Danh sách bài viết

ĐẠO GIÁO (1): NHỮNG NỀN TẢNG HÌNH THÀNH

Cập nhật: 27/12/2017

Đạo giáo là một tôn giáo lớn xuất phát từ Trung Quốc và có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Do thiếu các kiến thức về Đạo giáo hoặc chỉ nhìn nhận Đạo giáo một chiều nên chúng ta thường lầm tưởng rằng Đạo giáo không có ảnh hưởng lớn bằng Nho giáo và Phật giáo, nhưng trên thực tế, tôn giáo này có nền tảng lâu đời và cách phát triển phức tạp, đặc biệt là khi được truyền tới Việt Nam. Do đó, tôi xin phép được viết một loạt bài về Đạo giáo mang tính chất giới thiệu và đối chiếu, so sánh về tôn giáo này để các bạn đọc có thể có những nhận định chính xác hơn, qua đó cũng có thể hiểu hơn các phong tục và tín ngưỡng của người Việt hiện nay.

Tổ chức Đạo giáo đầu tiên tại Trung Quốc

Với một cái nhìn khái lược, chúng ta thường cho rằng Đạo giáo được hình thành từ những người sùng tín luận thuyết của Lão Tử và Trang Tử. Nhưng trên thực tế, tổ chức Đạo giáo đầu tiên được thành lập cách thời đại Lão Tử (thế kỷ IV TCN) và Trang Tử ( khoảng 365 – 290 TCN) khá xa. Tổ chức Đạo giáo ấy có tên là Ngũ đấu mễ đạo, có nghĩa là mỗi người gia nhập tôn giáo này phải nộp năm đấu gạo. Tổ chức này còn có tên gọi khác là Thiên Sư đạo hay Chính nhất đạo hoặc Mễ vu. Trước Ngũ đấu mễ đạo, những phương pháp tu luyện hay các triết thuyết đã xuất hiện nhưng chưa hình thành tổ chức. (1)

Người sáng lập Ngũ đấu mễ đạo là Trương Lăng (34 – 156), hậu duệ của Trương Lương, vị quân sư có công giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang lên ngôi. Chỉ bắt đầu từ Trương Lăng, Lão Tử mới được tôn là thiên sư và được gọi là Thái thượng lão quân. Ông đã kết hợp Đạo Đức Kinh với Hà Đồ, Lạc Thư và các quan niệm về thiên văn, địa lý cổ xưa của Trung Quốc. Theo sách Đạo kinh của Ngũ đấu mễ đạo thì Trương Lăng đã được đích thân Thái Thượng Lão quân truyền đạo và trao nhiệm vụ cứu đời. Quy mô của Ngũ đấu mễ đạo ngay từ thời mới thành lập đã rất lớn, có đến 24 tổ chức giáo khu.

Hậu duệ của Trương Lăng là Trương Lỗ, chiếm cứ vùng Hán Trung, đặt hiệu là “Sư quân”, giáo dân theo rất đông. Họ tu luyện theo lối cầu nguyện và cấm uống rượu. Chiến đến năm 215, khi Tào Tháo đánh chiếm Hán Trung thì giáo dân ở khu vực này mới bị dời đi, nhưng Trương Lỗ vẫn được phong tước dưới sự bảo trợ của Tào Tháo, thậm chí Trương Lỗ và Tào Tháo còn kết thông gia. Chính do sự di dời giáo dân này mà Ngũ đấu mễ đạo càng được truyền bá rộng rãi ở khu vực phía Nam và Tây Nam Trung Quốc. (2)

Chịu ảnh hưởng của Ngũ đấu mễ đạo đặc biệt phải kể đến Thái Bình đạo được sáng lập dưới thời Hán Linh Đế (168 – 172). Thái Bình đạo một phần chịu ảnh hưởng của Ngũ đấu mễ đạo, một phần kết hợp với các tín ngưỡng trước đó ở phía Đông Trung Quốc. Ban đầu Thái Bình đạo do Vu Cát thành lập nhưng chỉ đến khi Trương Giác truyền đạo thì mới có sức ảnh hưởng lớn. Giáo pháp của Trương giác dựa trên tư tưởng Hoàng Lão, kết hợp thuyết âm dương ngũ hành với các loại bùa chú và tục thờ kính thần Trung Hoàng Thái Nhất. Trương Giác lấy nước bùa để trị bệnh khiến số lượng tín đồ gia tăng đột biến. (3) Sau đó Trương Giác khởi nghĩa mà sử gọi là Giặc Khăn Vàng. Cuộc khởi nghĩa này đã làm lung lay nền móng của nhà Hán. (4)

