Danh sách bài viết

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Cập nhật: 27/12/2017

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh lớn), Đặc chung, Bác chung (chuông lớn), cũng có nhạc khí kết hợp với nhau thành từng bộ, như Biên chung (gồm 12, 16 chiếc chuông nhỏ), Biên khánh (12 khánh đá)... Nhạc huyền có lịch sử lâu đời và từng đi vào vị trí quyền uy trong dàn nhạc cung đình.

1. Mối quan hệ với âm nhạc cung đình

Dưới thời kỳ nhà Lê, Đồng giám kiêm Tri điển sự ty Lỗ bộ Lương Đăng từng vâng mệnh đặt ra Nhã nhạc. Trên cơ sở phỏng theo quy chế triều Minh, Lương Đăng chia Nhã nhạc làm hai bộ phận: Nhạc trên đường và Nhạc dưới đường. Quy chế này về cơ bản đã hình thành từ thời kỳ nhà Chu, Hán với mô hình chủ đạo, gồm: Đường thượng diễn ca, Đường hạ huyền nhạc và múa Bát dật. Cơ cấu tổ chức trên vẫn duy trì cho đến triều đại Phong kiến cuối cùng là triều Nguyễn với sự thay đổi ít nhiều về nội dung, từ sự tách nhập biên chế, tổ chức âm nhạc cung đình thành Nhã nhạc, Huyền nhạc, Đại nhạc, Tiểu nhạc, Tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ…; bổ sung nhạc khí mới, như mõ sừng trâu, tam âm la, sênh tiền, sáo trúc cho đến sáng tạo hệ thống bài bản riêng.

Đình là di sản văn hóa thời quân chủ chuyên chế, mặc dù thời đại của nó đã lùi sâu vào quá khứ, cùng với những đổi thay do thời cuộc tạo nên, nhưng trong không gian ngôi đình, bộ phận Nhạc huyền vẫn kết nối với hiện tại bằng những hiện vật đong đầy ký ức lịch sử. Ở nhiều ngôi đình, thần linh đã đi di trú, sắc thần không còn bảo lưu, cư dân bản địa ly tán… song, bộ ba Nhạc treo vẫn hiện diện trước chánh điện như những nhân chứng lịch sử trường tồn với thời gian, bất chấp vật đổi sao dời.

2. Ba đại diện ở đình làng Nam Bộ

Ở đình làng Nam Bộ, Nhạc huyền tập trung ở ba nhạc khí: Đại cổ (trống lớn), Minh chinh (chiêng) và Thái bình (mõ). Trong ba nhạc khí này, Đại cổ và Thái bình đều đặt trang trọng trên chiếc khung làm bằng gỗ, còn Minh chinh treo trên sợi dây nối liền từ đỉnh chiếc giá gỗ. Trong dàn Đại nhạc (thuộc Nhã nhạc) hiện nay, trống lớn và chiêng vẫn được treo trên chiếc khung gỗ, còn mõ (sừng trâu) có kích thước nhỏ vừa lòng bàn tay do nhạc công sử dụng để giữ nhịp. Mõ đình có quy mô, kích thước lớn hơn rất nhiều, đường kính chừng 20cm, dài tới hơn 1m.

Trong quá khứ, chiêng từng coi là hậu duệ của khánh đá. Ở Trung Quốc vào thời cổ đại, Phương hưởng (chiêng đồng) sản sinh từ Phương khánh (khánh vuông). Sau khi văn minh Đồ đồng ra đời khoảng 2000 năm trước công nguyên, khánh đá mới chấm dứt vai trò lịch sử và nhường lại vị trí ấy cho khánh đồng - Phương hưởng – chiêng. Nó đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ Đồ đá sang Đồ đồng thông qua những thay đổi về chất liệu cấu tạo nhạc khí. Ngày nay, chiêng đa số đều chạy theo thời trang hình tròn, song trong dàn Nhạc huyền, người ta không quên khoác lên bên ngoài bộ khung hình vuông nhằm hoài niệm thời kỳ nó từng đóng vai trò vị đại sứ văn hóa của Mặt đất. Bên cạnh đó, nhìn lại lịch sử chiếc giá treo nhạc khí có thể cung cấp cho chúng ta một số thông tin liên quan, đồng thời cho phép suy đoán về thân phận của bộ phận nhạc khí này. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc người Nhật Bản Tanabe Hisao trong cuốn “Lịch sử âm nhạc Trung Quốc”: Giá nhạc khí được làm bằng gỗ có dạng hình lầu. Cột trụ hai bên gọi là cự (虡), xà ngang gọi là tuẩn (簨), mái phía trên gọi là nghiệp (業), trang trí bên trên gọi là sùng nha (崇牙), chân giá thường khắc hình các loài hổ, chó… phủ phục. Giá đỡ Nhạc huyền ngày nay đã giản tiện rất nhiều, một mặt vì thiếu sự bảo trợ quyền uy của nhà nước như thời kỳ Phong kiến, một mặt cho thấy những biến đổi trong quá trình chuyển hóa bối cảnh. Nhạc huyền giờ đây không chỉ mất đi sự bảo trợ từ triều đình, mà ngay cả chiếc giá nương tựa cũng trên đà trượt giá về mặt biểu trưng văn hóa. Song, sự xuất hiện thường xuyên của bộ ba Nhạc huyền nơi chánh điện ngôi đình cho thấy chúng từng là những vị “đại diện” thường trú bên trong không gian thờ tự này. Cùng với bài vị, hoành phi, câu đối, bao lam, bát bửu, lư đồng… Nhạc huyền gia nhập nội tẩm ngôi đình như những thành tố bất phân. Trong ngày lễ đình, hội đình, chúng như những vị chủ nhân quyền uy đứng ra thực thi pháp lệnh thông qua hiệu lệnh mõ, chiêng, trống… nhằm tuyên bố lý do, khai mạc cuộc lễ.

