Danh sách bài viết

Cách xác định nguyên nhân gây căng thẳng của bạn

Cập nhật: 12/07/2018

Một số yếu tố tiêu cực trở nên quá quen thuộc đến độ bạn không hề xem chúng là nguồn gốc của những căng thẳng. Bạn tưởng như không hề chú ý gì tới tiếng ngáy đêm của người bạn đời nhưng thực ra chúng vẫn quấy rầy giấc ngủ của bạn. Có thể bạn chỉ coi những lời nhận xét mỉa mai của đồng nghiệp như gió thoảng qua, nhưng chúng vẫn hủy hoại bạn về mặt cảm xúc. Bạn có thể chấp nhận sự xấc xược, bướng bỉnh của con cái như một phần của quá trình làm cha mẹ nhưng lại không hề biết tới cơn thịnh nộ âm ỷ sâu bên trong con người mình.

Cuộc sống chưa bao giờ là một màu hồng và bạn phải đối mặt, xử lý với những thách thức cũng như trở ngại hằng ngày. Nhưng hãy nhìn sâu hơn vào cuộc sống gia đình, môi trường công việc, những mối quan hệ gia đình, xã hội, sức khỏe hay các mối quan hệ cá nhân, và bạn sẽ phần nào hiểu được nguồn gốc những căng thẳng của mình.

Dấu hiệu của stress

Dưới đây là một số những cảm giác bên trong mà stress có thể gây ra:

» Cảm giác căng thẳng bên trong, giống như thể cuộn lò xo đang chuẩn bị bung ra;
» Dễ dàng cáu gắt một cách nhanh chóng trong một số trường hợp. Bạn cảm thấy muốn la hét, gào thét, chửi thề hay ném thứ gì đó;
» Cảm giác mất năng lượng, thậm chí là không có tí năng lượng nào, và chán nản vì cảm giác căng thẳng cực độ;
» Có những cảm xúc cực kỳ tiêu cực như căm phẫn, oán giận, đố kỵ, hận thù một cách phi lý, không phù hợp hoàn cảnh hay đối tượng liên quan.

Những tác động của stress lên chức năng thần kinh của bạn bao gồm:

» Tập trung kém;
» Mất trí nhớ ngắn hạn, lặp đi lặp lại một việc hay một câu hỏi nhiều lần mà không nhận ra hoặc không đưa ra được lời giải thích, chỉ dẫn hay thông tin đơn giản;
» Khả năng suy đoán (lập luận) kém khiến bạn không thể hoàn tất công việc hay giải quyết những tình huống trước kia chưa bao giờ làm khó bạn như tính nhẩm, viết danh sách mua sắm, soạn thư từ hay hoàn thành việc bình thường ở nhà hay công sở;
» Nhanh chóng mất đi sự tự tin và tự trọng vì khả năng đương đầu bị giảm sút.

Những thay đổi về mặt trí não và cảm xúc có thể là do căn bệnh trầm cảm, mất trí nhớ sớm hay các căn bệnh khác gây ra. Vì thế hãy kiểm tra với bác sĩ của mình nếu bạn cảm thấy nghi ngờ. Tuy nhiên, trầm cảm và mất trí nhớ có khuynh hướng phát triển tương đối từ từ, qua một thời gian dài hơn là do những tác động của stress. Bác sĩ của bạn có thể sẽ tìm ra những dấu hiệu và triệu chứng khác để giúp xác định rõ nguyên nhân tiềm ẩn.

Dấu hiệu vật lý của các yếu tố gây căng thẳng trong công việc có thể là:

» Căng, đau cơ;
» Đau đầu hoặc bị các cơn đau tấn công nếu bạn mắc chứng đau nửa đầu;
» Tình trạng tiền kinh nguyệt và các triệu chứng tiền mãn kinh trở nên tồi tệ hơn, khiến bạn cảm thấy khó chịu, nóng sốt, đổ mồ hôi, dễ cáu kỉnh, da xấu và các tình trạng không tốt về da;
» Ngủ kém;
» Mắc chứng thèm ăn, luôn có xu hướng ăn nhiều, ăn thoải mái;
» Buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy hay đi tiểu thường xuyên;
» Hồi hộp, tim đập nhanh (cảm nhận rõ trống ngực đánh), mạch đập nhanh, vã mồ hôi (ngay cả khi không nóng hay ở tình trạng mãn kinh).

