Danh sách bài viết

TIẾNG CHÀM CÓ THỂ LÀ NGUỒN GỐC CỦA VĂN TỰ PHI LUẬT TÂN

Cập nhật: 30/12/2017

  • GEOFF WADE

    University of Hong Kong

  • NGÔ BẮC dịch

 
Geoff Wade. Tiếng Chàm có thể là nguồn gốc của văn tự Phi Luật Tân
 

Bài viết này là bản văn khai triển rộng các ý tưởng đã được đưa ra trong một bài thuyết trình được đọc tại Hội Nghị Lần Thứ Mười Hai của Hiệp Hội Quốc Tế Các Sử Gia Về Á Châu được tổ chức tại Hồng Kông trong tháng Sáu măm 1991.  Tác giả xin bày tỏ lời cảm ơn đến Tiến Sĩ Norman G. Owen, Ban Lịch Sử, Đại Học Hồng Kông và một người đọc vô danh về sự trợ giúp và các ý kiến.

I.  VĂN TỰ PHI LUẬT TÂN

Năm 1593, một quyển sách in từ mộc bản (bản khắc gỗ) đáng lưu ý nhất được ấn hành tại Manila, bao gồm tập Doctrina Christiana (Học Thuyết Thiên Chúa Giáo) của Juan de Plascenia bằng tiếng Tây Ban Nha, bằng tiếng Tagolog được ký âm sang mẫu tự La Mã, và bằng văn tự Tagalog (xem Bảng 1) (1) Trong khi vẫn còn một vài sự tranh luận về việc đây có phải là quyển sách đầu tiên được ấn hành tại Phi Luật Tân hay không (2), ít có sự nghi ngờ rằng quyển sách này đã làm thành thí dụ về ấn phẩm đầu tiên còn sót lại của bất kỳ chữ viết nào của Phi Luật Tân.

 

Khoảng hơn 10 năm sau đó, trong năm 1604, một tác phẩm của linh mục Dòng Tên Pedro Chirino, người đã sống 12 năm tại Phi Luật Tân từ năm 1590 đến 1602 (3), ấn hành tại Rome với nhan đề Relación de las Islas Filipinas (Các Quan hệ Của Quần Đảo Phi Luật Tân).  Trong Chương 10 của tác phẩm này, Chirino ghi nhận: “Tất cả người dân quần đảo này đều được học đọc và viết và hiếm có một người đàn ông nào, càng ít hơn nhiều đối với phụ nữ, lại không biết đọc và viết bằng thứ chữ được dùng trong đảo Manila – các văn tự hoàn toàn khác biệt với thứ chữ của Trung Hoa, Nhật Bản và Ấn Độ. (4).  Kế đó ông tiến đến việc trình bày chi tiết và minh họa văn tự mà ông đã đề cập đến, như gồm mẫu viết ba nguyên âm (dùng để tượng trưng cho năm nguyên âm) và mười hai phụ âm.  Các phụ âm, ông ghi nhận, thường được đọc với một âm gắn liền với nguyên âm “a” cơ hữu, nhưng nếu có kèm một dấu phát âm ở trên hay dưới, cũng có thể được đọc với âm “i “ hay “e” (có dấu phát âm bên trên phụ âm) hay “o” hay “u” (có dấu phát âm bên dưới phụ âm) (xem Bảng 2).  Sự mô tả của Chirino có vẻ cấu thành sự mô tả sớm nhất về mẫu tự “Manila” (tiếng Tagalog), hay một chính xác hơn (như vạch ra bởi Juan R. Francisco (5) một “ bảng các âm tiết (vần): syllabary”, và cơ chế cho sử dụng của nó.

 

 

 Quyển sách Sucesos de las Islas Filipinas của Antonio de Morga, được ấn hành trong năm 1609, tổng hợp phần lớn những gì đã được hay biết khi đó bởi người Tây Ban Nha về Phi Luật Tân và bao gồm các chi tiết về các ngôn ngữ và văn tự, ghi nhận:

Ngôn ngữ của tất cả sắc dân Pintados và Bicayas là một và giống nhau, nhờ đó họ hiểu được người khác khi nói chuyện, hay khi viết bằng các mẫu tự và dấu hiệu riêng mà họ sở đắc.  Các mẫu chữ này trông giống như các mẫu tự của người Ả Rập.  Cách viết thông thường giữa các người dân bản xứ là viết trên lá cây và trên vỏ cây tre … Ngôn ngữ của đảo Lữ Tống (Luzon) và của những đảo lân cận nó thì khác biệt sâu xa với ngôn ngữ của vùng Bicayas … Thổ dân khắp các đảo có thể viết một cách thành thạo bằng một số mẫu tự nào đó, gần giống như tiếng Hy Lạp hay Ả Rập.  Các mẫu tự này gồm tất cả mười lăm mẫu tự.  Có ba nguyên âm, được dùng như năm nguyên âm của chúng ta.  Số phụ âm là mười hai, và từng một và tất cả chúng được kết hợp với một số dấu chấm hay phẩy nào đó, và như thế sẽ mang bất kỳ ý nghĩa nào mà người ta muốn viết ra, một cách trôi chảy và dễ dàng như thể được làm với các mẫu tự tiếng Tây Ban Nha của chúng ta.  Cách viết là viết trên cây tre, nhưng bây giờ là trên giấy, bắt đầu các hàng viết từ bên tay phải và chạy sang trái theo cách của Ả Rập.  Hầu như tất cả các thổ dân, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều biết viết ngôn ngữ này.  Chỉ có ít người là không viết được một cách trôi chảy và chính xác. (6)

Một tài liệu khác không ký tên được gán cho là của Diego de Bobadilla S.J. và có nhật kỳ khoảng năm 1640, bao gồm một sự thảo luận sâu xa hơn và có bản minh họa văn tự sử dụng tại đảo Lữ Tống (7).  Một điểm đáng lưu ý là trong bản minh họa này, giống như bảng mẫu tự của Chirino, không có bao gồm phần minh họa của các vần “nga” và “wa” (xem Bảng 3).

  

Sự tham khảo phần chú giải cuối cùng của thế kỷ thứ mười bẩy được gồm trong tập Labor evangélica của Francisco Colin, có nhật kỳ vào hậu bán thế kỷ đó, nơi phần tham chiếu “các mẫu tự của người Phi Luật Tân,” tác giả đã ghi nhận rằng “các mẫu tự nguyên âm chí có ba chữ, nhưng chúng được dùng cho năm nguyên âm khi áp dụng; bởi nguyên âm thứ nhì và thứ ba không phân biệt các nguyên âm e, i, y, o hay u, mà [thay đổi] tùy theo sự yêu cầu bởi ý nghĩa hay ý niệm của từ ngữ được nói hay viết ra.  Các phụ âm gồm mười ba phụ âm trong số lượng và được dùng (ngoại trừ khi khởi đầu nhóm từ hay là chữ khởi đầu) như phụ âm và nguyên âm; bởi khi mẫu tự đứng một mình không có dấu chấm ở trên hay ở dưới, sẽ được phát âm với âm của mẫu tự “A”.  Nếu có dấu chấm đặt ở trên, phụ âm được phát âm cùng với âm của mẫu tự “e” hay “i”.  Nếu dấu chấm được đặt ở dưới, nó sẽ được phát âm với cùng với âm “o” hay “u”.  Chính vì thế, mẫu tự “B” với dấu chấm bên trên sẽ được phát âm là  “bi” hay “be”, và với dấu chấm ở dưới, sẽ được phát âm là  “bo” hay “bu”.  Tầm quan trọng của phần tham chiếu này là con số 13 phụ âm, trái với số 12 phụ âm trước đây, được thừa nhận.

Thay vì tiếp tục thuật lại các sự tham khảo lịch sử về các văn tự Phi Luật Tân, như thế cũng đã đủ bởi mục đích của chúng ta nơi đây chỉ là đơn giản ghi nhận rằng cùng với các thế kỷ kế tiếp, sự kiện trở nên rõ rệt cho các người quan sát bên ngoài là bảng mẫu tự sẽ bao gồm ba nguyên âm và 14 phụ âm.  Tác giả Pardo de Tavera đã cũng cấp một bảng hữu ích các mẫu biến thể được ghi chú bởi các văn gia khác nhau về mẫu tự và bảng này được tái tạo bởi tác giả Francisco (9).

 

 

 

 

Có lẽ cũng là điều thích đáng để ghi nhận nơi đây về “Thủ Bản Mẫu Tự của Boxer”, được gán cho tác giả Boxer vào khoảng năm 1590 (10), bao gồm một sự tham chiếu về các văn tự Phi Luật Tân, cho hay rằng cùng với các sự việc khác, “họ không có sách vở và không có lịch sử, và họ không viết dài dòng ngoại trừ khi viết thư từ và các văn kiện cho nhau.  Nhằm mục đích này họ có các mẫu tự với tổng số chỉ gồm mười bẩy chữ cái” (11).  Chính “Thủ Bản Mẫu Tự của Boxer” và tập Doctrina Christiana, cả hai được cho là xuất hiện trong thập kỷ 1590, ghi chép 17 “chữ cái” trong văn tự Tagalog, trong khi nhiều tác phẩm sau đó trong thế kỷ mười bảy chỉ ghi nhận có 15 hay 16 mẫu tự” như thế, khiến ta nghĩ rằng hoặc đó là các sự sai biệt theo dòng thời gian, hay, với nhiều xác xuất hơn, bởi người Tây Ban Nha đã đi tìm hiểu về các văn tự Phi Luật Tân xuyên qua các chiều hướng cách biệt và khác nhau.

Các sự khám phá gần đây hơn về các thí dụ ban đầu của văn tự bao gồm hơn 100 mẫu chữ ký của người Phi Luật Tân có nhật kỳ từ 1603 đến 1645, được lưu trữ tại trường Đại Học University of Santa Tomas và Văn Khố Quốc Gia Phi Luật Tân (12).  Sự xác thực của thí dụ duy nhất hay biết được về một chiếc bình bằng đất có khắc chữ có thể thuộc thời tiền Tây Ban Nha, chiếc bình Calatagan nổi tiếng, hãy còn là điều bị tranh luận (13).

Ngoài ra, sự tiếp tục sử dụng, cho đến ngày nay, các loại văn tự khác biệt bởi sắc dân Tagbanuwa tại đảo Palawan và sắc dân Mangyan thuộc đảo Oriental Mindoro, đà cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều thông tin về các hình thái khác nhau của văn tự cũng như các truyền thuyết liên quan đến các nguồn gốc của văn tự (14).  Một thí dụ về sự sử dụng hiện đại văn tự Mangyan được biểu thị nơi Ảnh 1.

 

 

Chúng ta dễ dàng suy tưởng rằng các văn tự được sử dụng để viết các ngôn ngữ Tagalog, Bisayan, Tagbanuwa và Mangyan có chung một nguồn gốc nguyên thủy, duy nhất bởi chúng có cùng chung các thành tố (15), và chính sự tìm kiếm nguồn gốc duy nhất này từ lâu làm bận tâm các học giả.

 

II. CÁC LÝ THUYẾT VỀ NGUỒN GỐC CỦA VĂN TỰ PHI LUẬT TÂN

Các nhà quan sát gốc Tây Ban Nha ban đầu không ưa thích việc suy tư về các nguồn gốc của các văn tự mà họ khảo sát tại Phi Luật Tân.  Sự nhận xét của Chirino rằng các mẫu tự được sử dụng bởi người Phi Luật Tân thì “hoàn toàn khác biệt với mẫu tự của Trung Hoa, Nhật Bản, và Ấn Độ (16) khiến chúng ta nghĩ rằng ông đã không nhìn ra bất kỳ sự liên kết nào giữa văn tự đuợc sử dụng tại Phi Luật Tân và các cách thức viết chữ đưọc sử dụng tại các khu vực khác của Á châu.  Tuy nhiên ông có ghi nhận rằng “Sắc dân Bisaya … không có mẫu tự cho mãi đến khoảng vài năm trước đây, họ vay mượn chữ viết của mình từ sắc dân Tagalos” (17).  Trong hậu bán thế kỷ thứ mười bẩy, Francisco Colin đã sẵn sàng để đưa ra ý kiến của mình hơn.  “Từ hình thức, số lượng và sự sử dụng các dấu và chữ cái của dân tộc này, điều khá rõ rệt là chúng đều được du nhập từ vùng Moro Malaya và có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập” (17).

