Danh sách bài viết

Vấn đề dân sinh trong chủ trương xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam

Cập nhật: 27/12/2017

Phạm Văn Đức(*)

Bài viết đã phân tích những tư tưởng cơ bản của Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh về dân sinh. Nếu Tôn Trung Sơn coi chủ nghĩa dân sinh là chủ nghĩa xã hội thì Hồ Chí Minh quan niệm mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải quyết vấn đề dân sinh, mang lại ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, tác giả cũng phân tích và so sánh để chỉ ra những điểm chung, tương đồng giữa chủ trương xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và chiến lược phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam, trong đó nổi bật là mục tiêu nâng cao chất lượng của sự phát triển và giải quyết ngày càng tốt hơn vấn đề dân sinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mở đầu

Trong những năm gần đây, vấn đề dân sinh và sự phát triển hài hòa, bền vững của Trung Quốc và Việt Nam đã và đang thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của hai nước. Sở dĩ như vậy là vì: thứ nhất, cả hai nước đều đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội chính là sự phát triển toàn diện của con người; thứ hai,trong quá trình cải tổ và đổi mới, việc giải quyết vấn đề dân sinh trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời là điều kiện quan trọng để có thể phát triển xã hội hài hòa và bền vững. Nói cách khác, vấn đề dân sinh và phát triển bền vững, hài hòa có mối quan hệ biện chứng, việc giải quyết tốt vấn đề dân sinh là cơ sở cho sự phát triển hài hòa, bền vững và ngược lại, phát triển hài hòa và bền vững là tiền đề quan trọng cho việc giải quyết vấn đề dân sinh.

1. Vấn đề dân sinh trong tư tưởng của Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh

Dân sinh là vấn đề đã được đề cập rất sớm trong lịch sử của hai nước và là vấn đề lớn mà nhân loại luôn quan tâm. Cùng với sự phát triển của lịch sử nhân loại, vấn đề dân sinh ngày càng được đặt ra một cách cấp bách.

Ngay từ thế kỷ trước, vấn đề dân sinh đã được nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đề cập một cách hết sức cụ thể trong học thuyết Tam dân của ông.

Xét về mặt thuật ngữ, Tôn Trung Sơn cho rằng, theo nghĩa rộng, chữ dân sinh bao gồm đời sống của nhân dân, sự sinh tồn của xã hội, sinh kế của quốc dân, sinh mệnh của quần chúng. Với nghĩa rộng như vậy, vấn đề dân sinh được Tôn Trung Sơn xem là vấn đề trung tâm của chủ nghĩa Tam dân. Bởi vì, thực chất hay mục đích của việc giải quyết vấn đề dân quyền, dân chủ là để giải quyết vấn đề dân sinh. Có thể nói, trong quan hệ với vấn đề dân sinh, vấn đề dân chủ và dân quyền trở thành phương tiện để giải quyết vấn đề đời sống của nhân dân, sự sinh tồn của xã hội, sinh kế của quốc dân, sinh mệnh của quần chúng. Hơn thế nữa, ông còn khẳng định vấn đề dân sinh là quy luật của sự vận động và phát triển xã hội, là động lực của sự tiến hóa xã hội. Tôn Trung Sơn viết: “Nhân loại mưu cầu sinh tồn mới là định luật của tiến hóa xã hội, mới là trọng tâm của lịch sử. Nhân loại mưu cầu sinh tồn là vấn đề gì? Đó là vấn đề dân sinh. Do vậy, có thể nói, vấn đề dân sinh mới là nguyên động lực của tiến hóa xã hội”(1).

Tôn Trung Sơn còn coi chủ nghĩa dân sinh là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Theo ông, vấn đề dân sinh là “vấn đề xã hội, nên chủ nghĩa dân sinh là chủ nghĩa xã hội, còn gọi là chủ nghĩa cộng sản, tức là chủ nghĩa đại đồng”(2). Bởi vì, xét đến cùng, mục đích của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là giải quyết vấn đề dân sinh. Đây là điểm mà Tôn Trung Sơn hoàn toàn đồng ý với chủ nghĩa Mác. Các ông đều coi chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản, là giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại. Mục đích của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là vì con người và giải quyết vấn đề dân sinh. Tôn Trung Sơn cho rằng, chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng của chủ nghĩa dân sinh, còn chủ nghĩa dân sinh là thực hành chủ nghĩa cộng sản. Sự khác nhau giữa C.Mác và Tôn Trung Sơn chỉ là phương pháp.

