Danh sách bài viết

Hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu

Cập nhật: 30/12/2017

Những căn nhà tốc mái, những chiếc ô-tô bị lật ngược, cây cối gục ngã trước những cơn cuồng phong,… đó là hình ảnh hoang tàn ở nhiều bang của nước Mỹ sau khi hai siêu bão Harvey và Irma đi qua. Sau thảm họa do bão Katrina gây ra cách đây 12 năm, một lần nữa nước Mỹ đối mặt những cơn bão “tử thần”, mà sự xuất hiện ít nhiều là do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.

“Quái vật” vùng Caribbe

Gọi Harvey hay Irma là cơn bão “tử thần” không có gì là quá lời, bởi sức tàn phá khủng khiếp của chúng không chỉ diễn ra ở nước Mỹ mà còn một loạt nước ở Mỹ latin. Tiến vào Houston (bang Texas), thành phố lớn thứ tư tại Mỹ trong đêm 26-8, siêu bão Harvey đã nhanh chóng “ghi thành tích” là cơn bão mạnh nhất tràn vào nước Mỹ kể từ năm 2005 và mạnh nhất ở bang Texas trong hơn 50 năm qua. Theo AP, với lượng mưa đo được lên tới gần 2.000 mm, tương đương 34.000 tỷ lít nước, Harvey đã nhấn chìm Houston và nhiều khu vực khác của Texas trong biển nước, buộc hơn một triệu người phải sơ tán. Số người thiệt mạng đến nay ghi nhận ít nhất 60 trường hợp.

Theo báo cáo do hãng dự báo thời tiết Mỹ AccuWeather công bố, tổng thiệt hại do bão Harvey gây ra có thể lên tới 190 tỷ USD, tương đương 1% GDP của Mỹ. Con số này cao hơn nhiều so thiệt hại do bão Katrina gây ra năm 2005 (160 tỷ USD).

Trong khi khu vực miền đông nam nước Mỹ còn chưa “hoàn hồn” sau cơn bão Harvey, trên Đại Tây Dương lại xuất hiện một siêu bão mới mang tên Irma. Siêu bão mạnh cấp 5 này đã tạo ra những cơn cuồng phong với sức gió trung bình lên đến 295 km/giờ trong suốt hơn 33 giờ đồng hồ. Cường độ gió mạnh duy trì trong một thời gian dài như vậy chưa bao giờ được ghi nhận trong kỷ nguyên vệ tinh. Sức gió mạnh kèm mưa lớn đã tàn phá trên diện rộng ở những nơi mà bão đi qua.

Chưa đầy một tuần quét qua khu vực Caribbe hướng đến Bahamas và phía nam bang Florida của Mỹ, bão Irma đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, khiến giao thông, liên lạc bị cắt đứt, nhà cửa bị phá hủy, nhiều đảo nhỏ bị cô lập. Bão Irma cũng khiến hơn sáu triệu người tại nước Mỹ phải đi sơ tán, một trong những đợt sơ tán lớn nhất trong lịch sử nước này.

Theo tờ The New York Times, Irma được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 100 năm qua ở Đại Tây Dương. Ngày 10-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông qua tuyên bố thảm họa ở bang Florida sau khi siêu bão Irma được ví như “quái vật khổng lồ” càn quét ở đây.

Trong khi Houston, Florida bị lụt lội vì bão Harvey và Irma, Ấn Độ và các nước Nam Á cũng phải trải qua các đợt mưa lũ nghiêm trọng. Thảm họa lũ lụt được cho là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực này đã làm hơn 1.400 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời nhà cửa đi lánh nạn. Nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa này được giới chuyên gia nhận định là do các chính phủ thiếu biện pháp phòng, chống mưa lũ hiệu quả và thường xuyên; thiếu quy hoạch hạ tầng bài bản; thiếu hệ thống cảnh báo sớm thiên tai...

Hậu quả nhãn tiền

Dù chưa có ai khẳng định một cách chắc chắn rằng, BĐKH toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính gây ra một loạt “siêu bão” ở Mỹ, song cũng có thể khẳng định yếu tố này chắc chắn đóng vai trò lớn khiến những cơn bão trở nên nguy hiểm hơn so trước đây.

