Danh sách bài viết

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Đâu là những hồi ứng hữu hiệu từ cộng đồng Phật giáo

Cập nhật: 29/12/2017

Việt Nam là một quốc gia mà Phật giáo giữ vai trò và có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của người dân, nhất là luôn tỏa sáng tinh thần từ bi, hộ quốc an dân. Cho nên, tăng ni, phật tử không thể không quan tâm và đi đến những hành động hữu hiệu nhằm ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu lẫn sự suy thoái môi trường tự nhiên hiện nay, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, điều này chắc chắn tác động không nhỏ đến hoạt động sinh kế cũng như đời sống của nhiều tín đồ Phật giáo trên vùng đồng bằng này.

1. Đặt vấn đề
 

Hiện nay, câu chuyện về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tự nhiên đã và đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long trở thành một chủ đề quan tâm lớn của Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế, tiếp tục thu hút nhiều chính phủ, các tổ chức xã hội và giới khoa học nỗ lực tìm hiểu, thảo luận để tìm kiếm những giải pháp ngăn ngừa, khắc phục những tác động của quá trình này.
 

Đặc biệt, không thể không nhắc đến một sự kiện quan trọng diễn ra từ ngày 01-03/12/2015, tại thành phố Huế là Hội nghị toàn quốc với chủ đề “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” cùng sự tham gia của lãnh đạo 14 tôn giáo cùng 40 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Hội nghị đặt dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như được sự tư vấn của Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam). 
 

Tất cả đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước suy thoái của môi trường tự nhiên hiện nay và hướng đến việc kêu gọi các nỗ lực nhằm giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường sống vì mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng, quốc gia và thế giới. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng nhiều vị tăng, ni giáo phẩm đến tham dự hội nghị này và đã ký cam kết cùng chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
 

Việt Nam là một quốc gia mà Phật giáo giữ vai trò và có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của người dân, nhất là luôn tỏa sáng tinh thần từ bi, hộ quốc an dân. Cho nên, tăng ni, phật tử không thể không quan tâm và đi đến những hành động hữu hiệu nhằm ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu lẫn sự suy thoái môi trường tự nhiên hiện nay, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, điều này chắc chắn tác động không nhỏ đến hoạt động sinh kế cũng như đời sống của nhiều tín đồ Phật giáo trên vùng đồng bằng này. 
 

Vì thế, mục tiêu chính của bài viết này là thảo luận để tìm ra những hồi ứng hữu hiệu của Phật giáo trước tình hình biến đổi khí hậu cũng như sự suy thoái môi trường tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long - một đồng bằng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
 

2. Môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
 

Một câu chuyện buồn Đồng bằng sông Cửu Long là phần hạ lưu của sông Mekong, vốn bắt nguồn từ vùng núi tuyết Tang Ku La Shan ở độ cao 5.000m trên cao nguyên Tây Tạng chảy xuyên lãnh thổ của sáu nước gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đồng bằng này bao gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Tổng diện tích tự nhiên của đồng bằng Sông Cửu Long là 39.734 km2, chiếm 12,2% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.
 

Hiện nay, dân số ở đây khoảng 18 triệu người, mật độ dân số chiếm 429 người/km2. Đồng bằng Sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng phong phú, nhất là còn được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, nơi có những miệt vườn trù phú cùng với trữ lượng tôm cá dồi dào. Vì thế, nơi đây giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, trên 50% sản lượng thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
 

Biến đổi khí hậu được định nghĩa là sự thay đổi của khí hậu được quy trực tiếp hay gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào sự biến động khí hậu tự nhiên trong các thời gian có thể so sánh được. Biến đổi khí hậu xác định sự khác biệt giữa các giá trị trung bình dài hạn của một tham số hay thống kê khí hậu.
 

Trong đó, trung bình được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định, thường là vài thập kỉ(1). Một nhóm nghiên cứu của trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG.Tp.HCM) cho biết thông tin: "Biến đổi khí hậu được xem là một quá trình diễn ra từ từ, hậu quả của nó và nước biển dâng không thể nhận thấy trong thời gian ngắn mà có thể lên đến cả trăm năm sau". Điều này cho thấy nếu chúng ta không có những hành động đối phó hữu hiệu thì mai sau khó có thể tránh được thảm họa, đôi khi còn khủng khiếp hơn những gì mà các nhà khoa học dự báo.
 

Biến đổi khí hậu còn được xem là vấn đề môi trường vừa là vấn đề phát triển bền vững mang tính toàn cầu(2). Ngoài ra, vấn đề biến đổi khí hậu được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn diện quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như lương thực, nước, năng lượng, an toàn xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, chính trị và ngoại giao. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu mà nguyên nhân là ở con người phát thải quá mức khí nhà kính vào bầu khí quyển(3).
 