Điểm khác nhau giữa hai ông là ở chỗ, nếu C.Mác coi đấu tranh giai cấp là động lực của sự phát triển xã hội, thì Tôn Trung Sơn coi vấn đề dân sinh mới chính là động lực gốc của lịch sử như đã trình bày ở trên. Do đó, Tôn Trung Sơn chủ trương đưa vấn đề dân sinh trở thành trung tâm của chính trị, kinh tế, xã hội của nhân loại và phải lấy dân sinh làm trung tâm của lịch sử xã hội(3).

Tôn Trung Sơn cũng không đồng ý với việc dùng chuyên chính công nông, tức là “dùng phương pháp cách mạng để giải quyết vấn đề kinh tế”. Ông cho rằng, phương pháp cách mạng chỉ có thể giải quyết được vấn đề chính trị, chứ không thể giải quyết được vấn đề kinh tế và nếu dùng biện pháp cách mạng để giải quyết vấn đề kinh tế chắc chắn sẽ không thể có được những thành công, nếu không muốn nói là thất bại.

Đối với Trung Quốc, Tôn Trung Sơn cho rằng, để thực hiện chủ nghĩa dân sinh phải căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước. Theo ông, không thể chỉ dựa vào lý luận để định ra phương pháp, mà “phải lấy sự thực làm tài liệu mới có thể định ra phương pháp” đúng đắn. Với phương châm đó, Tôn Trung Sơn chủ trương thực hiện chủ nghĩa dân sinh bằng 2 biện pháp: bình quân địa quyền và tiết chế tư bản. Điều đó có nghĩa là, trong lĩnh vực nông nghiệp, ông chủ trương thực hiện người cày có ruộng và tập trung phát triển sản xuất; còn trong công nghiệp thì chủ trương tiết chế tư bản và phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Nói tóm lại, đối với Tôn Trung Sơn, nếu chủ nghĩa cộng sản là tương lai của chủ nghĩa Tam dân, thì mục tiêu trước mắt là đáp ứng đầy đủ bốn nhu cầu cơ bản của nhân dân: ăn, ở, mặc và đi lại. Ông viết: “Ý tưởng của chủ nghĩa Tam dân là “dân hữu, dân trị và dân hưởng””(4).

Những tư tưởng của Tôn Trung Sơn về chủ nghĩa Tam dân, đặc biệt là tư tưởng dân sinh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao. Người viết: “Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta”. Hơn thế nữa, Người còn áp dụng một cách sáng tạo những tư tưởng dân sinh của Tôn Trung Sơn vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Điều này được thể hiện trước hết và tập trung trong quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là kết quả trực tiếp của sự tiếp thu quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội. Nhưng, trong quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã biết vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, một nước có nền văn hóa phương Đông lâu đời. Điều đó được thể hiện rõ trong nhiều luận điểm của Người khi nói về việc áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm nước ngoài vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán hai khuynh hướng sai lầm trong việc áp dụng một cách máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là khuynh hướng giáo điều coi thường thực tiễn và khuynh hướng đề cao quá mức kinh nghiệm dẫn đến chỗ coi thường lý luận. Người viết: “Có một số đồng chí không chịu nghiên cứu kinh nghiệm thực tế của cách mạng Việt Nam. Họ không hiểu rằng: chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh. Vì vậy, họ chỉ học thuộc ít câu của Mác Lênin, để lòe người ta.

Lại có một số đồng chí khác chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng...

Hai khuynh hướng ấy đều sai lầm. Sai lầm nhất là khuynh hướng giáo điều, vì nó mượn những lời của Mác, Lênin dễ làm cho người ta lầm lẫn”(5).

Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các thế hệ đi sau phải thường xuyên bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện lịch sử của dân tộc mình, nhất là của các dân tộc phương Đông. Người viết: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được” và cần “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(6).

Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng, để lãnh đạo cách mạng thành công, muốn đỡ mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm đó một cách sáng tạo(7). Đồng thời, chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng(8).

Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tính phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng đòi hỏi phải có sự sáng tạo khi vận dụng chân lý phổ biến đó. Chính sự sáng tạo sẽ giúp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, tránh được sự thất bại do bệnh giáo điều, máy móc. Người viết: “Hiện nay đứng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta”(9). Kinh nghiệm của Liên Xô trong xây dựng chủ nghĩa xã hội là một vốn quý, song Hồ Chí Minh lưu ý rằng, “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(10).

Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh đã có cách diễn đạt riêng về bản chất của chủ nghĩa xã hội. Cách diễn đạt đó thấm đượm đặc điểm của dân tộc phương Đông, mà trọng tâm tập trung chú ý đến vấn đề dân sinh, tức là chú ý đến đời sống của nhân dân, sự sinh tồn của xã hội, sinh kế của quốc dân, sinh mệnh của quần chúng như Tôn Trung Sơn đã từng nhấn mạnh. Nếu Tôn Trung Sơn quan niệm vấn đề dân sinh là “vấn đề xã hội, nên chủ nghĩa dân sinh là chủ nghĩa xã hội”, thì Hồ Chí Minh quan niệm mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải quyết vấn đề dân sinh, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Hồ Chí Minh quan niệm dân là gốc của cách mạng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”(11). “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(12). Quyền mà nhân dân Việt Nam đã giành được là “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Mong muốn duy nhất của Người là “làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn và để cho tất cả mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do độc lập ấy như muôn vật được hưởng ánh sáng mặt trời”(13).

Hồ Chí Minh khẳng định rằng, “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(14).

Trong các quyền mà dân được hưởng, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến quyền sống, đến việc nâng cao đời sống của nhân dân. Điều đó được thể hiện trong nhiều bài viết và phát biểu của Người. Khi trả lời câu hỏi “chủ nghĩa xã hội là gì?”, Hồ Chí Minh chú ý trước hết đến phương diện đời sống của nhân dân. Người viết: “Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no”(15); “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”(16), bởi vì “dân lấy ăn làm gốc, có thực mới vực được đạo”(17); “Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời...

Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(18); “Đảng ta đấu tranh để làm gì? Là muốn cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, được tự do. Mỗi một đảng viên đấu tranh để làm gì? Cũng để mọi người được ăn no mặc ấm, được tự do. Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”(19), v.v..

Như vậy, nói đến chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh trước hết nói đến vấn đề dân sinh, tức là trước hết phải giải quyết được những nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu không giải quyết được những nhu cầu đó thì việc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ không có ý nghĩa và người dân cũng không thiết tha gì với chủ nghĩa xã hội. Đúng như Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Nếu bụng đói thì các cô các chú nói gì hay mấy cũng không ai nghe”(20). Chính vì vậy, Người nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành”(21), “chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ăn no, mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc(22), “Đảng và Nhà nước ta dùng lực lượng của nhân dân để xây dựng cho nhân dân một đời sống ngày càng sung sướng. Đó là chủ nghĩa xã hội”(23). “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(24).

Như vậy, khi nói đến chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trước hết đến yêu cầu phải làm sao nâng cao được đời sống của nhân dân, làm sao cho mọi người dân đều được áo ấm, cơm no, có nhà ở tử tế, được học hành. “Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”(25). Người còn giải thích rõ rằng: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(26).

 Những tư tưởng đó của Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và phát triển, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Mặc dù vậy, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là thực tiễn của những năm cải cách, mở cửa và đổi mới của hai nước, chúng ta có thể khẳng định rằng, cho đến nay, vấn đề dân sinh đối với hai nước vẫn là vấn đề mang ý nghĩa thời sự cấp bách. Tuy mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, song đều lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa và đang tiến hành cải cách, đổi mới để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp cải cách của Trung Quốc và đổi mới của Việt Nam có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã và đang thu được những thành tựu hết sức quan trọng. Trung Quốc tiến hành cải cách từ năm 1978, còn Việt Nam tiến hành đổi mới từ năm 1986. Mục tiêu của cải cách và đổi mới không gì khác hơn là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc cho con người. Đó cũng chính là mục tiêu cơ bản trong chủ trương xây dựng xã hội hài hòa của Trung Quốc và chiến lược phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam.

