Danh sách bài viết

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Cập nhật: 27/12/2017

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm thức. Nhưng tâm thức ở đây là chỉ cho tạng thức (thức Alaya) là một loại tâm thức có khả năng tàng trữ, xây dựng và bảo trì vạn pháp.

Lời giãi bày

 

Duy thức học là môn triết học và cũng là môn tâm học. Duy thức học được gọi là môn triết học vì môn học này nhằm khai triển tận cùng nguyên lý của vạn hữu vũ trụ nhân sinh mà vạn hữu vũ trụ nhân sinh thì rộng lớn bao la không bờ bến và nguyên lý lại nằm trong lĩnh vực tính không, không có hiện hữu và lại còn phức tạp. Duy thức học cũng gọi là môn tâm học vì môn học này đứng trên lập trường tâm linh để lý giải vạn pháp mà tâm linh lại sinh hoạt không hiển lộ, khó đưa lên trên bình diện thực tại như khoa học vật lý, nhưng không thể thiếu mặt nó trong mọi sinh hoạt của vạn hữu vũ trụ nhân sinh.

 

Vì muốn định rõ giá trị sự cấu trúc đa dạng cũng như sự sinh hoạt của vạn hữu vũ trụ nhân sinh trên lĩnh vực tâm linh, Duy thức học thiết lập rất nhiều danh từ chuyên môn để minh giải tường tận mọi mặt từ sự tướng đến lý tánh, từ sai biệt cá thể đến tổ hợp tổng thể và từ cụ thể đơn giản đến chỗ thâm sâu bí ẩn. Trường hợp đây của duy thức học so sánh không khác khoa học vật lý, khoa học vật lý cũng có rất nhiều danh từ chuyên môn phức tạp và cũng không thể thiếu trong sự lý giải giá trị vật lý học.

 

Những người nghiên cứu duy thức học, nếu như không nắm được hệ thống tư tưởng của duy thức, lại gặp phải những danh từ chuyên môn đa dạng và phức tạp này thì dễ bị lạc vào rừng triết học không lối thoát và cũng sẽ bị lạc hướng nhận thức, phê phán sai lập trường của duy thức chủ trương. Muốn thông bác tư tưởng duy thức học, người nghiên cứu trước hết phải thấu triệt yếu nghĩa và giá trị danh từ chuyên môn triết học của nó, cũng như con người muốn trở thành bác sĩ y khoa nổi tiếng mọi mặt thì phải nằm lòng danh từ chuyên môn y học. Danh từ chuyên môn triết học của duy thức học mặc dù rất nhiều, đa dạng và phức tạp, nhưng diễn đạt không ngoài giải bày hệ thống tư tưởng của tâm linh trên bình diện cụ thể và ai nắm được hệ thống tư tưởng tâm linh chính là người thấu triệt được yếu nghĩa và mục đích của duy thức.

 

Để giúp đỡ những người yêu thích môn học duy thức sớm lĩnh hội được chiều sâu mục đích và hệ thống tư tưởng của môn học này diễn đạt, tôi xin trình bày tóm lược những điểm căn bản của nó với nhan đề là “Những yếu điểm của tư tưởng duy thức” ngỏ hầu dùng làm phương châm cho việc nghiên cứu. Quý vị nào sau khi nắm vững những yếu điểm của quyển sách đây trình bày, sẽ đi vào rừng tư tưởng của duy thức học khỏi bị bơ vơ và lạc hướng, nguyên vì bao nhiêu danh từ triết học mà nó sử dụng mặc dù phức tạp đến đâu, diễn tả cũng không ngoài những yếu điểm tư tưởng của tác phẩm nói trên. Quyển sách “Những yếu điểm của tư tưởng duy thức” đúng là cẩm nam giúp quý học giả không khó trong việc tham khảo và dễ dàng hướng dẫn mọi người thông đạt tư tưởng duy thức học. Ngưỡng mong các bậc cao minh duy thức học khi đọc qua tác phẩm này nhận thấy những chỗ khuyết điểm của nó kính xin chỉ bảo cho. 


Cẩn bút,

Thích Thắng Hoan

 

I/ Định nghĩa:

 

1. Duy thức: Nghĩa là chỉ có sự hiểu biết là trên hết và cũng chỉ có sự hiểu biết mới đủ khả năng xây dựng vạn pháp thành hình tướng khác nhau.

 

2. Duy thức học: Nghĩa là môn học nhằm tìm hiểu nguồn gốc phát sinh ra sự hiểu biết. Theo nhà duy thức sự hiểu biết này phát sinh từ nơi tâm linh nên gọi là tâm thức.

 

3. Danh nghĩa duy thức tông: Những nhà tham học về môn duy thức đã làm cho môn này trở thành phong trào chuyên nghiệp, khai triển nguồn gốc sinh ra vạn pháp qua Duy thức biến hiện gọi là duy thức tông. Duy thức tông còn có tên khác nữa là pháp tướng tông.

 

a) Duy thức tông: Là tông phái chuyên môn nghiên cứu tâm thức thuộc chủ thể biến hiện vạn pháp từ đâu sinh ra. Theo duy thức tông, chủ thể biến hiện vạn pháp chính là tâm thức, nghĩa là không có tâm thức thì nhất định không có vạn pháp.

 

b) Pháp tướng tông: Là tông phái chuyên môn nghiên cứu vạn pháp thuộc đối tượng do tâm thức biến hiện từ đâu sinh ra.

 

II/ Mục đích của duy thức học

 

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm thức. Nhưng tâm thức ở đây là chỉ cho tạng thức (thức Alaya) là một loại tâm thức có khả năng tàng trữ, xây dựng và bảo trì vạn pháp.

 

Mục đích của duy thức học là khai thác vạn pháp cũng như loài người từ đâu sinh ra và duy thức biến hiện bằng cách nào để biện minh lập trường nhận thức cho học thuyết duy thức.