Xét về tính chất đại diện, Nhạc huyền đại diện cho quan niệm Tam tài. Như chúng ta biết, cơ cấu bộ ba mang ý nghĩa linh thiêng phổ biến trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng, như: Tam tài (Thiên – Địa – Nhân), Tam quang (Nhật – Nguyệt – Tinh), Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng hoặc Tinh – Khí – Thần), Tam vị nhất thể (Chúa cha – Chúa con – Chúa thánh thần), Tam thánh (A Di Đà – Quan Âm - Thế Trí)… Từ ý nghĩa số học, bộ ba có khả năng đại diện cho những gì lớn hơn và nhiều hơn. Ở đây, theo quan niệm Nho giáo truyền thống, bộ ba đại diện cho Thiên – Địa – Nhân, mối quan hệ mật thiết giữa Trời – Đất và Con người. Bởi vậy, lễ hội Kỳ yên (cầu an) nhằm mục đích cầu cho Phong điều vũ thuận (Mưa thuận gió hòa), Quốc thái dân an (Đất nước thái bình, dân chúng yên ổn). Mục đích ấy triển khai qua hàng loạt nghi thức mà bộ ba: Đại cổ, Minh chinh, Thái bình đóng vai trò hiệu lệnh, khởi sự.

Mặt khác, bộ ba Nhạc huyền đình làng Nam Bộ còn đại diện cho ba chất liệu cấu tạo nhạc khí. Mõ đại diện cho những nhạc khí gõ làm bằng chất liệu gỗ, tre; trống đại diện cho những nhạc khí màng rung và chiêng đại diện cho nhạc khí đồng. Tất cả đều thuộc bộ gõ, họ thân vang (mõ, chiêng) và màng rung (trống), nhưng trên cơ sở phân chia chất liệu tạo âm khiến cho hiệu quả, màu sắc, tính chất âm thanh tăng thêm sự đa dạng. Bộ ba tương ứng về mặt chất liệu này còn xuất hiện ở chùa, gồm: trống, chuông và mộc bản (bảng). Nhờ cách kết hợp màu âm phong phú giúp cho cơ cấu Nhạc huyền ở đình tinh gọn về mặt biên chế. Tuy không mệnh danh là pháp khí như ở các tự viện, đạo quán, nhưng với tính chất đại diện của mình, bộ ba Nhạc huyền đáng liệt vào hàng khí cụ linh thiêng.

3. “MC” trong nghi lễ

Bộ ba Nhạc huyền tuy không tham gia hòa tấu, nhưng lại đóng vai trò mở đầu nghi thức hành lễ. Ở lễ hội Kỳ yên, nghi lễ quan trọng nhất diễn ra hàng năm tại đình, dàn nhạc lễ, gồm: trống chiến, trống chầu, kèn thau, đàn cò… như những vị khách được mời đến tham dự và ra đi cùng với nhạc công. Còn bộ phận Nhạc huyền ở lại, thường trú trong không gian thờ tự ngôi đình. Vì vậy, có thể coi cơ cấu bộ ba Đại cổ, Minh chinh, Thái bình là những thành viên chính thức trong Biên chế bộ khung của nhạc lễ đình. Trong nghiên cứu, người ta có thiên hướng bỏ qua bộ phận âm nhạc này và nhắm đến đối tượng là dàn nhạc lễ. Nếu chúng ta không “chấp” vào thuộc tính nghệ thuật của hoạt động trình diễn, Nhạc huyền đóng vai trò quan trọng trong không gian thiêng của ngôi đình. Chúng sắp xếp ở những vị trí thật đặc biệt, đối diện trước ban thờ “Thần”, bất di bất dịch, minh chứng cho sự trường tồn trong ký ức lịch sử. Trên thực tế, ba vị đại diện này giống như “MC” có chức năng tuyên bố khai mạc, thậm chí điều khiển lễ hội.