2. Chủ trương xây dựng xã hội hài hòa của Trung Quốc và chiến lược phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam

Nghị quyết về việc xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XVI) năm 2004 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu của việc xây dựng xã hội hài hòa là nhằm giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng khi Trung Quốc chuyển trọng tâm từ phát triển kinh tế sang thực hiện công bằng xã hội và phát triển bền vững, giải quyết những mâu thuẫn xã hội trong quá trình phát triển kinh tế nhằm tạo ra một môi trường xã hội tốt đẹp. Xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, theo cách xác định của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một xã hội “dân chủ pháp trị; công bằng chính nghĩa, thành thực giữ chữ tín và thương yêu nhau; tràn đầy sức sống, yên ổn có trật tự, con người chung sống hài hòa với tự nhiên”(27).

Như vậy, xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa có 6 nội dung cơ bản: thứ nhất, “dân chủ pháp trị” có nghĩa là dựa vào pháp luật để trị nước, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Một xã hội hài hòa phải là một xã hội dựa trên việc phát huy dân chủ dưới sự bảo trợ của pháp luật. Thứ hai, thực hiện “công bằng chính nghĩa” có nghĩa là thực hiện công bằng trong phân phối, công bằng trong giáo dục và việc làm. Công bằng là một nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa xã hội và là ước mơ chính đáng của nhân loại. Thứ ba, “thành thực giữ chữ tín và thương yêu nhau” được xem như là một quy phạm đạo đức nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa. Vấn đề giữ chữ tín và thương yêu nhau là hết sức quan trọng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường. Nhiều học giả còn cho rằng, nếu trước đây Trung Quốc nói đến Mr. dân chủ và Mr. khoa học thì hiện nay, ngoài hai Mr. đó, cần bổ sung thêm Mr. đạo đức. Thứ tư, “tràn đầy sức sống” được xem là động lực của sự phát triển hài hòa xã hội. Sức sống tràn đầy là điều kiện cơ bản của tiến bộ xã hội được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội và con người. Muốn xã hội tràn đầy sức sống thì phải tôn trọng trí thức, tôn trọng người lao động, tôn trọng nhân tài. Thứ năm, “ổn định có trật tự” là yếu tố không thể thiếu được của xã hội hài hòa. Một xã hội ổn định có trật tự là một xã hội có kỷ cương, mọi người đều tự giác tuân thủ các quy tắc của xã hội. Đó là một xã hội bình yên, không loạn lạc, mọi người đều có điều kiện phát triển về tài năng và nhân cách. Thứ sáu, “con người chung sống hài hòa với tự nhiên” được xem là nguyên tắc ứng xử với tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường sống của con người. Phát triển kinh tế không dẫn đến hủy hoại môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, đồng thời không làm ảnh hưởng tới việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ mai sau.

Ngoài ra, xã hội hài hòa còn được hiểu theo nghĩa là một xã hội trong đó sự phát triển kinh tế hài hòa với sự phát triển chính trị, văn hóa, xã hội; đảm bảo sự hài hòa giữa các giai tầng của xã hội, hài hòa giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi; đảm bảo Trung Quốc hài hòa và châu Á hài hòa.

Như vậy, trong 6 nội dung cơ bản của xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa như đã trình bày ở trên thì có 5 nội dung thuộc về các quan hệ xã hội, trực tiếp liên quan đến mối quan hệ giữa con người với con người và chỉ có 1 nội dung có liên quan đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Phát triển bền vững, theo nghĩa truyền thống, là bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở sử dụng một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Đây là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng xã hội hài hòa.

Trên cơ sở những nội dung cơ bản của xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XVI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra 9 mục tiêu mang tính chiến lược:

Thứ nhất, hoàn thiện hơn nữa pháp chế xã hội chủ nghĩa; thực hiện một cách toàn diện phương châm sách lược quản lý đất nước cơ bản theo pháp luật; thực sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của nhân dân;

Thứ hai, từng bước làm thay đổi tình trạng nới rộng khoảng cách về chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong cả nước; về cơ bản hình thành cục diện phân phối thu nhập hợp lý; tăng tài sản của gia đình; làm cho nhân dân có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn;

Thứ ba, đảm bảo xã hội có đủ việc làm; xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm cho người dân cả ở thành thị lẫn nông thôn;

Thứ tư, hoàn thiện hơn nữa hệ thống dịch vụ công cơ bản; nâng cao mạnh mẽ trình độ phục vụ của chính phủ.