Hai thế kỷ sau đó, tác giả người Anh John Crawfurd, trong quyển Descriptive Dictionary of the Indian Islands and Adjacent Countries, được ấn hành lần đầu nằm 1856, phát biểu quan điểm của ông rằng văn tự là một phát minh địa phương.  Ông ghi nhận rằng “hình thức của các chữ, vả chăng, hoàn toàn khác biệt với hình thức của bất kỳ bảng mẫu tự Mã Lai nào, và, bởi thế, chữ viết của Phi Luật Tân phải được xem có gốc bản xứ” (18).  Trong vòng 150 năm vừa qua đã thấy xuất hiện một khối trước tác đa dạng liên quan đến văn tự Phi Luật Tân và nhiều tác phẩm trong số này chứa đựng các đề xướng và ý kiến về nguồn gốc văn tự Phi Luật Tân.  Một sự khảo cứu các ý kiến này, cùng với một thư tịch trọn vẹn, được bao gồm trong quyển Philippine Palaeography của Francisco, và bản tóm tắt dưới đây sẽ lược qua các lý thuyết chính được chọn lọc từ tác phẩm này (19):

1.      Trong quyển The Alphabet được biên soạn năm 1883, Isaac Taylor đề xướng rằng, dựa vào các sự tương tự với văn tự của Ấn Độ, văn tự Tagalog đã được du nhập trực tiếp từ vùng Bengal trước thế kỷ thứ tám sau Thiên Chúa, và rằng các mẫu tự của vùng Sulawesi và Makassar kế đó đã được rút ra từ văn tự Tagalog.

2.      Tác giả Fletcher Gardner, trong tập Philippine Indic Studies của ông, ấn hành năm 1943, đề xướng rằng các văn tự Phi Luật Tân đã được phát minh, dựa trên căn bản các văn tự của Brahmi và Karoshti, bởi các tu sĩ Ấn Độ hay các văn gia du hành sang vùng Đông Nam Á. Đây là phần khai triển xa hơn các tư tưởng đã được đưa ra trong tác phẩm trước đây của ông có nhan đề Indic Writings of the Mindoro-Palawan Axis, được viết với sự cộng tác của Ildefonso Maliwanag.

3.      Năm 1948, David Diringer, nhà biên soạn tập The Alphabet, A Key to the History of mankind, nêu ra ý kiến rằng văn tự [Phi Luật Tân] đã phát sinh từ mẫu tự của dân đảo Java và đã du nhập đến Phi Luật Tân xuyên qua sự trung gian của văn tự Buginese.  Lý thuyết về mẫu tự Java này được phát triển thành các mẫu âm tiết (vần) của Sulawesi và tiếp đó tiến hóa thành văn tự Phi Luật Tân cũng được tán đồng bởi Harold Conklin và Robert Fox.  Fox đã nêu ý kiến rằng sự kiện văn tự Phi Luật Tân không ghi âm các phụ âm sau cùng đã phản bác tư tưởng về sự du nhập trực tiếp các văn tự từ đảo Java, và hậu thuẫn cho ý tưởng cho rằng văn tự Buginese, tương tự, cũng không có ghi âm các phụ âm sau chót, là một hình thức văn tự trung gian.  William Henry Scoytte cũng tin tưởng rằng kiểu mẫu các chữ viết Phi Luật Tân “có thể là một văn tự được dùng bởi một sắc dân vùng Sulawesi chẳng hạn như người Bugis mà ngôn ngữ ít khi dùng đến các phụ âm sau cùng” (20).  (Các âm tiết tiếng Buginese được trình bày nơi Bảng 5).

4.      Trong một bài viết nhan đề “Some Data on South Indian Cultural Influences in South East Asia, được ấn hành trong tập Tamil Studies năm 1964, tác giả V.A. Makarenko đề xướng thuyết nguồn gốc Tamil cho văn tự Phi Luật Tân, nêu ý kiến về một cuộc di dân từ Nam Ấn Độ sang Đông Nam Á năm 200 trước Thiên Chúa và tuyên bố rằng bằng chứng khảo cổ học từ Phi Luật Tân hậu thuẫn cho lý thuyết này.

Đây là những lý thuyết chính được đề ra về nguồn gốc của văn tự Phi Luật Tân trước khi có sự ấn hành quyển Philippine Palaegraphy, mà trong căn bản có thể chia thành hai nhóm chính:

1.      Sự du nhập các văn tự trực tiếp từ Ấn Độ.

2.      Sự phát triển các chữ viết Phi Luật Tân từ văn tự Buginese và sâu xa hơn hết, từ mẫu tự của dân đảo Java.

Francisco bác bỏ ý kiến về sự di dân và du nhập trực tiếp từ Ấn Độ các văn tự trên cả hai nền tảng ghi chép theo niên lịch (biên niên sử) và ngôn ngữ/cổ tự (chữ xưa), trong khi ông cũng bác bỏ “ lý thuyết Buginese” với lý do là “chúng ta không thể trông thấy bất kỳ sự tương đồng nào về cổ tự (chữ khắc xưa) giữa hai hệ thống viết chữ” (21). Ý kiến riêng của Francisco về nguồn gốc văn tự Phi Luật Tân được đặt trên sự nghiên cứu và so sánh sâu rộng chữ cổ của các văn tự phát khởi từ Ấn Độ thời ban sơ tại các phần đất khác trong vùng Đông Nam Á, và ông đã kết luận rằng văn tự Phi Luật Tân “thuộc vào cùng họ với các hệ thống của đảo Sumatra”. Ông cũng trích dẫn Mervyn Jaspan, nhà khảo cứu về văn tự Sumatra, người trước đó đã kết luận rằng “có một sư tương hợp cao độ giữa các văn tự của Sumatra và Phi Luật Tân Ấn Độ (Philippine Indic)” (22).  Trong một ấn phẩm sau này, Francisco trình bày quan điểm của mình một cách chi tiết hơn:

Các chữ viết theo vần cổ xưa của Quần Đảo [Phi Luật Tân] được tin là có tổ tiên từ văn tự Pallava Grantha thuộc miền Nam Ấn Độ.  Nhưng sự phát triển của chúng để thành văn tư như chúng đã có (và hãy còn đang được sử dụng bởi sắc dân Tagbanuawa tại đảo Palawan và sắc dân Mangyan tại miền Nam Đảo Oriental Mindoro) chỉ có thể được hiểu xuyên qua các hình thức trung gian của văn tự đảo Sumatra (23).

Cuộc tranh luận sâu rộng về chiều hướng/ tiêu đích được sử dụng trong cách viết chữ của văn tự Phi Luật Tân sẽ không được nghiên cứu ở đây, bởi vì, như các bản báo cáo đã trình bày, cách viết theo chiều dọc, chiều ngang, từ trái qua phải, từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên của văn tự, tôi không tin điều này có một tầm quan hệ lớn lao trong sự tìm kiếm nguồn gốc của văn tự.

 

III. TIẾNG CHÀM CÓ THỂ LÀ MỘT NGUỒN GỐC?   

Vai trò lịch sử của dân Chàm là những người, trong vài thiên niên kỷ vừa qua đã cư ngu trong các miền mà ngày nay tạo thành miền nam Việt Nam và Căm Bốt, vẫn còn là một trong những khía cạnh ít được nghiên cứu nhất trong lịch sử Đông Nam Á.  Tuy thế, điều hiển nhiên từ những nguồn tư liệu được cung cấp ngày nay cho thấy các hoạt động hàng hải của họ thì dàn trải rất rộng rãi và rằng vai trò mà họ đã đóng giữ trong mạng lưới mậu dịch trong vùng không phải là không đáng kể.  Công trình tham khảo tiêu chuẩn về xứ Chàm vẫn là quyển Le Royaume de Champa (24) của Georges Maspero nhưng sự nghiên cứu gần đây, chủ yếu bởi các học giả người Pháp, cũng được cung cấp.  Một tuyển tập giá trị các bài viết về lịch sử, văn hóa và văn chương Chàm, nhan đề Kerajaan Campa, và biên soạn bởi Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient được ấn hành tại Jakarta dưới sự bảo trợ của Balai Pustaka năm 1981 (25).  Công trình này bao gồm một thư tịch, được sưu tập bởi P. – V. Manguin, các tác phẩm liên quan đến xứ Chàm và các sự nghiên cứu về Chàm và tài liệu này làm thành thư tịch đầy đủ nhất về các công trình biên khảo như thế cho đến nay (26).  Trong tập La Statuaire du Champa, tác giả J. Boisselier có cung cấp một sự nghiên cứu sâu rộng về hình tương của người Chàm, bao gồm một số sự tham chiếu về các văn tự trên bia ký liên hệ (27).  Lịch sử cổ tự của các vương quốc Chàm đã được trình bày chi tiết trong Tập San (Bulletin) và các ấn phẩm khác của Trường Viễn Đông Bác Cổ trong thế kỷ vừa qua.  Các bản dịch sang Anh ngữ nhiều bản văn bia ký này được cung cấp bởi R.C. Majumdar trong tác phẩm của ông về xứ Chàm ấn hành năm 1930 (28).   Majumdar sau đó cũng đóng góp một bài viết quan trọng về sự nghiên cứu chữ cổ của các bia ký của người Chàm (29).  Tuy nhiên, bất kể đến số lượng nghiên cứu không phải là không đáng kể, chỉ có sự lưu tâm ít về mối liên quan giữa các văn tự  Chàm được dùng trong các bản văn bia ký, với các văn tự  Chàm bản gốc, viết tháu (viết ngoáy kiểu thảo) “hiện thời, hay về sự tiến hóa đến cách viết ngày nay”.  Chính trên văn tự “hiện đại” này mà các tác giả Aymonier và Cabaton đã soạn thành quyển Từ Điển Chàm-Pháp (Dictionnaire Cam-Francaise), được ấn hành trong năm 1906 (3).  Tôi tin tưởng rằng bởi việc khảo sát hình thức gần cận hơn của mẫu chữ viết của người Chàm song song với các mẫu cổ tự được nhìn thấy trong các bia ký, chúng ta sẽ có thể xác định một vài tiền thân của các mẫu chữ được xuất hiện trong các văn tự Phi Luật Tân.

Trong phần giới thiệu quyển tự điển của họ, các tác giả Aymonier và Cabaton đã cung cấp các thí dụ về các văn tự Chàm tiêu chuẩn được sử dụng tại Việt Nam (ký danh là A) và tại Căm Bốt (ký danh là C) (xin tham khảo Bảng 6 và Bảng 7) và đã mô tả các biến thể như sau:

1.      Akhar Srab (Chữ viết thông thường) – Đây là văn tự Chàm viết tháu tiêu chuẩn được dùng tại Việt Nam và Căm Bốt.  Nó tương ứng với Aksar Chrieng của người Khmers.

2.      Akhar Tapul (Văn Tự Văn Chương) -- Loại hình này được dùng chính yếu tại Căm Bốt.

3.      Akhar Garmin (“Chân Con Nhện”) -- Một văn tự biến thể cũng được dùng bởi người Chàm tại Căm Bốt.

4.      Akhar Yok (Văn Tự Thần Bí) -- được dùng ở Việt Nam để cầu nguyện v.v…  Điều khác thường là, không giống như âm tiết tiêu chuẩn, các mẫu tự chỉ phụ âm được đọc mà không có âm chữ “a” đi cùng.

5.      Akhar Atuo’l -- Một văn tự biến loại được dùng tại Việt Nam.  Với các cách viết hoa mỹ hơn, nó được gọi là loại chữ  “kết (monogram) “ [hai hay nhiều mẫu tự được viết lồng vào nhau, chú của người dịch].

6.      Akhar Rik – Được dùng ở Việt Nam.  Một thể loại đặc biệt của bảng âm tiết (vần), trong đó các mẫu chữ “treo” (móc) từ các nét phía trên hàng ngang.  Sự tương đồng của các nét phía trên hàng ngang này với các nét matra hàng ngang đặc trưng cho các mẫu chữ deva-nagari của Ấn Độ hiển hiện rõ ràng.

Khi đề cập đến các biến thể này và khi cung cấp các mẫu biểu thị sự đa trạng của chúng điều này gợi ý rằng đã có nhiều biến thể của các văn tự được sử dụng bởi người Chàm, điều mà đến lượt nó lại mang ý nghĩa rằng bất kỳ một thể loại nào trong nhiều biến thể đều có thể đã cung cấp kiểu mẫu cho các văn tự Phi Luật Tân.  Sự đa trạng của các mẫu chữ trong các văn tự cá biệt thuộc ngữ hệ Ấn Độ được nhấn mạnh bởi De Casparis là người đã ghi nhận rằng “không thể xác định hình thể chính xác của một aksara, vốn là một thể loại lý tưởng có thể đạt đến một cách gần đầy đủ nhưng không hoàn toàn được.  Trong thực tế, mọi aksara xảy ra trong một số các biến thể: phạm vi mà trong đó aksara “di chuyển” (32).