Nền tảng giáo lý của Thái Bình đạo được viết ra bởi Vu Cát. Ghi chép về Vu Cát trong lịch sử không có nhiều, chỉ biết rằng ông chính là người sáng tác quyển Thần Thư hay còn được gọi là Thái Bình Kinh và Trương Giác có khả năng là đệ tử của ông. Câu chuyện về Vu Cát được ghi chép lại trong Tam Quốc Chí về mâu thuẫn của ông với thủ lĩnh Đông Ngô lúc bấy giờ là Tôn Sách. Qua đó, ta có thể biết được rằng Vu Cát cũng có phương thức sử dụng bùa chú và trị bệnh giống với Trương Giác. (5) Vu Cát bị Tôn Sách buộc tội, muốn chém đầu, khi các tướng xin tha, Tôn Sách nói: “Trước kia người quận Nam Dương là Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu (tức miền Bắc Việt Nam hiện nay), vứt bỏ điển huấn của thánh hiền ngày trước, phế bỏ pháp luật của nhà Hán, thường buộc khăn đỏ che búi tóc, đánh trống gẩy đàn đốt nhang, đọc sách đạo tà tục, nói là để trợ giúp giáo hóa, rút cục bị người Di phương nam giết chết. Việc đấy rất vô ích, các ngài còn chưa thấu hiểu thôi” (5). Qua lời của Tôn Sách, ta có thể thấy rằng Thái Bình đạo có nhiều màu sắc phù thủy mà Trung Quốc vẫn gọi là Vu thuật. Ở những phần sau, tôi sẽ trình bày kỹ lưỡng hơn về Vu thuật.

Ngũ đấu mễ đạo và Thái bình đạo đều có ảnh hưởng lớn đến phong cách sau này của các nhánh Đạo giáo. Thái Bình đạo ảnh hưởng đến cách ăn mặc áo vàng mũ vàng của đạo sĩ, quan niệm về thuật số, việc sử dụng trượng cửu tiết. Minh giáo thời Tống- Nguyên và Bạch Liên Giáo thời Thanh đều được gây dựng dựa trên nền tảng của Thái Bình Đạo. Ngũ đấu mễ đạo còn có ảnh hưởng lâu dài hơn. Các hào môn sĩ tộc thời Tấn mà điển hình là Vương Hi Chi, Tạ Linh Vận đều theo đạo này. Thậm chí, Ngũ đấu mễ đạo còn phát động cuộc nổi dậy “Trường sinh nhân” vào thế kỷ IV, góp phần gây dựng thế lực tạo nên nhà Đông Tấn. (2)

Các nền tảng cổ xưa của Đạo giáo

Cho đến nay, để định nghĩa một cách rõ ràng về Đạo giáo là rất khó. Đạo giáo thường bị đồng nhất với Đạo gia, tức một trường phái tư tưởng thời Tiên Tần với các triết thuyết của Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử… Thế nhưng Đạo giáo không hoàn toàn là giáo phái hoạt động giống như các Đạo gia Tiên Tần, thay vì đó các đạo sĩ đời sau kết hợp với Phương tiên đạo, Vu thuật và các tín ngưỡng dân gian Trung Quốc để hình thành nên Đạo giáo.

Phương Tiên đạo là khởi nguồn của tín ngưỡng Đạo giáo Thần tiên. Phương Tiên Đạo khởi phát từ vùng biển nước Yên, nước Tề thời Chiến quốc. Đây là một tôn giáo thờ quỷ thần (6). Ở thời đại của Trang Tử, phương thuật rất được ưa chuộng (7). Theo quan niệm của phương thuật, ở ngoài biển có ba ngọn núi thần là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Các ngọn núi ấy có tiên và thuốc trường sinh bất lão. Dưới thời Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế, phương thuật rất phát triển. Các phương sĩ thường giúp hai vị vua này luyện đan, tìm thuốc trường sinh bất lão. Khái niệm “Tiên” cũng được đề cập đến trong quan niệm của phương thuật.

