Danh sách bài viết

VĂN HÓA THIỀN TÔNG TRONG HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY

Cập nhật: 30/12/2017

  • Dương Thị Thu Hà

  • Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 
Dương Thị Thu Hà. Văn hoá Thiền tông trong hệ giá trị Việt Nam hiện nay
 

Dẫn nhập: văn hóa Thiền tông – một tiểu hệ giá trị

Văn hóa Phật giáo là bộ phận hữu cơ của văn hóa dân tộc. Trong đó, văn hóa Thiền tông nổi lên như một biểu tượng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Xuất phát từ cách hiểu văn hóa của GS. Trần Ngọc Thêm [2004: 25], có thể định nghĩa văn hóa Thiền tông là hàm lượng văn hóa kết tinh trong Thiền tông, thể hiện thông qua hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần mà Thiền tông tích lũy và chuyển tải, trong mối quan hệ giữa Thiền tông với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Các giá trị vật chất và tinh thần của văn hóa Thiền tông Việt Nam thể hiện qua hệ thống hữu cơ các thành tố như văn học, nghệ thuật, di tích, kiến trúc, báo chí, xuất bản, lối sống…

Nhiều giá trị văn hóa mà Thiền tông Việt Nam kết tinh và chuyển tải đến nay đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa dân tộc như thơ thiền, văn bia, mộc bản, di tích - danh thắng, hệ tư tưởng, đạo đức, các danh nhân… Trong đó, có những giá trị hình thành từ trong quá khứ, có những giá trị mới được hình thành, có những giá trị đang phát triển và hoàn thiện trong những điều kiện thực tế mới. Tất cả đều đã và đang có vai trò và đóng góp tích cực, phát huy ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống xã hội nước ta hiện nay. Có thể nói rằng những ảnh hưởng đó của văn hóa Thiền tông đã góp phần không nhỏ trong quá trình tạo dựng nên hệ giá trị Việt Nam.

Trong bài này, các giá trị của văn hóa Thiền tông Việt Nam sẽ được xem xét trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội và trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

1. Văn hóa Thiền tông Việt Nam trong chính trị

1.1. Trong lĩnh vực chính trị, giá trị đóng góp quan trọng thứ nhất của văn hóa Thiền tông Việt Nam là đã góp phần khẳng định ý thức tự chủ, tự cường dân tộc.

Có thể nói, chính bản thân Thiền Tông Việt Nam là con đẻ của tinh thần tự chủ, tự cường dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – tiền thân của Thiền tông Việt Nam hiện nay – đã chắt lọc những giá trị tinh hoa phù hợp với người Việt Nam của ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, kết hợp với những giá trị của văn hóa bản địa để tạo nên một thiền phái riêng của người Việt Nam. Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đánh một dấu mốc đặc biệt quan trọng, tạo ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền tông Việt Nam nói riêng. Đó là việc chuyển những dòng thiền được du nhập vào Việt Nam sang quỹ đạo Thiền tông Việt Nam do người Việt Nam sáng lập ở Việt Nam. Điều đó cho thấy việc coi trọng yếu tố nội sinh, ý thức độc lập tự chủ của chính những người sáng lập ra Thiền tông Việt Nam. Nguyễn Lang trong cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” đã nhận xét rất đúng rằng “Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình” [Nguyễn Lang 2010: 482]. Các tác giả của cuốn “Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần” đã nhận xét về thiền phái Trúc Lâm trước đây mà nay là Thiền tông Việt Nam như sau: “Một là: tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Quốc biểu lộ tính độc lập dân tộc. Hai là: thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại quốc của các phái khác của Thiền tông. Ba là: Vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như tín ngưỡng phi Phật giáo để ý đồ thống nhất ý thức hệ… Bốn là, tự khoác cho mình chiếc áo một tôn giáo mới… Phái Trúc Lâm đã có những thành tựu rõ rệt” [Viện Sử học 1980: 649-650].

Ý thức độc lập, tự cường dân tộc là điều kiện cần thiết để xây dựng một nền chính trị ổn định trong xã hội. Nó không chỉ đúng trong quá khứ mà còn đặc biệt cần thiết ở giai đoạn hiện tại, bởi ý thức độc lập, tự cường dân tộc là động lực cơ bản đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với nước ta, một đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong hoàn cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, đầy biến động với những bất trắc khó lường.

1.2. Giá trị đóng góp thứ hai là văn hóa Thiền tông Việt Nam đã góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân.

Văn hóa Thiền tông Việt Nam vốn là sản phẩm của sự dung thông văn hóa và tôn giáo để trở thành văn hóa tôn giáo phù hợp với tâm hồn Việt, phục vụ sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Các vua Trần cũng là các thiền sư, cư sĩ đã cố kết lòng dân, đoàn kết mọi người, vua tôi hòa hợp, quyết tâm bảo vệ đất nước.