 

III/ Sự hình thành duy thức học

 

Môn học duy thức đầu tiên bắt nguồn từ các bộ kinh do đức Phật Thích Ca giảng giải như: Kinh Lăng Già, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Mật Nghiêm, Kinh Công Đức Trang Nghiêm,v.v... do các hàng đại Bồ Tát đắc pháp sáng tạo.

 

1. Bồ Tát Di Lặc (Maitreya): Là tổ đầu tiên duy thức học với bộ luận gọi là Du Già Sư Địa Luận (Yogàcàryabhùmi – sàstra), gồm 100 quyển, nhằm phát huy tư tưởng A Lại Da Duyên Khởi.

 

2. Bồ Tát Thế Thân (vào khoảng Thế Kỷ thứ IV và thứ V Tây Lịch): Là người thành lập tông phái duy thức gọi là duy thức tông với bộ luận Duy Thức Tam Thập Luận (Vidyàmàtrasi – dhi – tridasa – sàstra – kàrikà).

 

3. Ngài Huyền Trang đời Đường (vào khoảng thế kỷ thứ VII Tây lịch): Đắc pháp về môn duy thức với Ngài Giới Hiền tại Ấn Độ và về nước thành lập tông phái pháp tướng gọi là pháp tướng tông với tác phẩm Thành Duy Thức Luận. 

 

IV/ Nguyên tắc khảo sát vạn pháp

 

Vạn pháp hiện có mặt trong thế gian với hình thức duyên sinh do duy thức biến hiện nhất định phải có thể tính của chúng làm nền tảng căn bản. Vạn pháp nếu như không có thể tính thì nhất định không có mặt trong thế gian. Theo nhà duy thức, vạn pháp hiện có mặt trong thế gian đều thuộc về phần tác dụng hiện tướng của thể tính. Muốn biết thể tính của vạn pháp như thế nào, người nghiên cứu nên bắt đầu khảo sát từ phần tác dụng hiện tướng trong thế gian để tìm ra nguyên lý chân thật của chúng. 

Nguyên tắc khảo sát theo duy thức học bằng phương pháp quy nạp (Induction) với công thức thể, tướng và dụng làm tiêu chuẩn cho việc nghiên cứu. Phương pháp quy nạp là phương pháp khởi điểm từ hiện tượng để khảo sát nguyên lý, từ hình tướng để để tìm ra thể tính, từ vọng động để hiển bày chân như. Còn ý nghĩa công thức thể, tướng và dụng được trình bày như sau: 

 

1. Thể (State): Gọi cho đủ là bản thể, nghĩa là thể tính của vạn pháp, tức là nguồn gốc phát sinh ra vạn pháp. Vạn pháp được sinh thành nhất định phải có bản thể mới được tồn tại lâu dài và sự tồn tại của vạn pháp chính là nhờ sự đóng góp và sự có mặt của bản thể để duy trì sinh mệnh của vạn pháp. Bản thể của vạn pháp có hai loại: Thể tĩnh và thể động.

 

a) Thể tĩnh (Static state): Là thể tánh tĩnh lặng và thanh tịnh của vạn pháp. Đây là chỉ cho bản tánh của Tạng Như Lai. Bản tánh của Tạng Như Lai thì hoàn toàn tĩnh lặng và thanh tịnh không có chút nào biến động cả. Vạn pháp bám lấy Tạng Như Lai làm bản thể của mình đều được gọi là thế giới chân như pháp tánh tĩnh lặng và vạn pháp trong thế giới chân như pháp tánh thì thanh tịnh thường trụ bất diệt.

 

Vạn pháp trong thế giới chân như pháp tánh tất cả đều được phát sinh từ Tạng Như Lai do Tạng Như Lai ảnh hiện, nhờ Tạng Như Lai tàng trữ và bảo trì để tồn tại. Tạng Như Lai chính là nguồn thể trí tuệ của chân tâm và chọn lấy chân tâm làm bản tánh chân như của mình. Duy thức học gọi Tạng Như Lai là trí tuệ đại viên cảnh, Kinh Đại Bát Nhã gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, Luận Đại Thừa Khởi Tín và Kinh Lăng Già Tâm Ấn gọi là trí tướng của chân tâm. Tạng Như Lai chính là thể tánh tĩnh lặng và thanh tịnh cho nên vạn pháp thuộc thế giới chân như pháp tánh được phát sinh từ Tạng Như Lai đều được gọi là thế giới thuộc thể tĩnh.

 

b) Thể động (Dynamic state): Là thể tánh biến động của vạn pháp. Đây là chỉ cho bản tánh của tạng thức. Bản tánh của tạng thức thì biến động liên tục không ngừng nghỉ và sự biến động của thức này Duy thức học thí dụ cũng giống như dòng thác nước chảy xuống dốc (hằng chuyển như bọc lưu). Vạn pháp nào bám lấy tạng thức làm bản thể của mình đều được gọi là thế giới biến động. Thế giới biến động nghĩa là thế giới đó luôn luôn bị lưu chuyễn mãi không ngừng nghỉ và vạn pháp trong thế giới đó thì luôn luôn bị sinh diệt biến hóa luân hồi mãi không bao giờ chấm dứt. Vạn pháp trong thế giới thể động của Tạng thức chia làm hai loại: vạn pháp thuộc loại chủng tử và vạn pháp thuộc loại duyên khởi.