Dưới thời Hán Vũ Đế, Hoài Nam vương Lưu An cho soạn bộ Hoài Nam Hồng Liệt đã đem dâng cho vua. Hán Vũ Đế rất tán thưởng. Sách này vốn do các tân khách của Lưu An cùng nhau biên soạn, bao gồm 21 thiên. Sách là tập hợp của tư tưởng vô vi của Lão Trang, pha trộn với Nho gia, Pháp gia, Âm dương gia kết hợp với các truyền thuyết cổ đại Trung Quốc. Các tích của Đạo giáo và truyền thuyết mà chúng ta đều quen thuộc ngày nay như Nữ Oa vá trời, Hậu Nghệ bắn mặt trời, vua Vũ trị thủy, Hằng Nga bay lên mặt trăng…v…v… đều được lưu lại trong Hoài Nam Hồng Liệt. (8)

Hán Vũ Đế có chủ trương độc tôn Nho giáo, vu thuật (hình thức cầu đảo quỷ thần, yểm bùa, giải điềm, giải mộng…) bị cấm, thế nhưng phương sĩ vẫn có địa vị rất cao. Một nhân vật rất nổi tiếng thời đó là Đông Phương Sóc. “Sử ký” có chép về Đông Phương Sóc trong “Hoạt kê truyện” như một người thông kinh bác cổ và có xu hướng Nho giáo. Đông Phương Sóc luôn biết cách nói chuyện để vừa lòng nhà vua. Người tu tiên đạo rất tôn sùng Đông Phương Sóc, nhiều nơi dựng tượng thờ ông trong các đạo quán, đồng nhất ông với ông Thọ trong Tam Tinh,  lại còn có thuyết về việc Đông Phương Sóc gọi Tây Vương Mẫu đến trò chuyện với Hán Vũ Đế. Thế nhưng, trong “Hoạt kê truyện”, màu sắc thần bí này ở Đông Phương Sóc không hề được ghi lại. Trên thực tế, Đông Phương Sóc có xu hướng bài trừ các chiêu trò mê tín của phương sĩ và vu thuật. Có một khả năng rằng các đạo sĩ đã nhầm lẫn và đồng nhất Đông Phương Sóc với Đông Quách tiên sinh, một phương sĩ tự tiến thân với tướng quân Vệ Thanh. Vị phương sĩ này nhờ bày mưu giúp Vệ Thanh đã được Vệ Thanh tiến cử làm quan. “Hoạt kê truyện” cho biết Đông Phương Sóc bị bệnh mất sớm, có để lại lời trăn trối về trị quốc cho Hán Vũ Đế, nhưng không thấy ghi chép về cái chết của Đông Quách tiên sinh. Trong khi ấy, tiên đạo luôn cho rằng Đông Phương Sóc sống lâu hơn trăm tuổi nên mới đồng nhất với Thọ tinh. (9)

Dựa trên các mô tả về phương thuật, ta có thể thấy rằng Thái Bình đạo và Ngũ đấu mễ đạo, những tổ chức tiền thân của Đạo giáo đều tiếp thu phương thuật trong cách thức tu luyện của mình. Vào thời Đường và thời Tống, Đạo giáo ngày càng phát triển hơn và có những phân nhánh phức tạp. Tôi sẽ viết về những phân nhánh này ở các bài sau.