Chỉ cần một chút quan sát và suy ngẫm, bạn sẽ sớm phát hiện ra những dấu hiệu tồn tại của các vấn đề đang diễn ra ở các tình huống gây ra căng thẳng cho bạn như phần giải thích dưới đây.

Những xáo trộn trong gia đình

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà gia đình chiếm ngự tâm trí rất nhiều người khi đề cập tới yếu tố gây ra stress. Tôi thậm chí còn không biết bắt đầu từ đâu trong số những rắc rối đã khiến cho thành viên nào đó trong gia đình bạn trở thành người mà bạn không thể sống cùng hay không thể sống thiếu. Cũng giống như tật ngủ ngáy của người bạn đời, bạn đã quá quen với nền tảng chung trong cách nói chuyện và hành xử của những người thân nhất, đến nỗi mà bạn hầu như không ghi nhận vào đầu những gì thực sự phiền toái (hoặc, thường xuyên hơn, những điểm tuyệt vời của họ).

Dưới đây là một số điều cần xem xét nếu bạn nghĩ gia đình đang khiến mình bị stress:

» Cảm thấy thường xuyên bực bội và cáu giận với một vài thành viên trong gia đình;
» Cảm thấy bực bội với mọi thứ mà họ làm;
» Phàn nàn hay cằn nhằn họ nhiều hơn mức bình thường tới độ không thể ngừng lại.

Ganh đua trong công việc

Bốn lý do phổ biến nhất mà người ta hay đưa ra khi không thích công việc của mình:

» Công việc đòi hỏi quá nhiều hoặc là quá ít ở họ;
» Công việc khiến họ cảm thấy nhàm chán;
» Họ được trả công không xứng đáng;
» Dính líu đến những người không cảm thông, hay bắt nạt, gây khó dễ hoặc khó chịu theo những cách khác.

Có thể bạn biết quá rõ vì sao mình lại bị stress trong công việc và bạn muốn làm gì thay cho việc đó. Không kể tới giá trị của công việc đang làm thì một vấn đề quan trọng là môi trường làm việc của bạn, đồng nghiệp và sếp dần dần trở thành quen thuộc như gia đình bạn vậy.

Chắc hẳn bạn thậm chí đã chuẩn bị cả một lớp da dày để chống lại những lời bình phẩm vô cảm, những phần thưởng không xứng đáng với nỗ lực của mình và cả những điều không lành mạnh hay khó chịu xung quanh. Tuy thế nhưng, những yếu tố gây ra căng thẳng vẫn làm kiệt quệ cả cơ thể lẫn cảm xúc của bạn, dẫn đến một kết quả chẳng mấy dễ chịu gì.

Vậy thì, làm sao bạn biết được công việc có khiến bạn stress hay không? Hãy xem những điều sau để biết bạn đang có những dấu hiệu nào hay toàn bộ những dấu hiệu dưới đây:

» Bạn ngày càng cảm thấy mình không phù hợp với công việc;
» Bạn thấy mình có những biểu hiện giống như các phản ứng với gia đình đã đề cập phía trên ở nhiều dạng khác nhau khi đối mặt với những vấn đề trong công việc hay với sếp hoặc đồng nghiệp khó chịu;
» Bạn phí phạm thời gian để lo lắng và cảm thấy tồi tệ về công việc của mình trong khi không thực sự làm gì cả.

Lãng phí thời gian

Nếu bạn có khuynh hướng đi làm trễ hay đến muộn trong các cuộc hẹn hoặc các cuộc gặp gỡ khác thay vì nhanh nhẹn, tươi cười, bảnh bao, đến sớm trước nửa giờ, thì những căng thẳng hằng ngày bạn phải chịu sẽ càng phức tạp hơn khi bị cằn nhằn. Những người khác, đặc biệt là những người luôn đến sớm với diện mạo chỉn chu, sẽ cảm thấy bị bực bội, trong khi hoàn toàn không biết gì về cảm giác stress mà hầu hết những người tới trễ phải trải qua.

Những người có thói quen đi muộn thường stress nhiều hơn. Và là một người đã từng luôn đi muộn trong mọi trường hợp, tôi có thể đảm bảo với bạn là không đúng giờ còn mệt mỏi hơn cả việc lên kế hoạch một chút. Việc bạn đúng giờ sẽ cho bạn một phần thưởng là nụ cười tự mãn trước đồng nghiệp, khiến cho họ một lần không có cơ hội để cằn nhằn hay coi thường bạn.