Từ khi ra đời cho đến nay, Thiền tông Việt Nam phát triển đồng hành cùng với các hệ phái Phật giáo khác (Mật tông, Tịnh Độ tông) cũng như các tôn giáo giáo khác ở nước ta mà không có sự bài trừ, triệt tiêu lẫn nhau. Đời vua Trần Minh Tông, triều đình đã cử Trương Hán Siêu đến chùa Quỳnh Lâm trông coi chùa với tư cách là “Giám tự”. Thời Trần, bên cạnh Quỳnh Lâm tự và Quỳnh Lâm viện đã từng tồn tại Bích Động Am - một thi xã nổi tiếng, từng tổ chức những cuộc đàm đạo văn thơ cho không ít nhà thơ tên tuổi: Trần Quang Thiều, Nguyễn Xưởng, Nguyễn Ức, Nguyễn Trung Ngạn... Họ chính là nhóm Nho sĩ - Cư sĩ Phật giáo. Bản thân giáo lý của Thiền tông cũng hướng tới tinh thần từ bi, bác ái, tôn trọng cá nhân và cộng đồng. Đây chính là biểu hiện tích cực của tinh thần đoàn kết toàn dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là một quy luật sinh tồn, một cội nguồn làm nên sức mạnh của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Người viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” [Hồ Chí Minh 2011: 256]. Như vậy, trong quá trình phát triển, Thiền tông Việt Nam đã mang trong mình giá trị văn hóa nội tại, đó là tinh thần đoàn kết và khả năng tập hợp toàn dân. Giá trị này đã và đang được vận dụng có hiệu quả trong thời đại hiện nay.

1.3. Giá trị đóng góp thứ ba là văn hóa Thiền tông Việt Nam đã góp phần xây dựng một mẫu hình người lãnh đạo.

Văn hóa Thiền tông góp phần xây dựng một mẫu hình người lãnh đạo có tấm lòng vì dân vì nước, thể hiện qua việc dĩ đức hóa dân. Tinh thần vô ngã, vị tha đã được nhiều vị vua từ Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông vận dụng thành công trong việc trị quốc [Đỗ Ngây 2012: 156]. Điều này thể hiện ‘‘giáo quyền hợp lực với quân quyền. Cả hai bên đều có lợi, một bên là chính quyền được vững chãi, một bên là giáo quyền và giáo lý được nâng đỡ...phát triển và ảnh hưởng thế lực trong quần chúng” [Thích Nhất Hạnh PL 2548: 97-98].

Quan điểm của Trần Nhân Tông về xây dựng một nhà nước do dân và vì dân, thể hiện qua lý luận chính trị ‘‘Cư trần lạc đạo”. Nghĩa là muốn tập hợp sức mạnh của nhân dân, xây dựng xã hội ổn định thì người lãnh đạo cần lo cơm ăn, áo mặc đầy đủ, đời sống tinh thần nhân dân hòa khí. Đây là quan điểm chính trị quan tâm đến đời sống tồn tại của nhân dân, ‘‘vấn đề ý muốn, tấm lòng của thiên hạ là gì được giải quyết một cách dứt khoát và rõ ràng. Đó là đói ăn, mệt ngủ. Đói ăn, mệt ngủ là một sáo ngữ của thiền mà ta rất dễ gặp. Nhưng với tư cách là một nhà lãnh đạo chính trị thì đây là một nỗi trăn trở triền miên. Từ xưa tới nay, những nhà chính trị lớn của đất nước cũng như thế giới, ai cũng biết làm chính trị là lo cái ăn, cái mặc cho dân và đây là nỗi lo khôn nguôi của họ” [Lê Mạnh Thát 2010: 228-229]. Trần Nhân Tông là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự lực, nếp sống giản dị, lo cho dân, cho nước, ý thức hòa hợp, hòa bình. Bản thân Trần Nhân Tông hội đủ trong mình những phẩm chất tốt đẹp, không chỉ là vị vua tài cán, người sáng lập Thiền Trúc Lâm, một chính trị gia, mà ông còn là một thi sĩ, một nhà văn hóa lỗi lạc của dân tộc. Nhân cách của ông không chỉ được dân tộc tôn vinh mà còn được quốc tế thừa nhận.

Quan điểm lãnh đạo của Trần Nhân Tông có điểm tương đồng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [Hồ Chí Minh 2002: 269], và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” [Hồ Chí Minh 2002: 240]. Vì thế, người lãnh đạo phải hội đủ đức, đủ tài, có uy tín trước dân. Để có uy tín trước nhân dân, đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn có đủ những phẩm chất, năng lực đáp ứng được những yêu cầu của tình hình thực tiễn đặt ra. Có thể thấy, tấm gương và quan điểm lãnh đạo của Trần Nhân Tông không chỉ phù hợp trong tình hình thực tiễn đất nước ta mà đã trở thành tài sản tinh thần, hệ giá trị, mẫu hình cần hướng tới của các nhà lãnh đạo hiện nay.