 

a) Vạn pháp thuộc loại chủng tử trong tạng thức, duy thức học gọi là vô chất tánh cảnh, nghĩa là những cảnh giới cả chánh báo và y báo trong ba cõi đều hoàn toàn không có tánh chất chân thật và những cảnh giới này chỉ toàn là hạt giống anh tử (Cause of illusions) và tập khí (Fetter of karma) của tất cả pháp ở trạng thái chủng tử trong thức thể A Lại Da, thường gọi là nhứt thiết chủng tử (Tất cả chủng tử). Trạng thái những chủng tử đó được thí dụ như sau:

 

Khi chúng ta đi hành hương hay đi du lịch các quốc gia mà chúng ta muốn, những thắng cảnh và những chứng tích lịch sử của các quốc gia đó kể cả những nhân sinh xuyên qua những nếp sống sinh hoạt, những tập tục đặc sắc,.v.v... đều được thu gọn thành những hạt giống nằm trong tâm thức A Lại Da của chúng ta. Chúng ta khi về nước muốn nhớ lại những hình ảnh đó, hoặc muốn viết lại những chứng tích đó đều được rút ra từ những hồ sơ ký ức hiện đang nằm trong tâm thức nói trên của mình. Tạng thức A Lại Da của chúng ta có khả năng tàng trữ và bảo trì muôn đời không bao giờ biến mất tất cả những hình ảnh ký ức đó bao gồm cả hạt giống hình ảnh thuộc cảnh giới y báo và hình ảnh nhân sinh thuộc chánh báo của các quốc gia mà chúng ta du lịch qua không nếu chúng ta không muốn xóa bỏ.

 

b) Vạn pháp thuộc loại duyên khởi, cũng gọi là vạn pháp thuộc duyên sinh. Duyên là quan hệ và khởi là sinh khởi, duyên khởi nghĩa là những chủng tử của vạn pháp quan hệ lẫn nhau để cùng sinh khởi. Tất cả hiện tượng có thể chất nghĩa là tất cả vạn pháp có sức sống trong thế gian đều được sinh khởi từ chủng tử và bám lấy chửng tử làm gốc rể của mình để trưởng thành, cũng giống như tất cả cây cỏ đều được sinh khởi từ hạt giống, bám lấy gốc rể của mình để nẩy nở phát triển và nếu như không có hạt giống thì nhất định không có cây cỏ góp mặt trong thế gian, các vật khác đều cũng như thế. 

 

Một pháp có thể chất trong vạn pháp dù nhỏ như vi trần muốn duyên khởi cũng phải hội đủ bảy chủng tử làm nhân duyên quan hệ mới có thể góp mặt trong thế gian và nếu như thiếu một trong bảy chủng tử nói trên không thể sinh khởi. Bảy chủng tử gồm có: một là đất, hai là nước, ba là gió, bốn là lửa, năm là nghiệp lực, sáu là nghiệp tướng, bảy là thức A Lại Da. Bảy chủng tử này cũng gọi là bảy nguyên nhân và bảy nguyên nhân này duyên với nhau để thành hình tướng vạn pháp trong thế gian. Nhưng những chủng tử của hiện tượng vạn pháp thì lại bám lấy Tạng thức làm bản thể của mình mà bản chất của tạng thức thì biến động liên tục vô định cho nên hiện tượng vạn pháp được gọi là thế giới thuộc thể động.

 

2. Tướng (Form): Là hình tướng của vạn pháp, tức là chỉ cho tất cả hiện tượng vạn pháp có mặt trong thế gian. Hiện tượng vạn pháp trong thế gian đều được hình thành bởi nghiệp tướng. Nghiệp tướng là những mô hình kiến trúc (Constructional models) hoặc những Họa đồ kiểu mẫu (Blueprints) dùng để kiến tạo vạn pháp thành hình tướng trong thế gian. Tất cả nghiệp tướng hiện hữu trong thế gian chính là một trong bảy yếu tố nhằm để kiến trúc vạn pháp và cũng đều phát sinh từ những chủng tử của chính nó trong tạng thức thuộc thể động.

 

3. Dụng (Action): Là năng lực tác dụng của vạn pháp được phát sinh từ nơi thế giới chủng tử của chính chúng nó. Những năng lực này không có hình tướng, chỉ hiện hữu qua sự sinh hoạt của chúng sinh, như những sự tác dụng của các tâm thức, của các tâm sở tham, sân, si mê,.v.v... Chủng tử của những nghiệp lực này cũng đều bám lấy tạng thức thuộc thể động để sinh hoạt.

 

Các nhà duy thức căn cứ nơi tướng và dụng của vạn pháp duyên sinh mà khảo sát để tìm ra thể tánh chân thật của chúng nó trên lĩnh vực từ thể động đến thể tĩnh. Nhờ công thức này, các nhà duy thức đã chứng được duy thức tánh.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

V/ Phân loại vạn pháp

 

Vạn pháp là danh từ chung gồm chỉ cho những pháp có hình tướng và những pháp không có hình tướng, những pháp thuộc duyên sinh và những pháp thuộc thể tánh. Vạn pháp trong vũ trụ tuy nhiều, theo như Duy thức học có thể phân làm 100 loại gọi chung là một trăm pháp. Một trăm pháp nếu như tóm lược nữa thì trở thành hai loại chính: Hữu thể chất pháp và vô thể chất pháp.

 

A. Một trăm pháp: Một trăm pháp được phân thành năm nhóm:

 

1) Tâm pháp: Gồm có 8 tâm thức
 

2) Tâm sở pháp: Gồm có 51 tâm sở
 

3) Sắc pháp: Gồm có 11 loại.
 

4) Bất tương ưng hành pháp: Gồm có 24 loại.
 

5) Vô vi pháp: Gồm có 6 loại.

 

Chúng ta ngộ được 100 pháp này là thông suốt được vạn pháp.

 

B. Hữu thể chất pháp

 

Hữu thể chất pháp là những pháp có thể tánh chân thật và những pháp có tâm thức duy trì sức sống để tồn tại. Những pháp có thể tánh chân thật là những pháp do Tạng Như Lai ảnh hiện và những pháp có tâm thức duy trì sức sống là những pháp do tạng thức xây dựng.

