng hoạt động của thụ thể chết 6 (DR6) có khả năng ngăn cản sự lan truyền của các tế bào ung thư – với điều kiện là là không có con đường nào khác cho ung thư xâm nhập vào dòng máu. "Cơ chế này có thể là một điểm khởi đầu đầy hứa hẹn cho việc điều trị ngăn ngừa sự hình thành di căn" theo lời nhà nghiên cứu Stefan Offermanns.

Việc nắm bắt những sự phát triển thứ cấp của ung thư là vô cùng quan trọng, bởi hầu hết những trường hợp chết do ung thư gây ra không phải do khối u ban đầu, mà do sự lan truyền (di căn) của ung thư.

Để vượt qua các thành của các mạch máu, những tế bào ung thư phải nhắm vào các tế bào nội mô của cơ thể (endothelial cells) - là ranh giới bề mặt bên trong của máu và các mạch bạch huyết. Các tế bào ung thư có thể làm được điều này thông qua một quá trình gọi là Necroptosis (Necroptosis là một dạng của sự hoại tử theo hình thức đã được lập trình hoặc sự chết của tế bào viêm) hoặc sự chết của tế bào theo chương trình Apoptosis thúc đẩy bởi sự tổn thương tế bào.

Theo các nhà nghiên cứu, sự chết theo chương trình này được gây ra bởi phân tử DR6. Một khi phân tử là mục tiêu, các tế bào ung thư có thể di chuyển thông qua lỗ hỏng trong thành mạch máu hoặc tận dụng lợi thế của các tế bào suy yếu ở trong vùng xung quanh/ vùng phụ cận.

Sơ đồ cơ chế tế bào ung thư di căn ra khỏi mạch máu.

Chú thích: Phân tử APP trên các tế bào ung thư kích hoạt thụ thể DR6 trên các tế bào thành mạch máu (các tế bào nội mô). Kết quả là các tế bào nội mô tự chết thông qua quá trình Necroptosis. Theo cách này, tế bào ung thư tạo ra một con đường thoát khỏi dòng máu, sau đó, nó có thể trượt trực tiếp qua các lỗ hỏng (1) hoặc can thiệp vào các chất truyền tín hiệu hóa học (chemical messenger) từ các tế bào bên cạnh xung qua tế bào nội mô đã chết, đây là nguyên nhân tạo ra một lỗ hổng (khoảng trống) giữa các tế bào nội mô (2). (Prof. Dr. Stefan Offermanns, Max Planck Institute for Heart and Lung Research, "Loophole for cancer cells", Max-Planck-Gesellschaft, August 08, 2016)

Nhóm nghiên cứu đã quan sát được phản ứng tương tự ở các tế bào sinh trưởng trong phòng thí nghiệm (lab-grown cells) và ở chuột. Trong các con chuột đã bị biến đổi di truyền – nghĩa là DR6 đã được bất hoạt, thì có ít sự Necroptosis và sự di căn được ghi nhận hơn. Các nhà nghiên cứu đã công bố các phát hiện của họ trên tạp chí Nature.

Bước tiếp theo của nghiên cứu là tìm ra các ảnh hưởng/ tác động phụ có thể gây ra bởi việc làm bất hoạt DR6 (và để tìm ra những lợi ích tương tự nếu tìm thấy ở người. Như vậy, các phát hiện này có thể là một hướng tác động nhằm làm chậm sự lan truyền của ung thư. Có vài giả thuyết khác cho rằng: một số cách di căn trong cơ thể gây ra bởi sự sinh trưởng/ phát triển thứ cấp. Các nhà khoa học tại trường đại học California, Los Angeles (UCLA) hiện đang kiểm tra ý kiến cho rằng các tế bào khối u cũng có thể lan truyền qua các mạch máu bên ngoài cơ thể và qua dòng máu trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một cơ chế (gọi là angiotropism) mà một vài ung thư hắc sắc tố (melanoma) có thể sử dụng đó là bám vào bên ngoài các mạch máu, chứ không hẳn là sự chọc thủng hay xuyên qua các mạch máu. Nếu điều này được xác nhận thì các tế bào ung thư có thể thoát khỏi các tác động của sự bất hoạt DR6 và hóa trị liệu.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu Laurent Bentolila đến từ UCLA "Nếu tế bào khối u có thể lan truyền thông qua sự di chuyển liên tục dọc theo bề mặt của các mạch máu và các cấu trúc giải phẫu khác như các dây thần kinh thì khi đó các tế bào khối u sẽ có một lối thoát bên ngoài dòng máu trong cơ thể".

Những phát hiện từ nghiên cứu này, cũng đã được tiến hành trên chuột và được công bố kết quả trên tạp chí Nature Scientific Reports.

Theo hai nghiên cứu cho thấy, không phải tất cả các loại ung thư đều tác động theo cách giống nhau, nên việc tìm ra cách thức hoạt động của chúng trở nên khó khăn gấp đôi. Nhưng chúng ta có thể đánh giá được sự phức tạp và đa dạng của các loại bệnh và đây chính là cơ hội tốt để ta đánh bại chúng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Science Alert, "Scientists Have Finally Figured out How Cancer Spreads Through the Bloodstream", Futurism, August 22, 2016.

  2. Prof. Dr. Stefan Offermanns, Max Planck Institute for Heart and Lung Research, "Loophole for cancer cells", Max-Planck-Gesellschaft, August 08, 2016.

Lược dịch và tổng hợp Nguyễn Thị Hương

Nguồn: / 0