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn được xem là hậu quả của sự kiện khí hậu cực đoan cùng với lũ lụt, căng thẳng, hạn hán và bão nhiệt đới trên thế giới hiện nay. Theo một báo cáo, châu Á là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất do mực nước biển dâng - một biểu hiện đáng lo ngại của quá trình biến đổi khí hậu hiện nay: “Mực nước biển dâng có thể làm trầm trọng thêm ngập lụt, xói lở ven biển và các hiểm họa khác, đe dọa đến các kết cấu hạ tầng quan trọng, các khu định cư và các cơ sở. Do vậy, làm tổn hại đến phúc lợi kinh tế - xã hội của cộng đồng và nhà nước đảo.

 

Một công trình nghiên cứu so sánh các tác động của mực nước biển dâng đến ngập lụt ven biển của 84 nước đang phát triển ven biển chỉ rõ: "Đông Á và Thái Bình Dương, tiếp đến là Nam Á có khả năng dễ bị tổn thương nhất về ngập lụt các diện tích đất, nếu mực nước biển dâng lên 1m”(4). Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này chính là sự nóng lên toàn cầu - một biểu hiện cụ thể nhất của biến đổi khí hậu trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng mực nước biển dâng với sự tăng nhiệt độ không khí và đại dương, sự tan băng diện rộng và qua đó làm tăng mức nước biển trung bình toàn cầu(5).

 

Việt Nam là một quốc gia được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ biến đổi khí hậu với những biểu hiện khá cụ thể: bão, lũ lụt, hạn hán…và không thể thoát khỏi hiện tượng nước biển dâng, đang là nỗi lo lắng của Nhà nước lẫn nhân dân. Là quốc gia có đường bờ biển dài từ Bắc đến Nam, ước khoảng 3.200km, nên hầu như các vùng ở Việt Nam đều chịu ảnh hưởng ít hay nhiều từ quá trình này. Người ta còn đưa ra một kịch bản xấu nhất có thể trở thành hiện thực là nếu mực nước biển dâng lên 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, trên 2,5 diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập. Gần 35% dân số thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp(6). Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn chịu ảnh hưởng nặng nhất của hiện tượng mực nước biển dâng.

 

Vì thế, người dân nơi này sẽ gánh chịu những hệ lụy kèm theo như: Nghèo đói, bệnh tật, di dân, thiếu chỗ ở và đất đai sản xuất... Cụ thể hơn nữa, gần đây nhất, theo Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường, khi nước biển dâng cao 1m thì 10 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Trong đó, nặng nhất là tỉnh Bến Tre, nước triều có khả năng ngập 50,1% diện tích, kế đó là Long An 49,4%, Trà Vinh 45,7%, Sóc Trăng 43,7%(7). Cùng với vấn đề mực nước biển dâng, tình trạng hạn hán có xu hướng gia tăng ở các tỉnh, thành Nam Bộ là một vấn đề không thể bỏ qua: “Hiện tượng nắng nóng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là ở Trung Bộ và Nam Bộ”(8). 
 

Không thể không nhắc đến mùa khô những tháng đầu năm 2016, người dân Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, hứng chịu nạn hạn hán và hiện tượng nước mặn thâm nhập sâu vào đất liền làm tăng độ mặn các con sông và khiến cho nguồn nước bị nhiễm mặn nặng nề, dẫn đến hiện tượng cây lúa chết và cây ăn quả hư hại, người dân khan hiếm nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng, hoạt động kinh tế nông nghiệp sa sút. 
 

Từ đó đời sống của họ gặp nhiều trở ngại, khó khăn, nhiều người bỏ quê lên thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ tìm kiếm việc làm. Đã có hiện tượng nhiều người Khmer ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh,… rời bỏ phum, sóc đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp hoặc các công việc tay chân, bán thời gian. Bến Tre được đánh giá là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình mực nước biển dâng và hạn hán. 
 

Tỉnh này có chiều dài giáp biển 65 km ở phía Đông. Một bài báo cho biết thông tin: Theo kịch bản B2 (chi tiết kịch bản trung bình nước biển dâng do UBND tỉnh công bố năm 2011), vào năm 2020 khi nước biển dâng 12cm thì diện tích đất Bến Tre bị ngập là 272,09 km2, chiếm 12,24% diện tích, có khoảng 97 ngàn người sống trong vùng bị ngập. Vào năm 2050, khi nước biển dâng 30cm, diện tích đất Bến Tre bị ngập là 342,08km2, chiếm 15,39% diện tích, có khoảng 102 ngàn người sống trong vùng bị ngập(9). 
 