 

C. Vô thể chất pháp

 

Vô thể chất pháp là những pháp không có thể chất chân thật, nghĩa là những pháp không có tâm thức hiện hữu để duy trì sức sống và những pháp chỉ do nghiệp duyên nội kết. Những pháp không có tâm thức hiện hữu để duy trì sức sống và được thành hình là do ý thức thứ sáu xây dựng. Những pháp chỉ do nghiệp duyên nội kết với hình thức chủng tử nghiệp tướng và nghiệp lực, do ý thức thứ sáu chỉ đạo kết hợp qua thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

 

VI/ Khảo sát tâm thức

 

A. Những nhận thức sai lầm

 

1) Một số luận thuyết cho rằng: “Căn duyên trần sinh thức”. Luận thuyết này sau khi khảo sát có những điểm sai lầm như sau:

 

a. Những nhà luận tuyết này nếu đứng trên lập trường duy tâm hay duy thức thì phạm vào lỗi “Tự ngữ tương vi”, nghĩa là lời nói chống lại lập trường của mình, nguyên vì luận thuyết căn duyên trần sinh thức là thuộc về luận thuyết của phái duy vật chủ trương:

 

*) Căn là thuộc về vật chất,

*) Trần cũng là thuộc về vật chất,

Kết luận: Căn duyên trần sinh thức, nghĩa là vật chất sinh tinh thần.

 

b. Kháo sát một người ngủ mê:

 

Trong lúc anh A ngủ say mê, chúng ta lấy hạt muối câu vào miệng của anh vẫn thấy miệng của anh cử động liếm muối, nhưng trong lúc đó anh không biết đó là muối và cũng không biết ai chơi phá giấc ngủ của anh. Hiện tượng trên cho thấy:

 

*) Muối là trần thuộc về vật chất,

*) Miệng của anh là căn cũng thuộc về vật chất,

*) Kết luận: miệng anh A (căn) duyên vào muối (trần) sao không thấy sinh ra thức (không hiểu biết đó là muối và không hiểu biết ai chơi phá mình)?

 

c. Luận thuyết trên so với lời Phật dạy trong kinh cũng không đúng. Đối với vấn đề nhận thức, đức Phật chia thành hai phần: Phần năng duyên và phần sở duyên. Phần năng duyên là chỉ cho phần chủ thể nhận thức gồm có sáu loại hiểu biết gọi là sáu tâm thức. Phần sở duyên là phần đối tượng của nhận thức gồm có sáu trần cảnh. Ngoài phần sở duyên còn có đối tượng thứ hai là phần sở y (phần làm chỗ nương tựa để sinh hoạt hiểu biết). Phần sở y này gồm có sáu căn (sáu giác quan). Phần sở y (sáu căn) và phần sở duyên (sáu trần) cộng chung là 12 xứ. Sáu căn cộng với sáu trần và thêm sáu tâm thức vào (phần năng duyên) thì thành 18 giới. Từ tinh thần đó, chúng ta nhận thấy:

 

*) Sáu tâm thức nương nơi sáu căn (sở y) để hiểu biết sáu trần

*) Tuyệt đối không phải sáu căn duyên nơi sáu Trần để sinh ra sáu tâm thức.

*) Kết luận: sáu căn duyên nơi sáu trần sinh ra sáu tâm thức là sai với lập trường của đức Phật chủ trương.

 

2) Một số luận thuyết chủ trương: “Não bộ sinh ra sự hiểu biết”. Luận thuyết này sau khi khảo sát nhận thấy không đúng như sau:

 

Đại chúng trong một đạo tràng đang ngồi nghe giảng sư thuyết pháp. Trong số thính giả, có một người đang ngủ ngồi một cách say mê. Tiếng nói của giảng sư vẫn vang động ào ạt khắp đạo tràng, nhưng người ngủ mê vẫn không nghe biết chi cả. Hiện tượng đó cho thấy:

 

*) Âm thanh của giảng sư vẫn tràn vào hai lỗ tai của người ngủ say.

*) Não bộ của người ngủ say vẫn không bị hư, vẫn tiếp xúc với âm thanh của giảng sư.

*) Nhưng tại sao não bộ của người ngủ say kia không hiểu biết vị giảng sư đang thuyết những pháp gì?

*) Kết luận: Não bộ không phải sinh ra sự hiểu biết.

 

3) Một số luận thuyết như tâm lý học phổ thông cho rằng: “Não bộ có khả năng bảo trì và tàng trữ”.

 

Theo Đại sư Thái Hư, luận thuyết này không thể thành lập. Trong tác phẩm “Khái luận về pháp tướng duy thức học”, dịch giả Thích Thắng Hoan, trang 84 – 85, Đại sư Thái Hư giải thích rằng:

 

*) “Não bộ ước lượng chỉ độ một tấc vuông thì làm sao có thể bảo trì và tàng trữ những vật quá to tác rộng lớn bao la như nhà cửa, vũ trụ, biển cả, nước non,..v..v.... cho đến chỗ rất xa tít mù kia có thể nhìn thấy được?”

 

*) “Thử hỏi làm cách nào mà đem nhà cửa, vũ trụ, biển cả, nước non đã nhìn thấy dồn nhét vào não bộ chỉ một tấc vuông?”

 

*) “Giả sử nói rằng: Não bộ bảo trì và tàng trữ cũng giống như máy nhiếp ảnh thâu ảnh vào, nhưng máy nhiếp ảnh chỉ thâu được ảnh tử của hình bóng sự vật mà không thể thấy được và đo lường được vấn đề lớn nhỏ của sự vật giống như sự thấy và sự đo lường của Nhãn thức.”

 

*) “Hơn nữa hình ảnh của máy nhiếp ảnh thì lẫn lộn, không theo thứ tự như não bộ”.

 

Thí dụ như mình nhớ hình ảnh nào thì hình ảnh đó trong bộ não hiện ra không chút lẫn lộn,v..v...

 

Qua những dữ kiện trên cho thấy, não bộ không có khả năng bảo trì và tàng trữ. Não bộ chỉ có giá trị như monitor của computer mà thôi.

