Danh sách bài viết

Tế bào gốc (Phần 1)

Cập nhật: 28/12/2017

Ngày nay, tế bào gốc đang là một chủ để rất “nóng” cả trong nghiên cứu và trị liệu bệnh mặc dù đây là lĩnh vực mới chỉ phát triển mạnh mẽ trong hơn một thập kỉ trở lại đây. Nhưng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã giúp khai thác tiềm năng to lớn của tế bào gốc, đặc biệt là ứng dụng trong y học tái tạo hay điều trị bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự “thổi phồng” của truyền thông về tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc trong xã hội có thể dẫn tới những hiểu lầm cho người dân và là cơ hội trục lợi của các công ty thương mại hoạt động trong lĩnh vực này. Nguy hiểm hơn đó là xuất hiện những trường hợp nghiên cứu và sử dụng tế bào gốc vi phạm luật pháp, đạo đức dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và của cải cho bệnh nhân.

Trong bối cảnh mà thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa có các quy định, các nguyên tắc đạo đức, các hướng dẫn cụ thể về nghiên cứu và sử dụng tế bào gốc thì việc cung cấp những thông tin chính xác, khoa học về tế bào gốc cho truyền thông, xã hội sẽ giúp người dân hiểu đúng về lĩnh vực mới, tiềm năng nhưng cũng không ít rủi ro này. Trong loạt bài này, chúng tôi xin được cung cấp các thông tin cơ bản về tế bào gốc, những thông tin này được trích dẫn từ Hiệp Hội Quốc Tế Về Nghiên Cứu Tế Bào Gốc (International Society For Stem Cell Research – ISSCR), do đó có thể đảm bảo một nguồn tin chính thống và khoa học về tế bào gốc. ISSCR là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận và là tiếng nói chung của cộng đồng tế bào gốc. ISSCR được thành lập từ năm 2002 để thúc đẩy việc trao đổi thông tin về tế bào gốc và hiện nay có trên 4,100 thành viên khắp thế giới.

HIỂU ĐÚNG VỀ TẾ BÀO GỐC

1. Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc – Stem cell là những tế bào hình thành nên cơ thể. Các tế bào chuyên hóa của cơ thể ở các mô hay cơ quan khác nhau (ví dụ như tế bào gan ở gan, tế bào cơ ở cơ hay tế bào tim ở tim gọi là những những tế bào chuyên hóa chức năng hay những tế bào đã biệt hóa) đều có nguồn gốc từ những tế bào gốc ban đầu, những tế bào gốc ban đầu này hình thành không lâu sau quá trình thụ tinh của giao tử. Cơ thể của chúng ta duy trì trong suốt đời là nhờ vào sự tồn tại của các tế bào gốc ở các mô hằng ngày vẫn sửa chữa các tổn thương và thay thế các tế bào bị mất đi mỗi ngày ở các mô như da, tóc, máu hay ở đường tiêu hóa.

Tế bào gốc thường được xác định bởi hai đặc tính hay còn gọi là “đặc tính cơ bản của tế bào gốc”: khả năng tự làm mới – self renew (tức là khả năng phân chia để tạo ra các tế bào gốc khác) và khả năng biệt hóa – differentiate (tức là khả năng trở thành những tế bào trưởng thành, chuyên hóa chức năng trong các mô và cơ quan). Như vậy, hoàn toàn có thể nói một tế bào là tế bào gốc khi nó có cả hai đặc tính trên.

Hình 1: Hai tiềm năng của tế bào gốc (Nguồn ảnh: http://nas-sites.org/)

2. Các loại tế bào gốc

Dựa vào vị trí hay giai đoạn thu nhận tế bào gốc trong cơ thể. Có thể chia tế bào gốc thành các loại tế bào gốc chính như sau. Tế bào gốc phôi – embryonic stem cell là những tế bào tồn tại trong giai đoạn sớm của quá trình phát triển, tế bào gốc ở mô hay tế bào gốc trưởng thành – “tissue – specific” hay “adult” stem cell tồn tại trong suốt quá trình phát triển thai và trong suốt đời sống của cơ thể. Ngoài ra, gần đây các nhà khoa học tạo ra được một loại tế bào gốc nhân tạo gọi là tế bào gốc vạn năng cảm ứng – induced pluripotent stem cell hay iPS cell. Đây là những tế bào gốc không tìm thấy trong cơ thể nhưng lại được tạo ra bằng công nghệ từ những tế bào chuyên hóa trong cơ thể như da,iPS có đặc tính giống như tế bào gốc phôi. Từ các loại tế bào gốc chính ở trên, có thể chia ra nhiều nhóm tế bào gốc khác nhau trong đó với tên gọi dựa trên nguồn gốc phát triển phôi (tế bào gốc nội mô, trung mô) hay tiềm năng biệt hóa thành bao nhiêu loại tế bào trong cơ thể (tế bào toàn năng – hợp tử, tế bào vạn năng – tế bào gốc của phôi có thể phát triển thành tất cả các mô của cơ thể…, tế bào đa tiềm năng – tế bào gốc trưởng thành có thể phát triển thành nhiều hơn hai loại tế bào, hay tế bào đơn tiềm năng chỉ phát triển thành một loại tế bào…).

Hình 2: Nguồn gốc thu nhận các tế bào gốc và tiềm năng biệt hóa của chúng tương ứng với các giai đoạn phát triển của cơ thể (Nguồn ảnh: medexpressrx.com)

3. Tế bào gốc trưởng thành là gì? Nguồn gốc của chúng?

Tế bào gốc trưởng thành hay tế bào gốc ở mô là những tế bào đa tiềm năng – multipotent, có nghĩa là chúng có thể phát triển thành một số lượng giới hạn các loại tế bào trưởng thành, thường là các tế bào ở mô mà nó cư ngụ. Một số tế bào gốc ở mô chỉ có thể phát triển thành một hoặc hai loại tế bào trưởng thành. Các tế bào này gọi là các tế bào hai tiềm năng – bipotent và đơn tiềm năng – unipotent. Tế bào gốc trưởng thành được cho là có tiềm năng hình thành các loại tế bào của nhiều mô khác nhau chứ không chỉ là các loại tế bào từ mô nó cư ngụ, tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học.

Nhiều mô chứa các tế bào gốc có thể thay thế các tế bào chết và khôi phục mô sau tổn thương. Da, cơ, ruột non và tủy xương là những mô điển hình, ở đó có chứa những tế bào gốc tại mô. Trong tủy xương, hàng tỷ tế bào máu mới được tạo ra mỗi này từ những tế bào gốc tạo máu. Hiện nay, vẫn chưa rõ có phải mọi cơ quan ở người trưởng thành đều có tế bào gốc hay không.

Các tế bào gốc ở mô thường hiếm, khó phân lập và nuôi cấy. Tế bào gốc tạo máu – hematopoietic stem cell hay blood forming stem cell – là loại tế bào được nghiên cứu nhiều nhất, nó tồn tại trong tủy xương, liên tục tạo để thay thế các tế bào máu. Hơn nữa, tủy xương còn chứa tế bào gốc trung mô – mesenchymal stem cell, có thể phát triển thành các tế bào sụn, mỡ và xương.

Tham khảo: http://www.isscr.org/visitor-types/public/stem-cell-faq

 

Dịch và tổng hợp Lê Văn Trình

Nguồn: / 0

Tags : tuy nhiên