Cập nhật: 29/12/2017
Khi nghe chữ “thiền” thì nhiều người có những ý niệm khác nhau. Đối với một số người thì thiền tạo ra hình ảnh của một số pháp tu huyền bí mà bằng cách nào đó, bạn đi đến một cõi giới khác hẳn trong tâm trí. Đối với một số người khác thì thiền có thể tạo ra ý tưởng về một loại kỷ luật nào đó mà chỉ có một số người áp dụng ở Á châu. Nhưng nếu muốn xem xét kỹ lưỡng hơn về thiền thì chúng ta cần nêu ra thắc mắc, và dĩ nhiên, phải trả lời ba câu hỏi: Thiền là gì? Tại sao tôi lại muốn hành thiền? Tôi sẽ hành thiền bằng cách nào? Thiền Là gì? Câu hỏi đầu tiên là: Thiền là gì? Thiền là một phương pháp tự rèn luyện mình để có được tâm trạng hay thái độ hữu ích hơn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách phát khởi một tâm thái nào đó nhiều lần, để quen thuộc với tâm thái đó và khiến cho nó trở thành một tập khí. Dĩ nhiên, có nhiều tâm thái và thái độ hữu ích khác nhau. Một tâm thái có thể là thư thái hơn, ít căng thẳng và lo lắng hơn; tâm thái khác có thể là tập trung tinh thần nhiều hơn, hoặc một tâm thái trầm lặng hơn, không có sự lo âu và những ý nghĩ triền miên. Một tâm thái khác có thể là thấu hiểu nhiều hơn về bản thân, về cuộc sống và vân vân; và một tâm thái khác có thể là chứa đựng nhiều lòng từ bi đối với kẻ khác. Vì vậy, có nhiều loại tâm thái hữu ích mà chúng ta có thể đạt được bằng cách hành thiền. Mục đích của Thiền là gì ? Câu hỏi thứ hai là: Tại sao tôi lại muốn phát khởi những tâm thái này? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào hai yếu tố: Thứ nhất, tôi đang nhắm vào mục đích gì đây? Thứ hai, từ khía cạnh cảm xúc, tại sao tôi lại muốn đạt được mục đích này? Ví dụ, tại sao tôi lại muốn tâm mình bình tĩnh và sáng suốt hơn? Lý do hiển nhiên là vì ta sẽ bồn chồn khi không bình tĩnh; điều này gây cho ta nhiều bất hạnh và ngăn trở việc sinh hoạt một cách tốt đẹp nhất. Tâm thức rối loạn cũng có thể có tác động xấu đến sức khỏe; nó có thể gây ra hoặc làm cho các vấn đề trong gia đình trở nên trầm trọng hơn, làm tổn thương các mối quan hệ khác; có thể tạo ra khó khăn cho ta ở công sở. Vì vậy, với ví dụ này, mục đích của chúng ta là vượt qua được phần nào các khiếm khuyết, phần nào của vấn đề, về cả hai mặt, tinh thần lẫn cảm xúc. Chúng ta quyết định phải vượt qua vấn đề đó bằng kỷ luật, nhờ việc hành thiền. Trạng thái cảm xúc nào thúc đẩy ta bắt đầu việc hành thiền? Chúng ta có thể đã hoàn toàn chán ngấy và kinh tởm trạng thái khó chịu này. Vì vậy, ta tự nói với mình, “Vậy là đủ rồi. Mình phải thoát khỏi tình trạng này. Mình cần phải làm điều gì đó.” Và nếu mục đích của chúng ta là giúp đỡ cho những người thân yêu của mình nhiều hơn chẳng hạn, thì khi đó, cảm xúc của ta sẽ là lòng yêu thương và bi mẫn, bên cạnh trạng thái kinh tởm. Sự kết hợp của tất cả những cảm xúc này sẽ thúc đẩy ta tìm kiếm phương pháp nào để giúp ta trợ giúp họ một cách tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, có được sự hiểu biết thiết thực về thiền là điều rất quan trọng. Nếu ta nghĩ rằng chỉ cần hành thiền thôi là đủ để giải quyết tất cả các vấn đề của mình thì đó là điều không thực tế. Thiền là một