 

4) Một số luận thuyết cho rằng: Ý thức thứ sáu là ông chủ hiểu biết. Ý thức thứ sáu phân phối vào con mắt để thấy hình sắc (sắc trần), phân phối vào lỗ tai để nghe âm thanh (thinh trần), phân phối vào lỗ mũi để ngửi mùi hương (hương trần), phân phối vào miệng lưỡi để nếm chất vị (vị trần), phân phối vào thân thể để cảm xúc (xúc trần). Trường hợp này cũng giống như dòng điện chạy vào bóng đèn để soi sáng, chạy vào quạt máy để quay, chạy vào radio để phát thanh, chạy vào TV để chiếu hình,..v..v....

 

Luận thuyết này sau khi khảo sát cảm thấy không được đúng pháp:

 

*) Ý thức thứ sáu nếu là trung tâm phân phối để hiểu biết thì ý thức thứ sáu muốn như thế nào năm giác quan kia cũng phải nghe theo. Nhưng trên thực tế tại sao ý thức thứ sáu muốn nghỉ để ngày mai có sức đi làm việc mà giác quan con mắt không chịu nghe theo khiến cho con người phải thức suốt đêm.

 

*) Trường hợp thứ hai, con người hiện đang cầm chìa khóa xe trong tay của mình mà không hay biết để phải đi tìm kiếm khắp nơi.

 

*) Những hiện tượng trên cho thấy, ý thức thứ sáu không phải là trung tâm phân phối qua năm giác quan để hiểu biết năm trần cảnh bên ngoài mà ở đây mỗi tâm thức đều có hạt giống (chủng tử) riêng, có nguồn thể riêng và ý thức thứ sáu chỉ là quan hệ với tư cách lĩnh đạo năm tâm thức trước trong sự sinh hoạt hiểu biết vạn pháp. 

 

B. Vấn đề bốn phần

 

Căn cứ nơi sự sinh hoại để hiểu biết vạn pháp, nhà duy thức chia mỗi tâm thức thành bốn phần khác nhau để khảo sát: Kiến phần, tướng phần, tự chứng phần và chứng tự chứng phần.

 

1. Định nghĩa:
 

Theo khảo nghiệm duy thức học cùng một tác giả, quyển I, trang 148 giải thích:

 

a) Kiến phần: Là phần chủ thể của sự hiểu biết (Subject of understanding), cũng gọi là phần năng tri của tâm thức hoặc gọi là phần năng duyên của tâm thức để hiểu biết.

 

b) Tướng phần: Là phần đối tượng để hiểu biết (Object of understanding), cũng gọi là phần sở tri của tâm thức hoặc gọi là phần sở duyên của tâm thức để có hiểu biết.

 

c) Tự chứng phần: Là phần thể chất của tâm thức. phần này có khả năng kiểm soát và chứng thực sự hiểu biết vạn pháp hoặc đúng hoăc sai của kiến phần. Đây là chỉ cho khối năng lượng của tâm thức ở trạng thái hạt giống (chủng tử).

 

d) Chứng tự chứng phần: Là phần tướng trạng (Form) của mỗi Tâm thức ở trạng thái hạt giống (chủng). Phần này có khả năng xác định sau cùng cho sự kiểm soát và chứng thực đúng hoặc sai của tự chứng phần, đồng thời bảo vệ và duy trì phần thể chất của mỗi tâm thức được tồn tại mãi với hình thức là tự chứng phần không bị biến thể. Phần này cũng gọi là căn thức (tánh chất của mỗi tâm thức) có nhiệm vụ bảo trì hạt giống (chủng tử) tâm thức và hỗ trợ tự chúng phần làm nền tảng (Foundation) cho kiến phần nương tựa sinh hoạt.

 

Đây là định nghĩa tổng quát bốn phần của mỗi tâm thức khi tác dụng để hiểu biết vạn pháp. Mỗi con người hay mỗi chúng sinh hữu tình dù lớn hay nhỏ bé như mỗi con vi trùng đều có tám hiểu biết (tám chủ thể nhận thức) khác nhau mà không thể thay thế cho nhau để hiểu biết, thường gọi là tám tâm thức, cũng gọi là tám năng tri hoặc tám năng duyên. 

 

2. Giá trị hiểu biết (Giá trị năng tri)

 

a) Nhãn thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật về phương diện nhìn thấy hình tướng mà không có khả năng hiểu biết về phương diện nghe tiếng, về phương diện ngửi mùi, về phương diện nếm vị, về phương diện cảm xúc,..v..v.....

 

b) Nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức đều cũng giống như thế, nghĩa là mỗi tâm thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật trong lĩnh vực của mình mà không có khả năng hiểu biết sự vật sang các lĩnh vực khác.

 

c) Ý thức thứ sáu chỉ có khả năng hiểu biết tánh chất, giá trị và ý nghĩa (Pháp trần) của vạn pháp về phương diện phân biệt mà không có khả năng hiểu biết sang các lĩnh vực khác như, nhìn thấy hình tướng, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc,..v..v.....

 

d) Thức Mạt Na thứ bảy chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp về phương diện so đo chấp trước mà không có khả năng hiểu biết sang các lĩnh vực khác giống như sự hiểu biết của ý thức thứ sáu và cũng như sự hiểu biết của năm tâm thức ở trước.

 

e) Thức A Lại Da (Alaya) thứ tám chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp về phương diện xây dựng hệ thống sinh lý thân thể, về phương diện phát triển cơ năng, và về phương diện bảo trì sự tồn tại của sinh mệnh muôn loài. Ngoài ra, thức A Lại Da thứ tám không có khả năng hiểu biết vạn pháp giống như sự hiểu biết của bảy tâm thức vừa kể trên.

 

3. Biệt tánh của sự hiểu biết (Biệt tánh của năng tri)

 

Biệt tánh của sự hiểu biết nghĩa là tánh chất riêng biệt của sự hiểu biết. Tám tâm thức sở dĩ có sự hiểu biết riêng biệc khác nhau là do chứng tự chứng phần của mỗi tâm thức. Về lĩnh vực năng tri ( chủ thể nhận thức) của mỗi tâm thức gồm có ba phần: Kiến phần, tự chứng phần và chứng tự chứng phần. 

