Danh sách bài viết

An ninh kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế và sự lựa chọn chính sách của Việt Nam

Cập nhật: 28/12/2017

Tóm tắt

Trong giai đoạn hội nhập vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những bất ổn kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và hạn chế những lợi ích thu được từ hội nhập. Bài viết này phân tích các vấn đề an ninh kinh tế gắn với các thách thức về kinh tế vĩ mô trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, cụ thể là bất ổn vĩ mô dưới tác động của việc quản trị thiếu hiệu quả dòng vốn nước ngoài, mất cân đối ngoại thương theo hướng nhập siêu kéo dài và tập trung nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, và bội chi ngân sách dựa trên vay nợ nước ngoài và trong nước.

Trên cơ sở phân tích các thách thức an ninh kinh tế trên, các tác giả đề xuất một số lựa chọn chính sách cho Việt Nam giai đoạn tới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế thế giới và khu vực.

Từ khóa: An ninh kinh tế, hội nhập, bất ổn vĩ mô, nhập siêu, bội chi ngân sách.

1. Mở đầu

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng với 11 FTA đã được ký kết và chờ đợi phê chuẩn hai FTA thế hệ mới là TPP và FTA Việt Nam – EU. Quá trình hội nhập của Việt Nam có ảnh hưởng nhất định đến an ninh kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Hội nhập có tác động tích cực đến nền kinh tế như mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo sức ép cạnh tranh để nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế và làm cho công tác đảm bảo an ninh kinh tế trở nên khó khăn hơn.

An ninh kinh tế có thể được hiểu trên hai cấp độ: cấp độ vĩ mô là các hoạt động có thể ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế, ví dụ các bất ổn vĩ mô như lạm phát, mất giá nội tệ, bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nhập siêu, v.v.;  và cấp độ vi mô như các vấn đề ô nhiễm môi trường (có thể tác động ở phạm vi địa phương, khu vực), an ninh mạng (tác động đến doanh nghiệp), hoặc các hình thức kinh doanh đa cấp, đánh bạc online (tác động đến người dân).

Trong khuôn khổ bài viết này, các tác giả đề cập đến các vấn đề an ninh kinh tế ở cấp độ vĩ mô là các vấn đề hiện tại đang nghiêm trọng đối với Việt Nam và sẽ là thách thức trong giai đoạn hội nhập sâu rộng sắp tới nếu không tập trung xử lý một cách căn bản.

2. Bất ổn vĩ mô dưới tác động của dòng vốn nước ngoài

Hội nhập mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển được tiếp nhận luồng vốn từ bên ngoài dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), các khoản vay thương mại, các dòng vốn ODA. Tuy nhiên các cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra trên thế giới (khủng hoảng nợ Châu Mỹ La Tinh những năm 1980, khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, v.v) cho thấy các dòng vốn nước ngoài cũng có thể đi kèm với các cuộc khủng hoảng nếu nước tiếp nhận dòng vốn không đủ năng lực hấp thụ dòng vốn đó, hoặc không có chiến lược thích ứng tốt tận dụng được dòng vốn nước ngoài, bên cạnh đó kiểm soát tốt các tác động tiêu cực từ dòng vốn này.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Việt Nam giai đoạn gia nhập WTO cũng đã trải qua những kinh nghiệm “đau đớn” khi lượng vốn vào tăng mạnh từ 3,1 tỷ USD năm 2006 lên 17,7 tỷ USD năm 2007, trong đó chủ yếu là vốn FDI tăng 2,5 lần từ 2,5 tỷ USD năm 2006 lên 6,5 tỷ USD năm 2007 và dòng vốn FII tăng gần 6 lần từ 1,1 tỷ USD năm 2006 lên 6,2 tỷ USD năm 2007 (Nguyễn Trọng Hoài và Nguyễn Xuân Lâm, 2012). Nguồn vốn tăng đột ngột đẩy đồng nội tệ (VND) tăng giá và Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã phải can thiệp ổn định tỷ giá VND/USD bằng cách tung một lượng tiền lớn để mua vào đồng USD. Tuy nhiên, NHNN đã lúng túng trong việc sử dụng công cụ thị trường mở để trung hòa lượng VND tung ra thị trường để ổn định tỷ giá VND và kết quả là góp phần gia tăng lạm phát lên tới 23% năm 2008, đứng thứ hai thế giới sau Venezuela (40%). Sau năm 2008, Việt Nam bước vào thời kỳ bất ổn với sự thay đổi liên tục của chính sách tiền tệ từ mở rộng sang thắt chặt và từ thắt chặt sang mở rộng, tạo nên sự bất ổn vĩ mô và suy giảm tăng trưởng kinh tế đến tận những năm gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn lúng túng trước cơ hội mà hội nhập mang lại và chưa thực sự thấm đẫm các bài học kinh nghiệm từ các khủng hoảng trước đây. Giai đoạn hội nhập sắp tới với việc thực hiện các FTAs thế hệ mới với sự tự do hóa ngày càng cao đòi hỏi Việt Nam phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ sự “tập dượt” ban đầu ngay sau khi gia nhập WTO.