công cụ; là một phương pháp. Khi muốn đạt một kết quả và có cảm xúc tích cực thúc đẩy mình hướng về mục đích này, chúng ta cần nhận thức rằng mình không thể có được kết quả chỉ từ một nguyên nhân duy nhất. Cần phải có rất nhiều nhân duyên tụ họp lại để tạo ra một kết quả. Ví dụ, nếu huyết áp của tôi cao và tôi bị lên huyết áp, dĩ nhiên việc hành thiền sẽ rất hữu ích. Hành thiền hàng ngày có thể giúp tôi ít lo lắng hơn. Nhưng chỉ có một việc hành thiền thôi thì sẽ không làm huyết áp của tôi giảm xuống. Nó có thể giúp ích, nhưng có lẽ tôi cũng cần phải thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục nhiều hơn, và có thể cần phải uống thuốc nữa. Nhiều yếu tố được áp dụng chung sẽ dẫn đến kết quả hạ huyết áp như tôi mong muốn. Dĩ nhiên, các phương pháp sử dụng trong lúc thiền cũng có thể được dùng để tạo ra một tâm thái tiêu cực. Ví dụ, tôi có thể thiền quán về kẻ thù của tôi kinh khủng như thế nào. Tôi có thể dùng thiền để phát triển lòng hận thù, khiến tôi phải đi tìm và giết kẻ thù của mình. Tuy nhiên, đó không phải là cách thiền thường được sử dụng. Nó được sử dụng như một phương pháp để tạo dựng một tâm thái tích cực, hữu ích cho chúng ta và người khác. Chúng ta hành thiền như thế nào? Câu hỏi thứ ba là: Chúng ta hành thiền như thế nào? Có nhiều phương pháp được sử dụng, tùy theo tâm thái mà chúng ta muốn phát triển, nhưng một điểm chung cho tất cả các phương pháp là nhu cầu thực hành. “Thực hành” nghĩa là lặp đi lặp lại mãi một loại bài tập. Nếu muốn rèn luyện thân thể, chúng ta cần phải thực hành một số động tác nào đó một cách đều đặn; tương tự như vậy, ta cần phải thực hành bằng tâm thức của mình. Phát triển các tâm thái mới bằng cách hành thiền Thiền là đối phó với tâm thái của mình, do đó, việc sử dụng một phương pháp tinh thần để tạo ra một sự thay đổi tích cực là điều hữu lý. Bây giờ, chúng ta cũng có thể dùng các phương pháp thể lực để thử thay đổi tâm thái của mình; chẳng hạn như tập luyện các tư thế yoga hay các môn võ thuật, như Thái Cực Quyền (Tai Chi). Bản thân các phương pháp này không phải là thiền. Các phương pháp thể lực này có thể giúp ta phát khởi một số tâm thái, nhưng thiền là điều mà bạn chỉ thực hiện bằng tâm thức thôi. Dĩ nhiên, bây giờ bạn có thể thiền trong khi tập một số tư thế yoga hoặc múa Thái Cực Quyền, nhưng hoạt động thể lực và hoạt động tinh thần là hai điều khác nhau: một loại thì chúng ta thực hiện bằng thân thể, còn một loại thì bằng tâm thức. Để tạo ra kết quả như ý, chúng ta có thể phải sử dụng nhiều nguyên nhân khác nhau, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta có thể làm việc với thân thể, ví dụ như bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, và điều này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của mình. Tuy nhiên, hành thiền là làm việc với chính tâm thức. Nếu muốn đạt một mục tiêu nào đó thì ta phải nghiên cứu xem mình cần thay đổi điều gì trong cuộc sống, về cả thể chất lẫn tinh thần, để đạt được mục tiêu đó. Chúng ta có thể phải bắt đầu việc hành thiền, thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường việc tập thể dục, hoặc làm tất cả