2. Văn hóa Thiền tông Việt Nam trong kinh tế

2.1. Trong lĩnh vực kinh tế, giá trị đóng góp quan trọng thứ nhất của văn hóa Thiền tông Việt Nam là đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu an ninh sinh tồn.

Nhu cầu an ninh sinh tồn đã kéo theo sự hình thành, cung ứng dịch vụ Phật giáo. Dường như ở Việt Nam, Thiền tông đã có sự chuyển dịch đáng kể trong khái niệm, lối tư duy về giải thoát. Hiện nay, Thiền tông Việt Nam không chỉ phát huy vai trò của mình trong không gian thờ tự mà trong cả không gian xã hội. Khả năng đáp ứng an ninh sinh tồn của Thiền tông Việt Nam được thể hiện ở sự hiện diện xã hội, khả năng cung ứng dịch vụ xã hội, dịch vụ tâm linh và đáp ứng nhu cầu sinh tồn cho những cá nhân cụ thể. Dường như đã hình thành một ‘‘thị trường dịch vụ” Phật giáo Thiền tông Việt Nam, kéo theo đó là sự phát triển những thành tố mới, biểu hiện mới của văn hóa Thiền tông Việt Nam. Mối quan hệ cung - cầu phản ánh xu hướng phát triển của văn hóa Thiền tông Việt Nam như sự xuất hiện việc cúng sao giải hạn, Cầu siêu, Cầu an, Cầu tài, Cầu lộc,... tại các di tích hay các lễ hội của Thiền tông Việt Nam.

Đặc biệt, ở nhiều chùa, Thiền viện còn có sự kết hợp Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu, chẳng hạn như ở chùa và Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc) lưu truyền triết lý: ‘‘Đến với Phật, về với Mẫu”. Đây cũng là một nét mới trong đời sống Thiền tông Việt Nam nói chung và văn hóa Thiền tông Việt Nam nói riêng. Các ngôi chùa, thiền viện ở nước ta ngày càng tỏ ra có nhiều khả năng cung ứng những dịch vụ cá nhân và xã hội, không chỉ nhằm ‘‘giải thoát” mà còn có khả năng đáp ứng nhu cầu mới phong phú, phức tạp hơn.

Tại những nơi này, người người được tiếp cận với thiền từ cảnh quan văn hóa, nếp sống tu tập qua các công trình như Chính điện, Tổ đường, Nhà khách Nam, Nhà khách Nữ, Thiền đường ngoại viện, Giảng đường, Thư viện, Nhà ăn, Nhà trưng bày và phát hành văn hóa phẩm Phật giáo… Các công trình này ngoài việc giúp tăng, ni, Phật tử thực hiện nếp sống thiền còn đem đến những dịch vụ khá hoàn thiện. Tại các hạng mục công trình trong thiền viện toát lên ý nghĩa hiện sinh, công năng sử dụng tổ chức theo hướng dịch vụ xã hội, dịch vụ tâm linh. Các sáng tác văn học, báo chí, xuất bản, âm nhạc... của Thiền tông Việt Nam hiện nay có xu hướng tiệm tiến đến vấn đề an ninh sinh tồn, an ninh tâm linh. Tác động tích cực hay tiêu cực của xu hướng an ninh sinh tồn trong văn hóa Thiền tông Việt Nam tới xã hội nước ta có lẽ còn cần những nghiên cứu, trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Tuy vậy đây cũng là một xu hướng đã và đang tồn tại và tác động vào đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.

2.2. Giá trị đóng góp thứ hai là văn hóa Thiền tông Việt Nam đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế.

Các thành tố cấu thành văn hóa Thiền tông Việt Nam đã và đang có những đóng góp nhất định trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần thay đổi diện mạo một số vùng và chất lượng cuộc sống người dân ở một số địa phương. Theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong những năm trở lại đây, hằng năm các lễ hội thu hút trung bình 1,5 triệu lượt khách thập phương [Lễ hội Mỹ Đức 2013]. Trong đó, các lễ hội Thiền tông Việt Nam như lễ hội Côn Sơn, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội chùa Phổ Minh thực sự đã tạo ra điểm nhấn, có sức thu hút mạnh với du khách. Lễ hội Yên Tử được coi là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước. Nguồn thu từ các lễ hội này góp phần trong việc bảo tồn di tích của Thiền tông Việt Nam, tạo việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho không ít người dân. Các ấn phẩm, tạp chí, băng đĩa hình, các sáng tác nghệ thuật, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu về đề tài Thiền tông Việt Nam… đã trở thành những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị kinh tế. Các Thiền viện Trúc Lâm được xây dựng tại những nơi có cảnh trí hữu tình, núi non, sông biển, đã trở thành danh lam, điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một động lực phát triển kinh tế của những địa phương nơi đặt các thiền viện.

Ngoài ra, hoạt động từ thiện nhân đạo, tham gia xóa đói, giảm nghèo,… được Tăng Ni, Phật tử Thiền tông Việt Nam tích cực hưởng ứng. Tuy vậy, cần có những định hướng, giải pháp tổ chức và quản lý để các thành tố của văn hóa Thiền tông Việt Nam thực sự phát huy hơn nữa vai trò trong xã hội Việt Nam hiện nay.