Đặc biệt, hiện tượng này đã biểu hiện một cách cụ thể nhất vào những tháng đầu năm 2016, có 155/164 xã trên toàn tỉnh Bến Tre bị nước mặn xâm nhập, độ mặn trung bình 1g/lít. Tỉnh này có 10.500/14.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn. Nhiều cánh đồng lúa thuộc huyện Ba Tri bị khô hạn, đất nứt nẻ, lá cháy vàng. Nông dân phải cắt lúa cho bò ăn. Các vườn cây trái ở huyện Chợ Lách, Mỏ Cày không thu hoạch được do trái rụng và héo lá, thậm chí còn dẫn đến hiện tượng cây ăn quả chết, người trồng vườn phải bứng gốc bỏ đi. Hiện tượng cá nuôi ở mương vườn chết dần cho đến nghêu, sò ở các địa phương ven biển đột nhiên chết hàng loạt làm cho người nuôi điêu đứng.
 

Cùng lúc này là nước ngọt cực kỳ khan hiếm, giá lên cao, có nơi đến 100.000 đồng/m3(10). Có thể nói, đây là đợt hạn và xâm nhập mặn nặng nề nhất ở địa phương này và gây ra hậu quả lớn, mang tính lịch sử và có tính chất thiên tai, chưa hề xảy ra từ trước đến giờ. Vì thế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre phải công bố thiên xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh vào ngày 16/02/2016.
 

Song song với hiện tượng hạn hán và mực nước biển dâng là sự suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đang là một vấn đề cần báo động, do con người trực tiếp gây ra. Càng không thể không nhắc đến việc các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia trong những năm qua đã tiến hành xây đập thủy điện trên sông Mekong đã làm thay đổi dòng chảy, lưu lượng nước và ngăn phù sa cùng nguồn tôm cá xuống phía dưới hạ nguồn, tức Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
 

TS.Tô Văn Trường, chuyên gia lĩnh vực thủy điện, cho biết thêm: Các đập thủy điện ở Trung Quốc lẫn các hồ chứa ở Thái Lan, Lào và Campuchia sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu, đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đến chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông.
 

Xin lưu ý riêng lượng phù sa từ thượng nguồn Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng phù sa của sông Mekong. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hàng năm người dân vẫn mong lũ về (còn gọi là mùa nước nổi) để khai thác thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa. Chỉ riêng các tỉnh trong vùng ven biên giới Việt Nam - Campuchia, mùa nước nổi hàng năm cũng thu nhập khoảng 4.500 tỷ đồng. Do nằm ở hạ nguồn sông Mekong, cho nên mọi tác động ở thượng nguồn như xây đập, lấy nước phát triển nông nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến Đồng bằng sông Cửu Long(11). Việc xây đập thủy điện và hồ chứa trên con sông này còn là nguyên nhân chính dẫn đến đất đai khô hạn và nhanh chóng thoái hóa, thiếu nước ngọt sinh hoạt và tưới tiêu ruộng đồng, đẩy nhanh nguồn nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền ở khu vực này trong thời gian qua.
 

Mặt khác, vấn đề suy thoái môi trường đất đai, nguồn nước ở đây còn do người nông dân khai thác đất đai phục vụ cho trồng trọt rất nhiều với ba vụ lúa một năm và sử dụng một khối lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu vào hoạt động nông nghiệp, mặc dù đã được cảnh báo từ các chuyên gia. Còn ở vùng ven biển, ở các cửa sông và phía ven bờ, lượng thủy hải sản giảm đáng kể do khai thác quá mức theo lối tận diệt, nên đã đẩy ngư dân ngày càng phải ra khơi xa đánh bắt. 
 

Trước tình hình ngày khó đánh bắt tôm cá và tình trạng lỗ lã, nhiều ghe tàu đã vượt sang lãnh hải các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia,…nên khi phát hiện đã bị tịch thu toàn bộ tài sản, ngư phủ trên tàu bị giam cầm. Đó là vấn để đang lo lắng của nhiều ngư dân ở các tỉnh Nam Bộ đang khai thác tại vùng biển Tây Nam. Tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nơi có hàng ngàn chiếc ghe đánh bắt từ các tỉnh, thành trong cả nước về neo đậu và qua ghi nhận của chính quyền địa phương đã có 38 phương tiện và 259 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ trong năm 2015.
 

Tóm lại, quá trình biến đổi khí hậu mà hiện tượng mực nước biển dâng là một biểu hiện cụ thể cùng với nạn hạn hán, ô nhiễm môi trường tự nhiên đất và nước do khai thác quá mức đã trực tiếp làm biến đổi đặc điểm, diện mạo môi trường tự nhiên ở đây. Ngày nay, Đồng bằng sông Cửu Long không còn là mảnh đất trù phú, màu mỡ và phì nhiêu, “cá tôm sẵn bắt, lúa đồng sẵn ăn” như ngày trước. Mọi thứ giờ đây đã thay đổi, sinh kế của người nông dân nơi này ngày càng đối mặt với rủi ro cao, đời sống của họ khó khăn hơn trước, môi trường xã hội và các đặc trưng văn hóa bản địa cũng bị biến dạng.
 