những điều này. Nếu hành thiền một cách đúng đắn, các thời thiền sẽ bắt đầu ảnh hưởng đời sống hàng ngày. Nếu như ta thực hành một tâm thái nào đó trong các thời thiền, chẳng hạn như một tâm thái bình tĩnh hơn, tập trung hơn, hoặc từ ái hơn, thì vấn đề không phải là chỉ phát khởi tâm thái đó trong khi ngồi thiền một cách yên lặng. Vấn đề chính là xây dựng tâm thái tích cực này một cách triệt để, khiến nó trở thành một thói quen, một thói quen mà ta có thể áp dụng bất cứ khi nào cần dùng đến, bất cứ lúc nào trong ngày. Cuối cùng, nó trở thành điều gì rất tự nhiên; luôn luôn có mặt: chúng ta sẽ trở nên từ ái, hiểu biết, tập trung tinh thần và điềm tĩnh hơn. Nếu tự thấy mình không có được tâm thái đó thì điều chúng ta cần làm là tự nhắc nhở mình: “Hãy yêu thương nhiều hơn.” Vì đã quen thuộc với tâm thái này nhờ sự tu tập, ta có thể phát khởi tâm thái đó ngay tức thời. Ví dụ, khi nhận ra mình mất bình tĩnh với một người nào đó thì ta sẽ chú ý ngay lập tức và tự nhắc nhở mình bằng ý thức hay trong vô thức: “Tôi không muốn phản ứng như thế!” Rồi giống như một cái búng tay, tương tự như việc khởi động lại máy vi tính khi nó đưa ra một thông báo trục trặc kỹ thuật, chúng ta sẽ đóng “đợt” tức giận này lại và tái tạo thái độ yêu thương đối với người đó. Việc phát khởi các tâm thái này, như lòng từ, không chỉ là vấn đề kỷ luật. Chẳng hạn như để yêu thương người khác nhiều hơn, ta cần phải hiểu vì sao mình phải yêu thương người khác nhiều hơn. Ta có thể nhớ ra rằng tất cả mọi người đều có sự liên hệ với nhau bằng cách nghĩ rằng: “Bạn là một con người giống như tôi, bạn cũng có cảm xúc như tôi; cũng giống như tôi, bạn muốn được ưa chuộng và không bị người khác thờ ơ hay ghét bỏ. Tất cả chúng ta cùng có mặt ở đây, trên hành tinh này và chúng ta nên hòa đồng với nhau. Ví dụ sau đây có thể hữu ích. Giả sử, bạn đang ở trong thang máy với mười người và bất thình lình, thang máy ngưng nửa chừng và bạn bị kẹt trong đó một vài ngày. Bạn sẽ đối xử với những người trong thang máy như thế nào? Tất cả các bạn đều cùng bị kẹt. Tất cả đều ở trong cùng một hoàn cảnh; dù sao đi nữa thì các bạn cũng nên hòa đồng với nhau. Nếu như các bạn bắt đầu đánh nhau ở một nơi chật hẹp như vậy, đó là một thảm họa, phải không? Thay vì vậy, các bạn cần phải hợp tác với nhau và nhẫn nại với tất cả mọi người. Các bạn cần phải hợp tác với nhau để thoát khỏi hoàn cảnh đó. Vì vậy, nếu ta xem hành tinh này cũng giống như một thang máy thật rộng lớn thì có thể đó là điều có ích! Nhờ thiền quán một cách cặn kẽ như vậy, chúng ta có thể phát khởi một tâm thái từ ái và bao dung đối với người khác. Nếu chỉ ngồi thiền và tự nói với bản thân một cách đơn giản là: “Mình sẽ yêu thương người khác nhiều hơn.” thì rất khó phát sinh được bất kỳ cảm giác thực thụ nào. Vì vậy, khi chúng ta hỏi làm thế nào để thiền, thì một phương pháp là tạo nên một tâm thái nào đó, giống như trong ví dụ trở nên từ ái và bao dung hơn. Chúng ta sẽ học cách sử dụng một kịch bản trong đầu giống như kịch bản trong thang máy. Chúng ta sẽ nghĩ về nó cho đến khi hiểu được nó và thấy nó có lý. Rồi trong khi ngồi yên lặng để thiền, trong