Danh sách bài viết

CHOÁNG VÁNG VÀ CHÓNG MẶT

Cập nhật: 28/12/2017

CHOÁNG VÁNG VÀ CHÓNG MẶT

 

 

GIỚI THIỆU

      

       Choáng váng là một cảm giác có thể khó diễn tả, nhưng thường được mô tả là một cảm giác quay vòng hoặc nghiêng ngả, hoặc sắp rơi xuống hay văng ra ngoài. Choáng váng cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy đầu óc quay cuồng, chóng mặt hay khó khăn khi bước đi như bình thường.

       Nhiều người cảm thấy choáng váng có kèm chóng mặt, đó là một dạng đặc biệt của choáng váng. Chóng mặt gây ra cảm giác quay vòng, lắc lư hoặc nghiêng ngả. Chúng ta có thể cũng cảm thấy rằng bản thân đang di chuyển hay căn phòng đang chuyển động xung quanh chúng ta. Chóng mặt có các nguyên nhân khác nhau, liên quan đến tai trong hoặc não bộ. Ở một số người, vấn đề này không nghiêm trọng, trong khi ở những người khác, chóng mặt có thể đe dọa tính mạng.

       Bài viết này mô tả các triệu chứng chóng mặt và giúp nhận biết khi nào cần tìm đến sự trợ giúp y tế.

 

 

TRIỆU CHỨNG CHÓNG MẶT

 

        Các triệu chứng phổ biến nhất của chóng mặt bao gồm các cảm giác:

  • Xoay vòng (bản thân chúng ta xoay hoặc căn phòng xoay xung quanh chúng ta)
  • Đổ nghiêng hoặc lắc lư
  • Cảm giác mất thăng bằng

      Những cảm giác này đến và đi, có thể kéo dài giây, vài giờ hoặc vài ngày. Chúng ta có thể cảm thấy tồi tệ hơn khi di động đầu, thay đổi vị trí (đứng lên, ngồi dậy), ho hoặc hắt hơi. Bên cạnh chóng mặt, có thể có:

  • Nôn hoặc buồn nôn
  • Nhức đầu hoặc nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn
  • Nhìn đôi, khó nói hoặc nuốt hay cảm thấy yếu
  • Thở hổn hển hoặc đổ mồ hôi, tim đập nhanh

      Khi đến khám bệnh, chúng ta nên mô tả cho bác sĩ biết các triệu chứng kéo dài trong bao lâu, yếu tố kích thích xảy ra các triệu chứng và bất kỳ vấn đề liên quan khác. Những dữ kiện này là manh mối giúp tìm ra nguyên nhân chóng mặt.

 

 

NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP CỦA CHÓNG MẶT

 

Các nguyên nhân phổ biến nhất của chóng mặt bao gồm:

 

  • Bệnh lý tai trong, với tình trạng vôi hóa, viêm và nhiễm trùng, có thể gây ra các bất thường trong hệ thống tiền đình. Đây là hệ thống bao gồm các bộ phận của tai trong và hệ thần kinh, giúp kiểm soát cân bằng cho cơ thể.

 

 

     Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, bệnh Meniere và viêm dây thần kinh tiền đình là ba trong những nguyên nhân phổ biến nhất của chóng mặt gây ra bởi bất thường ở tai trong.

 

  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (đôi khi được gọi là chóng mặt tư thế lành tính, chóng mặt vị trí, chóng mặt tư thế hoặc chỉ đơn giản là chóng mặt) là loại chóng mặt xảy ra do quá trình tích tụ canxi ở tai trong. Cách điều trị phổ biến là làm dịch chuyển các mảng vôi hóa. Chóng mặt thường diễn ra trong thời gian ngắn, vài giây đến vài phút. Nó có thể lên cơn kịch phát nếu người bệnh di chuyển đầu theo những hướng nhất định.
  • Bệnh Meniere là một tình trạng khó chịu lặp đi lặp lại, bao gồm chóng mặt, mất thính lực và ù tai. Các triệu chứng này có thể kéo dài vài phút hoặc vài giờ. Nguyên nhân được cho là do có dịch tích tụ ở tai trong.

 

  • Viêm dây thần kinh tiền đình có thể do một loại virus làm sưng viêm xung quanh dây thần kinh tiền đình. Các triệu chứng hình thành và phát triển đột ngột, gồm có chóng mặt nặng, buồn nôn, nôn ói và gặp khó khăn khi đi lại hoặc đứng dậy; kéo dài trong vài ngày. Một số người có thể cảm thấy khó nghe ở một bên tai.

 

  • Chấn thương đầu có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình và gây ra chóng mặt.