3. Đảm bảo các cân đối vĩ mô

Các cân đối vĩ mô gồm có cân đối bên trong như thu – chi ngân sách, tiết kiệm – đầu tư và các cân đối bên ngoài như cán cân thanh toán. Trong phần này chúng tôi sẽ xem xét đến cân đối thu – chi ngân sách bởi vì mất cân đối thu – chi ngân sách có liên quan đến nợ công, lạm phát, và mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xem xét đến cán cân thương mại, một trong những thành phần quan trọng trong cán cân vãng lai của cán cân thanh toán. Mất cân đối cán cân thương mại có thể ảnh hưởng đến nợ nước ngoài, tỷ giá hối đoái và tính thanh khoản của nền kinh tế.

Đảm bảo cân đối giữa thu – chi ngân sách và xuất khẩu – nhập khẩu góp phần quan trọng vào an ninh kinh tế. Ở đây, an ninh kinh tế có thể bao gồm một phổ rất rộng các vấn đề như nợ xấu, nợ công, tính thanh khoản của hệ thống tài chính, v.v. Tuy nhiên, chúng tôi giới hạn vào hai trong những khả năng lựa chọn cho phân tích là cán cân thương mại và cân đối ngân sách.

3.1. Cán cân thương mại

Đảm bảo tránh thâm hụt thương mại quá lớn và kéo dài

Trong giai đoạn 2001-2015, cán cân thương mại chủ yếu thâm hụt. Cán cân thương mại thâm hụt lớn nhất trong giai đoạn từ 2007-2011, giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và cũng là giai đoạn Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Với cấu trúc sản xuất và cấu trúc thương mại của nước ta như hiện nay, càng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng thì nhập siêu càng lớn vì ngành công nghiệp hỗ trợ của nền kinh tế vừa thiếu lại vừa yếu nên khi nền kinh tế mở rộng sản xuất thì đồng thời cũng kéo theo nhập khẩu đầu vào từ bên ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc, sau đó đến Hàn Quốc.

Trong 3 năm 2012-2014, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế suy giảm và cán cân thương mại thặng dư nhẹ. Tuy nhiên, điều này không phải do chính sách thương mại tốt hơn hay cấu trúc nền kinh tế thay đổi theo hướng tích cực mà do nền kinh tế suy giảm tăng trưởng, nhập khẩu với tốc độ thấp hơn so với xuất khẩu. Nhưng cho đến năm 2015, khi nền kinh tế tăng tốc trở lại, cán cân thương mại trở nên thâm hụt cho dù ở mức độ nhỏ.



Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cán cân thương mại thâm hụt kéo dài và chỉ trở nên thặng dư khi tăng trưởng của nền kinh tế suy giảm cho thấy nhiều vấn đề trong nền kinh tế. Đồ thị dưới đây phần nào cho thấy vấn đề lớn nhất của nền kinh tế.

Trong suốt nhiều năm liền, cán cân thương mại trong khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài diễn biến trái chiều nhau. Trong khi cán cân thương mại của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài liên tục thặng dư thì của khu vực kinh tế trong nước liên tục thâm hụt. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, có sự kết nối với thế giới chặt chẽ và mạnh mẽ hơn, vì thế khu vực này có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.

Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước có cán cân thương mại thâm hụt trong thời kỳ dài. Khu vực này nhập siêu lớn và nhờ có khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu nên tình trạng nhập siêu của nền kinh tế có giảm bớt.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trong cả một thời kỳ dài, cán cân thương mại trong trạng thái thâm hụt. Chỉ trong 3 năm 2012-2014, cán cân thương mại thặng dư nhẹ. Tuy nhiên, trạng thái này đạt được là do tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế suy giảm, kéo theo đó là sự giảm của nhập khẩu mạnh hơn so với xuất khẩu, do đó làm cho cán cân thương mại thặng dư. Tình trạng này đã không còn được duy trì khi mà năm 2015 nền kinh tế tăng tốc (đạt 6,68%) so với tốc độ tăng trưởng thấp của các năm trước đó.

