Cập nhật: 29/12/2017
Trong nhiều con đường để quảng bá hình ảnh và thương hiệu, hoạt động hợp tác quốc tế trong nhiều năm qua đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) lựa chọn là cầu nối hữu hiệu, góp phần quảng bá tiềm năng di sản văn hóa vô giá ở điểm đến này tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Thông qua hợp tác quốc tế, nhiều trưng bày chuyên đề đặc sắc; các chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ, xuất bản; bảo quản hiện vật và đào tạo nguồn nhân lực… đã được tổ chức hiệu quả. BTLSQG Việt Nam thông qua con đường này cũng đã trở thành tên gọi quen thuộc và uy tín trong hệ thống bảo tàng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Lễ ký kết hợp tác trưng bày Báu vật khảo cổ học Việt Nam “Việt Nam đất nước từ rồng bay” tại Đức, tháng 10.2016
Xóa nhòa cách ngăn địa lý
Trở về từ chuyến công tác hồi đầu tháng 12 vừa qua nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế giữa BTLSQG với các đối tác Hàn Quốc là Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Giám đốc BTLSQG Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế là một xu thế tất yếu của hoạt động Bảo tàng trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Là Bảo tàng quốc gia đầu hệ, nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, BTLSQG có trách nhiệm thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế, học hỏi để sánh bước cùng với các Bảo tàng lớn, hiện đại trên thế giới”.
Với định hướng đó, trong nhiều năm qua, BTLSQG đã tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, trao đổi quốc tế quan trọng. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua các triển lãm, trưng bày chuyên đề, tập huấn… đã xóa nhòa cách ngăn địa lý để hiện diện và thu hút công chúng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay tại trưng bày diễn ra gần đây nhất là triển lãm “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” tại Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia Hàn Quốc, bên cạnh giá trị những hiện vật gốm sứ được phát hiện tại các vùng biển Việt Nam và chủ quyền biển đảo Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế thì đây còn là một sự kiện góp phần khẳng định thành tựu hợp tác hiệu quả giữa hai bên. Theo Giám đốc BTLSQG Nguyễn Văn Cường: “Đã có nhiều con tàu cổ được phát hiện ở Biền Đông thuộc vùng biển Việt Nam. Các đoàn công tác của hai cơ quan đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu tại hiện trường về những thương cảng cổ, làng nghề truyền thống và chuẩn bị cho hướng hợp tác khai quật khảo cổ học trong tương lai. Việc nghiên cứu, khai quật này không chỉ đem lại những tài liệu, hiện vật quý giá mà còn góp phần phát triển ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, đem đến những nhận thức về lịch sử giao thương biển Việt Nam trong thương mại quốc tế…”.
Sách “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đoạt giải Ba, giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại Trung ương tổchức, năm 2017
Triển lãm nói trên chỉ là một hoạt động cụ thể được triển khai từ chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia Hàn Quốc và BTLSQG Việt Nam trong nhiều năm qua. Qua kênh hợp tác, cán bộ BTLSQG Việt Nam đã học tập được từ các đồng nghiệp Hàn Quốc về phương pháp nghiên cứu cũng như kinh nghiệm khai quật, bảo tồn di sản văn hoá dưới nước.
Trong những năm qua, BTLSQG cũng đã phối hợp với nhiều bảo tàng, viện nghiên cứu ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Pháp, Đức, Nga… tổ chức các trưng bày chuyên đề đặc biệt ý nghĩa. Có thể kể đến một số trưng bày tiêu biểu như “Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại” tại Nhật Bản và trưng bày “Văn hóa Nhật Bản” tại BTLSQG; “Văn hóa Đông Sơn” tại Malaysia; “Buổi đầu của nền văn hóa cổ Việt Nam - Bình minh trên sông Hồng” tại Hàn Quốc; chuyên đề “Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam” tại Pháp; chuyên đề “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp” tại BTLSQG; chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại CHLB Đức, trưng bày “Văn hóa Đông Sơn” tại Nga…
Năm 2017, BTLSQG cũng đã tổ chức 16 đoàn công tác tại nhiều quốc gia, tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chuyên đề đặc sắc trên nước bạn như Báu vật khảo cổ học Việt Nam tại Đức; Di sản văn hóa biển Việt Nam tại Hàn Quốc… Nhiều chương trình hợp tác quan trọng giữa Bảo tàng với các đối tác quốc tế cũng đã được ký kết.