2.3. Giá trị đóng góp thứ ba là văn hóa Thiền tông đã và đang góp phần xây dựng một mẫu hình văn hóa kinh doanh.

Thiền tông Việt Nam hướng con người tới thái độ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phát triển tâm từ bi, hỉ xả. Điều này giúp người làm kinh doanh thay đổi thái độ đối với đối thủ cạnh tranh. Thay vì lối nghĩ cần loại bỏ đối thủ cạnh tranh, thiền giúp chuyển đổi và phát huy thái độ cùng nhau tồn tại và phát triển theo hướng có lợi cho các bên. Điều này phù hợp với triết lý kinh doanh “buôn có bạn, bán có phường” của người Việt truyền thống.

Có lẽ vì vậy, các khóa tu thiền hiện nay thu hút rất nhiều doanh nhân. Đã có nhiều nghiên cứu và công bố trong giới khoa học về vai trò của thiền nói chung và Thiền tông Việt Nam nói riêng với kinh doanh. Trong số đó phải kể đến Tọa đàm nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10-2011 do Công ty Cổ phần ESC Việt Nam phối hợp cùng Lotus Global tổ chức với nhan đề: “Doanh nhân và thiền”. Buổi tọa đàm do Đại Đức Thích Tỉnh Thuần đến từ Thiền Viện Trúc Lâm Vĩnh Phúc chủ trì [Hồ Hường 2011]. Theo phân tích của Đại Đức Thích Tỉnh Thuần, một vị lãnh đạo cần có ba Đức, đó là Đoạn đức, Ân đức và Trí đức. Theo đó, đức tính đầu tiên cần có để giúp người lãnh đạo sử dụng quyền lực một cách khôn khéo là Đoạn đức, nghĩa là buông xả. Khi người lãnh đạo biết buông xả, không còn bị tham, sân, si ràng buộc thì nhân viên dưới quyền sinh lòng kính trọng và tin theo. Một nhà lãnh đạo giỏi còn phải có Ân đức, nghĩa là tâm từ bi; đó là khả năng tha thứ, chấp nhận và thương mến người khác. Một nhà lãnh đạo giỏi cũng phải có Trí đức, tức là tuệ giác. Tuệ giác giúp người lãnh đạo dễ dàng giải quyết những khó khăn, xung đột, mâu thuẫn trong công việc.

3. Văn hóa Thiền tông Việt Nam trong đời sống xã hội

3.1. Trong lĩnh vực đời sống xã hội, giá trị đóng góp quan trọng thứ nhất của văn hóa Thiền tông Việt Nam là góp phần vào việc giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng.

Với biểu hiện đa dạng của mình, văn hóa Thiền tông Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ tới phạm trù đạo đức và giáo dục hiện nay. Ảnh hưởng đó được thể hiện cụ thể trên các mặt sau: giáo dục truyền thống lịch sử; giáo dục đạo đức, xây dựng nhân cách; giáo dục kiến thức văn hóa; khả năng cảm thụ nghệ thuật.

Về giáo dục truyền thống lịch sử, những lễ hội, di tích, văn bia, các tài liệu giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển và tư tưởng của Thiền tông Việt Nam... là những "pho sử” sống động, là kết tinh tinh hoa văn hóa Thiền tông trao truyền từ hơn 700 năm qua. Những pho sử này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử quốc gia dân tộc trong thời đại hiện nay.

Bên cạnh đó, văn hóa Thiền tông Việt Nam góp phần giáo dục đạo đức, xây dựng nhân cách. Đó là một nhân cách hội đủ nhiều phẩm chất tốt đẹp như thực tế, giản dị, linh hoạt, lạc quan, bao dung, nhân hậu, hòa bình. Những khóa tu thiền giúp con người tự giáo dục bản thân, trở về với chính mình, với thực tại, hướng con người nhìn đúng sự vật như chính nó. Thông qua các khóa tu thiền, mỗi người nhận ra giá trị cuộc sống, sống hướng thiện và hành thiện trong tinh thần bao dung, nhân hậu, hòa bình, tự giác, nền nếp… trong lao động, sản xuất kinh doanh, trong mỗi gia đình và trong hoạt động xã hội. Trong nhiều khóa tu thiền, các thiền sinh được giáo dục định hướng nhân cách thông qua các nội dung: tuổi trẻ trước ngưỡng cửa hội nhập; tìm hiểu về lịch sử, giáo lý đạo Phật; tình yêu thương và chữ hiếu trong đạo đức gia đình và xã hội thông qua lăng kính Phật giáo; tìm hiểu và ứng dụng một số pháp môn tu tập của Phật giáo; kế thừa văn hóa dân tộc và phát huy truyền thống gia đình; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sống [Khóa tu Mùa hè 2014; tổng hợp tu Thiền 2014]. Những nội dung học tập và quy định rõ ràng này đã góp phần không nhỏ giáo dục tri thức, đạo đức và nhân cách cho các thiền sinh.