Dưới đây, tôi muốn so sánh các thí dụ của các mẫu chữ Phi Luật Tân với các mẫu chữ trong văn tự Chàm, trong một nỗ lực để trình bày nhiều sự tương đồng khác nhau.  Với các vần (âm tiết) Phi Luật Tân, tôi đã sử dụng, trước tiên, một số thí dụ được cung cấp bởi tác giả Francisco trong quyển Philippine Palaeography (33) của ông, vốn được rút ra từ:

1.      Văn tự Bisaya, từ tác giả Esguerra (1747).

2.      Văn tự Tagalog, từ tác giả Chirino (1604).

3.      Văn tự Tagalog, từ tác phẩm Doctrina Christiana (1593).

4.      Văn tự Tagbanuwa, từ tác giả Fox (1950).

5.      Văn tự Mangyan (Hanunoo), từ tác giả Conklin (1953).

Các thí dụ về Phi Luật Tân khác được lấy từ tác phẩm của Scott (34) và bao gồm các thí dụ “tiêu chuẩn” từ kiểu mặt chữ in của Francisco Lopez năm 1621 và nhiều thí dụ khác từ các tài liệu thuộc thế kỷ thứ mười bẩy.  Các mẫu chữ cổ tự Chàm được lấy từ tác giả Majumdar (35) và bao gồm mẫu chữ từ: (A) bia ký ở Võ Cạnh (thế kỷ thừ nhì đến thế kỷ thứ ba sau Thiên Chúa); (B) Bản khắc bia đá ở Mĩ-Sơn viết về Bhadravarman (từ thế kỷ thứ tư đến thứ năm sau Thiên Chúa); (C) Bản khắc chân cột ở Dương-Mong [?] về Prakacadharma (khoảng 675 sau Thiên Chúa); (D) Bia ký “Yang Tikuh” tại Đá-tráng (năm 799 sau Thiên Chúa); (E) Bản khắc ở Pô Nagar về Jay Indravarman.  Toàn thể bảng đối chiếu các chữ viết từ các bản khắc này đuợc cung cấp ở Bảng 9.  Các thí dụ về mẫu chữ Chàm “hiện đại” được trích từ các tác giả Cabaton và Aymonier, với các biến thể văn tự Việt nam được ký danh bằng chữ (A) và các biến thể Căm Bốt được ký danh bằng chữ (C).

 

Để trợ giúp cho sự phân tích, một số đồ biểu các văn tự Ấn Độ sử dụng ở Đông Nam Á được bổ túc và sẽ được đề cập đến trong phần thảo luận.  Các mẫu chữ này được rút ra từ quyển The Alphabet (36) của Diringer (Bảng 10 và Bảng 11), quyển Philippine Palaeography (37) của Francisco (Bảng 12), quyển Sign, Symbol and Script (38) của Jensen (xem Bảng 13 và 14), và quyển “Les écritures d’origine indienne et dans le Sud-Est Asiatique Continental” (39).

 

 

18.16.    Các mẫu tự chính của vùng Ngoại Ấn Độ, đặc biệt của quần đảo Phi Luật Tân (theo F. Gardner, Philippine Indic Studies, 1943).  1-6, Java cổ hay Kavi.  7-8, Sumatra Thuở Ban Đầu.  9. Chữ Batak.  10, Bugis.  11-14, Tagalog.  15-16, Iloco.  17-18, Bisaya.  19, Pangasinan.  20, Pampangan.  21, Tagbanua.  22-26, nhiều loại chữ Mangyan.  27-30, Buhil.

 

 

IV. SO SÁNH VĂN TỰ PHI LUẬT TÂN VỚI VĂN TỰ CHÀM

 

[Chú của người dịch: Trong các mẫu chữ để chỉ các nguyên âm và các phụ âm, có chú thích đi kèm như sau:

Philippine Scripts: Các Văn Tự Phi Luật Tân

Modern Cham: Mẫu tự Chàm hiện đại

Epigraphic Cham: Mẫu tự Chàm cổ xưa

Cùng một số thí dụ khác trong mẫu tự Ấn Độ hay Lào v.v…]

 

(i)   Các Nguyên Âm

 

1.      “A”

 

 

Mẫu chữ Phi Luật Tân cho chữ “A” cho thấy hình dạng chữ “V” nổi bật, cũng là điểm đặc trưng trong mẫu chữ văn tự Chàm hiện đại, với nét thắt nút vòng khép kín ở phía trên bên tay trái trong chữ Chàm được thay thế, trong các thí dụ Phi Luật Tân, bằng một hay hai nét phẩy.  Các thí dụ của chữ “A” trong tiếng miền nam Ấn Độ nơi Bảng 11 và các thí dụ vùng Đông Nam Á trong Bảng 13 cũng biểu thị thành tố cốt lõi của chữ “U” hay “V”, và các mẫu này đều có thể được xem như là các nguyên mẫu khả hữu.

 

2.      “I – E”

 

Mẫu chữ Phi Luật Tân cho chữ “I – E” đều gồm hai thành tố viết theo chiều ngang, một gần như thẳng và một gợn sóng.  Có vẻ như mẫu chữ này tiến hóa từ chữ “I” của Ấn Độ.  Chữ “I” được dùng trong bản khắc Chàm tại Dương-mong thời thế kỷ thứ bảy và của bia ký ở Pô Nagar năm 965 sau Thiên Chúa đều gồm hai nét nằm ngang.  Các thí dụ tiếng miền Tây và Đông nước Lào được đưa ra trong sách viết bởi tác giả Holle (40) cũng có các mẫu chữ gồm hai thành tố tương tự, như trong nhiều thí dụ nơi Bảng 13.  Tuy nhiên, mẫu chữ Chàm hiện đại là mẫu chữ gồm 1 thành tố, theo đó hai thành tố được nối với nhau chỉ bằng một nét viết tháu (ngoáy).  Điều này khiến ta nghĩ rằng mẫu chữ được du nhập vào Phi Luật Tân trước khi biến thể Chàm hai thành tố tiến hóa thành hình thức một nét hiện nay.

 

3.      “U – O”

 

Nhiều thí dụ khác nhau của chữ “U –O” trong các văn tự Phi Luật Tân được tiêu biểu bởi hình số “3”.  Hình thể này trông giống như chữ “U” deva-nagari tiêu chuẩn nơi Bảng 11, chữ “U” của Khmer nơi Bảng 12, và các thí dụ của chữ đó trong tiếng Assam và tiếng Lào (41). Điều này có vẻ được biểu thị trong tiếng Chàm hiện đại bởi chữ “O” như trong biến thể sử dụng tại Việt Nam, nhưng sự tiến hóa của nó từ các hình thể cổ tự không rõ rệt.  Bất kỳ mẫu nào trong các mẫu chữ này đều có thể là nguồn gốc của chữ “U – O” Phi Luật Tân.  Tuy nhiên, cần phải ghi nhận nơi đây rằng mẫu chữ “U – O” Phi Luật Tân hiển nhiên là có liên hệ mật thiết với mẫu chữ nguyên âm của vùng lục địa Đông Nam Á hơn nhiều so với các mẫu chữ của vùng quần đảo Đông Nam Á.

 

 

(ii) Các Phụ Âm

 

4.      “Ka”

 

Các thí dụ Chàm về âm “ka” không hiển nhiên là các tiền thân của các thí dụ trong văn tự Phi Luật Tân, và tôi muốn nêu ý kiến rằng một nguồn gốc khác khả dĩ đúng hơn là mẫu vần “kha” trong tiếng Chàm.  Mặc dù các mẫu chữ Phi Luật Tân có góc cạnh hơn và thường gồm ba nét cách biệt, sự tiến hóa từ âm tiết “kha” trong văn tự vùng lục địa Đông Nam Á thì rõ rệt nếu chúng ta khảo sát các thí dụ về âm “kha” được ghi trong Bảng 13.  Phần lớn các thí dụ vùng lục địa Đông Nam Á bao gồm các biến thể trên mẫu chữ chỉ gồm một nét nhìn giống như số “2”.  Nét viết bắt đầu từ phía trên bên trái, sang phía trên bên phải, và rồi được kéo xuống phía dưới bên trái trước khi vạch ngang và chấm dứt ở phía dưới bên phải.  Hình thể tổng quát này có vẻ đã được đơn giản hóa trong các thí dụ Phi Luật Tân thành một nét ngang từ phía trên bên trái sang phía trên bên phải, một nét thẳng xuống và một nét khác nằm ngang từ phía dưới bên trái sang phía dưới bên phải.  Các mẫu chữ Chàm cổ hay “hiện đại” đều cho thấy các biến thể của hình số “2”, nhưng chính các hình thể chữ cổ cung cấp những tiền thân khả hữu giống nhất.  Một lần nữa, cần phải được nhấn mạnh rằng các thí du Phi Luật Tân trông có liên hệ mật thiết với các mẫu chữ của lục địa Đông Nam Á hơn rất nhiều so với các mẫu chữ vùng quần đảo Đông Nam Á.

 

5.      “Ga”

 

Các thí dụ Phi Luật Tân về phụ âm  “ga” thường bao gồm hai nét -- một nét căn bản bao gồm hình thể số “3”, và một nét viết tháu kéo dài sang bên phải.  Mẫu này rõ ràng là không giống với bất kỳ hình dạng của phụ âm “ga” nào trong tiếng miền Nam hay miền Bắc Ấn Độ thưở ban sơ hay hiện đại. và trong thực tế không giống bất kỳ hình thể nào của vùng hải đảo Đông Nam Á cho mẫu tự đó.  Tôi có ý kiến rằng âm tiết “ga” của Phi Luật Tân phát sinh từ âm “gha” của tiếng Chàm, vốn giống với các thí dụ của tiếng Lào khí có cùng một nét khởi đầu được kéo xuống, trông ít nhiều giống như hình số “3”, như là bộ phận bên tay trái, và một đoạn kéo dài sang bên phải “hay “đuôi” của chữ.  Mẫu âm “gha” của bản khắc Yang Tikuh (năm 799 sau Thiên Chúa) cung cấp một nguyên mẫu rõ rệt cho âm “ga” Phi Luật Tân, với hình số “3” của nó và “đuôi” được kéo sang bên phải.  Không biết là mẫu âm “gha” đặc biệt này đã đuợc dùng tại xứ Chàm trong bao lâu, nhưng các dấu tích đặc thù của nó hãy còn hiển hiện trong mẫu chữ Chàm “hiện đại”.

 

6.      “Nga”

 

Sự tương tự giữa các thí dụ Phi Luật Tân với âm “nga” trong tiếng Chàm “hiện đại” thì rõ rệt.  Hình số “3” trong phụ âm “nga” Chàm xuất hiện trong phần lớn các thí dụ Phi Luật Tân như các biến thể của nửa vòng tròn, mặc dù trong ít nhất một thí dụ, hình của số “3” đã được giữ lại.  Phần còn lại của mẫu chữ Chàm có vẻ đã được viết đúng cách, trong các thí dụ Phi Luật Tân, thành một nét gợn sóng kéo dài sang bên phải.

Một số âm “nga” trong văn tự lục địa có chung một vài thành tố, nhưng không có mẫu nào trông giống với mẫu chữ Phi Luật Tân một cách rõ ràng cho bằng thí dụ mẫu chữ Chàm “hiện đại”.  Các hình thể chữ cổ xưa của Chàm nơi Bảng 9 trông không phải là các tiền thân, và điều này khiến ta nghĩ rằng mẫu chữ Chàm “hiện đại” này đã tiến hóa tại xứ Chàm trước thời kỳ mà mẫu chữ được thừa nhận vào các văn tự Phi Luật Tân.

 

7.      “Ta”

 

Các thí dụ Phi Luật Tân về phụ âm “ta” thì biến đổi khá nhiều, nhưng nói chung có vẻ cùng mang đặc điểm của hình chữ “V” viết tháu, với một nét cong duy nhất kéo dài sang bên phải hay từ dưới đáy chữ.  Tôi có ý kiến rằng phụ âm này đã phát sinh từ âm “tha” của tiếng Chàm.  Mẫu phụ âm “tha” trong bản khắc ở Dương-mong vào khoảng năm 675 sau Thiên Chúa có vẻ là một tiền thân của mẫu chữ sẽ được vay mượn để trở thành phụ âm “ta” trong các văn tự Phi Luật Tân.  Hình dáng chữ “V” lúc khởi đầu thì hiển nhiên, giống như nét cong kéo dài.  Chúng ta không hay biết là mẫu chữ Chàm này đã thay đổi ra sao trong cách sử dụng chữ cổ sau đó, nhưng trong các biến thể của tiếng Chàm “hiện đại”, phần kéo dài từ hình chữ “V” đã tiến hóa thành khuy tròn.  Chính vì thế, phụ âm “ta” của Phi Luật Tân có lẽ đã phát triển từ một hình thái trung gian của mẫu chữ Chàm cho phụ âm “tha”.