Về trật tự khởi Nhạc huyền ở đình, sau khi Lễ sinh xướng Khởi thái bình, Minh chinh, Đại cổ thì các chấp sự mở đầu bằng ba hồi mõ Thái bình, kế đến ba hồi chiêng và cuối cùng là ba hồi trống. Trong lễ Thích điện Điển lễ (tế Khổng Tử) được phục hiện tại Văn miếu Đài Nam, Đài Loan, trống lớn quán xuyến suốt ba hồi theo sự điều khiển của Lễ sinh, xướng: “Cổ sơ nghiêm” nhằm chỉ hồi trống đầu tiên; “Cổ tái nghiêm” (hồi thứ 2) và “Cổ tam nghiêm” (hồi thứ 3). Sự phân biệt giữa ba hồi trống nhờ số lượng tiếng gõ 1, 2 hay 3 tiếng bằng dùi vào tang trống. Còn ở Nhã nhạc (dàn Đại nhạc), trống vào trước rồi mới đến chiêng. Trật tự khởi Nhạc huyền ở đình ngược với Đại nhạc, trống xuất hiện trước rồi mới đến chiêng.

Theo phán đoán, nghi thức đình diễn ra tại không gian văn hóa làng xã không thể mô phỏng nghi thức tế tự triều đình. Điều đó lý giải tại sao, ở đình làng, mõ Thái bình lại đóng vai trò phát ngôn viên thứ nhất. Vì, mõ liên quan tới việc làng. Ở miền Bắc, Mõ làng nhằm chỉ nhân vật đóng vai trò truyền tin với công cụ trên tay là chiếc mõ đi rao những tin tức thời sự chỉ đạo từ trên xuống. Như vậy, tiếng mõ giống như chiếc loa phóng thanh hướng tới cộng đồng làng xã. Tiếng mõ Thái bình còn nhằm ký thác ước nguyện muôn đời của một đất nước mà ký ức lịch sử chính là chiến tranh. Còn trống và chiêng đặt trong mối quan hệ bộ ba với mõ có khả năng liên kết với trời và đất. Trống được mệnh danh là “Thiên lôi”, có âm thanh hùng dũng, vang dội, thể hiện quyền lực thực thi thiên pháp. Chiêng như trên đã đề cập, vốn chuyển hóa từ Phương khánh (khánh vuông) sang Phương hưởng (chiêng đồng), một cặp bè trùng với trống theo quan niệm trời tròn đất vuông. Ngoài ra, các hồi mõ, chiêng, trống mang tính chất truyền tin gửi đi bức thông điệp tới ba cõi thiên địa nhân. Tại hiện trường, chúng có tác dụng trang nghiêm không gian nghi lễ, như hiệu lệnh Lễ sinh xướng ở lễ tế Khổng Tử (Sơ cổ nghiêm, Tái cổ nghiêm và Tam cổ nghiêm), một hình thức tương tự như Trang nghiêm đạo tràng ở Phật giáo, Đạo giáo. Nói tóm lại, bộ ba Nhạc huyền đã phản ánh một cách nhất quán mối quan hệ bất phân giữa Trời – Đất và Con người thông qua lễ hội đình làng bằng hoạt động nghi thức.

Lê Hải Đăng

Nguồn: / 0

Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam – Kỷ yếu dự án

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong vòng ba năm kể từ 2018 đến năm 2021

Cổ và mới

Nghệ thuật và Âm nhạc

Dân tộc và hiện đại quả là vấn đề thế kỉ, vì giới nhạc bàn luận đã lâu mà vẫn chưa thấu, thử nghiệm cũng nhiều mà vẫn chưa thỏa. Khúc mắc nảy sinh nhiều khi là do dân tộc - hiện đại được hiểu được hành không chỉ như hai vế đối lập của các cặp phạm...

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

Nghệ thuật và Âm nhạc

Quách Thị Hồ - Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện...

Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí...

Bộ ba Nhạc huyền ở đình làng Nam Bộ

Nghệ thuật và Âm nhạc

Nhạc huyền (Nhạc treo) là bộ phận âm nhạc chủ yếu sử dụng những nhạc khí đặt trên giá hay treo trên dây, như trống lớn, khánh đá, chuông đồng... Trong số này, có những nhạc khí đứng lẻ loi một mình, như Kiến cổ, Đại cổ (trống lớn), Đặc khánh (khánh...

Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Nghệ thuật và Âm nhạc

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính...

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Nghệ thuật và Âm nhạc

Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm...

NGHỆ THUẬT MÚA

Nghệ thuật và Âm nhạc

KHÁI QUÁT MÚA ĐƯƠNG ĐẠI VÀ CÁC PHẦN BÀI HỌC CƠ BẢN TRONG MÚA ĐƯƠNG ĐẠI I. Khái quát Múa đương đại: "Múa đương đại" là một từ buzz phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí ngày hôm nay, nhưng ngay cả các vũ công chuyên nghiệp và biên đạo múa đã...