Cập nhật: 27/12/2017
Thái tổ Trần triều là Hoàng đế Trần Thái Tông (Trị vì: 1225-1258), ngài còn để lại những tác phẩm kinh điển, trong đó có quyển “Thiền tông chỉ Nam”, nội dung quyển sách này ngài có làm 43 câu niêm tụng kệ công án... “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục” cũng có niêm tụng công án...
Vua Trần Nhân Tông (Trị vì: 1278-1293) lúc còn nhỏ, trong cung được sự dạy dỗ của Tuệ Trung thượng sĩ, đối với Phật học, sách gối đầu giường là “Đại Huệ ngữ lục”.
Tam vị thánh Tổ Trúc Lâm đều lấy “Đại Huệ ngữ lục” làm kim chỉ nam cho học chúng, (Đại Huệ thiền sư (1088-1163), đời thứ 12 phái Lâm Tế, là một thiền sư triệt ngộ, phương tiện cơ xảo rất xuất sắc nổi tiếng từ lúc đương thời cho đến ngày nay, ngài cực lực phát dương công án, thoại đầu để dạy chúng tham thiền).
Như vậy muốn tìm hiểu phương pháp thực hành của dòng thiền Trúc Lâm. Chúng ta trích dẫn lời sách tấn của nhị tổ Trúc Lâm (Pháp Loa (1284-1330) để làm sáng tỏ đường lối tu tập:
Lời khuyên xuất gia tiến đạo (Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn)
Kính khuyên chúng xuất gia học đạo, hãy xét kỹ những lời này: Chúng ta nghiệp dày phước mỏng, ra đời chẳng gặp thời chánh pháp, đức Thích Ca đã nhập diệt, đức Di Lặc chưa sanh, thánh hiền ẩn bóng, tà pháp thạnh hành, than ôi buồn thay!
Những vị xuất gia, vốn vì đền đáp bốn trọng ân, nghĩ cứu giúp ba đường khổ. Nếu muốn đạt được tâm Phật ý Tổ, biết sanh hiểu tử, trước phải học hai pháp. Thế nào là hai? Một, phải học ba thứ pháp. Hai, phải học pháp cầu thầy.
Ba thứ pháp là:
1. Rõ tông sư.
Kinh Bổn Hạnh nói: Từ trước tổ sư thuyết pháp những gì? Có bao nhiêu người đắc đạo nối pháp truyền tông, đến nay thầy nào, chúng nào đáng học?
2. Biện pháp chân ngụy.
Nếu pháp chân là thường giữ giới luật, y pháp tiến tu. Nếu pháp ngụy, như trong lời lục của Đại Huệ nói: Bàn luận ngoại đạo, phỏng đoán nghĩa lý, lập làm tông chỉ, rồi trao truyền cho nhau.
3. Biết thiện ác.
Nếu gần gũi bạn lành là thường khuyên mình sám hối để diệt những tội lỗi trước, siêng năng tìm thiện tri thức, tu hành tinh tấn... Nếu gần gũi bạn ác thì miệng nói xuất gia mà tâm làm theo nghiệp thế tục, tự làm và dạy người làm, tâm không biết hổ thẹn.
Trên là ba pháp nên gần gũi và không nên gần gũi.
Hai, phải học pháp cầu thầy. Như trong Lễ Tán nói: Thường ở trong tùng lâm của thiện tri thức, hằng nằm trong khuôn vức của Tổ sư. Đó là phương pháp chọn bạn tìm thầy vậy. Nếu người đầy đủ cả hai pháp trên, tức là đạt được tâm Phật ý Tổ và biết sanh hiểu tử.
Này các người! Bên trong đã bỏ cha mẹ, bên ngoài thì không thông Phật pháp, tự xưng là tu hành, vậy tu hành là cái đạo gì? Các người nên xét kỹ lời nói này. Trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Ân nói: “Mười tháng mang thai, ba năm bú sú, ân nào sánh bằng” mà các ngươi còn bỏ được, huống là những kẻ bên ngoài? Thế lại bo bo chấp tình thầy trò, không thể cởi bỏ, không phược trở lại tìm phược, không trói lại cầu trói. Chỉ vì tham cầu lợi dưỡng, chẳng sợ trầm luân. Hoặc đắm mê danh vọng ở đời, hoặc tự mình không hiểu không biết, ấy đều là bọn vô minh vậy.