 

8.      “Da”

 

Các thí dụ Phi Luật Tân cho phụ âm “da” thường bao gồm hai nét và có các sự tương đồng với các thí dụ Ấn Độ và Assam thời ban sơ được cung cấp bởi tác giả Holle (43).  Các thí dụ Ấn Độ bao gồm một nét bên trên nằm ngang, với một nét cong phia dưới, gần như tạo thành một chiếc móc bên phải.  Các sự tương đồng với các mẫu chữ Java nơi Bảng 10 và Bảng 11 cần phải được ghi nhận.  Phụ âm “da” của Chàm khắc nơi cột đá ở Dương-mong cũng cho thấy một mẫu chữ tương tự.  Trong các thí dụ Phi Luật Tân, nét nằm ngang và nét cong vòng (hay dấu tích của chúng) hãy còn hiện diện đến nay, mặc dù một vài sự biến thể có xảy ra, với nét cong vòng bắt đầu bên trên nét nằm ngang và cuộn tròn xuống bên dưới nó.  Hiển nhiên, với sự sử dụng rộng rãi mẫu chữ tương tự phụ âm “da” khắp vùng Ấn Độ và Đông Nam Á, nguồn gốc Chàm duy nhất cho mẫu chữ này của Phi Luật Tân sẽ không thể chứng minh được.  Tuy nhiên, các hình thức phụ âm “da” của Chàm với mẫu chữ Dương-mong như tiền thân của chúng cũng đều có thể được xem đồng đẳng với các mẫu khác như là các nguyên mẫu khả hữu cho phụ âm “da” của Phi Luật Tân.  Phụ âm “da” trong tiếng Chàm “hiện đại” thì không giống như phụ âm tương ứng của nó trong tiếng Phi Luật Tân và không có vẻ là kiểu mẫu trên đó phụ âm Phi Luật Tân đã được đặt nền.

 

9.      “Na”

 

Âm “Na” Phi Luật Tân thường bao gồm hai nét -- một nét ngang hay nét cong một bên ở trên và một nét thẳng hay gợn sóng ở dưới.  Mẫu chữ này tương ứng với các mẫu phụ âm “na” thường xuyên xuất hiện trong nhiều thí dụ khác nhau thưở ban đầu của ngôn ngữ  Ấn Độ và Đông Nam Á (xem các Bảng 10, 11, 12).  Mẫu phụ âm “na” trong bốn bản khắc chữ sau này của Chàm dưới đây cho thấy mẫu chữ bao gồm một nét nằm ngang bên trên với các độ dài ngắn khác nhau, và một thành tố thẳng đứng có thắt vòng ở dưới.  Các nút thắt vòng trong các mẫu chữ này có vẻ như đã tiến hóa, trong các thí dụ Phi Luật Tân viết tháu hơn, thành một nét gợn sóng, hay hoàn toàn biến mất, để lại một nét thẳng.  Một lần nữa, mẫu chữ Chàm “hiện đại” đủ khác biệt với âm tương ứng của nó trong tiếng Phi Luật Tân khiến ta nghĩ rằng mẫu phụ âm “na” trong văn tự Phi Luật Tân đã được chấp nhận trước khi có sự tiến hóa của âm “na” trong văn tự Chàm “hiện đại”.

 

10.  “Pa”

 

Trong tất cả các thí dụ Phi Luật Tân về phụ âm “pa”, ta thấy hình dạng chữ “V” nổi bật biểu thị trong văn tự Chàm “hiện đại”, với một nét thứ nhì ngắn kéo dài ra ngoài từ nhánh bên phải của chữ “V”.  Nguồn gốc của mẫu chữ này có thể được nhận thấy trong thí dụ chữ  Chàm cổ xưa ký danh B, C và D dưới đây, cũng bao gồm một chữ “V” khởi đầu và một đoạn nối dài.  Cũng có phần liên hệ đến các mẫu chữ của phụ âm “pa” trong tiếng Java và Bali được trình bày nơi phần văn tự Siddhamatrka trong biều đồ đối chiếu của Damais ở Bảng 15.  Sự tương tự rõ rệt của phụ âm “pa” ban đầu với phụ âm “ba” Chàm “hiện đại” có vẻ khiến ta nghĩ rằng mẫu chữ sau có thể đã phát sinh từ mẫu tự trước.

 

11.  “Ba”

 

Hình dạng hạt đâu tây [kidney bean, có hình trái thận, chú của người dịch] biểu trưng cho mẫu tự “ba” trong các văn tự Phi Luật Tân có thể từ nguyên thủy tiến hóa từ bất kỳ một trong nhiều văn tự của Ấn Độ hay Đông Nam Á, vì tất cả đều sử dụng một vòng tròn lõm bụng hay “hộp lõm bụng” để tượng trưng cho âm tiết “ba”.  Các Bảng 9 đến 13 cho thấy một khoảng khác biệt của các mẫu chữ này.  Hiển nhiên, không thể nói với bất kỳ sự quả quyết nào là từ văn tự nào trong số văn tự này đã làm phát sinh mẫu chữ của Phi Luật Tân.  Một sự thiếu sót các dữ liệu về các thí dụ chữ Chàm cổ của phụ âm “ba” tiếp theo sau bản khắc ở Võ Cạnh đã loại trừ ý kiến nào khác về nguồn gốc khả dĩ đi từ văn tự Chàm trên mẫu chữ phụ âm “ba” của Phi Luật Tân.  Tuy nhiên, cần phải ghi chú rằng các thí dụ chữ Chàm “hiện đại” chắc chắn không phải là các tiền thân của mẫu chữ Phi Luật Tân này.

 

12.  “Ma”

 

Các thí dụ Phi Luật Tân cho phụ âm “ma” đều mang đặc tính có hình dạng chữ “V” trong nét viết đầu tiên, với nét thứ nhì vắt ngang che kín cổ chữ “V”.  Các mẫu tự này có thể so sánh với các mẫu tự khác nhau của phụ âm “ma” trong các Bảng 10 đến 15.  Một sự so sánh như thế làm phát hiện rằng các mẫu chữ Khmer và Chàm cho thấy một mối quan hệ lớn lao với phụ âm “ma” của Phi Luật Tân.  Sự phát triển của mẫu chữ Chàm có thể được mô tả như sau: Các thí dụ ở Võ Cạnh và Mĩ-Sơn, cả hai đều thuộc thưở ban đầu của thiên niên kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa, bao gồm một nét duy nhất tự cắt ngang, tạo thành một mẫu chữ đối xứng với một khoảng trống khép kín ở đáy chữ.  Vào khoảng thế kỷ thứ tám hay đầu thế kỷ thứ chín, bản khắc Yang Tikuh cho thấy một mẫu chữ hiển nhiên đòi hỏi đến hai nét – trước tiên một nét có hình dạng chữ “U” và thứ nhì là một nét cắt ngang che kín chữ “U”.  Mẫu chữ Chàm “hiện đại” cho thấy một sự phát triển xa hơn, với chữ “U” biến thành chữ “V”, nhưng vẫn có nét ngang cắt hay che kín chữ “V”.   Sự tương đồng khá rõ giữa các thí dụ về phụ âm “ma” ở Yang Tikuh và các thí dụ Phi Luật Tân đặc biệt đáng để ý.  Các cách viết khởi đầu với một nét thắt vòng hay nối dài bên nhánh phải trong mẫu chữ Phi Luật Tân có thể chỉ dấu cho thấy một hình dạng trung gian giữa mẫu Yang Tikuh và mẫu phụ âm “ma” trong tiếng Chàm “hiện đại” đã là kiểu mẫu cho mẫu phụ âm “ma” của Phi Luật Tân.

 

13.  “Ya”

 

Một lần nữa các mẫu chữ Phi Luật Tân lại cho thấy hình dạng chữ “V” nổi bật vốn là nét đặc trưng của các âm tiết Chàm “hiện đại”, với sự bổ túc một vòng thắt nửa kín hay thắt kín nối dài từ nhánh bên phải của chữ “V”.  Các thí dụ này đặc biệt là không giống với bất kỳ thí dụ nào trong các thí dụ của phụ âm “ya” trong các văn tự của Ấn Độ và hải đảo Đông Nam Á, nhưng tương tự như các thí dụ của văn tự Thái Cổ và Lào, như xuất hiện trong Bảng 13.  Sự tương đồng giữa các thí dụ Phi Luật Tân và Chàm “hiện đại” thì đặc biệt rõ rệt và càng khiến chúng ta có ý nghĩ về ảnh hưởng của một số mẫu chữ Chàm “hiện đại” hay trung chuyển trong sự hình thành văn tự nguyên mẫu của Phi Luật Tân.

 

14.  “La”

 

Tổng quát, các thí dụ của phụ âm “la” trong các văn tự Phi Luật Tân bao gồm một nét như cuộn (quấn) lại là thành tố ở trên và một nét gợn sóng hay vòng cung sổ xuống ở dưới.  Có ý kiến cho rằng âm tiết “la” Phi Luật Tân phát sinh từ vần “ra” của Ấn Độ.  Trong sự giải thích của ông về sự biến đổi ngữ âm của các từ tiếng Phạn (Sanskrit) thành tiếng Phi Luật Tân, tác giả Francisco ghi nhận rằng “âm r trong tiếng Phạn có khuynh hướng biến thành âm l trong tiếng Phi Luật Tân (44).  Chính vì thế, sẽ không phải là điều ngạc nhiên khi mẫu chữ âm “ra” được thừa nhận để thay cho phụ âm “la”.  Nhiều thí dụ trong các mẫu chữ Ấn Độ được trưng bầy bởi tác giả Damais ở Bảng 15 cho thấy một hình dạng tương tự, bao gồm một nét bên cạnh khởi đầu và một nét thứ nhì cong vòng hay sổ thẳng xuống.  Trong thí dụ Chàm “hiện đại”, nét một bên cạnh (hông) thì hiển hiện, trong khi nơi phần cuối nét sổ thẳng xuống có một nút thắt vòng tròn, là phần có thể là nguồn gốc của hình gợn sóng trong nét sổ xuống trong thí dụ Phi Luật Tân.

 

15.  “Wa”

 

Các thí dụ phụ âm “wa” Phi Luật Tân lại một lần nữa biểu lộ hình dạng chữ “V” đặc trưng trong bảng âm tiết Chàm hiện đại.  Rất có vẻ là mẫu viết phụ âm “wa” Phi Luật Tân phát sinh từ mẫu chữ  “va” trong văn tự Ấn Độ.  Sự nhận xét của tác giả Francisco rằng khi các từ ngữ trong tiếng Phạn được du nhập vào các ngôn ngữ Phi Luật Tân, âm v Phạn ngữ được thay thế nhiều lần nhất bằng âm b hay w, củng cố cho xác xuất này.  Tuy nhiên, chính mẫu viết mới đem lại bằng chứng vững chắc nhất.  Các thí dụ chữ Chàm cổ, đặc biệt thí dụ bản khắc Pô Nagar thuộc thế kỷ thứ mười, trưng bày hình chữ “U” hay “V” lúc khởi viết và điều này khiến ta nghĩ rằng âm tiết “wa” Phi Luật Tân đã được chấp nhận từ mẫu chữ “va” của văn tự Chàm.  Tuy nhiên, một số các văn tự vùng Nam Ấn Độ và bản khác bia ký Java cũng cho thấy mẫu viết âm “va” tương tự và phải nhìn nhận rằng nguồn gốc Chàm chỉ là một trong nhiều khả tính.  Sự phất (phóng) bút ở phần dưới bên phải của mẫu Chàm “hiện đại” có vẻ như là một sự canh cải khá tân tiến và không có dấu hiệu nào trong các mẫu chử phụ âm “wa” Phi Luật Tân cho thấy tiền thân của chúng lại có bất kỳ nét phất bút như thế.