Rất nhiều người dường như loay hoay, bận rộn cả ngày nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu mà lại stress và kiệt sức trong quá trình làm việc. Mệt mỏi cả thể chất và tinh thần vì lúc nào cũng trong tình trạng vội vã sẽ phá hoại tâm trạng của bạn, khiến cho bạn khó khăn hơn trong việc giải quyết những nhu cầu (thường là dường như không hợp lý) của cuộc sống. Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này thì có thể bạn đang tập trung vào những điều không cần thiết.

Suy nghĩ ẩn sau nhận định này là quy luật 80/20 hay còn gọi là nguyên lý Pareto. Nguyên lý này chỉ ra rằng, nhìn chung 80% nỗ lực của bạn chỉ tạo ra 20% kết quả. Điều đó có nghĩa là, bạn cũng có thể đoán được, 80% kết quả có được chỉ nhờ vào 20% nỗ lực.

Mỗi khi đến giờ bạn chuẩn bị gặp ai đó, hãy tự hỏi mình xem bạn có rơi vào một trong số (hay tất cả) những điều này hay không:

» Bạn thường loạn cả lên và hay đến muộn trong cuộc hẹn như trễ giờ làm, giờ hẹn thợ cắt tóc hay gặp bác sĩ, nha sĩ hay luật sư.;
» Bạn nằm trên giường đêm trước ngày có hẹn và khiếp sợ khi nghĩ tới những gì phải làm ngày mai;
» Bạn thực sự cố gắng đúng giờ nhưng vẫn vắt chân lên đuổi theo xe buýt hay tàu.

Những yếu tố gây căng thẳng có xu hướng tác động tập thể chứ không riêng lẻ. Bất cứ điều nào trong những yếu tố trên cũng đều có thể là phản ứng dây chuyền của dạng stress chung chung, và stress liên quan đến gia đình, công việc… Hãy dành thời gian để xem xét và khắc phục những vấn đề cơ bản như xây dựng cầu nối với mọi người trong gia đình, đồng nghiệp và xem xét lại những lựa chọn trong công việc của mình.

Nhìn nhận nghiêm túc về tình hình tài chính của bạn

Vấn đề tài chính cá nhân là một trong những yếu tố gây căng thẳng nặng nề nhất trong cuộc sống. Bạn có thể thấy là mình lo lắng phát điên về những khoản nợ ngày càng tăng trong khi vẫn không điều chỉnh được những nguyên nhân cơ bản.

Nếu bạn là một tín đồ nghiện mua sắm hay mắc chứng nghiện mua sắm cưỡng chế khi tâm trạng xuống thấp thì bạn cần tới sự giúp đỡ của một chuyên gia và tôi nghĩ bạn nên tìm đến bác sĩ, người có thể
cho bạn những lời khuyên thích hợp.

Nếu bạn cho rằng vấn đề tài chính có thể là nguyên nhân gây ra những căng thẳng của mình thì hãy xem liệu bạn có rơi vào những trường hợp sau hay không:

» Bạn luôn suy nghĩ về tiền. Bạn luôn phải băn khoăn về việc làm sao để thanh toán các hóa đơn hay làm sao để tránh xa các cửa hàng trong khi đang khánh kiệt;
» Bạn đang bắt đầu cảm thấy ghét tiền vì nó lấn át cuộc sống của bạn.

Cả hai dấu hiệu trên đều khiến bạn ngủ không ngon, chán ăn, tâm trạng bất ổn, mệt mỏi và có thể dẫn tới trầm cảm hay bệnh tật.

Cẩn thận với sức khỏe của mình

Hầu hết chúng ta (bao gồm cả bác sĩ hay đúng hơn, đặc biệt là họ) đều có lúc trong đời phải lo lắng về sức khỏe của mình. Những mối quan tâm thường có khuynh hướng tăng dần lên gấp nhiều lần theo năm tháng, đặc biệt là nếu trước đây, bạn chưa từng chú ý nhiều tới một lối sống lành mạnh.

Hãy tìm kiếm những dấu hiệu sau để biết là những lo lắng về sức khỏe đang làm bạn căng thẳng:

» Bạn nhận thấy mình đọc nhiều bài báo về sức khỏe của người khác hơn trước kia;
» Bạn bắt đầu lo lắng về những dấu hiệu nhỏ nhặt và băn khoăn liệu những căn bệnh mà bạn vừa đọc có đang phát triển trong bạn hay không;
» Bạn nằm lo âu, đổ lỗi cho bản thân vì không đi chụp X-quang kiểm tra khối u, cổ tử cung, đo huyết áp hay kiểm tra nồng độ cholesterol hoặc mắt;
» Bạn có những dấu hiệu stress (như đề cập ở trên) làm trầm trọng thêm bất cứ dấu hiệu nào bạn được cảnh báo và khiến cho bạn sợ đến bác sĩ hơn.