3. Thảo luận về những hồi ứng của Phật giáo trước hiện tượng biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay 
 

Một điều mà chúng tôi muốn khẳng định rằng: Vấn đề bảo vệ môi trường sống lẫn việc coi trọng sinh mạng muôn loài, khuyến khích lối sống gần gũi tự nhiên đã được đức Phật nhắc đến nhiều lần khi còn tại thế, được chúng đệ tử đời sau nhắc nhở và thực hiện. Kinh điển Nguyên Thủy đã ghi lại những lời dạy quý báu này. Chẳng hạn, trong kinh Angutara Sutra, Phật dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Hoặc kinh Vinaya Matrka Sastra dạy rằng: “Một tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”, hoặc: “Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”. Đức Phật cũng khuyên mọi người không nên lãng phí, mà phải biết trân quý tài nguyên(12). 

 

Ngoài ra, một biểu hiện cụ thể cho việc thích nghi và bảo vệ sự sống của tự nhiên là đức Phật đã định chể việc tổ chức cấm túc an cư cho tăng ni vào ba tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 ở Ấn Độ vì: “Mùa mưa là mùa nảy mầm của chồi non, mùa sinh sản của côn trùng. Côn trùng nảy nở nhiều trên mặt đất và có những mầm non, những loại côn trùng rất nhỏ mà mắt thường khó mà dễ dàng phát hiện được. Để giữ lòng từ bi, các chư tăng cần cấm túc an cư vì e rằng nếu tiếp tục vân du hoằng pháp sẽ vô tình dẫm đạp, gián tiếp hại tiến trình sinh sản và sinh trưởng của côn trùng, chồi non”(13). Hài hòa và gắn bó với thiên nhiên, giữ gìn môi trường sống là một cách sống của người theo đạo Phật, đồng thời là một thông điệp quí báu, mãi có giá trị của Phật giáo nhằm nhắc nhở cộng đồng xã hội hãy quan tâm đến vấn đề này. Đó là một phương tiện để thế giới chúng ta an lạc, đời sống con người được cân bằng và có hạnh phúc.

 

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo có mặt và gắn bó với cuộc sống người dân nơi đây qua hàng trăm năm, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân trước những khó khăn, thách thức từ buổi đầu khẩn hoang lập ấp cho đến những thời điểm chiến tranh chống Pháp và Mỹ vốn thấm đầy đau thương và mất mát của mỗi gia đình, mỗi xóm làng. Nói một cách khác, Phật giáo là một bộ phận thiết yếu, không thể nào tách rời của cộng đồng cư dân vùng đất này, đồng thời còn là sợi dây nối kết tình cảm của họ lại với nhau. 
 

Đây còn là một đặc điểm để xác định bản chất một cộng đồng người đã hình thành và đang tồn tại: “Yếu tố củng cố sự đoàn kết cộng đồng dựa trên cơ sở niềm tin. Thực tế lịch sử cho thấy đây là một yếu tố có tính chất bền vững cho sự tồn tại của các cộng đồng dân cư. Cùng chung một niềm tin tín ngưỡng - tôn giáo là sự chia sẻ những ước nguyện về mặt tinh thần, tạo nên sự thống nhất tinh thần, củng cố nền đạo lý chung tại cộng đồng. Trong thực tiễn, các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo lại có sự lồng ghép với nhau trên một số nguyên lý, từ đó, thống nhất về mặt lịch sử các niềm tin của người dân, tránh những xung đột, tạo ra những sức mạnh cố kết cộng đồng mới, có tính hiệu quả mạnh mẽ”(14).
 

Cho nên, với tư cách là một bộ phận thiết yếu của cộng đồng dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như hiện tượng suy thoái môi trường, không thể không có sự tham gia của tăng ni, phật tử ở các địa phương, vì trước hết họ cũng là những người bị ảnh hưởng và thể hiện một phần trách nhiệm công dân, đồng thời là một phương thức thực hành lòng từ bi của người con Phật trước những khó khăn của con người do thảm họa thiên tai mang lại. Phật giáo tham gia vào việc ngăn ngừa và khắc phục biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường chính là góp phần vào việc giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng ứng phó của cộng đồng nhằm xây dựng một cộng đồng có khả năng thích nghi cao hơn.
 