 

16.  “Sa”

 

Hình dạng chữ “V” tiêu biểu của văn tự Chàm “hiện đại” một lần nữa lại xuất hiện trong mẫu viết Phi Luật Tân.  Thành tố nhất quán của nhiều thí dụ Phi Luật Tân khác nhau cho phụ âm “sa” có vẻ là nét đầu tiên có hình dạng chữ “V” và một nét bổ túc viết tháu (ngoáy) chạy sang bên phải, như một nét thứ nhì riêng biệt hay như một phần nối dài của nét thứ nhất. Điều này làm liên tưởng đến một vài thành tố bên phía phải của chữ “V” trong mô thức nguyên mẫu.  Các mẫu chữ Đông Nam Á thưở ban đầu cho phụ âm “sa” thường trưng bày hình dạng chữ “U” hay “V” với một nét phất bút sang phía trái (xem các Bảng 12 và Bảng 15).  Tôi cảm thấy các mẫu này không phải là tiền thể của phụ âm “sa” Phi Luật Tân. Đúng hơn, chúng ta phải nhìn đến các mẫu chữ của âm huýt gió  (hay xuýt, hay rít gió) (retroflex sibiolant) “sa” (tức âm “Sh” trong bảng của tác giả Holle) trong các văn tự Ấn Độ và Đông Nam Á như là các nguyên mẫu khả dĩ.  Các mẫu này thường gồm một thành tố có hình dạng chữ “U” hay chữ “V“ với một nét ngang che kín chữ “U” hay chữ “V” (xem Bảng 11).  Biến thể Chàm thưở trước của hình dạng đó có thể được nhận thấy ở bản khắc ở Võ Cạnh.  Tuy nhiên, vào thời khoảng của bản khắc Pô Nagar năm 965 sau Thiên Chúa, một mẫu có thể là tiền thân nhiều hơn đã xuất hiện.  Trong bản khắc này, mẫu “sa” có đuôi quặt ngược lại cho thấy một thành tố bên trái;’ xuất hiện trở thành nguồn gốc của hình dạng chữ “V” trong mẫu chữ Phi Luật Tân, trong khi phần bên tay phải của mẫu chữ  Pô Nagar, cùng với “đuôi chữ”, có vẻ là nguồn gốc của thành tố viết tháu (ngoáy) bên tay phải của mẫu tự Phi Luật Tân.  Trong một vài trường hợp, các thí dụ Phi Luật Tân vẫn biểu hiện vết tích của “đuôi chữ” này.

Các thí dụ liên hệ của mẫu chữ này tại vùng lục địa Đông Nam Á bao gồm âm tiết “sa” của tiếng Khmer Cổ, nay không còn dùng nữa (46), và trong văn tự Thái Lan gồm “chữ s, rồi đến chữ c ngược có dấu v ở trên và sau cùng một chữ c ngược kế tiếp [mô tả của người dịch] (47).  Cả hai mẫu chữ này bao gồm một hình dạng chữ “U” căn bản, với một nét ngang ngắn cắt nhánh tay phải của chữ “U”.

 

17.  “Ha”

 

Mẫu viết phụ âm “ha” trong các văn tự Phi Luật Tân hầu như đồng nhất với một nét viết tháu (ngoáy) duy nhất cuộn tròn từ phía trên bên trái xuống phía dưới bên phải.  Các thí dụ Ấn Độ và Đông Nam Á trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Thiên Chúa, kể cả các mẫu của Chàm, đều cho thấy các biến thể của hình dạng một chữ “N” thông thường lật ngược (Các Bảng 11 đến 13), mà khi “căng ra” (flattened), tạo ra hình dạng như được biểu thị trong các thí dụ Phi Luật Tân.  Hiển nhiên, với hình dạng gần như đồng nhất trong nhiều văn tự Ấn Độ, không thể nói với bất kỳ sự chắc chắn nào rằng đâu là một hay nhiều mẫu cá biệt đã làm phát sinh ra mẫu chữ Phi Luật Tân.  Luận cứ giờ đây về nguồn gốc Chàm được hậu thuẫn bởi mẫu chữ cho phụ âm “ha” có trong bản khắc Yang Tikuh.  Tuy nhiên, nếu mấu chữ đã được chấp nhận từ văn tự Chàm, sự vay mượn này đã xảy ra trước khi có sự tiến hóa sau cùng của hình dạng Chàm “hiện đại”, khi một nét thắt vòng sau này đã tiến hóa ở bên phía tay trái của mẫu chữ Chàm “hiện đại”.

 

 

(iii)             Các Dấu Phát Âm Nguyên Âm

 

 

Như đã ghi nhận ở trên, các văn tự Phi Luật Tân từ lâu có sử dụng các dấu phát âm (trong ngôn ngữ Tagalog được gọi là kudlit (48) để thay đổi nguyên âm được đọc kèm với một phụ âm.  Dấu đó nếu đặt trên một phụ âm sẽ làm thay đổi nguyên âm thành “I” hay “E”, trong khi nếu đặt ở dưới phụ âm sẽ làm thay đổi nguyên âm thành “O” hay “U”.

Tôi tin rằng nguồn gốc của hai dấu phát âm nguyên âm này có thể nằm nơi các dấu phát âm của Chàm.  Văn tự Chàm “hiện đại” dùng một nét viết tháu (ngoáy), hầu như tạo thành một hình trái xoan, bên trên một phụ âm để chỉ rằng phụ âm sẽ được đọc cùng với nguyên âm “I” thay vì với nguyên âm “A” như thường lệ.  Nó cũng dùng một nét ngắn bên dưới một phụ âm để chỉ rằng phụ âm đó sẽ được đọc cùng với nguyên âm “U” theo sau.  Các dấu này không phải là các dấu phát âm duy nhất trong tiếng Chàm, nhưng chúng có thể là các kiểu mẫu cho các dấu phát âm được dùng trong các văn tự Phi Luật Tân.  Sự kiện rằng các dấu phát âm trong các văn tự Phi Luật Tân thường được thay thể chỉ bằng các dấu chấm hay vòng bán nguyệt, tôi nghĩ, không loại trừ [ý kiến cho rằng] các biến hóa của chúng phát sinh từ các dấu của Chàm.

 

(iv)             Sự Vắng Mặt Của Các Phụ Âm Sau Cùng

Một câu hỏi chính làm bối rối các nhà nghiên cứu khi nhìn vào các văn tự Phi Luật Tân là tại sao các mẫu chữ trong bảng các âm tiết (vần) lại không được dùng để chỉ các phụ âm sau cùng của các từ (words) xuất hiện trong các ngôn ngữ Phi Luật Tân.  Nếu văn tự nguyên mẫu Phi Luật Tân phát sinh từ một văn tự được sử dụng bởi những người nói một ngôn ngữ có mang các phụ âm sau chót, tại sao các phụ âm sau cùng lại không được thể hiển trong các văn tự Phi Luật Tân?  Tác giả Postma (49) loại bỏ, tôi nghĩ là chính xác, sự tuyên bố rằng sự vắng mặt của các phụ âm sau cùng trong các ngôn ngữ và văn tự Makassar-Bugis khiến các văn tự này có vẻ là các tiền thân của văn tự Mangyan.  Tuy nhiên, tác giả De Casparis (50) đặt câu hỏi tại sao, với sự sử dụng phổ biến virama [?] trong các văn tự Indonesia để chỉ các phụ âm không kèm nguyên âm, văn tự Mangyan (và nói rộng ra, các người sử dụng khác các văn tự Phi Luật Tân) lại không sử dụng một công cụ như thế, trừ khi họ chấp nhận một văn tự đã thích nghi với một ngôn ngữ không có các phụ âm sau cùng.  Ngôn ngữ Chàm, giống như nhiều ngôn ngữ dòng Úc-Á (Austronesian) khác, có sử dụng các phụ âm sau cùng, và những phụ âm này có được biểu thị trong văn tự Chàm.  Nếu luận đề hiện nay về một nguồn gốc Chàm có giá trị, tôi chỉ có thể đưa ra hai ý kiến như là các lý dó khả hữu cho sự vắng mặt các phụ âm sau cùng trong các văn tự Phi Luật Tân:

1.      Văn tự Chàm đã đuợc du nhập vào Phi Luật Tân bởi các ngư phủ hay các người khác, hoặc từ các hải đảo của Phi Luật Tân hay từ vùng lục địa Đông Nam Á, không được diễn tả đầy đủ bằng chữ viết.

2.      Văn tự Chàm được mang đến Phi Luật Tân bởi người Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam.  Những người nói các ngôn ngữ này, trong sự trình bày các từ ngữ ngoai quốc, đặt sự nhấn mạnh đáng kể vào các phụ âm bắt đầu hơn là vào các phụ âm sau cùng.  Các thí dụ của sự trình bày cách phiên âm (phonetic) trong thế kỷ thứ mười bẩy các danh tính trong văn tự Phi Luật Tân, đưa ra bởi tác giả Scott (51), chẳng hạn như “A-gu-ti Lumaba” cho tên Augustin Lumabag và “Do A-gu-ti Wi-ka“ cho tên Don Augustin Wika, rất giống cách thức mà người Trung Hoa đã phiên âm theo vần các danh tính như thế.

Một khía cạnh khác gây bối rối về các văn tự Phi Luật Tân là sự vắng mặt hoàn toàn các mẫu viết tượng trưng cho các con số.  Tôi không thể đưa ra một sự giải thích có vẻ hợp lý nào về hiện tượng này, thế nhưng có vẻ loại bỏ được khả tính rằng bảng âm tiết này đã được du nhập vào Phi Luật Tân như một công cụ để mua bán.

 

(v) Tổng Kết

Sự so sánh và phân tích ở trên khơi lên các ý kiến như sau:

(1)   Mẫu viết ba nguyên âm trong văn tự Phi Luật Tân có thể đã được thừa nhận từ thực sự bất kỳ văn tự nào thuộc vùng Đông Nam Á.

(2)   Các phụ âm Phi Luật Tân “ka”, “da”, “ta”, “na”, “ba”, “la, “wa” và “ha” có thể phát sinh từ bất kỳ một trong các văn tự Đông Nam Á, kể cả của người Chàm.

(3)   Các phụ âm Phi Luật Tân “ga”, “nga”, “pá, “ma”, “ya” và “sa” phô bày các đặc điểm có thể được giải thích một cách hợp lý nhất bằng cách quy chiếu cho một nguồn gốc Chàm cho chúng.

Tôi xin nêu ý kiến rằng văn tự Phi Luật Tân nguyên mẫu tiến hóa từ các mẫu chữ Chàm, hay có thể từ các mẫu chữ của Chàm và của các nước vùng lục địa Đông Nam Á khác, ở vào một vài thời điểm trước khi có sự xuất hiện đầy đủ văn tự Chàm “hiện đại”.  Một vài mẫu chữ Phi Luật Tân có nhiều sự tương đồng hơn nữa với các thí du về chữ Chàm cổ xưa tương đương, trong khi các mẫu tự khác hiển nhiên có liên hệ mật thiết với các mẫu tự Chàm “hiện đại”.  Một điểm quan trọng cần phải được nhấn mạnh là văn tự Phi Luật Tân có vẻ như có liên hệ mật thiết với các văn tự lục địa Đông Nam Á nhiều hơn là đối với các văn tự quần đảo Java.  Tôi lập luân rằng sự kiện này hậu thuẫn cho ý tưởng cho là một nguồn gốc lục địa thì vững chắc hơn một luận đề cho rằng sự chuyển hóa của các văn tự Phi Luật Tân bắt nguồn từ bất kỳ một trong các văn tự nào của vùng hải đảo Đông Nam Á.

Các đề xuất rằng các mẫu chữ Phi Luật Tân được rút ra từ các văn tự ít phức tạp hơn, chẳng hạn như của đảo Sumatra hay Sulawesi, và trong sự phát triển sau đó của chúng, tiến hóa một cách tình cờ thành các mẫu chữ phức tạp hơn với các sự tương đồng lớn lao như thế với các mẫu tự của vùng lục địa Đông Nam Á thì không đứng vững được, theo tôi nghĩ.