Diễn biến ngược chiều giữa cán cân thương mại và tăng trưởng kinh tế cho thấy bất ổn của nền kinh tế luôn hàm chứa trong tăng trưởng của nền kinh tế. Có nghĩa là, các chính sách thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng kéo theo cán cân thương mại thâm hụt, tạo nên rủi ro cho tỷ giá và nợ nước ngoài.

Cấu trúc xuất khẩu của nền kinh tế nước ta tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng gia công như dệt may, giày dép thâm dụng lao động, các mặt hàng lắp ráp, nhóm hàng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, và khoáng sản. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đem lại giá trị gia tăng thấp, khả năng gây rủi ro về môi trường và phát triển bền vững cao, có hiệu ứng lan tỏa đến các khu vực khác nhau của nền kinh tế thấp.

Nhập khẩu nhóm hàng trung gian và tư liệu sản xuất làm đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước là chủ yếu. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.

Nếu phân theo khu vực, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn xuất siêu và vì thế khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn. Cho dù xuất siêu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có bù đắp phần nào nhưng cán cân thương mại của tổng thể nền kinh tế vẫn nhập siêu do khu vực kinh tế trong nước nhập siêu rất lớn.

Có thể thấy, bài toán là “làm sao thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng mà không gây nên thâm hụt cán cân thương mại ?”. Có lẽ, các chính sách kích thích nền kinh tế qua 2 bước sau: bước thứ nhất, các gói kích thích đi vào khu vực kinh tế trong nước; và bước thứ hai, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu đầu vào, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc.

Đảm bảo tránh cú sốc nguồn cung và thị trường

Hiện tại, đầu vào và đầu ra, nhất là hoạt động nhập khẩu đầu vào cho hoạt động sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa trung gian và tư liệu sản xuất phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước và cho xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu như nông sản và nguyên liệu thô cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.


Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc. Thứ nhất, ở cạnh Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhiều loại đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước nên xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc là dễ hiểu. Thứ hai, cũng vì Trung Quốc là thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực – thực phẩm khổng lồ và nhu cầu nguyên liệu đầu vào lớn nên việc nhập khẩu từ Việt Nam cũng lớn. Tuy nhiên, do quy mô nhập khẩu của Trung Quốc quá lớn nên nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong tổng nhập khẩu.

Trong quan hệ kinh tế thông thường, mục tiêu của thương mại quốc tế là tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc tối thiểu hóa chi phí đầu vào nhờ nhập khẩu giá rẻ và tối đa hóa doanh thu nhờ xuất khẩu giá cao (hơn so với tiêu thụ trong nước). Tuy nhiên, đặt trong mối quan hệ chính trị, xã hội, sự phụ thuộc quá mức vào một nước có thể đem lại rủi ro. Nói cách khác, để đảm bảo an ninh kinh tế trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Thông qua hội nhập (như đã liệt kê ở trên), Việt Nam có nhiều cơ hội để đa dạng hóa thị trường và do đó củng cố vững chắc hơn an ninh kinh tế.

3.2. Cân đối thu – chi ngân sách

Thu ngân sách chỉ đủ dành cho chi thường xuyên, vì vậy chi cho đầu tư phát triển dựa hoàn toàn vào vay nợ. Như vậy, bội chi ngân sách kéo dài và ngày một nghiêm trọng đã làm gia tăng nợ công và vì thế làm ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công, nhất là nợ nước ngoài.

Hình dưới thể hiện bội chi ngân sách giai đoạn 2008 – 2015. Trong giai đoạn này, Bội chi ngân sách ngày càng có xu hướng “phình to”.


Nguồn: Bộ Tài chính.

Về cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, năm 2015 (các năm trước đấy không có thay đổi lớn có thể làm thay đổi nhận định chính), thu từ nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất (70%) trong tổng thu ngân sách. Tiếp đến là thu từ xuất nhập khẩu chiếm 19%, thu từ dầu thô chiếm 10,2%. Một điểm đáng lưu ý, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đang có xu hướng giảm dưới tác động của các hiệp định tự do thương mại.