 

a) Kiến phần (Activities): Là phần tác dụng của tâm thức để hiểu biết vạn pháp.

 

b) Tự chứng phần (Consciousness): Là phần tự thể của tâm thức cũng gọi là phần thể tánh của tâm thức. Đây là chỉ cho phần hạt giống (chủng tử) của mỗi tâm thức để làm nguồn thể phát sinh tác dụng kiến phần.

 

c) Chứng tự chứng phần (Form): Là phần bảo vệ hạt giống tâm thức không bị biến tướng. Phần này còn có nhiệm vụ là cung ứng kiến phần tác dụng để hiểu biết và còn chỉnh lý kiến phần hiểu biết theo khả năng tánh của mình. Phần này cũng tương tợ như bộ máy phát thanh có nhiệm vụ là gạn lọc và điều chỉnh âm thanh.

 

Thí dụ: Dòng điện (Foundation Consciousness) thì chỉ có một loại, nhưng khi chạy vào bộ máy ti vi (Chứng tự chứng phần) liền biến thành thể tánh (Tự chứng phần) thuộc loại điện ti vi chỉ chuyên chiếu hình (Kiến phần). Dòng điện khi chạy vào bộ máy radio (Chứng tự chứng phần) liền biến thành thể tánh (Tự chứng phần) thuộc loại điện radio chỉ chuyên phát thanh (Kiến phần). Dòng điện khi chạy vào bộ máy bóng đèn (Chứng tự chứng phần) liền biến thành thể tánh (Tự chứng phần) thuộc loại điện bóng đèn chỉ chuyên chiếu soi ánh sáng (Kiến phần),..v..v.....

 

4. Sự biến tướng của tâm thức

 

Tám tâm thức sở dĩ có sự hiểu biết không giống nhau là do bộ máy chứng tự chứng phần (căn thức) của mỗi tâm thức sai biệt nhau. Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại hiểu biết hình thức nhìn thấy thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên nhãn thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện nhìn thấy hình sắc của sự vật. Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại hiểu biết hình thức nghe tiếng thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên nhĩ thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện nghe tiếng của sự vật. Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại hiểu biết hình thức ngửi mùi thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên tỷ thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện ngửi mùi của sự vật. 

 

Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại hiểu biết hình thức nếm vị thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên thiệt thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện nếm vị của sự vật. Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại hiểu biết hình thức cảm xúc thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên thân thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện cảm xúc của sự vật. Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại hiểu biết hình thức nhận định thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên ý thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện phân biệt tánh chất, giá trị và ý nghĩa sự vật. 

 

Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại chấp trước thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên mạt na (ý) để hiểu biết vạn pháp về phương diện so đo. Bộ máy chứng tự chứng phần thuộc loại tàng trữ thì khiến cho dòng tâm thức biến thành tự chứng phần mang tên tạng thức (Alaya) để hiểu biết vạn pháp về phương diện xây dựng và bảo trì. 

 

Chú ý: Chứng tự chứng phần của bảy thức trước gọi là căn thức. Còn chứng tự chứng phần của tàng thức (Alaya) chính và vô minh nghiệp tướng.

 

Muốn biết rõ ý nghĩa bốn phần, hãy xem lại Khảo nghiệm duy thức học quyển I, mục Thành phần của tâm thức, trang 148 và Khảo nghiệm duy thức học quyển II, trang 65 và 67.

 

5. Nguồn gốc sinh ra tâm thức

 

a) Theo nhà duy thức, nguồn gốc sinh ra tự chứng phần của bảy tâm thức, từ mạt na thức thứ bảy, ý thức thứ sáu và cho đến năm tâm thức ở trước chính là tự chứng phần của thức A Lại Da thứ tám, nghĩa là kiến phần thức A Lại Da thứ tám phát sinh tác dụng từ tự chứng phần của chính thức này chạy vào an trụ trong chứng tự chứng phần của mỗi tâm thức biến thành tự chứng phần riêng của những thức đó để sinh hoạt hiểu biết vạn pháp. Cũng giống như kiến phần của thức A Lại Da phát sinh từ tự chứng phần của chính thức này chạy vào an trụ trong một chủng tử của giống nào thì biến thành thức dị thục của chủng tử giống đó làm nguyên nhân để sinh ra và kết thành quả dị thục hoa trái cho chủng tử của giống đó.

 

Thí dụ: điển hình như anh A quá yêu thích cô M, tối lại anh nằm mơ thấy cô M cùng anh đi dạo cảnh trên một chiếc xe Toyota. Những hình ảnh (ngã tướng) của anh A và của cô M cùng với những cảnh trí (pháp tướng) nơi cõi mộng chính là kiến phần thức A Lại Da của anh A tạo dựng theo nhu cầu để cho anh được toại nguyện. Chú ý, sáu tâm thức của anh A nơi cõi mộng chính là sáu tâm thức của anh A nơi cõi thực tại chung vào thân ngã tướng mộng của anh để sinh hoạt cùng với cô M nơi cõi mộng. Cho nên khi anh A tỉnh mộng vẫn còn nhớ rõ những kỷ niệm sinh hoạt với cô M nơi cõi mộng. 

Ngược lại cô M thực tế không biết rằng mình hiện đang có mặt và cùng sinh hoạt nơi cõi mộng kia với anh A, nguyên vì sáu tâm thức trong ngã tướng của cô M nơi cõi mộng của anh A kia không phải là sáu tâm thức của cô M hiện đang sinh hoạt nơi cõi thực tại. Sáu tâm thức trong ngã tướng của cô M nơi cõi mộng của anh A kia chính là do kiến phần sáu thức trước của anh A chung vào biến thành để cùng sinh hoạt với mình theo nhu cầu ao ước của anh. 