 

  • Thuốc là một nguyên nhân ít gặp. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể gây tổn thương tai trong. Các thuốc khác ảnh hưởng đến chức năng của tai trong hoặc não bộ và dẫn đến chóng mặt.

 

  • Chứng đau nửa đầu (đau đầu Migrain) đôi khi cũng có triệu chứng chóng mặt. Đây là loại chóng mặt thường xảy ra cùng với đau đầu, mặc dù thỉnh thoảng cũng không có đau đầu.

 

  • Các bệnh lý ở não, như đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, xuất huyết não hay bệnh xơ hóa rải rác, cũng có thể gây chóng mặt. Các bệnh lý này thường có thêm những triệu chứng khác, đặc trưng cho các tổn thương ở não.

 

 

KHI NÀO CẦN PHẢI ĐƯỢC TRỢ GIÚP

 

      Chúng ta nên tìm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu có chóng mặt hay chóng mặt đi kèm bất kỳ những triệu chứng sau đây:

  • Nhức đầu lần đầu tiên hoặc nhức đầu dữ dội
  • Thân nhiệt > 38ºC (100.4ºF)
  • Nhìn đôi hoặc nhìn thấy không rõ ràng
  • Nói khó hoặc nghe khó
  • Yếu một tay hoặc chân
  • Đi lại phải cần trợ giúp
  • Té xỉu
  • Tê hoặc ngứa râm ran
  • Đau ngực
  • Ói mửa liên tục

      Ngoài ra, cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức nếu chóng mặt kéo dài vài phút hoặc hơn khi chúng ta:

  • Lớn tuổi
  • Đã từng bị đột quỵ
  • Có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đột quỵ (cao huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá)

     Nếu những cơn choáng váng hay chóng mặt đến rồi đi mà không để lại bất kỳ vấn đề nào, chúng ta vẫn nên đến bác sĩ. Họ sẽ chỉ định các xét nghiệm tùy thuộc vào bệnh sử và tiền căn bệnh lý của chúng ta để tìm nguyên nhân gây chóng mặt hay tầm soát các nguyên nhân tiềm ẩn.

 

 

ĐIỀU TRỊ CHÓNG MẶT

  

       Trong đa số các trường hợp, chóng mặt là một cảm giác khó chịu nhưng thường không có nguyên nhân nghiêm trọng. Điều trị chóng mặt là điều trị các nguyên nhân gây ra chóng mặt (nếu biết được nguyên nhân), giảm bớt các triệu chứng và giúp nhanh chóng hồi phục.

 

Điều trị triệu chứng - Nếu chóng mặt mức độ nặng hay kéo dài nhiều giờ đến nhiều ngày, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giúp giảm các triệu chứng nghiêm trọng, như thuốc chống nôn. Theo đó, điều trị bằng thuốc sẽ không được chỉ định nếu chóng mặt chỉ trong một giây hoặc vài phút.

Các loại thuốc được chỉ định bao gồm:

  • Kháng histamin, như meclizine, dimenhydrinate, diphenhydramine
  • Chống buồn nôn, như promethazine, metoclopramid, ondansetron.
  • An thần, như diazepam, lorazepam, clonazepam

       Hầu hết các loại thuốc này dễ khiến chúng ta buồn ngủ. Vì vậy, không nên dùng khi làm việc hay lái xe. Đồng thời, chỉ nên dùng thuốc theo toa để điều trị triệu chứng chóng mặt với mức độ nghiêm trọng và cần phải ngừng thuốc khi các triệu chứng đã được cải thiện.

Dịch chuyển các mảng vôi hóa – Đây là một phương pháp điều trị được khuyến khích áp dụng cho người bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng di chuyển đầu của người bệnh vào những vị trí nhất định. Trong những trường hợp cần thiết, người chăm sóc sẽ được hướng dẫn cách thực hiện những động tác này để có thể thực hành tại nhà.

       Khi đầu di chuyển, các mảng canxi sẽ có xu hướng dịch chuyển vào một phần của tai. Tại đó, chúng sẽ được hấp thụ lại. Vì vậy, người bệnh có thể thấy chóng mặt cải thiện ngay lập tức sau khi điều trị hoặc chỉ trong vòng một đến hai ngày.

 

 

 

 

 

 

 

Phục hồi chức năng thăng bằng – Khi bị chóng mặt, hầu hết các bệnh nhân đều muốn giữ đầu cố định. Tuy nhiên, tư thế bất động và không di chuyển đầu lại làm cho việc đối phó chóng mặt gặp khó khăn hơn. Do đó, điều trị phục hồi chức năng giữ thăng bằng giúp cải thiện chóng mặt có nguyên nhân là do tổn thương hệ thống tiền đình.