Nguồn: Bộ Tài chính.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu và từ dầu thô giảm đặt ra thách thức gia tăng thu ngân sách từ các nguồn khác. Trong thu ngân sách nhà nước theo sắc thuế, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đem lại phần đóng góp lớn nhất, trong khi đó đây là 2 loại sắc thuế đánh vào người tiêu dùng và vào thu nhập doanh nghiệp thì với việc tăng thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập doanh nghiệp để bù đắp cho phần thu giảm từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế sẽ chịu tác động nặng nề.

Hai loại sắc thuế là thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên đem lại thu thấp nhất cho ngân sách nhà nước. Hai loại thuế này là nguồn thu tiềm năng cho ngân sách vì việc thu thuế thu nhập cá nhân hiện ở dưới mức tiềm năng (số người có thu nhập cao nhưng nằm ngoài diện nộp thuế còn lớn) và thuế tài nguyên có thể tăng để vừa tăng thu ngân sách, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên. (Thất thoát từ thuế tài nguyên có thể sẽ rất lớn khi khai thác tài nguyên trái phép và buôn lậu diễn ra quy mô tương đối lớn.)

Đồ thị dưới thể hiện cơ cấu chi ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lấn át, chiếm 67,7% trong tổng chi ngân sách nhà nước; tiếp đến là chi cho đầu tư phát triển, chiếm 17%, chi trả nợ và viện trợ chiếm 13%. Có thể thấy chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi ngân sách, trong khi chi cho đầu tư phát triển, nhất là chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm tỷ trọng thua xa so với chi thường xuyên. Đáng lưu ý là chi trả nợ và viện trợ chiếm 13% trong tổng chi ngân sách. Tỷ trọng chi trả nợ và viện trợ đang tiến gần tới chi cho đầu tư phát triển. Vay nợ trong nhiều năm đã tích tụ nợ lớn và bây giờ ngân sách phải gồng mình trả các khoản nợ vay cũ.

Nguồn: Bộ Tài chính.

Trong chi thường xuyên, chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất; tiếp đến là chi cho đảm bảo xã hội và quản lý hành chính. Các khoản chi này thường là chi cho con người vì thế việc giảm chi ngân sách thông qua chi thường xuyên là rất khó. Trong trung hạn và dài hạn, giảm chi thường xuyên được gắn liền với cải cách bộ máy quản trị nhà nước và hành chính công, giảm biên chế và sắp xếp lại vai trò, chức năng của các ban ngành nhằm tránh trùng lặp cũng như tạo ra những khoảng trống trong quản lý nhà nước nhằm tạo ra bộ máy quản lý hành chính vừa tinh gọn, vừa hiệu quả.

Mặc dù trong năm 2015 Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả như cơ cấu lại chi ngân sách, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, tuy nhiên, các vấn đề trong chi ngân sách vẫn còn tồn đọng.

Bội chi ngân sách kéo dài đã dẫn đến tích tụ nợ công, gồm cả nợ nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015, tỷ lệ nợ công/GDP khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3% (mục tiêu là 50%) và nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%. Nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước và hạn mức cấp bảo lãnh chính phủ theo phương án hiện hành sẽ dẫn đến việc chỉ tiêu nợ công trên GDP vượt trần trong các năm 2016 – 2017.

4. Lựa chọn chính sách của Việt Nam

Với những vấn đề đang đặt ra đối với an ninh kinh tế của Việt Nam, và trước những cơ hội, thách thức từ hội nhập các FTAs thế hệ mới trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xem xét những lựa chọn chính sách sau để xử lý một cách căn bản những vấn đề đang tồn tại hiện nay:

Thứ nhất, kiểm soát hiệu quả dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam:

Bài học “đắt giá” từ kinh nghiệm của khủng hoảng nợ Châu Mỹ La tinh và khủng hoảng tài chính Châu Á gợi ý rằng Việt Nam cần cân nhắc thận trọng lộ trình tự do hóa tài khoản vốn phù hợp với năng lực của mình. Cách tiếp cận mở cửa dần từng bước có lẽ là lựa chọn thích hợp cho Việt Nam, cụ thể là tự do hóa bắt đầu từ dòng vốn FDI vào Việt Nam, đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, dòng vốn đầu tư gián tiếp là những lĩnh vực hiện nay Việt Nam đã tự do hóa ở mức độ nhất định. Sau đó, khi hệ thống tài chính trong nước đủ mạnh và được quản trị một cách hiệu quả nhờ bộ máy giám sát tài chính đủ năng lực thì mới tính đến việc tự do hóa dòng vốn vay ngắn hạn và cơ chế chuyển đổi tự do đồng tiền nội tệ và ngoại tệ.