Bản khắc trên bảng bằng đồng ở Laguna được khôi phục hồi gần đây, mới chỉ được công bố vào năm 1992 (52), có nhật kỳ Saka 822 (năm 900 sau Thiên Chúa) và Antoon Postma có nêu ý kiến, vốn được xác nhận bởi Giáo Sư De Casparis, rằng văn tự thuộc sắc dân Kawi Thời Ban Sơ trong thế kỷ thứ chín đến thứ mười.  Các aksaras [?] trong thực tế có cùng các sự quan hệ rõ rệt với các mẫu chữ của các bản khắc Balingawan (năm 891 sau Thiên Chúa), Er Kuwing (vào khoảng 913 sau Thiên Chúa) và Linggasuntan (năm 929 sau Thiên Chúa) trên đảo Java.  Ngôn ngữ của bản khắc trên bảng đồng có vẻ là một sự trộn lẫn của các ngôn ngữ Java cổ, Mã Lai cổ, Tagalog cổ, và Phạn ngữ (Sanskrit).  Nếu nguồn gốc tiếng Phi Luật Tân đề xướng theo bảng đồng được chấp nhận, hiển nhiên nó sẽ làm liên tưởng đến ảnh hưởng của Java tại Phi Luật Tân vào thời điểm đó.  Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng không điều gì khiến ta nghĩ rằng các văn tự Phi Luật Tân, như chúng đã được ghi chép từ thế kỷ thứ mười sáu, là phát sinh từ văn tự được dùng trong bản khắc trên bảng đồng ở Laguna.  Các đặc điểm chữ cổ nổi bật được ghi nhận ở trên về nhiều mẫu tự khác nhau của Phi Luật Tân khiến ta nghĩ một cách khác, bởi có sự kiện rằng mẫu tự được dùng cho bản khắc Laguna có biểu trưng cho các phụ âm sau cùng.

Sự nghiên cứu sâu xa hơn nữa về sự tiến hóa của văn tự Chàm, Khmer và các nước trên đất liền khác chắc chắn là cần thiết.  Chỉ xuyên qua sự nghiên cứu như thế, song song với sự tìm hiểu hơn nữa về các mẫu tự Phi Luật Tân, thời kỳ sử dụng các mẫu tự cá biệt mới được xác định một cách vững chắc hơn, và sẽ có thể giúp tuyên bố với bất kỳ sự tin tưởng nào về thời khoảng khi mà các mẫu tự như thế đã được chấp nhận tại Phi Luật Tân.

 

V. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Nếu các văn tự Phi Luật Tân được phát sinh từ văn tự Chàm, hay từ các văn tự lục địa khác, câu hỏi là bằng cách nào và khi nào điều này đã xảy ra sẽ có một vài tầm quan trọng.  Các sự khảo cứu của các nhà khảo cổ học trong nửa thế kỷ qua khiến ta nghĩ rằng đã có các sự tiếp xúc hàng hải dàn trải khá rộng giữa các nền văn hóa lục địa và hải đảo Đông Nam Á từ ít nhất vào lúc khởi đầu kỷ nguyên đồ sắt.  Các bài viết của W.G. Solheim (53) và những tác giả khác trong Tạp Chí Asian Perspective trong 30 năm qua có trình bày các quan hệ khá mạnh mẽ giữa nền văn hóa Sa Huỳnh, đi liền với các người Chàm-Nguyên Thủy tại miền nam Việt Nam ngày nay, với nền văn hóa Kalanay của Phi Luật Tân.  Các hoa tai với ba khoen lủng lẳng (khoen hình chữ O treo vào nhau) và các cây lao có đầu chạm hình thú vật đuợc tìm thấy ở cả hai nền văn hóa, cùng với các truyền thống làm đồ gốm, khiến liên tưởng đến các sự giao tiếp văn hóa, và chính vì thế, sự di chuyển giữa vùng đất liền và các hải đảo Phi Luật Tân qua nhiều thiên niên kỷ.

Các ảnh hưởng Ấn Độ trên quần đảo Phi Luật Tân đã là đề tài của nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Francisco, và tác phẩm Indian Influences in the Philippines của ông cung cấp một sự khảo sát sâu rộng về các khu vực tại đó các ảnh hưởng Ấn Độ có thể được nhận thấy trong các nền văn hóa Phi Luật Tân. Ông có ghi nhận trong một ấn phẩm khác rằng các cứ liệu khảo cổ học và ngôn ngữ học làm nảy sinh ý kiến rằng 400 năm từ thế kỷ thứ mười đến thế kỷ mười bốn đã là giai đoạn quan trọng của ảnh hưởng Ấn Độ tại Phi Luật Tân và rằng “các thành tố văn hóa Ấn Độ như chúng có thể nhận thấy rõ trong cơ cấu văn hóa Phi Luật Tân chỉ có thể được giải thích xuyên qua sự trung gian của các sắc dân Java, Mã Lai hay Chàm … là những người đầu tiên đã tiếp nhận các thành tố Ấn Độ này” (54).  Ảnh hưởng Chàm trong phương diện này không thể bị xem nhẹ, theo tôi thấy.

Giả định rằng nguồn gốc và tính chính thống Phi Luật Tân của nó được xác nhận, Bản Khắc Trên Bảng Đồng Laguna có vẻ như cấu thành bằng chứng văn bản sớm nhất của văn minh Ấn Độ tại Phi Luật Tân.  Bản khắc làm liên tưởng đến nhiều từ ngữ tiếng Phạn khác nhau, kể cả nhan đề senapati, đã được dùng tại Phi Luật Tân vào năm 900 sau Thiên Chúa.  Các nguồn tư liệu Trung Hoa thời nhà Tống cũng cung cấp bằng cớ mạnh mẽ về ảnh hưởng Ấn Độ tại Phi Luật Tân.  Quyển sách do triều đình ủy nhiệm soạn thảo, Song Hui-yao Ji-gao [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] hay Các Hội Viện Đời Nhà Tống (Bản Thảo) (Collected Institutes of the Song Dynasty), được biên soạn trong nhiều ấn bản liên tiếp nhau từ lúc bắt đầu thế kỷ thứ mười một đến giữa thế kỷ thứ mười ba, dựa trên các bản văn ghi nhớ, các văn kiện hoàng cung và các tài liệu địa phương. Đây là một trong những nguồn tư liệu căn bản được dùng để biên soạn lịch sử triều đại, tức Tống Sử (Song Shi) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch].  Trong phần “Các Ngoại Nhân” của quyển Song Hui-yao Ji-gao, một xứ sở có tên là “Pu-duan” [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] được ghi với nhiều chi tiết.  Sự xác minh, được chấp nhận rộng rãi ngày nay, cho thấy Pu-duan tượng trưng cho vùng Butuan tại đảo Mindanao đã được xác nhận lần đầu tiên, theo tác giả Wolters (55), bởi Grace Wong trong bài viết năm 1979 nhan đề “The Place of Porcelain” (Xứ Đồ Gốm) của bà được ấn hành trong tập Chinese Celadons and Other Related Wares in Southeast Asia.  Quyển Song Hui-yao Ji-gao đã ghi nhận về thực thể này như sau:

Pu-duan nằm giữa đại dương.  Nó gần cận với xứ Chàm và [trước đây] không có tiếp xúc với Trung Hoa. Trong tháng chín năm thứ sáu niên hiệu Xian-ping của vua Zhen-zong (tháng Chín – Tháng Mười năm 1003), sứ giả Li Yi-ban cùng phó sứ Jia-mi-nan được phái bởi nhà vua của họ tên Qi-ling, đã đến chầu và dâng cống vật gồm các thổ sản và các con chim vẹt màu đỏ … Trong tháng hai của năm thứ tư vương hiệu Dazhong Xiang-fu (tức Tháng Ba/Tư năm 1011), sứ giả Li Yu-xie lại được phái bởi người lãnh đạo xứ đó, tên Xi-li Pa-da-xia-zhi, đến với một quà kỷ niệm chạm khắc trên một thẻ bằng vàng, để dâng cống vật gồm đinh hương, long não trắng, mu rùa, và các chim vẹt màu đỏ … (56).

Nơi đây, chúng ta đọc được tên hai nhà lãnh đạo xứ Pu-duan, hay có thể là các tên khác nhau của cùng một người lãnh đạo.  Tên đầu tiên là Qi-ling [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] được đọc là “Gi-líng” theo giọng Hokkien, nhiều phần để chỉ “Keling”, một từ ngữ được dùng tại Mã Lai và bởi người Căm Bốt để chỉ các người dân vùng nam Ấn Độ hay người Ấn Độ, một cách tổng quát hơn.  Nguồn gốc của từ ngữ có vẻ là một địa điểm Ấn Độ có tên là “Kalinga”, nay là một phần của Orissa (57).  Các liên hệ khả hữu giữa từ ngữ này và từ ngữ “Keling”, được ghi nhận như là một Rắn Thần quan trọng (Naga King?) của sắc dân Iban (58) cũng có thể nên được điều tra.  Danh xưng tước hiệu thứ nhì được nói đến, Xi-li Pu-da-xia-zhi [có kèm 6 chữ Hán, chú của người dịch] chắc chắn là một danh hiệu Ấn Độ.  Theo giọng Hokkien, các chữ này được đọc là Sih-li Bá-dâi-ha-zhi, có thể được sắp xếp lại thành “Sri Maharaja” (59).  Sự sử dụng từ ngữ “maharaja” tại Phi Luật Tân đã được thảo luận bởi Francisco (60). Đoạn văn trên, nói đến thời đầu thế kỷ thứ mười một, có vẻ như là sự tham chiếu bằng văn bản đầu tiên đến sự sử dụng vương hiệu tại một khu vực nay là một phần của nước Phi Luật Tân hiện đại.  Sự dâng cúng một vật kỷ niệm được khắc bằng vàng, được đề cập trong bản văn này, cũng cho thấy ảnh hưởng của Ấn Độ, và cho thấy rằng một vài văn tự đã được dùng trong khu vực thời thế kỷ thứ mười một.

Với các sự tham chiếu như thế về ảnh hưởng Ấn Độ tại Phi Luật Tân trong thời kỳ này, câu hỏi là từ khi nào ảnh hưởng này đã xuất hiện.  Như đã ghi nhận trước đây, Bản Khắc Trên Bảng Đồng Laguna làm liên tưởng đến ảnh hưởng của Java, trong khi các văn tự Phi Luật Tân lại gợi ý kiến rằng ảnh hưởng Ấn Độ lại đến từ các khu vực khác.

Sự đề cập trong quyển Song Hui-yao Ji-gao đến xứ Pu-duan được dịch ở trên bao gồm trong phần nói về “xứ Chàm” của tác phẩm đó.  Trong đoạn được phiên dịch, chúng ta đọc được rằng “Pu-duan … thì gần cận với xứ Chàm”.  Sau đó, trong cùng bản văn này nó cũng đã ghi nhận rằng “Pu-duan ở dưới Champa” [có kèm 6 chữ Hán, chú của người dịch]. Điều này có thể được giải thích có nghĩa hoặc là Pu-duan thì “thấp kém” hơn xứ Chàm hay nó là một “phiên thuộc” của Chàm.  Bất kể nơi mà ngườI ta chọn để vạch ra các giới hạn giả định của quyền lực chính trị của Butuan và Chàm, Trung Hoa đã thừa nhận rằng hai chính thể này có biên giới liền nhau và chính vì thế, một cách mặc nhiên, đã tiếp xúc vớI nhau.  Một sự tham chiếu khác về sự xác đáng khả hữu được gồm trong bài văn tường thuật về Căm Bốt trong quyển sách của Trung Hoa có nhan đề Zhu-fan Zhi, hoàn tất vào năm 1225.  Dưới mục “các xứ sở lệ thuộc” [có kèm 2 chữ Hán, chú của người dịch] của Căm Bốt có liệt kê một thực thể được gọi là Bo-si-lan [có kèm 3 chữ Hán, chú của người dịch] (61).  Rất có thể vùng đất này để chỉ đảo Basilan của Phi Luật tân, nằm giữa Zamboanga và Sulu.  Tác giả Wolters (62) ghi nhận rằng lý do duy nhất để xác định Bo-si-lan là Basilan mà trước đây chưa được đề xướng chính là vì Bo-si-lan đã được ghi nhận là một vùng đất lệ thuộc của Căm Bốt.  Các sự nối kết mà tôi đang đề xướng khiến điều này trở nên khả dĩ là trong suốt thời kỳ này các vùng lệ thuộc của Căm Bốt trong thực tế nằm ở các khu vực mà ngày nay là phần lãnh thổ của Phi Luật Tân, và khả tính này được hậu thuẫn bởi quyển sử ký triều đại nhà Tống tức Tống sử (Song Shi) trong đó ghi nhận rằng Bo-si-lan nằm ở phía đông nam của Căm Bốt (63).  Tập Wen-xian Tong-kao, được biên soạn trong năm 1307 nhưng dựa trên các nguồn tư liệu trước đó, đã ghi nhận trong phần viết về Champa:

Xứ Chàm nằm ở phía tây nam Trung Hoa.  Phía đông của nó là biển, trong khi phía tây là Vân Nam.  Giáp phía nam là xứ Chân Lạp (Zhen-la) [Căm Bốt] và phía bắc là tiểu trấn Huan … Đi quá nó, băng ngang biển … ở phía đông là Ma-yi [Mindoro], [mất] hai ngày đường, trong khi xứ Pu-duan nằm ở nơi cách bảy ngày đường … (64)

Các nguồn tư liệu Trung Hoa đó phải ghi nhận rằng Mindoro và Butuan có thể đến được từ xứ Chàm có lẽ có tầm quan trọng về mặt các hải lộ mậu dịch được hay biết đối với người Trung Hoa vào thời điểm đó.  Hai bài viết gần đây nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của các hảI lộ nối liền các chính thể lục địa Đông Nam Á thời trung cổ với quần đảo Phi Luật Tân và đảo Borneo.  Các chuyên viên đồ gốm Burns và Brown, trong một bài viết đệ trình tại một hội nghị ở Việt Nam năm 1990 (65), đã ghi nhận sự tương đồng nổi bật của các sưu tập đồ gốm của Quảng Đông được tìm thấy tại Trà Kiệu, kinh đô thời cổ của Chàm, với các đồ vật được tìm thấy ở Butuan, và trên căn bản này đã nêu ý kiến về các sự liên kết mậu dịch giữa hai khu vực trong thế kỷ thứ mười.  Sử gia kinh tế Ptak cũng sử dụng một loạt các tư liệu đa dạng để chứng minh là làm thế nào mà các hải lộ này giữa đất liền và vùng hải đảo Đông Nam Á đước nối kết vào một màng lưới lớn hơn nhiều các mắt xích mậu dịch trong thời khoảng từ thế kỷ thứ mười bốn đến thế kỷ thứ mười sáu (66).