Hệ thống các tác phẩm bia ký, mộc bản, di tích, lễ hội của Thiền tông Việt Nam vừa là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học, vừa là nguồn tri thức chân xác phục vụ quá trình giảng dạy và học tập, giúp bổ sung tri thức cho nhiều bậc học từ phổ thông đến đại học và sau đại học, cho nhiều ngành khoa học như văn học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, tôn giáo học, sử học, lịch sử tư tưởng... Thơ thiền của Không Lộ được đưa vào giảng dạy ở bậc trung học phổ thông. Những vần thơ phóng cuồng, độc đáo của Tuệ Trung Thượng Sĩ là tiền đề cho những bài thơ ngông, thơ cuồng đặc sắc của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Đà. Nội dung bài Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông là chìa khóa cho việc giải mã tư tưởng Thiền tông Việt Nam. Thiền uyển tập anh ngữ lục là tác phẩm tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất, có nhiều giá trị về sử học, triết học, ngôn ngữ và văn học... Những tác phẩm văn học, hội họa, thư pháp, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc, nhiếp ảnh, ngâm thơ... là những hình thức nghệ thuật chuyển tải văn hóa Thiền tông Việt Nam, giúp nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật. Nghệ thuật Thiền tông Việt Nam tác động sâu sắc đến tâm hồn con người, cảm hóa dẫn dụ con người, định hướng giáo dục nghệ thuật theo hướng chân - thiện - mỹ.

3.2. Giá trị đóng góp thứ hai là Thiền tông Việt Nam đã và đang dùng văn hóa tâm linh để giúp con người sống hướng thượng, hướng thiện.

Văn hóa tâm linh có những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống cộng đồng. Đó là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thượng, hướng thiện. Văn hóa tâm linh là chỗ dựa về tinh thần, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn. Các lễ hội, di tích, thiền viện, sinh hoạt thiền… của Thiền tông Việt Nam là “không gian thiêng”, nơi mà con người có những cảm thức tâm linh, sống trong bầu không khí văn hóa tâm linh. Nghĩa là bên cạnh không gian xã hội bình thường, thực tại có thêm một không gian tâm linh “lồng ghép” vào không gian xã hội.

Không gian thiêng có đời sống riêng, có sức mạnh gắn kết, kích thích sự tương tác giữa con người với thế giới siêu phàm. Ở góc độ nhất định, các lễ hội Yên Tử, lễ hội Côn Sơn, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, Khu di tích Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa tháp Phổ Minh, các thiền viện… đã tạo ra trường ảnh hưởng nhất định trong xã hội Việt Nam hiện nay. Sinh hoạt văn hóa tâm linh tại những nơi này là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, kết tinh và chuyển tải văn hóa Thiền tông.

Văn hóa thiền tông đã tạo ra không gian tâm linh tích cực, có ý nghĩa nhân văn, kích lệ con người vươn tới sự giải thoát, vươn tới những cảm thức tốt đẹp, để sống tốt hơn, hoàn thiện mình hơn. Hệ quả của nó là sự xuất hiện của những trào lưu nhằm đáp ứng nhu cầu thỏa mãn cảm thức tâm linh khi tiếp cận văn hóa Thiền tông Việt Nam như du lịch tâm linh, du lịch hành hương, du lịch thiền, các khóa tu tập,…

Đối tượng và tâm thế của người hành hương chiêm bái tại các thiền viện không phải là “đến xem” mà là nhập thân với niềm tin thành kính thiêng liêng. Dù đó là những giây phút của cảm thức tâm linh, là sự thăng hoa của nội tâm không thể nắm bắt hay đo đếm được. Đó là xúc cảm có thực, là năng lực trải nghiệm tâm linh, đem lại nhận thức siêu việt, tiến tới giác ngộ - giải thoát của người Phật tử. Khoảnh khắc đó cũng là động lực nuôi dưỡng, chuyển hóa nội tâm hướng thiện, điều chỉnh hành vi đạo đức, nối liền quá khứ với hiện tại, đáp ứng nhu cầu sâu thẳm của nội tâm, tạo niềm tin của con người, đặc biệt là con người thời hiện đại.

Cảm thức tâm linh, “không gian thiêng” khi đã tác động thấm nhuần vào tâm thức sẽ làm con người thấy hổ thẹn, thấy “vấn tâm”, “day dứt” khi họ vi phạm những giá trị đạo đức. Những giá trị về mặt tinh thần trên dù trong xã hội phong kiến hay trong xã hội hiện đại đều rất cần thiết. Nó càng cần thiết hơn khi đất nước đang chuyển mình, nhiều yếu tố đạo đức truyền thống đang bị phá vỡ do tác động mặt trái của kinh tế thị trường. Trong khi những yếu tố đạo đức mới phù hợp, chuẩn mực chưa được xác lập vững chắc như hiện nay.