Với mức độ hội nhập về mặt tài chính ngày càng gia tăng, Việt Nam cần nâng cao năng lực hệ thống tài chính trong nước, bao gồm hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm để có thể đủ sức “đề kháng” trước những cú sốc trong hệ thống tài chính quốc tế. Hiện nay hệ thống tài chính của Việt Nam còn nhiều bất cập liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tình trạng thiếu minh bạch và quy mô nhỏ bé của thị trường chứng khoán, và thị trường bảo hiểm với sự chi phối của các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài.

Việt Nam cần phải nâng cao hiệu quả các cơ quan giám sát tài chính bao gồm Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhằm đối phó với tình huống dòng vốn đảo chiều đột ngột và hướng dòng vốn vào các ngành có hiệu quả và kiểm soát dòng vốn vào các ngành có tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán. Hiện nay, mức độ tự do hóa tài chính của Việt Nam đang ở mức thấp mà năng lực giám sát tài chính còn chưa đáp ứng được yêu cầu, vì thế trong tương lai khi cam kết tự do hóa tài chính được nâng lên đáng kể thì điểm yếu này phải được giải quyết một cách căn bản.

Thứ hai, giảm bội chi ngân sách, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài:

Hiện nay tình hình bội chi đã đến mức báo động, dẫn đến tích tụ nợ công và nợ nước ngoài ở mức cao. Việt Nam cần phải có những biện pháp quyết liệt nhằm siết chặt quản lý đầu tư công, chi tiêu công hướng tới các mục tiêu sau: (i) nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư phát triển; (ii) kiểm soát mua sắm công; (iii) tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ không bảo lãnh vốn vay cho các dự án thương mại của Doanh nghiệp nhà nước; (iv) tinh giản bộ máy nhà nước nhằm tiết kiệm ngân sách.

Từ phía nguồn thu, trước xu hướng giảm nguồn thu xuất nhập khẩu và dầu khí, Việt Nam cần phải tăng cường hiệu quả hệ thống thu thuế nội địa nhờ mở rộng thuế thu nhập cá nhân và thuế giao dịch tài sản là những nguồn thu hiện nay còn chưa khai thác hiệu quả.

Thứ ba, giảm nhập siêu và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc:

Thiếu công nghiệp hỗ trợ là nguyên nhân cốt lõi của thực trạng nhập siêu và sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc nhiều năm qua của Việt Nam, vì vậy phát triển công nghiệp hỗ trợ là một ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng doanh nghiệp trong nước với năng lực tài chính và khoa học công nghệ hiện nay khó có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp này vì đây là một lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao và nguồn lao động có kỹ năng. Vì thế, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để thu hút các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam thông qua Quy tắc xuất xứ (Rule of Origin).

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực xuất khẩu thông qua các giải pháp đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng công nghệ, cải thiện gía trị gia tăng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

5. Kết luận

       Đánh giá những vấn đề an ninh kinh tế trên cấp độ vĩ mô trong giai đoạn hội nhập vừa qua, nghiên cứu này đã chỉ ra những thách thức về kinh tế vĩ mô quan trọng nhất bao gồm bất ổn vĩ mô dưới tác động dòng vốn nước ngoài, các mất cân đối vĩ mô về thương mại và thu chi ngân sách. Những lựa chọn chính sách cho giai đoạn hội nhập tới được đề xuất dựa trên việc luận giải các nguyên nhân căn bản nhất của những thách thức vĩ mô trên liên quan đến năng lực quản trị dòng vốn nước ngoài, hiệu quả đầu tư công, chi tiêu công, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ và năng lực của khu vực xuất khẩu.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Trọng Hoài và Nguyễn Xuân Lâm (2012), Tác động của tiến trình gia nhập WTO đến cán cân thanh toán của Việt Nam. Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 80, tháng 11/2012.
  2. Phạm Sỹ An (2015), Thương mại Việt – Trung: Các yếu tố tác động, Đề tài cấp cơ sở 2015, Viện Kinh tế Việt Nam.
  3. Trần Đình Thiên (2016), Báo cáo kinh tế Việt Nam 2015: Chuẩn bị cho TPP, Đề tài cấp Bộ 2014-2015, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
  4. Trung tâm WTO: http://www.trungtamwto.vn/fta
  5. Thời báo kinh tế Việt Nam: http://vneconomy.vn

TS. Nguyễn Chiến Thắng

Nguồn: / 0

Nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng RNA, DNA của vi khuẩn phong và mức kháng thể kháng PGL-I ở bệnh nhân phong trong quá trình điều trị đa hóa

Y tế - Sức khỏe

Mục tiêu thực sự của kiểm soát bệnh phong là giảm tối thiểu tình trạng tàn tật và biến chứng do bệnh phong gây ra, bằng việc phát hiện bệnh sớm, hóa trị liệu đầy đủ, điều trị phản ứng phong kịp thời và thích hợp. Đa hóa trị liệu (Multidrug Therapy-...