Từ trước, các Tổ sư hành đạo tu thiền, tâm đồng với hư không, mặc đến mặc đi, hoặc Nam hoặc Bắc, tham thiền hỏi đạo, nhân duyên hội ngộ thì tự lợi lợi tha, ấy mới thật là Phật pháp.
Khuyên chúng thượng thừa tam học (Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết)
Là người học Phật, trước phải thấy tánh. Thấy tánh, không phải có tánh bị thấy. Nói thấy, là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy, thì Chân tánh hiện. Tánh thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng phải có, chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy tánh.
Sau khi thấy tánh, phải gìn giữ giới cho thanh tịnh. Thế nào là giới thanh tịnh? Nghĩa là trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cái sở duyên của thức mà chạy ra, thức không vì cái sở duyên của cảnh mà chun vào. Ra, vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chặn. Tuy nói ngăn chặn mà không phải ngăn chặn. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế. Đó gọi là giới Đại thừa, là giới vô thượng cũng gọi là giới vô đẳng đẳng. Tịnh giới này, dù Tiểu tăng cho đến bậc Đại tăng đều phải gìn giữ.
Nhân giữ giới vững chắc không động, kế đó mới tập Thiền. Cái yếu chỉ của Thiền định là thân tâm đều xả. Trước tập định tâm, thường tự suy xét: Thân này từ đâu mà đến? Tâm này từ đâu mà có? Tâm không thật có thì từ đâu có thân? Thân tâm đều không thì pháp từ đâu mà có? Pháp không thật có, vì không có cái có, cái có có đó từ đâu mà có? Cái có có đó đã không thì không có pháp có. Mỗi pháp chẳng phải pháp, thì mỗi pháp nương vào đâu? Không có chỗ dựa nương thì pháp không phải mỗi pháp. Pháp này không thật cũng chẳng phải không thật. Chứng được thật pháp, mới hay chứng nhập thiền.
Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền thượng thừa. Ngoài tham thoại đầu không cho gián đoạn, miên mật liên tục không có kẽ hở, cũng không điên đảo, không trạo cử cũng không hôn trầm. Phải trong trẻo như viên ngọc lăn trên mâm, phải sáng suốt như gương trên đài. Đến chỗ đất này, đi cũng được, đứng cũng được, ngồi cũng được, nằm cũng được, nói hay nín đều cũng được, có chỗ nào lại không được?
Đã được thế rồi, về sau mới nêu lên những câu ngộ: Tam quan, tam huyền, tam yếu, ngũ vị, tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng v.v... các cơ quan của Thiền tổ. Bảy phen soi tám phen dùi, nhồi đi ép lại, thấu triệt chân nguyên, chừng đó, mới hay mượn pháp tòa của Phật Đăng Vương, nắm sừng thỏ, nhổ lông rùa, tay hoa một phen chuyển, bốn chúng thảy mịt mờ. Phát sinh vô thượng Diệu Huệ, chiếu soi không cùng. Đối với Tứ vô lượng tâm, Tứ niệm xứ, Tứ vô úy, Bát chánh đạo, Thập lực của Phật, Mười tám pháp bất cọng, cho đến tám muôn bốn ngàn môn đà-la-ni, trần trần sát sát, tất cả môn tam muội đều từ nơi mình lưu xuất mỗi mỗi đều đầy đủ.
Tuệ đã đầy đủ, ban cho chúng sinh, nguyện lực không cùng tận, tự giác giác tha, tứ sanh và cửu loại, tất cả đều được thấm nhuần. Nếu tuệ mà không định gọi là càn tuệ (tuệ khô), định mà không tuệ gọi là si thiền.