Vu thuật hay Vu giáo là tín ngưỡng cổ xưa của người Trung Hoa. Vu thuật thường được mô tả là người đàn bà thực hiện các nghi lễ nhảy múa để cầu các đấng linh thiêng hiển linh thông qua bản thân. Vu thuật còn đảm nhiệm các nhiệm vụ chiêm bốc, bói toán, cầu đảo quỷ thần để cầu phúc… Tín ngưỡng từ thời Thương – Ân đã cực thịnh, đến đầu thời Hán vẫn được ưa chuộng, nhưng từ thời Hán Vũ Đế thì Vu thuật bị mất vị thế chính trị(10). Ngoài các nữ Vu sư đảm nhiệm nghi lễ, rất nhiều các Vu y hành nghề y thuật trên giang hồ và được dân gian tôn sùng. (11) Vu Cát và Trương Giác đều có cách thức hoạt động giống với các Vu y, cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa Thái Bình đạo và Vu thuật. Xét về hình thức hoạt động, Vu thuật hay Vu giáo khá tương đồng với Đạo Mẫu ở nước ta.

Các truyền thuyết và thần thoại dân gian là lớp văn hóa tạo nên sự phong phú cho các tích truyện Đạo giáo. Đây là những câu chuyện được kể từ thời thượng cổ với các vị thần như Hiên Viên Hoàng Đế, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Chuyên Húc, Thiếu Hạo… hay các vị tiên xuất hiện sau thời Hán như Đông Du Bát Tiên, hoặc các danh tướng và danh thần được nhân dân yêu mến. Những câu chuyện về các vị thần được ghi chép lại qua hai tư liệu quan trọng thời Tiên Tần là “Sơn hải kinh” và “Thượng Thư”. Còn các sự tích về các vị tiên thì được truyền miệng hoặc qua rất nhiều cuốn sách của các chi phái Đạo giáo.

“Sơn Hải Kinh” tương truyền được viết ra từ thời Hạ Vũ bao gồm văn bản và các đồ hình. Thời Hán, sách đã được đưa vào chương trình học, như một loại sách giáo khoa sử địa ngày nay. Vào thời Tam Quốc,  “Sơn Hải Kinh” không hiểu vì lý do gì đã hoàn toàn thất lạc. Rất nhiều năm sau, thời Tống, Minh, Thanh, Trung Hoa Dân Quốc, nhiều người đã sưu tầm, lưu giữ, chắp nối từng phần nhỏ cuốn “Sơn Hải Kinh” để nghiên cứu và cho ra đời nhiều bản chú giải khác nhau. Những văn bản này không những thiếu thốn, ít tính chính xác mà còn không lưu giữ được các đồ hình gốc và toàn do người đời sau vẽ lại. “Sơn Hải Kinh” ghi chép về các vùng đất kỳ lạ, các câu chuyện yêu ma kỳ dị, các dân tộc, các vật quý… Những sự tích như “Khoa Phụ đuổi mặt trời”, “Tinh Vệ lấp biển”, Cộng Công và Chúc Dung… đều được ghi chép tại đây. Văn bản sớm nhất được biết đến nay là “Sơn Hải Kinh chú” được viết đời Tấn. (12)

“Thượng Thư” có nguồn gốc rõ ràng hơn “Sơn Hải Kinh”. “Thượng Thư” chính là Kinh Thư do Khổng Tử chỉnh lý. “Thượng Thư” là cuốn sách rất quan trọng bởi nó ghi chép lại các cuộc đối thoại, các quyết định của những vị thủ lĩnh thời kỳ đầu văn minh Hoa Hạ là Hạ, Thương, Chu. Những tích “Đại Vũ trị thủy”, Nghiêu – Thuấn, Hạ Khải đặt nhạc, Khương Tử Nha phò Chu diệt Trụ…v…v… đều được ghi chép trong sách này. Tương truyền, sách đã bị mất tích trong thời Tần Thủy Hoàng nhưng lại được một người tên là Phục Thắng học thuộc mà chép lại. Sau đó, một văn bản khác được viết bằng Triện thư được phát hiện dưới thời Hán Vũ Đế từ trong vách nhà cũ của Khổng Tử. Cả hai bản này đến thời Tây Tấn đều mất sau biến loạn Tam Quốc. Đến thời Đông Tấn, một văn bản khác của Thượng Thư lại được dâng lên bởi hậu duệ xa của Khổng Tử nhưng đều bị các học giả đời sau đánh giá là “ngụy Khổng bản” (bản giả của Khổng Tử). (13)

Mặc dù gặp rất nhiều nghi vấn về độ khả tín của hai văn bản này, nhưng những khái niệm, những sự tích, những địa danh… được lưu trong hai văn bản này đã trở thành chứng lý cho các thuyết của Đạo giáo, đặc biệt là tiên đạo.