Dù bạn làm gì đi nữa thì hãy lên ngay một cuộc hẹn, làm các xét nghiệm, trấn an mình rằng những nỗi lo sợ là vô căn cứ và hãy nhớ detox đã góp phần không nhỏ cho việc xây dựng sức khỏe của bạn. Quyết tâm để ý hơn tới sức khỏe của mình trong tương lai, hoặc là bắt đầu điều trị và xoa dịu những lo lắng của bạn.

Nguồn: / 0

Sự thật về gan của bạn

Gan không chỉ lấp ló trong bữa ăn tối khi được chế biến kèm với hành tây và thịt heo xông khói. Nó giữ vị trí quan trọng ở phần trên, bên phải ổ bụng, nằm ở phía trên dạ dày và tuyến tụy, và được xương sườn bảo vệ.

Tìm kiếm độc tố bên trong cơ thể

Bên trong cơ thể bạn có độc tố và việc loại bỏ chúng là mục tiêu chính của quá trình detox. Nhưng nếu như bạn uống rượu vừa phải (hay hoàn toàn không uống), không hút thuốc và luôn cố gắng ăn uống lành mạnh thì những độc tố này từ đâu ra? Phần này sẽ...

Xem xét các loại độc tố bên ngoài cơ thể

Các độc tố ngoài môi trường có thực sự là đang ẩn nấp ở mọi ngóc ngách và chỉ chực chờ để vồ lấy bạn không? Nhà sạch, bếp hợp vệ sinh, thực phẩm an toàn sẽ giúp bạn giữ nhà mình không bị độc tố xâm hại ư?

Xác định các loại độc tố

Độc tố giống như cỏ dại, những tên côn đồ tự mãn của thế giới thực vật nhất quyết đòi ngoi lên thống trị. Nấm độc, cúc dại, và hoa bồ câu lần lượt đe dọa cuộc sống của con người, vật nuôi và cây trồng nên chúng bị nhổ tận gốc và tiêu hủy. Bồ công...

Những người không nên làm detox

Hãy dành thời gian lắng nghe cơ thể mình, giải thích một cách rõ ràng, mạch lạc về nhu cầu của cơ thể trong việc thực hiện detox. Có một số trường hợp nhất định không thể làm detox và một số trường hợp khác thì tôi chân thành khuyên nên đến gặp bác...

Kế hoạch detox cho bản thân

Bạn đã quyết định làm detox – vấn đề còn lại chỉ là ở đâu và khi nào. Dù bạn có cảm thấy hào hứng đến thế nào đi nữa, thì việc bạn ở đúng tâm trạng, đúng thời gian và địa điểm cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công cuối cùng, không kém gì việc...

Tại sao nên thực hiện detox?

Detox để giảm cân Bạn sẽ có khả năng giảm cân khi thực hiện detox. Một phần là do những thức ăn tự nhiên, lành mạnh chứa ít chất béo bão hòa và đường hơn, đồng thời ít calo hơn. Lý do nữa có thể là do hoạt động tiêu hóa của bạn đều đặn hơn

Tiến trình thực hiện detox

Thanh lọc xong không có nghĩa là bạn hô lên một tiếng rồi kết thúc và chuyển qua cân bằng. Cũng không phải là làm bước cân bằng xong rồi thì bạn đóng sầm một cái, báo hiệu chấm dứt giai đoạn đó và chuyển qua bước củng cố. Hãy làm một cách tự nhiên....

Các khái niệm cơ bản về detox

Chính xác thì detox là gì? Detox là quá trình loại bỏ độc tố – các chất gây hại tích tụ trong các cơ quan và mô – ra khỏi cơ thể. “Gặp gỡ” các độc tố Các độc tố ở quanh bạn, đôi khi nó xuất hiện ở những chỗ mà bạn ít ngờ tới nhất.

Hỗ trợ gan

Giai đoạn đầu tiên của quá trình giải độc được thực hiện bởi chuỗi enzym cytochrome P450, một loại mà bạn có thể đã nghe nói đến rất nhiều vì tầm quan trọng của chúng trong việc xử lý nhiều loại thuốc kê đơn. Những chất này sẽ sản sinh ra gốc tự do...