Thiền có chia làm năm:
1. Phàm phu thiền.
2. Ngoại đạo thiền.
3. Tiểu thừa thiền.
4. Đại thừa thiền.
5. Thượng thừa thiền.
Đây nói thiền, chính là Thượng thừa thiền vậy. Thiền này, từ đức Phật Tỳ lô giá na trải qua số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Thích Ca truyền xuống cho hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ và sáu vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao tay cho nhau truyền bá khắp nơi, tính không thể hết được. Các vị đều do giới này, định này, tuệ này mà được chứng ngộ, thật không có pháp nào khác.
Các chú! Các chú đã vào trong chùa làm ông đạo, làm học trò, chỉ cầu danh dự mà chẳng chịu tham đến chỗ, cái gì là chỗ hạ thủ của Phật, Tổ? Cái gì là chỗ dụng tâm của ngoại đạo, Tiểu thừa? Luống để cho ngày lại tháng qua, lăng xăng tìm cầu bên ngoài. Một phen cái chết đến rồi phải làm sao? Đâu là nơi an thân lập mạng? Vả lại, ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, chính mình không có một mảy may. Một hôm nào đó, vua Diêm La đến ắt không thể tha cho ngươi. Ngươi sao chẳng chịu xét lại, chớ lấy các việc trong mộng, rồi bác không nhân quả “mênh mang bát ngát chiêu ương họa”. Như thế chẳng những làm đồi bại tông môn, mà cũng khiến suy tàn chánh pháp.
Ôi! Tôi còn biết nói gì hơn!
(Trích Thiền sư Việt Nam - Hòa thượng Thanh Từ dịch)
Sau thời gian Trịnh, Nguyễn phân tranh thì tông phái thiền Trúc Lâm tuyệt truyền rồi tiếp đến Lâm Tế, Tào Động từ Trung Hoa sang, chư vị Tổ sư cũng dạy tham công án thoại đầu, như Tổ sư Liễu Quán (1667-1742), vị cao tăng Việt Nam, nối pháp mạch dòng Lâm Tế đời thứ 35, xuất thân từ Tổ đình Ấn Tông (Từ Đàm cổ tự), ngài cũng do tham câu thoại đầu: Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ? (Muôn pháp về một, một về chỗ nào?) mà chứng ngộ.
Sau khi đại triệt ngộ, kiến tánh rồi ngài lập tông chỉ thành một tông phái Liễu Quán truyền thừa cho đến ngày nay.
Tổ sư Liễu Quán để lại bài kệ truyền pháp sau đây:
Thiệt tế đại đạo
Tính hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận,
Ðức bổn từ phong
Giới định phúc tuệ
Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả
Một khế thành công
Truyền trì diệu lý
Diễn xướng chính tông
Hành giải tương ứng
Ðạt ngộ chân không.
Phật giáo Việt Nam trong vài thế kỷ gần đây đều chịu ảnh hưởng Tông thiền Lâm Tế và Tào Động.
Bia tháp, long vị đều ghi: Từ Lâm Tế chánh tông - Lâm Tế gia phổ - Tào Động...
Lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt Thiền tông luôn là chủ lực trong mọi thời đại, để gồm hoằng dương những tông khác như Giáo môn, Tịnh độ, Mật tông. Khác hẳn với Trung Quốc ở điểm này.
Một đoạn trong “Trần Nhân Tông toàn tập”, Thiền sư Lê Mạnh Thát viết rằng: “Tư tưởng thiền phái Trúc Lâm như vậy đã trở thành một môn học chính quy và được các nhà vua thời Lê sơ quan tâm. Điều này nhìn từ phía mở rộng biên cương về phía Nam của dân tộc, ta thấy hoàn toàn dễ hiểu. Thiền phái Trúc Lâm ra đời là nhằm yểm trợ và thỏa mãn yêu cầu của chính sách Nam tiến của vua Trần Nhân Tông. Nhưng đến thời Lê sơ với những cuộc chinh phạt liên tục về phương Nam, mà đỉnh cao là cuộc viễn chinh năm 1470, khi vua Lê Thánh Tông cắm cột mốc phía Nam của tổ quốc trên núi Đá Bia ở Phú Yên, thì yêu cầu gia tăng dân số ngày càng mạnh mẽ. Chính quyền Đại Việt cần đủ số dân để khai khẩn những vùng đất mới sáp nhập và tư tưởng thiền phái Trúc Lâm thỏa mãn yêu cầu này của chính quyền Đại Việt.