Ngày nay, trong việc quản lý thảm họa môi trường, người ta chú trọng đến vai trò của cộng đồng và đưa ra một mô hình mang tính hiệu quả, bền vững để tham khảo chính là quản lý thảm họa dựa vào cộng đồng: “Quản lý thảm họa dựa vào cộng đồng bao gồm tất cả những hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa do chính những người dân sống tại cộng đồng xây dựng lên nhằm giảm nhẹ thiệt hại tại địa phương, dựa trên nhu cầu, khả năng và nhận thức về rủi ro của chính họ”(15). Tại sao phải quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng?
 

Đó là quản lý thảm họa dựa vào cộng đồng được thực hiện trên sự tham gia đầy đủ của mọi thành viên trong cộng đồng đó vào việc đánh giá tình hình, đến xác định nhu cầu cũng như ra quyết định về các hoạt động tại địa phương. Lợi ích của sự tham gia này bao gồm: thu thập thông tin đầy đủ và chính xác hơn, tăng cường khả năng của cộng đồng, giáo dục các chuyên gia ngoài cộng đồng, tạo ra những kết quả phù hợp hơn, đẩy nhanh sự phát triển, hướng tới sự dân chủ, làm cho cuộc sống ổn định và bền vững hơn(16).

 

Từ những điều đã đề cập, những thảo luận mà chúng tôi đưa ra sau đây nhằm đề xuất những hồi ứng hữu hiệu của Phật giáo trước tình hình biến đổi khí hậu cũng như suy thoái môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay như sau:
 

- Một là, Phật giáo có vai trò rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề biến đổi khí hậu cũng như suy thoái môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long thông qua phương thức hoằng pháp để truyền thông đến tăng ni, phật tử nói riêng và người dân nói chung. Nâng cao nhận thức cộng đồng sẽ mang lại cho họ những hiểu biết về các hiểm họa, giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng hiện có của cộng đồng nhằm thực hiện các hoạt động phòng ngừa thảm họa bằng các hoạt động cụ thể: tổ chức trưng bày, triển lãm, lập các dấu mốc để nhắc nhở người dân những sự cố đã qua, khoanh vùng những khu vực bị ngập lụt và các hiểm họa khác, thông tin tuyên truyền về các hiểm họa có thể ảnh hưởng đến địa phương và những điều người dân có thể làm được để phòng ngừa và ứng phó các hiểm họa đó(17). 
 

Từ đây, có thể đề cập đến vai trò của Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hoằng pháp ở 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ nói chung và những tăng, ni đang trụ trì có tâm huyết, vì lợi ích của cộng đồng thông qua lồng ghép chủ đề này vào công việc thuyết pháp, hướng dẫn phật tử tu học ở các chùa hiện nay. Trong đạo Phật, vấn đề bảo vệ môi trường được kinh điển nhắn đến nhiều và cuộc đời của đức Phật Thích Ca là một tấm gương về lối sống gần gũi, hài hòa thích nghi, tôn trọng thiên nhiên. 
 

Do vậy, ở đây, hoằng pháp là cơ hội để nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống hiện nay thông qua việc nhấn mạnh đến giới không sát sinh và lòng tham dục của con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự hủy hoại môi trường tự nhiên, tác nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường của tăng ni cũng là cách thức đem trí tuệ Phật giáo giúp làm giảm chủ nghĩa vật chất được bắt nguồn từ tham dục, thứ làm sinh ra ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cũng như áp dụng nội dung học thuyết về nhân duyên rất có giá trị mà đức Phật đã tuyên thuyết cách đây hơn 2.500 năm. 
 

Chúng tôi nghĩ rằng, hoằng pháp về bảo vệ môi trường, ngăn ngừa thiên tai cần phải có những hình thức sống động bằng hình ảnh minh họa, sách vở, băng đĩa, những tấm gương, mô hình cụ thể của cá nhân và cộng đồng, nhất là những giải pháp cụ thể để tăng, ni, phật tử cùng người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề này.
 

- Thứ hai, Phật giáo tham gia tốt vào việc ngăn ngừa tác hại của biến đổi khí hậu lẫn suy thoái môi trường tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long thì cần phải nắm vững kiến thức lẫn phương pháp tổ chức và phát triển cộng đồng để có thể vận dụng một cách hiệu quả. Đây là một cách làm khoa học và bài bản, đang được áp dụng nhiều nước trên thế giới cũng như một số nơi ở Việt Nam. Phát triển cộng đồng là tiến trình giải quyết một số vấn đề khó khăn, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, hướng tới sự phát triển không ngừng về đời sống vật chất, tinh thần của người dân thông qua việc nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa người dân với nhau, giữa người dân với các tổ chức và giữa các tổ chức với nhau trong khuôn khổ cộng đồng. Nguyên tắc chủ đạo của phát triển cộng đồng là phải xuất phát từ nhu cầu đích thực của người dân, sự tham gia và quyền tự quyết của họ, tin vào khả năng của dân, đồng thời hướng đến việc phát huy nội lực và thực thi công bằng xã hội(18). 
 