3.3. Giá trị đóng góp thứ ba là văn hóa Thiền tông Việt Nam không chỉ góp phần tổ chức xã hội thông qua văn hóa tâm linh mà còn đã và đang trực tiếp góp phần giải quyết các vấn nạn xã hội.

Trong xã hội hiện nay xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân. Chính điều này tạo ra tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí mất niềm tin vào thế giới hiện thực của một bộ phận nhân dân. Họ tìm đến nhiều điểm tựa tinh thần trong đó có Phật giáo nói chung và Thiền tông Việt Nam nói riêng. Nhiều người đã chọn văn hóa Thiền tông Việt Nam để tạo lập lối sống lành mạnh, tự tạo ra “kháng sinh” cho bản thân mình nhằm đối phó với rất nhiều mối lo bao quanh. Có những người tham gia tu thiền vì muốn chứng ngộ tâm thiền, đạt đến Phật tính, sống tốt hơn nữa. Có người tham gia tu thiền vì muốn xả bỏ áp lực của cuộc sống, xa rời sự chật chội, xô bồ nơi thành thị. Có người tham gia tu thiền vì muốn chữa lành hoặc xoa dịu những vết thương thể chất hoặc tinh thần. Và cũng có không ít bạn trẻ hiếu động, đã từng có thời bồng bột sai lầm được gia đình gửi đến tham gia các khóa tu thiền.

Mỗi khóa tu thiền đã góp phần gieo sự chuyển hóa quan trọng trong hành trang cuộc đời của các thiền sinh. Nhiều thiền viện đã thành lập Đoàn thanh niên Phật tử Trần Thái Tông, là tổ chức nòng cốt triển khai trong các khóa tu thiền. Cảm thức tâm linh tại các di tích, lễ hội Thiền tông Việt Nam, thái độ ngưỡng vọng, kính nể, giúp con người rèn luyện ý thức tự giới răn, nhắc nhở mình lánh xấu, hướng thiện, hành thiện.

Thiền tông Việt Nam tích cực tham gia công tác xã hội: giúp đỡ những người cô đơn tàn tật, những người không may gặp hoạn nạn, xây dựng nhà dưỡng lão, cô nhi viện, lớp học tình thương, các trạm khám bệnh và phát thuốc miễn phí… Các phòng khám Đông - Tây y, trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhà tình thương cho người già neo đơn, trẻ mồ côi, trường dạy nghề, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hỗ trợ người mù, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ… là những đóng góp cụ thể của Thiền tông Việt Nam trong thời gian qua. Đây chính là minh triết trong văn hóa Thiền tông Việt Nam và là đóng góp tích cực của văn hóa Thiền tông Việt Nam trong việc giải quyết các vấn nạn xã hội hiện nay.

4. Văn hóa Thiền tông Việt Nam trong bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc

4.1. Trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, giá trị đóng góp quan trọng thứ nhất của văn hóa Thiền tông Việt Nam là góp phần quan trọng trong việc tạo lập bản sắc văn hóa dân tộc.

Văn hóa Thiền tông Việt Nam là một chỉnh thể được cấu thành bởi các thành tố, góp phần tạo ra diện mạo và bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị vật thể và phi vật thể của văn hóa Thiền tông Việt Nam đã trở thành tài sản quý báu của dân tộc, làm phong phú và tạo ra sự đặc sắc riêng có của văn hóa Việt Nam.

Bản thân sự ra đời của Thiền tông Việt Nam có ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt. Đây là dòng thiền thuần Việt. Những thành tố cấu thành văn hóa Thiền tông Việt Nam hội đủ trong mình những đặc trưng riêng có của văn hóa Việt Nam. Đó là những giá trị bền vững, tinh hoa của dân tộc Việt Nam, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Các tác phẩm văn học thiền, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, bia ký, kiến trúc thiền viện, chùa tháp, điêu khắc, lễ hội, tư tưởng… là hàm lượng văn hóa kết tinh trong Thiền tông Việt Nam, góp phần tạo lập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nền văn hóa ngày càng có sự giao lưu, giao thoa, tiếp biến mạnh mẽ, làm nảy sinh nguy cơ đồng hóa văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc ở nhiều quốc gia. Trong quá trình toàn cầu hóa ấy, các đặc trưng văn hóa ngày càng giữ vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến tiến trình và định hướng phát triển của từng dân tộc. Trong trường hợp Việt Nam, văn hóa Thiền tông Việt Nam đã trở thành yếu tố quan trọng cần thiết cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

4.2. Giá trị đóng góp thứ hai là văn hóa Thiền tông Việt Nam đã và đang góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa nghệ thuật hiện nay.