Thứ năm, nâng cao rõ rệt tố chất tư tưởng đạo đức, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và sức khỏe của toàn dân tộc; xây dựng tác phong đạo đức tốt, từng bước tạo lập mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Thứ sáu, nâng cao rõ rệt sức sáng tạo của toàn xã hội, xây dựng quốc gia theo mô hình sáng tạo.

Thứ bảy, hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý xã hội.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo sự chuyển biến thực sự về môi trường sinh thái.

Thứ chín, thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả ở mức cao hơn nữa có lợi cho hơn một tỷ người dân; tạo mọi điều kiện để toàn thể nhân dân có thể phát huy hết khả năng của mình, thu được những gì mà mình cần có và đồng thời cùng chung sống hài hòa.

Điều cần lưu ý là ở chỗ, cả chín mục tiêu và nhiệm vụ nói trên đều nhằm tập trung giải quyết vấn đề đời sống của người dân, tạo môi trường cho người dân có thể phát huy hết tiềm năng sáng tạo của bản thân mình, bảo đảm công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là, vấn đề dân sinh trở thành vấn đề trọng tâm và mục tiêu của sự phát triển hài hòa xã hội chủ nghĩa.

Còn ở Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược và được đề ra từ những năm 80 của thế kỷ XX. Cùng với thời gian, khái niệm phát triển bền vững đã có sự thay đổi về nội hàm và ngày càng được bổ sung thêm những nội dung mới.

Xét về nguồn gốc, thuật ngữ phát triển bền vững ra đời từ những năm 70 của thế kỷ XX và bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về môi trường và phát triển quốc tế nhờ sự ra đời của công trình Chiến lược bảo tồn thế giới (1980)(28). Sau đó, tư tưởng về phát triển bền vững được trình bày trong một loạt công trình, như  Tương lai chung của chúng ta (1987), Chăm lo cho trái đất (1991)(29)... Khi nói về sự phát triển bền vững, người ta thường sử dụng hai định nghĩa đã được nêu ra trong các cuốn sách nói trên. Trong cuốn  Tương lai chung của chúng ta, phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai; còn trong cuốn Chăm lo cho trái đất, phát triển bền vững được xác định là nâng cao chất lượng đời sống con người đang tồn tại trong khuôn khổ bảo đảm các hệ sinh thái. Nhìn chung, cả hai định nghĩa đó đều quy phát triển bền vững về việc sử dụng một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi truờng sao cho thế hệ hôm nay vẫn phát triển được mà không làm ảnh hưởng đến tương lai của các thế hệ sau.

Như vậy, nếu xét theo nguồn gốc của thuật ngữ, phát triển bền vững là một sự phát triển bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở sử dụng một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ được môi trường tự nhiên nhằm vừa có thể thỏa mãn được nhu cầu của thế hệ hôm nay, vừa không làm ảnh hưởng đến điều kiện thỏa mãn nhu cầu và môi trường sống của các thế hệ mai sau. Thực chất của sự phát triển bền vững là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo đảm sự công bằng giữa các thế hệ trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Như vậy, ngay trong nội dung của khái niệm phát triển bền vững đã bao hàm nội dung hài hòa, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hài hòa giữa các thế hệ trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài nội dung trên đây, khái niệm phát triển bền vững còn được bổ sung thêm nhiều nội dung mới. Việt Nam đang chủ trương xây dựng chiến lược phát triển bền vững phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Chiến lược phát triển bền vững đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong Văn kiện Đại hội IX và tiếp tục được phát triển thêm trong Văn kiện Đại hội X.

Khi nói về quan điểm phát triển, Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ mục tiêu của sự phát triển là “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; “... tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện mội trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh”(30).