Cho nên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương nên chăng phải có kế hoạch đào tạo tăng ni và phật tử về lĩnh vực phát triển cộng đồng cũng như cử người đi tham khảo những mô hình liên quan đến bảo vệ môi trường, ngăn ngừa thiên tai hiệu quả? Được biết, Khoa Công tác Xã hội thuộc Học viện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có thể thực hiện nhiệm vụ này với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển cộng đồng ở các trường đại học, các tổ chức NGO trong và ngoài nước sẽ mang đến tính hiệu quả và thực tiễn cho người học. 
 

Những người được học sẽ có thể áp dụng vào từng địa phương cụ thể, nơi mà ngôi chùa và đời sống tu tập của tăng ni, phật tử lẫn những người xung quanh chịu tác động ít nhiều bởi quá trình biến đổi khí hậu lẫn suy thoái môi trường tự nhiên. Những dự án phát triển cộng đồng có thể tiên liệu về tính khả thi trong bảo vệ môi trường, ngăn ngừa thiên tai mà Phật giáo có thể thực hiện được là trồng cây xanh, bảo vệ và quản lý nguồn nước ngọt tại cộng đồng, thu gom và xử lí rác thải, hướng dẫn và hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế phù hợp, xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp xanh và sạch, tăng cường dịch vụ xã hội y tế và giáo dục cho cộng đồng cũng như an sinh xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu tại các chùa, cung cấp nguồn vốn sản xuất cho nông dân… 
 

Thiết nghĩ, những việc làm này sẽ mang lại ý nghĩa lớn, biến cộng đồng từ tâm thế bị động bởi những tác động xấu do biến đổi môi trường, thiên tai mang lại trở nên ý thức hơn, có năng lực để đối phó một cách chủ động, mạnh mẽ. Một tín hiệu tích cực là gần đây tại chùa Pháp Vân (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội), Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) đã ưu tiên mở những khóa học tập huấn cứu trợ khẩn cấp cho tăng ni, phật tử và người dân địa phương với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia hàng đầu về cứu trợ trên thế giới để giúp cho họ biết cách triển khai công tác cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng bị thiên tai tàn phá một cách chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. 

 

Đồng thời, chùa còn phát động chương trình “Ngày ăn chay chung tay bảo vệ môi trường” cho cộng đồng khoảng 500 người và chiến dịch “Tử tế với môi trường” trong tháng 11 năm 2016(19). Đây là một mô hình cần nhân rộng cho Phật giáo cả nước học tập. Mặt khác, tại chùa Tiên Châu (thành phố Tân An, tỉnh Long An), đồng thời còn là nơi đặt văn phòng của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, đã đặt nhiều bức ảnh ngoài khuôn viên với lời nhắn nhủ bằng thơ lục bát nhằm để phật tử tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. 
 

Thiết nghĩ, đây là những hành động tuy rất nhỏ nhưng thiết thực, ý nghĩa và dễ đi vào lòng người: 

 

“Lòng thành thắp một nét hương,

Thắp nhiều khói bụi môi trường nhiễm ô”,

“Em xin anh chị thương dùm,

Bỏ rác vào thùng em thật cám ơn”.
 

Phổ biến đến nhiều người bằng tờ rơi đẹp mắt và thông qua đó giúp người dân địa phương hiểu hơn những lời dạy của đức Phật về cách ứng xử hài hòa, tôn trọng môi trường sống để có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày là cách tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống lẫn hình thức hoằng pháp hiệu quả của Phật giáo tỉnh Kiên Giang đang triển khai rộng rãi hiện nay.
 

- Thứ ba, Phật giáo, với truyền thống hộ quốc an dân và nhập thế, cùng với tinh thần từ bi, cứu khổ độ sinh, nên việc tăng cường an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng cơ sở như điện, đường, trường học, phòng khám y tế,… cho các địa phương ở Tây Nam Bộ đang bị tác động mạnh bởi quá trình biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là một hành động mang lại nhiều thiết thực cho người dân. Hơn ai hết, những người nghèo là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp và dễ rơi vào tình trạng bệnh tật, mất sinh kế, thiếu nước sạch, gia tăng tính rủi ro khi phải đối diện với vấn nạn này. 
 