Báo chí địa phương cho biết, sở dĩ Houston trở thành “bể bơi khổng lồ” là do tốc độ xây dựng quá nhanh. Để đáp ứng nhu cầu mua nhà giá rẻ của người dân, các nhà thầu với phương châm “xây nhanh hơn, xây lớn hơn” đã xây dựng hàng nghìn tòa nhà cao tầng tại khu vực trũng trong thành phố Houston mà không cần biết luật lệ, không phân vùng, không quan tâm chất lượng công trình... Đó chính là lý do khiến Houston nhanh chóng trở thành một “Venice giữa lòng nước Mỹ” sau bão Harvey.

Bão Irma gây thiệt hại nặng nề cho bang Florida. Ảnh: CNN

Ngoài ra, BĐKH mà cụ thể là hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tác động đến các cơn bão bởi các yếu tố như: bề mặt nước biển ấm tích tụ nhiều năng lượng hơn, không khí ấm giữ được nhiều hơi ẩm… Cụ thể, vùng nước của Vịnh Mexico, nơi hai cơn bão Harvey và Irma vừa đi qua, ấm hơn 2-4 độ C so cùng thời điểm trong lịch sử. Sự chênh lệch nhiệt độ đã tác động đến tốc độ các luồng gió, khiến chúng trở nên mạnh hơn bao giờ hết.

Theo dự thảo báo cáo do 13 cơ quan liên bang phối hợp thực hiện thường kỳ bốn năm một lần và đã được Viện Khoa học Quốc gia Mỹ ký xác nhận, tình hình mưa bão ngày càng nguy hiểm là hậu quả của việc gia tăng lượng khí thải nhà kính, nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Sau Trung Quốc, Mỹ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng khí thải nhà kính. Nhiệt độ trung bình ở nước Mỹ đang tăng nhanh và mạnh, đặc biệt vài thập kỷ gần đây được đánh giá là thời kỳ nóng nhất trong vòng 1.500 năm qua. Bản thân người dân Mỹ cũng cảm nhận rõ rệt các ảnh hưởng của BĐKH và khí hậu sẽ biến đổi ra sao phụ thuộc vào lượng khí thải trong tương lai, cũng như mức độ phản ứng của thời tiết đối với lượng khí thải đó.

Tờ The New York Times nhận định, báo cáo của 13 cơ quan liên bang là một câu trả lời rõ ràng cho những ngờ vực của Tổng thống Donald Trump và các thành viên chính phủ khi cho rằng không có gì chắc chắn để có thể đổ lỗi BĐKH là do các hoạt động của con người gây ra, cũng như những nhận định cho rằng dự báo về các mức độ ảnh hưởng đều có giới hạn.

Trên toàn cầu, tình trạng BĐKH do hiệu ứng nhà kính đang diễn biến xấu, gây ra những tác động không thể tránh khỏi đối với tương lai nhân loại. Báo cáo của tạp chí Scientific cho rằng, nếu Trái đất tiếp tục nóng lên với tốc độ như hiện nay, các trận lũ lụt trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, khiến nhiều quốc gia và thành phố, đặc biệt là ở ven biển sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới.

Tạp chí Scientific nhấn mạnh, nếu vào năm 2050 mực nước biển toàn cầu tăng gấp đôi, từ 10 cm hiện nay lên 20 cm, sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ lũ lụt ở các quốc gia cũng như các thành phố ven biển. Các thành phố lớn dọc bờ biển ở Bắc Mỹ như Vancouver, Seattle, San Francisco và Los Angeles, cùng các thành phố khác nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương sẽ là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại các quốc gia nhiệt đới, cư dân sống dọc các con sông lớn cũng phải đối mặt nguy cơ lũ lụt với tần suất tăng gấp đôi hiện nay, đặc biệt là người dân ở các quốc gia có mật độ dân số cao ở châu Á và châu Phi.

Lụt lội ở các thành phố ven biển là do bão lớn và càng trở nên tồi tệ hơn khi các đợt sóng lớn và thủy triều dâng cao. Nếu nước biển tăng thêm đến 25 cm vào giữa thế kỷ, lũ lụt sẽ thật sự là thảm họa khôn lường đối với các quốc gia ở vùng nhiệt đới.

Nguồn: / 0