Quan niệm siêu hình cổ đại cũng là một yếu tố dân gian quan trọng xuất hiện trong Đạo giáo. Có thể nói, những quan niệm siêu hình cổ đại này đã hình thành nên nhãn quan của các đạo sĩ, chi phối cách tư duy và hành xử của họ. Quan niệm siêu hình cổ đại của người Trung Quốc bao gồm các khái niệm về âm dương, về ngũ hành, về quy luật chi phối vạn vật (đạo), về thời gian (thiên văn) và không gian (phong thủy), về số mệnh con người (Chu dịch, chiêm bốc, thiên can địa chi…). Những khái niệm này đều xuất hiện từ thời Tiên Tần, và có thể xa xưa hơn – thời thượng cổ. Các phương sĩ và sau này là các đạo sĩ đều sử dụng các khái niệm ấy làm nền tảng lý luận cho giáo lý và phương pháp thực tập của mình.

Quan niệm cổ xưa nhất có thể kể đến là phong thủy. Phong thủy có từ bao giờ thì không ai dám chắc, nhưng cho đến nay phong thủy vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tư duy quy hoạch đô thị, xây nhà, xây mộ của người Trung Hoa. Những dấu vết của phong thủy sơ khai được tìm thấy trong một mộ táng tại Tây Thủy Pha, huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều cách đây 6500 năm. Trong mộ táng có một người đàn ông được chôn đầu ở hướng Nam, chân ở hướng Bắc, hai bên phải trái là hình rồng và hình hổ được xếp tỉ mỉ bằng vỏ sò theo thế “Đông Thanh Long, Tây Bạch Hổ” (14). Mộ táng là minh chứng cho sự lâu đời của quan niệm phong thủy.

Các đạo sĩ đều có lối suy nghĩ dưa trên dịch số với các quan niệm về Thái Cực, Âm Dương, Tứ Tượng, Bát Quái. “Kinh Dịch” có nền tảng từ Hà Đồ và Lạc Thư. Hà Đồ và Lạc Thư là cách bố trí các quẻ. Hà Đồ có từ thời Phục Hy, Lạc Thư xuất hiện ở thời Hạ Vũ. Từ hai đồ hình này bắt đầu xuất hiện cách quy ước vạch liền là Dương, vạch đứt là Âm trong Dịch. Dịch thể hiện cho các sự biến chuyển của dòng thời gian, dòng sự kiện. Sau này, vào cuối đời Ân, Cơ Xương (Chu Văn Vương) đã sáng tạo ra Hậu thiên bát quái. Đến thời Khổng Tử, Dịch được chú giải trong “Kinh Dịch”. Như vậy, Kinh Dịch là một tổ hợp sáng tạo của dân gian, được chỉnh lý và bổ sung bởi các học giả. Biểu tượng thường thấy của Đạo giáo là Thái cực đồ (vòng Âm dương) ở bên trong của vòng Bát quái xuất phát chính từ “Kinh Dịch”, một trước tác của Nho học. “Ngũ hành tương sinh tương khắc” lại là một hệ thống khái niệm có trước âm dương. “Sử ký”, quyển “Ngũ Đế bản kỷ” viết rằng “Hoàng Đế bèn nghiên cứu khảo sát xác định các ngôi sao, kiến lập Ngũ hành”. Tuy nhiên, giống như nhiều ghi chép về thời thượng cổ, nhận định này của “Sử ký” không có đủ cơ sở chứng lý.