An sinh xã hội như là một phương thức giúp họ có thể hạn chế những tác động của rủi ro, tổn thương mang lại và dần ổn định cuộc sống thông qua những hoạt động cung cấp lương thực thực phẩm và nước sạch, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí thường xuyên, hỗ trợ học phí cho giáo dục và đào tạo nghề... Đây là những vấn đề mà Ban Từ thiện Xã hội Trung ương cũng như các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long cần phải bàn bạc và xây dựng thành những chương trình hoạt động cụ thể để giúp đỡ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
 

- Thứ tư, cần tăng cường tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với cộng đồng Phật giáo các nước trong lưu vực sông Mekong để thống nhất quan điểm và chương trình hành động bảo vệ con sông này đang bị khai thác quá mức hiện nay. Đây là xu thế quốc tế hóa trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên hiện nay. Bên cạnh ngày càng có vị thế quan trọng trong cộng đồng Phật giáo ASEAN, trong nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Phật giáo các nước Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia.
 

Cho nên, cùng với Phật giáo các nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng cường những tiếng nói và đề nghị mạnh mẽ đến chính phủ các quốc gia trong khu vực cần có chính sách hạn chế tối đa việc xây dựng các đập thủy điện, hồ chứa nước trên dòng sông này, trả lại tính tự nhiên và sự giàu có của nó. Mặt khác, đây cũng là để bảo vệ cuộc sống của người dân, trong đó có nhiều tín đồ Phật giáo đang sinh sống bên đôi bờ dòng sông Mekong. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc hạn chế tác động của quá trình biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường hiện nay ở Việt Nam và các nước trong khu vực.
 

Là một thành viên của Liên minh Phật giáo toàn cầu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phối hợp với Phật giáo các nước trong việc kêu gọi các nước phát triển công nghiệp giảm khí thải nhà kính, hạn chế xả thải và khai thác tận diệt môi trường tự nhiên, nạn phá rừng, tình trạng gia tăng dân số và bùng nổ đô thị hóa hiện nay trên thế giới để góp phần bảo vệ môi trường sống của hành tinh này thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn do Phật giáo các nước tổ chức. Mặt khác, không thể không tham khảo các mô hình tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên của Phật giáo các nước như Thái Lan, Myanmar, Campuchia,…để rút ra những kinh nghiệm hữu ích để áp dụng cho Phật giáo Việt Nam.
 

Ngược lại, cũng cần giới thiệu và chia sẻ những tấm gương, mô hình hiệu quả, thành công về giữ gìn môi trường tự nhiên của Phật giáo nước ta cho cộng đồng Phật giáo quốc tế biết rõ. Trường hợp cụ thể là tấm gương đi đầu trong việc trồng và bảo vệ rừng của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Trưởng tông phong Liên tông Tịnh độ Non Bồng, Viện chủ Quan Âm Tu viện (Đồng Nai). Bắt đầu từ những năm 1983-1984, Ni trưởng triển khai việc trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc đầu tiên ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu rồi dần mở rộng ra nhiều tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận đến nay. Hàng trăm hecta rừng tràm, quế và các loại cây công nghiệp được tăng, ni trong tông phong đã bỏ công sức ngày đêm khai hoang, chăm sóc hiện hữu những cánh rừng xanh thẳm, góp phần cân bằng môi trường sinh thái, là một tấm gương điển hình và tiêu biểu trong việc bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 

4. Lời kết
 

Tham gia vào quá trình ngăn ngừa và khắc phục quá trình biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường tự nhiên hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng những hành động cụ thể của Phật giáo chính là mang trí tuệ của đức Phật áp dụng một cách thiết thực vào cuộc sống chúng ta hôm nay, đem đến sự an lạc và thanh bình cho con người. Đó còn là sự hòa quyện giữa lòng từ bi và hành động mang tính đạo đức xã hội để giải trừ nỗi đau khổ của con người, những thực hành tâm linh nhằm cân bằng đời sống vật chất và tinh thần mà đạo Phật chủ trương.
 

Mặt khác, đây còn là một đặc điểm của Phật giáo hiện đại mà học giả Ấn Độ Anand Sign đã chỉ rõ: “Một khía cạnh quan trọng của các phong trào sinh thái này là việc phân tích các vấn đề một cách có hệ thống, đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp giúp duy trì những chuyển động tôn giáo xã hội trên khắp cộng đồng Phật giáo ở châu Á, cũng như một vài khu vực ở phương Tây. Chúng có chung đặc điểm cơ bản với Phật giáo truyền thống, nhưng cũng có những điểm khác biệt rõ nét chỉ có ở thời hiện đại. 
 

Những phong trào như vậy cho ta cách nhìn độc đáo về Phật giáo truyền thống. Sự đổi mới rõ nhất chính là xu hướng diễn giải giáo lý của Phật giáo giúp thức tỉnh những vấn đề trần tục như đạo đức, văn hóa, kinh tế và chính trị. Nó bao gồm những cá nhân khác nhau với những hoàn cảnh chính trị khác nhau, nhưng đều được truyền cảm hứng từ các giá trị Phật giáo, cùng chung mục tiêu bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu. Động lực chính của họ là để giảm bớt đau khổ trên thế giới bằng cách xác định rõ vấn đề và tìm kiếm giải pháp”.(20)

Dương Hoàng Lộc
Thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học.