Trong nhiều thành tố của văn hóa Việt Nam hiện nay có dấu ấn của văn hóa Thiền tông. Sự phục hưng của Thiền tông Việt Nam đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời nhiều thiền viện, các sáng tác về chủ đề thiền, tác phẩm điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt không gian thiền, âm nhạc, sân khấu, ngâm thơ, báo chí, xuất bản… Nếu như trong quá khứ các thành tố văn hóa Thiền tông Việt Nam được chuyển tải qua văn học, hệ thống văn bia, mộc bản, chùa tháp thì nay đã xuất hiện bổ sung những thành tố văn hóa nghệ thuật mới như điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt không gian thiền, âm nhạc, sân khấu, ngâm thơ, báo chí, xuất bản… Chính điều này góp phần tạo ra bức tranh đa sắc của nền văn hóa nghệ thuật nước ta hiện nay.

4.3. Giá trị đóng góp thứ ba là văn hóa Thiền tông Việt Nam đã và đang trở thành cầu nối giữa Việt Nam và quốc tế.

Trong xu thế phát triển và toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa Thiền tông Việt Nam đã có những bước chuyển mình hòa cùng sự phát triển chung của dân tộc, của thời đại. Bên cạnh những giá trị truyền thống, văn hóa Thiền tông Việt Nam đã không ngừng được bổ sung cả về hình thức và nội dung. Sự phục hồi và phát triển của Thiền tông Việt Nam phù hợp với xu hướng coi trọng sinh hoạt thiền của thế giới hiện đại.

Khi con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ của cuộc sống hiện đại thì người ta chọn thiền như một phương thức giúp cân bằng cuộc sống, lấy lại những giá trị nhân bản tích cực. Thiền tông Việt Nam là một bộ phận của thiền thế giới. Các sinh hoạt văn hóa của Thiền tông Việt Nam không chỉ thu hút nhiều người trong nước mà cả người nước ngoài. Để ghi nhận công lao của Phật hoàng Trần Nhân Tông như người sáng lập ra Thiền tông Việt Nam, hiện nay trên thế giới đã có một giải thưởng quốc tế mang tên “Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình và hòa giải” [Sinh Nguyễn 2012]. Giải thưởng này đã thu hút được sự ủng hộ, đồng hành của nhiều chính khách quốc tế như cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Michael Dukakis, Giáo sư Thomas Patterson, Trường Đại học Harvard... Giải thưởng được dành cho những người có đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hòa giải nhân loại, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo giải quyết các mối xung đột, chấm dứt chiến tranh, những người đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới.

Như vậy, ảnh hưởng của văn hóa Thiền tông Việt Nam không dừng lại ở trong nước mà đã lan rộng ra quốc tế. Thiền tông Việt Nam trở thành gạch nối giữa văn hóa Việt Nam với thế giới. Quan tâm, nghiên cứu và tạo cơ hội để văn hóa Thiền tông Việt Nam phát triển là cách để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và để thế giới hiểu Việt Nam hơn. Điều này góp phần tạo dựng thương hiệu cho văn hóa Việt Nam. Thiền tông Việt Nam trở thành một trong những “thẻ căn cước” cho Việt Nam hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa mà tránh được nguy cơ đồng hóa văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể thấy, những ảnh hưởng nhiều mặt của văn hóa Thiền tông Việt Nam trong đời sống xã hội nước ta đã góp phần định hình, bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị Việt Nam hiện nay. Qua thời gian, những giá trị mà văn hóa Thiền tông Việt Nam tạo dựng đã không ngừng được bồi đắp và hoàn thiện. Điều đó cũng có nghĩa là những đóng góp của văn hóa Thiền tông Việt Nam với văn hóa dân tộc ngày càng được khẳng định qua mỗi lần nhìn lại.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

1.      Đỗ Ngây 2012: Triết lý nhập thế của Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần. – H.: Luận án tiến sĩ tôn giáo học (bảo vệ tại Học viện khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

2.      Hồ Chí Minh 2002: Toàn tập, tập 5. - H.: NXB Chính trị Quốc gia.

3.      Hồ Chí Minh 2011: Toàn tập, tập 3. - H.: NXB Chính trị Quốc gia.

4.      Hồ Hường 2011: Doanh nhân và lợi ích của thiền. http://dddn.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nhan-va-loi-ich-cua-thien-2011101005242630.htm

5.      Khóa tu Mùa hè 2014: Hà Nội – Khóa tu Mùa hè Chùa Yên Phú – Liên Ninh – Thanh Trì. - https://thienphatgiao.wordpress. com/2014/06/17/khoa-tu-mua-he-2014/2/

6.      Tổng hợp tu Thiền 2014: Tổng hợp các khóa tu Thiền, niệm Phật. - https://thienphatgiao.wordpress.com/hocthien/tong-hop-cac-khoa-tu-thien-niem-phat/

7.      Lễ hội Mỹ Đức 2013: Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại Mỹ Đức Hà Nội.

8.      Lê Mạnh Thát 2010: Toàn tập Trần Nhân Tông. - H.: NXB Phương Đông.

9.      Nguyễn Lang 2010: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1. - H.: NXB Văn học.

10.     Sinh Nguyễn 2012: Học viện Trần Nhân Tông (Hoa Kỳ): Phát triển di sản của Phật Hoàng về hòa giải và yêu thương. - http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=0&chitiet=52181&Style=1

11.     Thích Nhất Hạnh PL 2548: Đạo Phật đi vào cuộc đời. – SG: NXB Lá Bối.

12.     Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (in lần thứ 4, xuất bản lần đầu năm 1996). - NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 691 tr.