Tương tự như vậy, các quan niệm về bầu trời sao, dòng thời gian (thiên can địa chi)… của người Trung Hoa cũng được nhắc rất nhiều trong Đạo giáo. Từ đời Tử Giáp Vi, ông tổ thứ 7 của người sáng lập nhà Thương (Thành Thang) đã đặt ra lệ sử dụng Thiên can để đặt thụy hiệu cho các thủ lĩnh tộc này. Điều đó cho thấy quan niệm Thiên Can đã xuất hiện từ cổ xưa(15). Các thuật tính Thiên Can, Địa Chi giúp đạo sĩ tính toán giờ tốt xấu trong quá trình hành nghề và tu đạo; cũng là căn cứ cho các hình thức chiêm tinh Trung Hoa như Tử Vi và Tử Bình.

Tín ngưỡng thờ tổ tiên và tục sùng bái thần linh cho thấy cái nhìn về linh hồn của người dân Trung Quốc đồng nhất với toàn bộ các nền văn hóa trên thế giới. Người Trung Quốc cũng cho rằng có đời sống linh hồn sau khi chết và có nhiều linh hồn sẽ đóng vai trò là thần, tiên. Nếu Vu thuật sử dụng niềm tin này để cầu gọi, để xin chỉ dẫn thì các đạo sĩ chỉ dừng ở việc nhận thức. Thỉnh thoảng các vị thần tiên sẽ xuất hiện để hướng dẫn tu học đạo như trường hợp Thái thượng lão quân hướng dẫn Trương Lăng học phép rồi lập ra Ngũ đấu mễ đạo, nhưng gần như rất ít can dự vào đời sống chính trị, xã hội của nhân gian. Các vị thần tiên này bao gồm các vị thần thời thượng cổ được kể lại trong truyền thuyết, các nhân vật đắc đạo, các danh tướng và danh sĩ…v…v… và cũng có thể là các ác linh. Đối với các ác linh hay oan hồn, các đạo sĩ thường làm luôn nhiệm vụ tổ chức lễ tế để trừ giải (16). Trước đây, nhiệm vụ này vốn là của vu sư nhưng khi vu thuật bị cấm, các đạo sĩ đảm nhiệm luôn công việc giao tiếp với thế giới linh hồn và giải trừ các ác linh.

Đạo dẫn khí và thuật nội đan không rõ có từ bao giờ nhưng đã được các phương sĩ và sau này là các đạo sĩ sử dụng. Thuật nội đan là cách hành khí mô phỏng luyện đan. Trước đó có thuật ngoại đan từ thời Chiến quốc hoặc xa hơn (17). Thuật nội đan được cho là do Thanh Hà tử Tô Huyền Lãng đời Tùy đề ra, nhưng từ thời Đông Hán, các ghi chép như “Lão Tử minh”, “Tiên nhân Vương tử Kiều bi”, “Bão Phác tử” đã nhắc tới khái niệm “đan điền” (Từ “đan” trong “nội đan”, “ngoại đan”. Thuật nội đan coi trời đất như lò luyện đan lớn còn bản thân là một lò luyện đan nhỏ, trong đó việc luyện khí hóa thần như luyện đan) (18). Tuy nhiên, các phương pháp tu luyện dẫn khí đã có từ trước.

Khí là một khái niệm rất mơ hồ, rất khó định nghĩa. Khí trong Đạo giáo không hẳn là không khí mà chúng ta hít thở nhưng phương pháp thực tập lại liên quan đến hít thở. Phương pháp dẫn khí này về nguyên lý khá giống với Yoga Ấn Độ, nhưng sẽ khác nhau về cách dẫn và tư thế. Nhiều người sùng tín Ấn Độ thường cho rằng chỉ từ khi Bồ Đề Đạt Ma vào Trung Quốc, người Trung Quốc mới biết dẫn khí. Đây là quan niệm sai lầm. Bồ Đề Đạt Ma sinh sống trong khoảng thế kỷ thứ 4 và thế kỷ thứ 5, trong khi Thái Bình kinh của Vu Cát từ thế kỷ thứ 2 đã viết “Người muốn sống lâu cần phải thụ nhận khí, tôn thờ thần, coi trọng tinh” (19). Xa xưa hơn, phép hành khí được nhắc đến trong các triết gia Tiên Tần. Liệt tử trong “Xung hư chân kinh” viết: “Trời chỉ chứa cái khí, không chỗ nào không có khí, anh hô hấp co duỗi, suốt đời vận động trong cái khí của trời đất đó” (20). Trang Tử trong “Nam Hoa Kinh” thì mô tả về Liệt Tử như sau: “Đến như thuận theo cái chính của Trời Đất, nương theo cái biến của lục khí mà rong chơi trong cõi vô cùng: thì đó đâu còn phải chờ đợi cái gì nữa” (21). Các văn bản này cho thấy “khí” là khái niệm đã có từ lâu đời tại Trung Hoa chứ không phải chỉ xuất hiện sau sự du nhập của Phật giáo. Sách viết kỹ lưỡng về nguyên lý của khí dựa trên âm dương có “Hoàng Đế nội kinh tố vấn”, một trước tác căn bản của y thuật và tu luyện Á Đông.