 

b) Nguồn gốc phát sinh ra tự chứng phần của tạng thức (Alaya) thứ tám chính là Tạng Như Lai. Theo Kinh Nhập Lăng Già, trang 1,2,3 giải thích: “Tạng Như Lai bị ác tập của vô minh từ vô thủy biến thành tạng thức (Tự chứng phần). Tạng Như Lai làm thể và thức tạng làm tướng... Tạng Như Lai có hai phần: Phần chân như môn và phần sinh diệt môn. Tạng Như Lai theo chân như môn thể tánh bình đẳng không sai biệt và theo sinh diệt môn biến tành tạng thức (Alaya) tùy theo duyên nhiễm tịnh biến hiện các pháp trong lục đạo”.

 

c) Theo nhà duy thức, tự chứng phần của tạng thức lấy tạng Như Lai làm thể và tự chứng phần của tạng thức chính là thức tướng của Tạng Như Lai. Còn Tạng Như Lai chính là trí tướng của chân tâm và lấy chân tâm làm thể. Tạng Như Lai còn có tên là Bát Nhã Vô Thượng Trí hay là Đại Viên Cảnh Trí.

 

Chú ý: Chân tâm thí dụ như gương soi mặt, Tạng Như Lai thí dụ như ánh sáng của gương soi mặt, Tất cả cảnh vật đều ảnh hiện phía trong gương và ngoài gương soi mặt không có cảnh vật nào ảnh hiện cả. Đây cũng vậy, tất cả pháp tánh của chư Phật trong mười phương nơi thế giới chân như và tất cả pháp tướng của tất cả chúng sinh nơi thế giới hiện tượng trong ba cõi đều sinh khởi phía trong của tâm chân như, cho nên Đại Thừa Khởi Tín Luận cho tâm chân như bao trùm cả thế giới chân như của các bậc Thánh và bao trùm cả thế giới mê vọng của các bậc phàm phu trong ba cõi. Sự bao trùm này của tâm chân như cả thế giới của các bậc Thánh và cả thế giới của các bậc phàm trong ba cõi cũng giống như khối nước biển cả bao trùm cả các loại giống cá sống trong nước, ngoài nước không có các loại giống cá nói trên.

 

d) Tạng Như Lai và tạng thức:

 

- Tạng nghĩa là tàng trữ, bảo trì và xây dựng muôn pháp ở trong. Tạng Như Lai là kho chứa thế giới pháp tánh chánh báo và y báo của mười phương chư Phật ở trong và xây dựng ba thân chánh báo (Pháp thân, báo thân, ứng hóa thân) cùng với những cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương mà Kinh Nhập Lăng Già gọi là “Chân như duyên khởi”. Chân như duyên khởi ba thân chánh báo và những cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương bằng phương pháp “Ảnh hiện trung” mà không phải bằng phương pháp “Duyên sinh” giống như tạng thức. 

 

Những chánh báo ba thân và những cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương ảnh hiện trong Tạng Như Lai cũng tương tự như những cảnh giới bên ngoài ảnh hiện trong tấm gương soi mặt, nên gọi là ảnh hiện trung mà không phải duyên sinh. Sự tác dụng duyên khởi các ba thân chánh báo và các cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương cũng tương tự như khối năng lượng của điện thể không gian hội tụ chuyển hóa thành tướng mặt trời để soi sáng thế gian.

 

- Tạng thức trong tự chứng phần cũng nghĩa là tàng trữ, là bảo trì và xây dựng muôn pháp trong ba cõi. Muôn pháp trong ba cõi đều được hiện hữu trong ruột của tạng thức và được bao bọc bởi tự chứng phần của chính thức này bảo trì, ngoài tạng thức này ra không có pháp duyên sinh nào hiện hữu và tồn tại cả. Các pháp duyên sinh ba cõi hiện hữu và tồn tại trong ruột của tạng thức nơi tự chứng phần cũng giống như loài người hiện hữu và tồn tại trong ruột không khí của vũ trụ cực hánh sắc nơi thế giới trần gian này. 

 

Tạng thức trong tự chứng phần chính là biến tướng từ tạng Như Lai cùng một bản chất với tạng Như Lai được gọi là trí đại viên cảnh của tâm chân như, trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn hay Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi là trí tướng của tâm chân như. tạng Như Lai chọn lấy tâm chân như làm bản thể của mình thì tạng thức cũng chọn lấy tâm chân như làm bản thể của mình, cho nên gọi tâm chân như là bao trùm cả các bậc Thánh và các cõi phàm. Tâm chân như là nguồn gốc sinh khởi các cảnh giới pháp tánh chân thật của chư Phật trong thế giới chân như, còn tạng thức là nguồn gốc sinh khởi các cảnh giới mê vọng sinh diệt trong ba cõi. Cho nên nhà duy thức cho tâm chân như là thuộc về thể tĩnh (Static state) và tạng thức là thuộc về thể động (Dynamic state), nguyên vì tạng thức chính là nguồn gốc sinh ra vạn pháp trong ba cõi và tạng thức cũng gọi là tâm địa của vạn pháp trong ba cõi nói trên.

 

Tạng thức bao trùm cả ba cõi nên gọi là tạng thức và ngoài tạng thức này ra ba cõi không thể hiện hữu, nên gọi tạng thức này là thức vô biên xứ. Tạng thức này thuộc về thể không của ba cõi, có khoảng không gian vô tận, là nơi dung chứa và sinh khởi vạn pháp trong ba cõi, cũng tương tự như khoảng không gian cực hánh sắc là thể không của địa cầu, chuyên chở và sinh khởi quả địa cầu hiện hữu tồn tại trong thế gian, cho nên tạng thức này cũng gọi là không vô biên xứ. Thế giới Vô Sắc là thế giới vọng hiện của thế giới pháp tánh chân như ảnh hiện trong tạng thức, cũng tương tự như thế giới mộng mơ chính là thế giới vọng hiện của thế giới thực tại trong tạng thức. 