Thuốc hỗ trợ khôi phục lại tim hiến tặng giúp lưu trữ lâu hơn và cấy ghép an toàn hơn

Y tế - Sức khỏe

Cấy ghép nội tạng giúp cứu mạng sống cho nhiều người, nhưng thật không may, cơ quan nội tạng không tồn tại lâu được trong kho bao quản. Giờ đây, các nhà khoa học đã chứng minh được một loại thuốc hiện có có thể khôi phục lại trái tim của người hiến...

Nghiên cứu cung cấp hiểu biết mới về cách CBD giảm co giật động kinh

Y tế - Sức khỏe

Trong suốt 20 năm qua, việc sử dụng cannabidiol (CBD) để điều trị chứng động kinh đã đạt được sức hút lớn, đặc biệt là khi thuốc chống động kinh gặp thất bại. Đặc tính chống co giật của CBD rất nổi tiếng; tuy nhiên, nghiên cứu mới đây đã nêu bật cách...

Có thể dự đoán trước khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Y tế - Sức khỏe

Khi nhắc đến chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), phần lớn các nghiên cứu lâm sàng tập trung vào việc cải thiện tình trạng hơn là dự đoán trước nó. Tuy nhiên, nghiên cứu mới được thực hiện tại Trường Đại học Tufts vừa phát hiện ra một dấu...

Kính áp tròng cảm ứng vừa theo dõi mắt vừa quản lý bệnh tăng nhãn áp

Y tế - Sức khỏe

Những người mắc bệnh tăng nhãn áp nếu không kiểm soát được tình trạng của họ, họ rất có thể sẽ bị mù. Một loại kính áp tròng được thử nghiệm mới có thiết kế hỗ trợ vấn đề này, vừa theo dõi các triệu chứng bệnh tăng nhãn áp vừa tự động giải phóng...

5 gia vị và tiềm năng dược lý chống ung thư

Y tế - Sức khỏe

Ngày nay, các loại gia vị ngày càng được quan tâm không chỉ vì đặc tính ẩm thực mà còn vì những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm cả khả năng ngăn ngừa ung thư. Ngày Tết, hãy cùng tìm hiểu về một số loại gia vị có đặc tính dược lý chống ung thư

Thuốc trừ sâu chlorpyrifos có thể đóng một vai trò trong bệnh béo phì

Y tế - Sức khỏe

Bị cấm ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu từ năm 2020, thuốc trừ sâu chlorpyrifos, được coi là chất gây độc thần kinh và gây rối loạn nội tiết, cũng sẽ thúc đẩy bệnh béo phì bằng cách làm chậm quá trình đốt cháy calo trong mô mỡ nâu.

Bệnh tiểu đường: liệu pháp mới sẽ thay đổi cuộc sống của bệnh nhân

Y tế - Sức khỏe

Theo Viện Y tế và Nghiên cứu Y tế Quốc gia Pháp (Inserm), khoảng 10% bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh tiểu đường loại 1. Điều này là do thiếu insulin - một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu - của tuyến tụy và thường xuất hiện từ thời thơ ấu...

Kỹ thuật mới giúp giảm bớt các rủi ro trong điều trị bệnh Parkinson

Y tế - Sức khỏe

Việc truyền các xung điện đến các khu vực khác nhau của não đã được áp dụng trong suốt nhiều năm để giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh Parkinson, cũng như một loạt các bệnh khác. Tuy nhiên, phương pháp truyền điện hiện tại liên quan đến việc cấy...

Vắc-xin và mắc SARS-CoV-2 trước đó mang lại khả năng bảo vệ lâu dài chống lại chủng omicron BA.5

Y tế - Sức khỏe

Một nghiên cứu mới được dẫn đầu bởi giáo sư Luís Graça, giám đốc Viện Instituto de Medicina Molecular João Lobo Antunes (iMM, Lisbon) là một cơ sở nghiên cứu liên kết của Đại học Lisbon, ở Lisbon, Bồ Đào Nha cùng đồng nghiệp Manuel Carmo là phó giáo...