Bao trùm tất cả là khái niệm Đạo của học phái Đạo gia. Khái niệm “Đạo” mà chúng ta quen thuộc xuất phát từ “Đạo Đức kinh” của Lão Tử. Lão Tử cho rằng Đạo bao trùm vạn vật và đề xướng lối sống thuận theo Đạo. Nhưng Lão tử là ai, có xuất xứ như thế nào thì cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Thậm chí, coi Lão Tử như người khởi đầu của quan niệm về Đạo cũng còn nhiều điều bất hợp lý. Trang Tử, vị triết gia vẫn được gán với Lão Tử lại không hề nhắc đến Lão Tử trong trước tác Nam Hoa Kinh của mình mà chỉ nhắc đến Liệt Tử “cưỡi trên lục khí để ngao du thiên hạ”. Liệt Tử cũng nhắc đến Đạo: “Có một vật sinh ra các vật khác mà không được vật nào sinh ra cả, biến hóa các vật khác mà tự nó không biến hóa. Vậy cái được sinh ra có thể sinh (làm chủ tể) các vật được sinh ra, cái không biến hóa có thể biến hóa (làm chủ tể) cái biến hóa. Mà cái được sinh ra không thể không sinh ra cái khác, cái được biến hóa không thể không biến hóa, do đó mà sinh sinh hóa hóa hoài, không thời nào không sinh, không thời nào không hóa. Do đó có âm dương, bốn mùa. Cái không được sinh ra có thể là duy nhất, vô thủy vô chung; cái không biến hóa thì qua lại không cùng; cái đạo của cái duy nhất không thể dò được” (22). Niên đại của Liệt Tử không rõ ràng, nhưng qua ghi chép của Trang Tử và sự việc Trang Tử không nhắc đến Lão Tử thì có khả năng rằng “Đạo” là một quan niệm phổ quát ở thời Chiến Quốc. Với ý nghĩa bao trùm này, Đạo là điểm quy tụ của tất cả các tín ngưỡng khác của người Trung Hoa để hình thành nên Đạo giáo.

Như vậy, nhìn một cách tổng thể, Đạo giáo là sự kết hợp giữa các tín ngưỡng dân gian, triết lý dân gian, các thần tích dân gian với các tư tưởng của học phái Đạo gia như Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử… Không thể đánh đồng Đạo giáo với Đạo gia bởi vì như vậy khiến Đạo gia bị nhuốm màu sắc mê tín đồng thời cũng khiến Đạo giáo bị què cụt, khiếm khuyết do thiếu đời sống dân gian. Đạo giáo liên tục biến hóa muôn màu muôn vẻ ở mỗi địa phương, mỗi thời đại và khiến cho tôn giáo này ăn sâu vào tâm thức của người dân dù cho uy thế không được như đạo Nho mà sự phổ độ cũng không bằng đạo Phật.