 

Thức tạng thì thuộc về thức vô biên xứ và có khoảng không gian vô tận dung chứa vạn pháp của ba cõi ở trong nên gọi là không vô biên xứ, cho đến thế giới vọng hiện trong tạng thức cũng được gọi là vô sở hữu xứ. Ranh giới tự chứng phần của tạng thức và tạng Như Lai có khoảng không gian giữa chân và vọng, giữa tâm và thức, giữa ngộ và mê được gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ, cũng tương tự như khoảng không gian của quỷ đạo nằm giữa và không bị chi phối bởi hai áp suất của mặt trăng và của quả địa cầu chúng ta đang sống.

 

e) Vô minh có từ vô thủy

 

Vô thủy nghĩa là không có nguyên nhân đầu tiên. Vô minh nghĩa là tâm thức đối với các pháp bị mê mờ tối tâm không chút sáng suốt. Kinh Bản Nghiệp, quyển thượng giải thích: “Vô minh là tâm không hiểu rõ các pháp”. Trạng thái vô minh này cũng giống như tâm thức con người mộng mơ, chui vào thế giới mộng mơ lúc nào cũng không biết, đó gọi là trạng thái tâm thức bị vô minh làm cho mê mờ. Muốn rõ tánh chất vô minh như thế nào xin xem Khảo Nghiệm Duy Thức, quyển II, trang 127, của tác giả thì sẽ rõ hơn.

 

Vô Minh có từ vô thủy, nghĩa là vô minh không có nguyên nhân đầu tiên, đây là câu giải thích bao hàm ba ý nghĩa:

 

1) Nguồn gốc phát sinh vô minh chính là tất cả chủng tử hữu lậu trong ba cõi. Theo Khảo Nghiệm Duy Thức học, quyển II, trang 130, của tác giả giải thích: “Vô minh thì phát nguồn từ các chủng tử hữu lậu, có khả năng ảnh hưởng đến tạng Như Lai và ô nhiễm Tạng Như Lai trong chân như biến thành thức tạng (Thức Alaya).” Tất cả chủng tử hữu lậu đều do muôn loài chúng sinh trong ba cõi tạo nên. Điều này được giải thích trong Khảo Nghiệm Duy Thức học, quyển II, cũng trang 130 giải thích: “Tất cả chủng tử phiền não của muôn loài chúng sinh trong ba cõi nội kết trong tạng Như Lai biến thành vô minh nghiệp tướng”. Nhưng muôn loài chúng sinh có từ vô thủy thì vô minh cũng có từ vô thủy.

 

2) Vô minh nghiệp tướng có một năng lực gọi là hành (vô minh duyên hành). Hành của vô minh nghiệp tướng tạo thành bánh xe luân hồi trong ba cõi và xuất phát từ tâm điểm “O” của căn bản vô minh nghiệp tướng. Hành của vô minh nghiệp tướng thúc đẩy và cuốn trôi sinh mạng cá thể của muôn loài chúng sinh trong ba cõi cứ liên tục sống chết và chết sống trong cái vòng tròn bánh xe luân hồi của vô minh nghiệp tướng do năng lực Hành quay mãi không ngừng. Điều này được giải thích rõ trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I, trang 212 và 213 cùng một tác giả. Bánh xe luân hồi của vô minh nghiệp tướng không có điểm khởi đầu vì thế muôn loài chúng sinh cũng không có điểm khởi đầu cho nên muôn loài chúng sinh được gọi là có từ vô thủy.

 

3) Trong Phật giáo, có ba loại hiểu biết: Hiểu biết qua kiến văn giác tri, hiểu biết qua tư duy liễu ngộ và hiểu biết qua đạt đạo tu chứng.

 

- Hiểu biết qua kiến văn giác tri là hiểu biết của ý thức thứ sáu với sự hợp tác của năm tâm thức trước, đây là sự hiểu biết thuộc văn huệ.

 

- Hiểu biết qua tư duy liễu ngộ là hiểu biết của ý thức thứ sáu với sự phối hợp của tâm thức Mạt Na thứ bảy, đây là sự hiểu biết thuộc tư huệ.

 

- Hiểu biết qua đạt đạo tu chứng là hiểu biết của ý thức thứ sáu với sự cộng tác của tâm thức Mạt Na thứ bảy và tâm thức A Lại Da thứ tám, đây là sự hiểu biết thuộc tu huệ.

 

Sự hiểu biết của ý thức thứ sáu qua kiến văn giác tri thì không thể nào biết được vô minh có từ hồi nào. Sự hiểu biết của ý thức thứ sáu có sự cộng tác của tâm thức Mạt Na thứ bảy qua tư duy liễu ngộ thì hiểu biết mập mờ bởi văn kiện sách vở truyền thừa mà không thể trực diện được sự thật của sự kiện. Chỉ có sự hiểu biết của ý thức thứ sáu được sự cộng tác của hai tâm thức Mạt Na thứ bảy và A Lại Da thứ tám qua đạt đạo tu chứng thì mới biết được đích thực vô minh có từ hồi nào.

 

Thí dụ: Anh A và anh B gặp nhau trong thế giới mộng mơ, anh A hỏi anh B con người thiệt của mình như thế nào? Anh B trả lời với anh A rằng: Chúng ta thức tỉnh thì sẽ rõ, tôi không thể giải thích cho anh hiểu được. Chúng ta thức tỉnh thì sẽ rõ chính là chúng ta đạt đạo tu chứng.

 

Thì đây cũng vậy, theo Phật giáo, chúng sinh trong ba cõi đều thuộc về đại mộng của thế giới chân như pháp tánh. Do đó chúng ta không thể nào thấu triệt được vô minh có từ hồi nào. Chúng ta khi nào thành Phật chứng ngộ thì mới biết rõ sự xuất hiện đầu tiên của vô minh. Để đáp ứng một phần nào sự nghi vấn của chúng sinh, đức Phật giải thích tạm thời là vô minh có từ vô thủy.


Thích Thắng Hoan
Còn nữa...

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...