Sau cùng, chúng ta có lẽ phải xét đến một bài viết từ thời cuối thập niên 1829, được viết bởi J. Dalton và nguyên thủy được đăng tải trong tờ Singapore Chronicle hồi tháng Ba và tháng Tư năm 1831.  Tác giả Dalton đã du hành khắp vùng Đông Nam Á và đặc biệt vùng biển chung quanh Borneo, Sulawesi và các đảo phía nam của Phi Luật Tân.  Trong bài viết này ông đã ghi nhận:

Ý kiến của nhiều người Bugis hiểu biết mà tôi đã đối thoại cho rằng phần lớn các đảo này có cư dân gốc nguyên thủy từ  Xiêm La và Căm Bốt.  Xứ sau này là một đất nước rộng lớn nằm phía tây của Trung Hoa mà người Xiêm La nói trước đây thuộc về họ.  Ngôn ngữ của người dân Cochin-Chinese này có sự liên hệ lớn lao với ngôn ngữ người dân Bugis hơn là với ngôn ngữ của vùng Tonkin, và người Xiêm La có thể hiểu được họ không mấy khó khăn…  Từ thủa không ai biết rõ đã có sự buôn bán vô cùng sâu rộng được thực hiện giữa Xiêm La, Cochin-China và nhiều các bộ lạc cư ngụ trên giải đất rộng lớn của xứ sở nằm ở cửa sông Căm Bốt; cũng như với quần đảo Sooloo, kể cả phần phía bắc của Borneo và có lẽ cả đảo Celebes nữa.  Sự giao thông vẫn còn tiếp tục.  Mỗi năm hàng trăm con thuyền ít nhiều đi trực tiếp từ lục địa sang rất nhiều hòn đảo nằm trong biển Sooloo, liên tục đổ lên đảo số dân rất mực dư thừa của nó, là những người, bị cưỡng bách, đẩy về phía tây.  Đây chỉ là bước liên tục của một hệ thống xuất cảnh trước đây, chắc chắn từ nguyên thủy đã chất người lên phần lớn các hòn đảo này.  Megidano là một trong những hòn đảo đầu tiên trong vùng biển phía đông; nó chứa trên phẫn lãnh thổ rộng lớn nhất chiếm diên tích hàng dặm vuông các người Phi Luật tân, và trải dân cư khắp nơi bằng một giống người cần cù đến từ bờ biển xứ Camboja … Tôi được thông báo bởi các anakodahs [?] về các con thuyền của Cochin-China (một người trong họ là một rajah [?]  vốn là kẻ thường hay có mặt trên các chuyến du hành này,  rằng trên phần đất rộng lớn hơn của đảo Megidano và ở những phần khác trên các hòn đảo này, có một dân cư đông đúc như dân số của bất kỳ phần đất nào của miền bắc Trung Hoa và rằng từ Cochinchina không thôi, kể cả các quốc gia bản xứ tọa lạc khoảng cửa sông Căm Bốt, hàng năm có tới 140 con thuyền lớn nhỏ, được lái nhắm tới Magidano.  Các con thuyền này chuyên chở từ năm mươi đến năm trăm hành khách, là những người xuất cảnh đến nơi đó, và là những người khi đến nơi, ra sức làm công trong một giai đoạn nào đó để trả nợ tiền du hành … Cũng chính vị rajah này đã nói với tôi rằng, số lượng con thuyền hàng năm khởi hành từ cùng các phần đất để đến đảo Palawan không ít hơn tám mươi chiếc thuyền cỡ khá lớn.  Đảo Palawan được cai trị bởi một ông rajah có liên hệ với vị hoàng đế Cochin-China … miền cực bắc của đảo Borneo cho thấy một mật độ tương tự dân số đến cùng nguồn gốc.  Với sự tính toán trung bình, không ít hơn 500 chiếc thuyền được lái hàng năm từ bờ biển Căm Bốt đến các đảo này …  Ngôn ngữ Cochin-china được nói phổ quát tại khắp nơi trên đảo Palawan và Megidano; ở vùng xa hơn về phía tây và đặc biệt dọc theo bờ biển của các đảo nằm xa hơn nữa về phía tây, dân số này được pha trộn với sắc dân Bugis.  Tại các địa điểm miền bắc đảo Borneo, ngôn ngữ Căm Bốt được nói nhiều như bất kỳ [ngôn ngữ] nào khác … (67)

Cần phải phát biểu ngay rằng Dalton không phải là nhà ngữ học hay một sử gia.  Tiểu sử của ông ta có phần không minh bạch, nhưng một số chi tiết về lai lịch và các khát vọng thương mại của ông có thể được lượm lặt từ tác giả Tarling (68).  Dalton thú nhận mình là một kẻ phiêu lưu tọc mạch và nhiều ý kiến của ông khiến ta nghĩ ngợi rằng các sự kết luận của ông không hoàn toàn dựa trên các sự quan sát vô tư.  Bất kể điều này, ông đã du lịch và điều tra sâu rộng trong khu vực và có ít nhất hai điểm khiến cho đoạn văn này đáng được trích dẫn dài dòng như thế.  Điểm đầu tiên là có vẻ đã có, vào đầu thế kỷ thứ mười chín, nhiều sự tiếp xúc giữa Căm Bốt (Camboja), Cochin-China (xứ Chàm trước đó), và các đảo của Phi Luật Tân, sử dụng các kỹ thuật hải hành vốn được cung ứng từ hàng nghìn năm.  Điểm thứ nhì là đã có một sự tin tưởng phổ thông đương thời rằng một số dân cư ở khu vực Borneo/Sulu phát sinh từ Căm Bốt, làm liên tưởng đến sự xuất cảnh của một số người khá xa xưa.  Sự kiện này càng củng cố khả tính rằng đã có một sự di chuyển dân số giữa Chàm, Căm Bốt và quần đảo Phi Luật Tân trong thời trung cổ.

 

VI. KẾT LUẬN

 

Bằng chứng về cổ tự (chữ xưa) đủ mạnh để nghĩ rằng nguyên mẫu văn tự Phi Luật Tân phát sinh từ một văn tự vùng đất liền Đông Nam Á, và chính văn tự Chàm cung cấp mối quan hệ vững chắc nhất và có lẽ là nguồn gốc đúng nhất.  Bằng chứng văn bản cũng nêu ý kiến về các sự tiếp xúc hàng hải và các quan hệ chính trị khả hữu giữa Chàm, Căm Bốt và các phần đất thuộc Phi Luật Tân ngày nay trong một thời kỳ kéo dài từ thế kỷ thứ mười đến thế kỷ thứ mười lăm, khi các ảnh hưởng Ấn Độ được du nhập vào các hải đảo này.

Các ảnh hưởng của vùng lục địa Đông Nam Á trên các nền văn hóa Phi Luật Tân, cũng như các ảnh hưởng di chuyển theo chiều ngược lại, cần phải được điều tra sâu rộng hơn nữa, không chỉ xuyên qua sự. nghiên cứu thêm về khu vực lan truyền chữ cổ, mà còn, một cách quan trọng hơn, xuyên qua các sự khảo sát đối chiếu về khảo cổ học, ngôn ngữ học và dân tộc học./-

 

CHÚ THÍCH:

1.      W.H. Scott, Prehispanic Source Materials for Philippine History (Quezon City, 1984), trang 53.  Một ấn bản chụp litho (photolithographic) từ một bản in duy nhất còn được hay biết của tác phẩm này đã được ấn hành tạI Washington, D.C. năm 1947.  Scott, trong Prehispanic Source Materials, trang 164, ghi nhận một ấn bản sao chụp khác được ấn hành bởi National Historical Commission, Manila năm 1973.

2.      Trong bài khảo luận giớI thiệu ấn bản sao chụp năm 1947, được ấn hành với nhan đề Doctrina Christiana – The First Book Printed in the Philippines, Manila, 1593: A Facsimile of the Cvopy in the Leasing J. Rosenwald Collection, Library of Congress (Washington D.C., 1947), Edwin Wolf 2nd bày tỏ sự tin tưởng của ông rằng tác phẩm đã là quyển sách đầu tiên có thể chứng thực được là đã được in tại Phi Luật Tân.  Tuy nhiên, P. Van der Loon, trong bài “The Manila Incunabula and Early Hokkien Studies”, Asia Major XII (1966): 1-43, nêu ý kiến rằng quyển Hsin-ko seng-shih Kao-mu Hsien chuan Wu-chi tien-chu cheng-chiao chen-chuan shi-lu, một ấn phẩm in bằng bản khắc gỗ của một tác phẩm về thần học và vũ trụ được viết bằng tiếng Trung Hoa bởi Sư Huynh dòng Dominican Juan Cobo, được ấn hành tại Manila hồi tháng Ba năm 1593 và do đó có thể đã có nhật kỳ trước cả quyển Doctrina Christiana.

3.      Trong quyển The Philippine Islands 1493-1803 của E.H. Blair và J.A. Robertson, (ấn bản nguyên thủy được ấn hành tại Cleveland 1903-1909, được in lại bởi Rizal, 1973), tập XII, trang 10, các nhật kỳ của ông sống tại Phi Luật Tân bị ghi sai là từ 1595 đến 1602.  Edwin Wolf 2nd, trong lời giới thiệu bản sao chụp quyển Doctrina Christiana  có bổ túc (nơi trang 9) rằng Chirino đã quay trở lại quần đảo trong năm 1606 và đã ở lại đó cho đến khi từ trần vào năm 1635.

4.      Blair và Robertson, The Philippine Islands, vol. XII, các trang 242-43.

5.      J.R. Francisco, Philippine Palaeography, Philippine Journal of Linguistics Special Monograph Issue No. 3 (Quezon City, 1973), trang xii.

6.      Blai and Robertson, The Philippine Islands, vol. XVI, các trang 115-17.

7.      Cùng nơi dẫn trên., vol. XXIX, các trang 288-90.

8.      Cùng nơi dẫn trên, vol. XL, trang 49.

9.      Francisco, Philippine Palaeography, trang 93.

10.  C.R. Boxer, “A Late Sixteenth Century Manila MS”, Journal of the Royal Asiatic Society of Great Britain and Ireland (1950): 38-49.

11.  F. Landa Jocano, The Philippines at the Spanish Contact: Some Major Accounts of Early Filipino Society and Culture (Manila, 1975), trang 196\.

12.  Scott, Prehispanic Source Materials, trang 53.

13.  Francisco, Philippine Palaeography, trang 83.

14.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 22-31, 44-50, 97-100.

15.  Về các thí dụ khác nhau của nhiều loạI văn tự Phi Luật Tân, xem các Bảng 8, 9, và 10 trong Francisco, Philippine Palaeography.

16.  Blai và Robertson, The Philippine Islands, vol. XII, trang 241.

17.  Cùng nơi dẫn trên, vol. XL, trang 49.

18.  J. Crawfurd, A Descriptive Dictionary of the Indian Islands and Adjacents Countries (được ấn hành nguyên thủy năm 1856; in lại trong tập Oxford in Asia Historical Reprints, Singapore, 1971), trang 348.