Hà Thủy Nguyên

CHÚ THÍCH:

(1) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 390)
(2) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 393)
(3) Hậu Hán thư, phần Hoàng Phủ tung truyện chép: “Giác tự xưng là Đại Hiền lương sư, thờ đạo Hoàng Lão, nuôi dưỡng đệ tử, dạy phép quỳ bái, lấy phù chú nước thải trị liệu bệnh tật, người bệnh cũng có khi hơi khỏi, nhân dân tin tưởng theo. Thờ phụng cả Thái bình thanh lĩnh thư, tức Thái Bình kinh. Để thi hành ý Thái Bình nên gọi tên đạo là Thái Bình đạo”. (Dịch: Nguyễn Tôn Nhan)
(4) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 395)
(5) Quyển “Tôn phá Lỗ thảo nghịch truyện”, trích trong phần “Ngô thư”, sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ (Biên dịch Bùi Thông)
(6) Phần “Phong thiện thư” của sách Sử ký viết: “Từ đời Uy vương, Tuyên vương nước Tề… bọn Tống Vô Kỵ, Chính Bá Kiều, Sung Thượng, Tiểu Môn Cao cuối cùng đều là người nước Yên, theo Phương Tiên đạo, thu thuật hình giải tiêu hóa, dựa vào thờ quỷ thần” (Dịch: Nguyễn Tôn Nhan)
(7) Trang Tử viết trong “Thiên hạ thiên”: “Người theo phương thuật trong thiên hạ nhiều lắm vậy” (Dịch: Nguyễn Tôn Nhan)
(8) Đọc thêm về Hoài Nam Tử và sách Hoài Nam Hồng Liệt: https://nghiencuulichsu.com/2016/11/04/sach-hoai-nam-tu-va-cai-chet-cua-luu-an/ 
(9) Tư Mã Thiên (145-86 TCN) là quan Thái sử dưới thời Hán Vũ Đế (156 – 87 TCN), tức là người cùng thời với Đông Phương Sóc, cho nên ghi chép của ông có độ khả tín cao hơn so với các thuyết truyền miệng của Đạo giáo. 
(10) Đọc thêm về Vu thuật:  https://nghiencuulichsu.com/2017/01/03/ban-ve-vu-va-vu-thuat-trong-dan-gian-thoi-luong-han/ 
(11) Sách “Mạnh Tử” do Triệu Kỳ chú giải viết: “Vu Sư cầu xin cho người, có lợi cho cuộc sống người ta”. “Sơn hải kinh” cũng kể về các thần y cổ đại là các Vu y như Vu Bành, Vu Dương, Vu Lý… (Nguyễn Tôn Nhan dịch)
(12) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 264)
(13) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 278)
(14) Trích “Phong thủy cổ đại Trung Quốc, lý luận và thực tiễn”,Vu Hy Hiền & Vu Dũng (Phần 3, tr85)
(15) Chi tiết này được ghi lại trong “Trúc thư kỷ niên”, văn bản được ghi trên giáp cốt được chôn cùng Ngụy Tương Vương (chết năm 296 TCN), chôn ở huyện Cấp (Hà Nam). Văn bản được phát hiện vào năm 281 thời Tấn Vũ Đế.
(16) Kinh điển Đạo giáo “Văn kíp thất thiêm” có ghi chép về các phép thuật tế chay để giải trừ oan hồn biến thành ma ám. Đoạn ghi chép kể về đạo sĩ La Công Viễn giúp một người giàu tên là Lý Thừa Tự giải trừ oan hồn của người vợ và người con đã bị ông ta bỏ thuốc độc giết chết. La Công Viễn khuyên Lý Thừa Tự dựng đạo tràng Hoàng lục ba ngày ba đêm, nhờ thế mà oan hồn không về báo mộng nữa. 
(17) Thuật ngoại đan là luyện các khoáng chất thành thuốc với niềm tin rằng thuốc này có thể giúp trường sinh bất tử hoặc trị các loại bệnh. Từ thuật ngoại đan chính là thuật giả kim của người Trung Hoa. 
(18) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 632)
(19) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 442)
(20) Trích bản dịch “Xung hư chân kinh” trong phần 2 sách “Liệt tử – Dương tử” của Nguyễn Hiến Lê (tr 78)
(21) Trích từ chương “Tiêu dao du” trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, bản dịch Thu Giang Nguyễn Duy Cần: http://bookhunterclub.com/tieu-dao-du-trich-nam-hoa-kinh-trang-tu/ 
(22) Trích bản dịch “Xung hư chân kinh” trong phần 2 sách “Liệt tử – Dương tử” của Nguyễn Hiến Lê (tr 72)

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...