Vậy là sau chủ trương và đường lối đoàn kết dân tộc cho sự nghiệp giữ nước, thì tư tưởng thiền phái Trúc Lâm cho sự nghiệp Nam tiến của dân tộc là một đóng góp khác của vua Trần Nhân Tông cho lịch sử tư tưởng Việt Nam. Như ta đã thấy tư tưởng thiền phái này bắt nguồn từ thiền phái Thảo Đường do vua Lý Thánh Tông thành lập. Nó do thế có thể nói là một nối dài hay đúng hơn là một phát triển cao hơn của thiền phái Thảo Đường, nếu không nói là một hóa thân của thiền phái này.
Điều đáng tiếc là toàn bộ tư liệu về thiền phái Thảo Đường ngày nay đã hoàn toàn bị tán thất. Ta chỉ còn một bản tên duy nhất ghi lại thế thứ của dòng thiền này và được chép vào cuối sách Thiền uyển tập anh. Vì vậy, mọi bàn cãi về hệ tư tưởng của dòng thiền này tốt lắm thì cũng chỉ là những suy đoán, từ đó dễ đưa đến những nhận định thiếu cơ sở, đôi khi sai lầm.
Dẫu thế, chỉ nhìn vào bản danh sách tên những thiền sư của phái thiền này từ người đầu tiên là vua Lý Thánh Tông cho đến vị thiền sư cuối cùng là phụng ngự Phạm Đẳng, ta thấy trong 5 thế hệ truyền thừa, thế hệ nào cũng có các cư sĩ thiền sư hiện diện và hầu như toàn bộ đều là viên chức nhà nước, tức là vua và quan. Có thế hệ, cư sĩ thiền sư chiếm tuyệt đại đa số. Thí dụ thế thứ 5 có 4 người thì 3 người là vua và quan, đó là hoàng đế Lý Cao Tông, xướng nhi quản giáp Nguyễn Thức và phụng ngự Phạm Đẳng.
Vậy nhìn vào bảng danh sách này, điểm đầu tiên đập vào mắt ta chính là sự có mặt nổi trội của các cư sĩ thiền sư. Điều này có nghĩa dòng thiền Thảo Đường là một dòng thiền thế tục, tức dòng thiền chủ yếu phục vụ cho những người có cuộc sống trần gian phải gánh vác.
Điểm thứ hai mà bản danh sách đó đập vào mắt ta là thành phần xã hội của những vị thiền sư thuộc dòng thiền thế tục này. Họ chủ yếu là vua và quan. Ngoài vua ra thì không nói như Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, những người còn lại phần lớn được ghi rõ tên họ thế tục và chức tước trại triều đình, mà cao nhất là chức thái phó và thấp nhất là chức xướng nhi quản giáp, một chức do Lý Thái Tổ thiết lập vào năm 1025.
Và chính cũng thành phần xã hội này của dòng thiền Thảo Đường đã làm cho nó phải hóa thân thành thiền phái Trúc Lâm, bởi vì không lẽ nào một dòng thiền Phật giáo lại chỉ dành riêng cho một giai tầng xã hội. Có lẽ đây là điểm hạn chế đã làm dòng thiền thế tục Thảo Đường mất đi tính hấp dẫn của nó đối với quảng đại quần chúng. Khi tách ra khỏi bộ phận quảng đại quần chúng này, dòng thiền Thảo Đường chắc không thể nào tồn tại, mà phải hoá thân vào một dòng thiền mới”.
Vân Tuyền
Nguồn: / 0
Tags : trước nhất xác định trúc lâm lịch sử