       Cụ thể, chúng giúp não điều chỉnh phản ứng với những thay đổi trong hệ thống tiền đình. Liệu pháp này cũng giúp luyện tập cho mắt và các giác quan khác biết cách làm thế nào để cân bằng. Đây là một cách điều trị hiệu quả cao, nhất là khi được bắt đầu thực hiện càng sớm càng tốt sau khi khởi phát chóng mặt.

 

       Trong suốt thời gian phục hồi chức năng, bác sĩ cũng sẽ cung cấp các bài tập để thực hiện ở nhà. Ví dụ, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tập trung nhìn vào một đối tượng trong không gian trống trải và cùng lúc di chuyển đầu từ từ sang phải, trái và lên, xuống. Chúng ta sẽ thực hiện bài tập này trong vài phút, lặp lại hai đến ba lần mỗi ngày.

 

Đề phòng chấn thương - Nếu gặp khó khăn khi đứng hoặc đi lại vì chóng mặt, người bệnh sẽ dễ bị chấn thương khi té ngã. Ở người lớn tuổi, điều này lại dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương đùi. Để giảm nguy cơ té ngã, cần chú ý đến những mối nguy hiểm hiện diện ngay trong nhà, như dây điện lỏng lẻo hay tấm thảm trơn trượt và tránh đi lại dù trong khu vực quen thuộc mà không được thắp sáng.

 

       Nếu còn những vấn đề lo lắng, thắc mắc, cần sớm đến tham vấn bác sĩ hay những chuyên gia chăm sóc sức khoẻ để biết thêm thông tin. Bởi vì choáng váng hay chóng mặt có khi chỉ là một cảm giác khó chịu thoáng qua hay cũng có thể là dấu hiệu báo trước của các bệnh lý nghiêm trọng sau này.

Nguồn: / 0

SINH LÝ HỌC TẾ BÀO

Sinh lý học

I. Vận chuyển vật chất qua màng tế bào 1. Cấu tạo cơ bản của một tế bào động vật

Sinh lý tế bào, đại cương và cấu trúc chức năng tế bào và màng tế bào

Sinh lý học

Sinh lý tế bào, đại cương và cấu trúc chức năng tế bào và màng tế bào Đại cương về chức năng tế bào

 1572 Đọc tiếp

Nội môi, hằng tính nội môi

Sinh lý học

Nội môi, hằng tính nội môi Nội môi Khoảng 56°/( trọng lượng cơ thể người

 2797 Đọc tiếp

Công nghệ diệt khuẩn mới bằng nano bạc tươi nguyên chất

Sinh lý học

Nano bạc tươi dùng để ngâm rửa thực phẩm, lau vết thương, vệ sinh, diệt khuẩn vật dụng trẻ em, khử mùi... Công nghệ diệt khuẩn bằng nano bạc (Nano Silver) hiện được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều thiết bị tích hợp công nghệ này vẫn chưa phát...

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Sinh lý học

Theo y học đông tây, những nguyên nhân gây ra bệnh tật cho con người đến từ những nguyên nhân: nội tại, ngoại giới, và một số đặc biệt khác.

TUỔI THỌ ĐỜI NGƯỜI

Sinh lý học

TUỔI THỌ ĐỜI NGƯỜI -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D. 1-MƯỜI THỜI KỲ TUỔI THỌ CON NGƯỜI: Theo các nhà tâm lý giáo dục, đời sống tâm sinh lý của con người được diễn...

CHỨC NĂNG ĐỀ KHÁNG CỦA CƠ THỂ

Sinh lý học

CHỨC NĂNG ĐỀ KHÁNG CỦA CƠ THỂ -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D. Để bảo vệ sức khỏe, trong thế giới đầy mối nguy hại cho con người, tạo hóa đã trang bị bên trong cơ thể con người một hệ thống phòng thủ đặc biệt, hay còn gọi là sự đề kháng...

PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH

Sinh lý học

PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D. 1-KHÁI NIỆM VỀ VIỆC PHÒNG BỆNH: Theo y khoa cổ truyền, việc trị bệnh thường căn cứ trên những hiện...

THÓI QUEN SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC

Sinh lý học

1-KHÁI NIỆM VỀ THÓI QUEN: Thói quen là sự phản ứng lại, thái độ hay hành vi, được thành hình qua một tiến trình học tập, và thực hành; cho đến khi nó trở nên bình thường, và ít nhiều có tính tự động và vô ý thức. Một hành vi, khi được trở thành...

YẾU TỐ DƯỠNG SINH CĂN BẢN

Sinh lý học

YẾU TỐ DƯỠNG SINH CĂN BẢN -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D. -Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ, Soạn Giả Sách " SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại " (xuất bản 02/2009, & tái bản 08/2010)