19.  Francisco, Philippine Palaeography, các trang 4-20.

20.  Scott, Prehispanic Source Materials, trang 61.

21.  Francisco, Philippine Palaeography, trang 87.

22.  Cùng nơi dẫn trên, trang 84.

23.  J.R. Francisco, Indian Culture in nthe Philippines: Views and Reviews, Fourth Sri Lanka Endowment Lecture, bài giảng đọc tại Đại Học Mã Lai ngày thứ Sáu, 18 tháng Mười, năm 1985 (Kuala Lumpur, 1985), trang 49.

24.  G. Maspero, Le Royaume de Champa (Paris, 1928).

25.  École Francisco d’Extrême-Orient (ed.), Kerajaan Campa (Jakartsa, 1981).

26.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 297-318.

27.  J. Boisselier, La Statuaire du Champa: Recherches sur les Cultes et L’Iconographie (Paris, 1963).

28.  R.C. Majumdar, Champa: History and Culture bof an Indian Kingdom in the Far East 2nd – 16th Century AD (In lại, Delhi, 1985).

29.  R.C. Majumdar, “La Paleographies des Inscriptions du Champa”, Bulletin de l’École Francaise D’Extrême-Orient XXXII (1932): 127-39.

30.  E. Aymonier và A. Cabaton, Dictionaire Cam-Francaise (Paris, 1906).

31.  Cùng nơi dẫn trên, các trang x-xxii.

32.  J.G. de Casparis, Indonesian Palaeography: A History of Writing in Indonesia from the Beginnings to c. A.D. 1500 (Leiden, 1975), trang 10.

33.  Francisco, Philippine Palaeography, trang 91, Hình 1.

34.  Scott, Prehispanic Source Materials, các trang 57, 60.

35.  Majumdar, “La Paleographie des Inscriptions du Champa”, các trang 128-29 và Bảng IX.

36.  D. Diringer, The Alphabet: A Key to the History of Mankind (London, 1968), vol. II, các trang 244-45, 298.

37.  Francisco, Philippine Paleography, trang 94.

38.  H. Jensen, Sign, Symbol and Script: An Account of Máns Effort to Write (London, 1970), các trang 388, 395.

39.  L.-C. Damais, “Les écritures d’origine indienne en Indonesie et dans le Sud-Est Asiatique continental”, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Nouvelle Serie, Tome XXX, (1955): 365-82.

40.  K.F. Holle, Tabel van Oud- en Nieuw-Indische Alphabetten, 2 phần (Buitenzorg, 1877 và Batavia, 1882), trang 47.

41.  Holle, Tabel, các trang 46-47 và Diringer, The Alphabet, Vol. II, trang 254.

42.  Holle, Tabel, trang 43.

43.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 42-43.

44.  J.R. Francisco, Indian Influences in the Philippines, with Special References to Languages and Literature (Quezon City, 1964), trang 258.

45.  45. Cùng nơi dẫn trện

46.  P.N. Jenner và Saverous Pou, “A Lexicon of Khmer Morphology”, Mon-Khmer Studies, vols. IX-X (Hawaii, 1980-81), các trang viii-ix.

47.  M.R. Haas, Thai Vocabulary (Washington, 1955), trang 517.

48.  Scott, Prehispanic Source Materials, trang 58.

49.  Ạ Postma, “Contemporary Mangyan Scripts”, The Philippine Journal of Linguistics (1972): 1-12.

50.  De Casparis, Indonesian Palaeography, trang 67.

51.  Scott, Prehispanic Source Materials, trang 54.

52.  Ạ Postma, “The Laguna Copper-Plate Inscription: Text and Commentary”, Philippine Studies 40 (1992): 183-203.

53.  Xem, thí dụ, W.G. Solheim II, “Further Relationship of the Sa-Huynh – Kalamay Pottery Tradition”, Asian Perspective 8, 1 (1964): 196-211.

54.  Francisco, Indian Culture in the Philippines, trang 51.

55.  O.W. Wolters, “A Few and Miscellaneous Pi-Chi Jottings on Early Indonesia”, Indonesia, no. 36 (1983): 58-59.

56.  Song Hui-yao Ji-gao (Beijing Zhonghua Shuju, 1957), Juan 197, trang 7761.  Một bản dịch đầy đủ đoạn văn, cũng như bản tiếng Trung Hoa, được tìm thấy trong W.H. Scott, Filipinos in China Before 1500 (Manila, 1989), các trang 27-28, và 45.

57.  Xem R. J. Wilkinson, A Malay-English Dictionary (Romanised) (Mytilene, Greece, 1932), tập I, trang 542; F. E. Huffman và Im Proum, Cambodian-English Glossary, 1977, trang 13; và Francisco, Indian Influences in the Philippines, trang 59; Henry Yule và A.C. Burnell, Hobson-Jobson: A Glossary of Coloquial Anglo-Indian Words and Phrases (London: John Murray, 1903), các trang 487-90.

58.  A. Richards, An Iban - English Dictionary (Oxford, 1981), các trang 150-51.

59.  Chữ viết tắt b/m trong tiếng Hokkien được thảo luận trong quyển “Studies in the Phonological History of Amoy Chinese của Yen Sian-lin (luận án Tiến Sĩ, Đại Học Illinois, 1965).  Yen trích dẫn từ quyển Spoken Amoy Hokkien của Bodman như sau: “Điều đơn giản hơn để phát biểu rằng trong tiếng Trung Hoa Amoy có hiện hữu một sự tương phản cơ cấu giữa các nguyên âm thường và giọng mũi theo sau mọi chữ viết tắt, và rằng các phụ âm b và m, và g và ng chỉ là các biến thể của nhau, tùy thuộc việc có một nguyên âm thường hay giọng mũi hay nhị trùng âm (dipthong) theo sau hay không.”  Yen (trang 34) cũng phân tích các âm “m” và “b” như là các biến thể âm vị (allophonic) của âm /m/.  Đặc tính này thường được nhận thấy trong sự biểu thị trong tiếng Hokkien thời ban sơ các từ ngữ không phải là tiếng Trung Hoa nơi mà các chữ đượcc đọc bằng chữ “b” khởI đầu thường được dùng để thay cho từ ngoại quốc khởi đầu bằng chữ “m”.  Sự sử dụng âm “ba” thay cho âm “ma” trong từ “maharajah” là một trường hợp được nói đến.

60.  Francisco, Indian Influences in the Philippines, trang 19.

61.  Zhao Ru-gua, Zhu Fan-zhi (ấn bản của Taiwan Bank Economic Research Office; Taiwan, 1961), trang 35.  Một bản dịch sang Anh ngữ bài viết này được gồm trong quyển Chau Ju-kua: His Work on the Chinese and Arab Trade in the Twelfth and Thirteenth Centuries, entiled Chu-fan-chih của F. Hirth và W.W. Rockhill (St. Peterburg, 1911).

62.  O.W. Wolters, “A Few and Miscellaneous Pi-Chi Jottings on Early Indonesia”, Indonesia, no. 36 (1983): 49-64.  Xem trang 63.

63.  Tuo-tuo et al, Song Shi, (Beijing Zhonghua Shuju, 1977), Juan 489, trang 14,087.

64.  Ma Duan-lin, Wen-xian Tong-kao, Juan 332, “Champa”.

65.  P. Burns and R. M. Brown, “Eleventh-Century Cham-Philippine Foreign Affairs”, trong Ancient Town of Hoi An, biên tập bởi The National Committee for the International Symposium on the Ancient Town of Hoi An (Hanoi, 1991), các trang 64-67.

66.  R. Ptak, “The Northern Trade Route to the Spice Islands: South China Sea – Sulu Zone – North Moluccas (14th to Early 16th Century), Archipel 43 (1992): 27-56.

67.  J.H. Moor, Notices on the Indian Archipelago and Adjacent Countries (được ấn hành nguyên thủy tại Singapore năm 1837, in lại bởi Frank Cass and Co., Ltd, London, 1968).  Xem các trang 46-47 bài Mr. Dalton’s Essay on the Diaks of Borneo”.

68.  N. Tarling, Piracy and Politics in the Malay World: A Study of British Imperialism in Nineteenth-Century South-east Asia (Melbourne, 1963), các trang 112-14, 117.

 

NguồnJournal of Southeast Asian Studies 24, 1 (March 1993): 44-87 @ 1993 by National University of Singapore

Nguồn: / 0

Nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng RNA, DNA của vi khuẩn phong và mức kháng thể kháng PGL-I ở bệnh nhân phong trong quá trình điều trị đa hóa

Y tế - Sức khỏe

Mục tiêu thực sự của kiểm soát bệnh phong là giảm tối thiểu tình trạng tàn tật và biến chứng do bệnh phong gây ra, bằng việc phát hiện bệnh sớm, hóa trị liệu đầy đủ, điều trị phản ứng phong kịp thời và thích hợp. Đa hóa trị liệu (Multidrug Therapy-...

Thuốc hỗ trợ khôi phục lại tim hiến tặng giúp lưu trữ lâu hơn và cấy ghép an toàn hơn

Y tế - Sức khỏe

Cấy ghép nội tạng giúp cứu mạng sống cho nhiều người, nhưng thật không may, cơ quan nội tạng không tồn tại lâu được trong kho bao quản. Giờ đây, các nhà khoa học đã chứng minh được một loại thuốc hiện có có thể khôi phục lại trái tim của người hiến...

Nghiên cứu cung cấp hiểu biết mới về cách CBD giảm co giật động kinh

Y tế - Sức khỏe

Trong suốt 20 năm qua, việc sử dụng cannabidiol (CBD) để điều trị chứng động kinh đã đạt được sức hút lớn, đặc biệt là khi thuốc chống động kinh gặp thất bại. Đặc tính chống co giật của CBD rất nổi tiếng; tuy nhiên, nghiên cứu mới đây đã nêu bật cách...

Có thể dự đoán trước khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Y tế - Sức khỏe

Khi nhắc đến chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), phần lớn các nghiên cứu lâm sàng tập trung vào việc cải thiện tình trạng hơn là dự đoán trước nó. Tuy nhiên, nghiên cứu mới được thực hiện tại Trường Đại học Tufts vừa phát hiện ra một dấu...

Kính áp tròng cảm ứng vừa theo dõi mắt vừa quản lý bệnh tăng nhãn áp

Y tế - Sức khỏe

Những người mắc bệnh tăng nhãn áp nếu không kiểm soát được tình trạng của họ, họ rất có thể sẽ bị mù. Một loại kính áp tròng được thử nghiệm mới có thiết kế hỗ trợ vấn đề này, vừa theo dõi các triệu chứng bệnh tăng nhãn áp vừa tự động giải phóng...

5 gia vị và tiềm năng dược lý chống ung thư

Y tế - Sức khỏe

Ngày nay, các loại gia vị ngày càng được quan tâm không chỉ vì đặc tính ẩm thực mà còn vì những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm cả khả năng ngăn ngừa ung thư. Ngày Tết, hãy cùng tìm hiểu về một số loại gia vị có đặc tính dược lý chống ung thư

Thuốc trừ sâu chlorpyrifos có thể đóng một vai trò trong bệnh béo phì

Y tế - Sức khỏe

Bị cấm ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu từ năm 2020, thuốc trừ sâu chlorpyrifos, được coi là chất gây độc thần kinh và gây rối loạn nội tiết, cũng sẽ thúc đẩy bệnh béo phì bằng cách làm chậm quá trình đốt cháy calo trong mô mỡ nâu.

Bệnh tiểu đường: liệu pháp mới sẽ thay đổi cuộc sống của bệnh nhân

Y tế - Sức khỏe

Theo Viện Y tế và Nghiên cứu Y tế Quốc gia Pháp (Inserm), khoảng 10% bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh tiểu đường loại 1. Điều này là do thiếu insulin - một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu - của tuyến tụy và thường xuất hiện từ thời thơ ấu...

Kỹ thuật mới giúp giảm bớt các rủi ro trong điều trị bệnh Parkinson

Y tế - Sức khỏe

Việc truyền các xung điện đến các khu vực khác nhau của não đã được áp dụng trong suốt nhiều năm để giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh Parkinson, cũng như một loạt các bệnh khác. Tuy nhiên, phương pháp truyền điện hiện tại liên quan đến việc cấy...

Vắc-xin và mắc SARS-CoV-2 trước đó mang lại khả năng bảo vệ lâu dài chống lại chủng omicron BA.5

Y tế - Sức khỏe

Một nghiên cứu mới được dẫn đầu bởi giáo sư Luís Graça, giám đốc Viện Instituto de Medicina Molecular João Lobo Antunes (iMM, Lisbon) là một cơ sở nghiên cứu liên kết của Đại học Lisbon, ở Lisbon, Bồ Đào Nha cùng đồng nghiệp Manuel Carmo là phó giáo...