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, nội dung của khái niệm phát triển bền vững, ngoài tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, còn có thêm nội dung mới, đó là kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Như vậy, nếu khái niệm phát triển bền vững, theo quan niệm gốc, “kinh điển”, chủ yếu nói đến mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, mối quan hệ giữa người với người trong quan hệ với tự nhiên, thì trong quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển bền vững tại Đại hội IX, ngoài quan hệ giữa con người với tự nhiên còn đề cập đến nhiều mối quan hệ xã hội khác, như quan hệ giữa lĩnh vực kinh tế với lĩnh vực xã hội, văn hóa và an ninh - quốc phòng.

Không dừng lại ở đó, đến Đại hội X, khi tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu lên 5 bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó bài học đầu tiên là bài học về phát triển nhanh và bền vững. Nội dung bài học đó được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, phát triển nhanh phải đi đôi với tính bền vững. Điều đó phải được kết hợp ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô, ở cả tầm ngắn hạn lẫn dài hạn.

Thứ hai, tăng trưởng về số lượng phải đi liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, trong khi khai thác các yếu tố phát triển theo chiều rộng, phải đặc biệt coi trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức.

Thứ tư, phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo.

Thứ năm, phải coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường ngay trong từng bước phát triển.

Thứ sáu, phát triển kinh tế phải đi đôi với việc bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, coi đây là tiền đề, điều kiện để phát triển nhanh và bền vững(31).

Có thể nói, đây là những nội dung cơ bản trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, đã thể hiện khá rõ sự kết hợp giữa quan điểm truyền thống, kinh điển và quan điểm mới, riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy:

Thứ nhất, yếu tố ổn định chính trị - xã hội được xem là tiền đề, điều kiện để phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, chiến lược phát triển nhanh, bền vững tập trung nâng cao chất lượng phát triển, kết hợp giữa phát triển kinh tế với việc phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo, với việc coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường ngay trong từng bước phát triển.

Thứ ba, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam đã đề cập một cách khá toàn diện các khía cạnh khác nhau của sự phát triển, trong đó nổi lên việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ, như hài hòa giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa tăng trưởng về số lượng và nâng cao chất lượng, giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu; hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ và cải thiện môi trường, v.v.. Hài hòa là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững.

Thứ tư, vấn đề trọng tâm, mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển bền vững chính là vấn đề dân sinh. Điều đó được thể hiện trong nội dung của chiến lược mà chúng tôi vừa trình bày. Chiến lược phát triển nhanh và bền vững đã chú trọng đến chất lượng của sự tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển toàn diện của con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo, với việc coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường ngay trong từng bước phát triển. Rõ ràng, mục tiêu đó, xét đến cùng, là nhằm giải quyết ngày càng tốt hơn vấn đề dân sinh, bảo đảm cho mọi người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Trên thực tế, chiến lược phát triển nhanh, bền vững là phương thức hữu hiệu bảo đảm cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

3. Kết luận

Thứ nhất, nếu so sánh chủ trương xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy rằng, mặc dù được diễn đạt bằng những thuật ngữ khác nhau, song nội dung của chúng có những điểm tương đồng hết sức cơ bản. Điều đó được thể hiện ở chỗ, chủ trương xây dựng xã hội hài hòa của Trung Quốc coi phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng, còn chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam coi sự hài hòa là một nội dung cơ bản, bao trùm của sự phát triển bền vững.

Thứ hai, cả chủ trương xây dựng xã hội hài hòa lẫn chiến lược phát triển bền vững đều tập trung vào chất lượng của sự phát triển, kết hợp một cách hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội cũng như bảo vệ môi trường; coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nói tóm lại, cả hai chủ trương và chiến lược đó đều xác định vấn đề dân sinh là trọng tâm, là mục tiêu tổng quát.

Thứ ba, vấn đề dân sinh của các giai tầng cụ thể đã được Đảng Cộng sản hai nước tiếp tục đề cập một cách cụ thể trong các nghị quyết gần đây. Ngoài những điểm đặc thù do điều kiện lịch sử, kinh tế và văn hóa mỗi nước quy định, chúng ta có thể tìm thấy những nét tương đồng. Việt Nam là nước nhỏ hơn về lãnh thổ và dân số, đồng thời quá trình đổi mới cũng được tiến hành sau Trung Quốc 8 năm. Do vậy, những kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề dân sinh chắc chắn sẽ là những bài học vô cùng bổ ích đối với Việt Nam.      

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...