Thúc đẩy hợp tác theo chiều sâu
Cũng theo Giám đốc Nguyễn Văn Cường, song song với các trưng bày chuyên đề, nghiên cứu, khai quật khảo cổ được BTLSQG và các bảo tàng, cơ quan nghiên cứu các nước cùng phối hợp tổ chức, hằng năm, BTLSQG đã cử nhiều đoàn cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại nhiều nước: Pháp, Đức, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Mianma… Nhiều chương trình hợp tác hiệu quả thiết thực đã được tổ chức như phối hợp với chuyên gia Trường Đại học Đông Á Nhật Bản, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Biển quốc gia Hàn Quốc tổ chức khảo sát, khai quật khảo cổ học và khảo cổ học dưới nước…
Năm 2013, BTLSQG với vai trò là chủ tịch Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á ANMA) đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên các Bảo tàng quốc gia châu Á lần 4 (ANMA 4). Là thành viên Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), BTLSQG cũng đã tham dự các Hội nghị thường niên của Đại hội đồng Hiệp hội Bảo tàng quốc tế tổ chức. Hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tăng cường quảng bá, nâng tầm thương hiệu Bảo tàng bên ngoài biên giới quốc gia cũng thể hiện qua một số ấn phẩm được xuất bản thông qua con đường hợp tác giữa BTLSQG với các quốc gia như: “Cổ vật Việt Nam”, “Báu vật Phương Đông”, “Trống đồng Việt Nam”, “Thuyền truyền thống Việt Nam”, “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”(Phối hợp với CHLB Đức, sách đạt giải Ba, giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do BCĐ thông tin đối ngoại TƯ tổchức) …
BTLSQG hợp tác với Nhật Bản trong việc phục chế, tu sửa hiện vật
Cán bộ BTLSQG cũng đã được cử tham gia các lớp tập huấn của các chuyên gia quốc tế về bảo quản, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, Pháp, Đức… Có thể kể đến dự án 19 về “Hỗ trợ thành lập trung tâm bảo quản và đào tạo cán bộ BTLSQG Việt Nam” tại Vương quốc Bỉ; chương trình học bổng quốc tế về Bảo tàng và bảo quản nhóm bảo vật quốc gia Mộ thuyền Việt Khê, chuẩn bị cho dự án trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại CHLB Đức. Cùng với việc đưa cán bộ đi học tập ở nước ngoài, nhiều cán bộ BTLSQG cũng thực hiện các dự án về bảo quản hiện vật do các bảo tàng, viện nghiên cứu các nước, các tổ chức quốc tế tài trợ hằng năm được tổ chức tại Bảo tàng.
“Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhằm quảng bá thương hiệu Bảo tàng một cách sâu rộng, tạo sức thu hút với du khách quốc tế cũng như xây dựng niềm tin, uy tín trong hệ thống các Bảo tàng quốc gia trên thế giới sẽ tiếp tục là định hướng cơ bản mà BTLSQG theo đuổi trong những năm tới. Tuy nhiên, hướng đi tiếp theo sẽ không chỉ là mở rộng hợp tác quốc tế mà phải tổ chức các chương trình phối hợp có chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn…”, ông Cường khẳng định.
Theo kế hoạch năm 2018, BTLSQG sẽ triển khai nhiều chương trình hợp tác quan trọng như Ký kết ghi nhớ hợp tác với BTLSQG Kyushu, Nhật Bản; chuẩn bị trưng bày tại Bảo tàng Hermitage (Nga), trưng bày “Phật giáo” tại Malaysia, “Nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước” tại Beclin, trưng bày Việt Nam tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc…
Những chương trình hợp tác hiện nay đều đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp để tên gọi BTLSQG sẽ không chỉ là điểm đến hàng đầu ở trong nước mà còn trở thành một thương hiệu được đông đảo du khách quốc tế biết đến và tin yêu. Xác định đội ngũ, con người sẽ là yếu tố then chốt mang đến những thay đổi đột phá, BTLSQG cho biết, sẽ đặc biệt chú trọng việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trình độ cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng trong hoạt động của BTLSQG trong giai đoạn mở cửa và hội nhập.
Nguồn: / 0