SĐT: 0916504249.

Địa chỉ: 220/24/39, Hoàng Hoa Thám, P5, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
----------------------------------------------
Chú thích

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội, trang 6.

2. Lê Thị Kim Thoa, Nguyễn Thế Trung, Ngô Hoàng Đại Long, Nguyễn Thị Thu Thủy, Giải pháp tăng cường năng lực ứng phó cho người dân tại ba huyện ven biển tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu. In trong: Võ Văn Sen - Nguyễn Thế Nghĩa (2014), Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tp.HCM, Nxb. ĐHQG Tp.HCM, trang 667.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội, trang 3.

4. CDKN, ODI, AGULHAS (2012), Quản lý các sự kiện khí hậu cực đoan và thảm họa ở châu Á: Các bài học từ Báo cáo SREX IPCC, trang 10.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội, trang 17.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội, trang 22.

7. Đức Khánh, Biến đổi khí hậu - thách thức lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long. In trong: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 01/07/2010, trang 53.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội, trang 24.

9. Tường Vy, Bến Tre nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn: htp://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=38878. Ngày truy cập 24/8/2016.

10. Minh Anh, Nước nhiễm mặn bao vây xứ dừa Bến Tre. Nguồn: htp://news.zing.vn/mien-tay-chiu-hannghiem-trong-nhat-trong-100-nam-post627178.html. Ngày truy cập: 24/08/2016.

11. TS.Tô Văn Trường, Tác động của các đập thủy điện trên sông Mêkông. Nguồn: htp://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=1891. Ngày truy cập: 25/08/2016.

12. HT.Thích Trí Quảng, Phật giáo và môi trường sinh thái. Nguồn: htps://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=56E650. Ngày truy cập: 28/08/2016.

13. Thích Thiện Minh, Phật giáo vùng Mekong: Vấn đề môi trường và ứng xử với môi trường. In trong: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM, (2015), Phật giáo vùng Mêkông ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Tp.HCM, Nxb. ĐHQG.Tp.HCM, trang 26.

14. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000), Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Hà Nội, Nxb.Văn hóa thông tin, trang 15.

15. Hội Chữ Thập Đó Việt Nam (2002), Giới thiệu về quản lý thảm họa tại cộng đồng, Hà Nội, trang 62

16. Hội Chữ Thập Đó Việt Nam (2002), Giới thiệu về quản lý thảm họa tại cộng đồng, Hà Nội, trang 63-64.

17. Hội Chữ Thập Đó Việt Nam (2002), Giới thiệu về quản lý thảm họa tại cộng đồng, Hà Nội, trang 52.

18. Nguyễn Kim Liên (2008), Giáo trình phát triển cộng đồng, Hà Nội, Nxb Lao động - Xã hội, trang 65-84.

19. Hồng Yến, chùa Pháp Vân triển khai mô hình bảo vệ môi trường. Nguồn: www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/22059-chua-phap-van-trien-khai-mo-hinh-bao-ve-moi-truong.html. Ngày truy cập: 27/10/2016.

20. Anand Singh, Phản hồi của Phật giáo về vấn đề hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường: Tư tưởng, phương pháp và phổ biến (Minh Hoàng dịch). In trong: Thích Nhật Từ - Trương Văn Chung - Nguyễn Công Lý (đồng chủ biên) (2014), Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Tp.HCM, Nxb.ĐHQG Tp.HCM, trang 322-323.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội.

2. CDKN , ODI, AGULHAS (2012), Quản lý các sự kiện khí hậu cực đoan và thảm họa ở Châu Á: Các bài học từ Báo cáo SREX IPCC.

3. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000), Phát triển cộng đồng lý thuyết và vận dụng, Hà Nội, Nxb. Văn hóa thông tin.

4. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam (2002), Giới thiệu về quản lý thảm họa tại cộng đồng, Hà Nội.

5. Đức Khánh, Biến đổi khí hậu - Thách thức lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long. In trong: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 01/07/2010.

6. Nguyễn Kim Liên (2008), Giáo trình phát triển cộng đồng, Hà Nội, Nxb Lao động Xã hội.

7. Thích Nhật Từ - Trương Văn Chung - Nguyễn Công Lý (đồng chủ biên) (2014), Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Tp.HCM, Nxb.ĐHQG Tp.HCM.

8. Võ Văn Sen - Nguyễn Thế Nghĩa (2014), Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tp.HCM, Nxb. ĐHQG Tp.HCM.

9. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM, (2015), Phật giáo vùng Mêkông ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Tp.HCM, Nxb. ĐHQG Tp.HCM.

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...