13.     Viện Sử học 1980: Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần. - H.: NXB KHXH.

 

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại

Nguồn: / 0

Nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng RNA, DNA của vi khuẩn phong và mức kháng thể kháng PGL-I ở bệnh nhân phong trong quá trình điều trị đa hóa

Y tế - Sức khỏe

Mục tiêu thực sự của kiểm soát bệnh phong là giảm tối thiểu tình trạng tàn tật và biến chứng do bệnh phong gây ra, bằng việc phát hiện bệnh sớm, hóa trị liệu đầy đủ, điều trị phản ứng phong kịp thời và thích hợp. Đa hóa trị liệu (Multidrug Therapy-...

Thuốc hỗ trợ khôi phục lại tim hiến tặng giúp lưu trữ lâu hơn và cấy ghép an toàn hơn

Y tế - Sức khỏe

Cấy ghép nội tạng giúp cứu mạng sống cho nhiều người, nhưng thật không may, cơ quan nội tạng không tồn tại lâu được trong kho bao quản. Giờ đây, các nhà khoa học đã chứng minh được một loại thuốc hiện có có thể khôi phục lại trái tim của người hiến...

Nghiên cứu cung cấp hiểu biết mới về cách CBD giảm co giật động kinh

Y tế - Sức khỏe

Trong suốt 20 năm qua, việc sử dụng cannabidiol (CBD) để điều trị chứng động kinh đã đạt được sức hút lớn, đặc biệt là khi thuốc chống động kinh gặp thất bại. Đặc tính chống co giật của CBD rất nổi tiếng; tuy nhiên, nghiên cứu mới đây đã nêu bật cách...

Có thể dự đoán trước khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Y tế - Sức khỏe

Khi nhắc đến chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), phần lớn các nghiên cứu lâm sàng tập trung vào việc cải thiện tình trạng hơn là dự đoán trước nó. Tuy nhiên, nghiên cứu mới được thực hiện tại Trường Đại học Tufts vừa phát hiện ra một dấu...

Kính áp tròng cảm ứng vừa theo dõi mắt vừa quản lý bệnh tăng nhãn áp

Y tế - Sức khỏe

Những người mắc bệnh tăng nhãn áp nếu không kiểm soát được tình trạng của họ, họ rất có thể sẽ bị mù. Một loại kính áp tròng được thử nghiệm mới có thiết kế hỗ trợ vấn đề này, vừa theo dõi các triệu chứng bệnh tăng nhãn áp vừa tự động giải phóng...

5 gia vị và tiềm năng dược lý chống ung thư

Y tế - Sức khỏe

Ngày nay, các loại gia vị ngày càng được quan tâm không chỉ vì đặc tính ẩm thực mà còn vì những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm cả khả năng ngăn ngừa ung thư. Ngày Tết, hãy cùng tìm hiểu về một số loại gia vị có đặc tính dược lý chống ung thư

Thuốc trừ sâu chlorpyrifos có thể đóng một vai trò trong bệnh béo phì

Y tế - Sức khỏe

Bị cấm ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu từ năm 2020, thuốc trừ sâu chlorpyrifos, được coi là chất gây độc thần kinh và gây rối loạn nội tiết, cũng sẽ thúc đẩy bệnh béo phì bằng cách làm chậm quá trình đốt cháy calo trong mô mỡ nâu.

Bệnh tiểu đường: liệu pháp mới sẽ thay đổi cuộc sống của bệnh nhân

Y tế - Sức khỏe

Theo Viện Y tế và Nghiên cứu Y tế Quốc gia Pháp (Inserm), khoảng 10% bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh tiểu đường loại 1. Điều này là do thiếu insulin - một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu - của tuyến tụy và thường xuất hiện từ thời thơ ấu...

Kỹ thuật mới giúp giảm bớt các rủi ro trong điều trị bệnh Parkinson

Y tế - Sức khỏe

Việc truyền các xung điện đến các khu vực khác nhau của não đã được áp dụng trong suốt nhiều năm để giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh Parkinson, cũng như một loạt các bệnh khác. Tuy nhiên, phương pháp truyền điện hiện tại liên quan đến việc cấy...

Vắc-xin và mắc SARS-CoV-2 trước đó mang lại khả năng bảo vệ lâu dài chống lại chủng omicron BA.5

Y tế - Sức khỏe

Một nghiên cứu mới được dẫn đầu bởi giáo sư Luís Graça, giám đốc Viện Instituto de Medicina Molecular João Lobo Antunes (iMM, Lisbon) là một cơ sở nghiên cứu liên kết của Đại học Lisbon, ở Lisbon, Bồ Đào Nha cùng đồng nghiệp Manuel Carmo là phó giáo...