khi tưởng tượng những người khác ở chung quanh mình là những người quen biết hay xa lạ, chúng ta sẽ thử phát khởi lòng từ ái và bi mẫn. Làm cho tâm tĩnh lặng Một pháp thiền khác là làm cho tâm tĩnh lặng, để tiến đến một trạng thái tự nhiên hơn. Đây là điểm rất quan trọng mà ta cần phải hiểu rõ: Khi cố làm cho tâm tĩnh lặng thì mục đích không phải là để có được một tâm thức trống rỗng, giống như tắt máy radio. Nó hoàn toàn không phải là mục đích của việc hành thiền. Nếu đó là mục tiêu thì tốt hơn hết là bạn nên đi ngủ. Mục đích của việc hành thiền là làm tĩnh lặng tất cả các tâm trạng phiền não. Một số cảm xúc có thể rất phiền não, như bồn chồn, lo lắng hay hoảng sợ. Chúng ta cần phải làm lắng dịu tất cả các cảm xúc rối loạn như vậy. Khi làm cho tâm thức tĩnh lặng, điều chúng ta muốn đạt được là một trạng thái rất sáng suốt và tỉnh giác, một trạng thái mà ta có thể phát khởi chút ít từ tâm và hiểu biết, hoặc có thể biểu lộ sự nhiệt tình tự nhiên của con người mà tất cả chúng ta đều có. Điều đó đòi hỏi một sự thư giãn vô cùng sâu sắc – không phải chỉ là thư giãn các bắp thịt trong cơ thể, dĩ nhiên đó là điều cần thiết, mà còn là sự thư giãn của trí óc và cảm xúc căng thẳng, làm cản trở bất kỳ cảm giác nào của ta – đặc biệt là cảm giác nhiệt tình tự nhiên và sự sáng suốt của tâm. Đây không phải là một bài tập chỉ để dập tắt mọi suy nghĩ và trở thành như một người máy. Một số người cũng nghĩ rằng thiền có nghĩa là ngừng suy nghĩ. Đó là một sự hiểu lầm. Thay vì chấm dứt mọi suy nghĩ, việc hành thiền nên chấm dứt mọi tạp niệm không cần thiết, chẳng hạn như các ý nghĩ rối rắm về tương lai (Mình sẽ ăn món gì tối nay đây?) và suy nghĩ tiêu cực hay vụng về (Hôm qua bạn đã đối xử nhỏ nhen với tôi. Bạn là một người đáng sợ). Tất cả các ý nghĩ đó thuộc loại tư tưởng lan man và rối rắm. Tuy nhiên, có được một tâm thức tĩnh lặng chỉ là một công cụ; không phải là mục đích cuối cùng, nhưng nếu tâm thức ta yên tĩnh hơn, thư giãn hơn, sáng suốt và cởi mở hơn thì ta có thể sử dụng nó với tính cách xây dựng. Dĩ nhiên là ta có thể sử dụng nó để giúp bản thân mình trong cuộc sống hàng ngày; nhưng ta cũng có thể dùng một tâm thức như vậy trong lúc ngồi thiền để cố gắng thấu hiểu hoàn cảnh sống của mình hơn. Với một tâm thức không vướng bận phiền não và tạp niệm, chúng ta có thể suy nghĩ một cách sáng suốt hơn về những chủ đề quan trọng như: Từ trước đến giờ, tôi đã làm gì cho cuộc đời mình? Hay: Chuyện gì đang xảy ra trong mối quan hệ quan trọng này? Nó lành mạnh hay không lành mạnh? Chúng ta có thể phân tích nó. Đó là việc tự xem xét nội tâm – xem xét nhiều hơn về những gì đang diễn ra bên trong chúng ta, những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình. Để thấu hiểu những loại vấn đề đó và xem xét nội tâm một cách hữu hiệu, chúng ta cần có sự sáng suốt. Chúng ta cần có một tâm thức trầm tĩnh, tĩnh lặng. Thiền là một công cụ có thể giúp cho ta đạt được trạng thái đó. Các trạng thái Có khái niệm và Vô khái niệm Nhiều bản văn về thiền hướng dẫn ta loại bỏ các ý niệm và định tâm vào một trạng thái vô niệm. Trước hết, hướng dẫn này không áp dụng cho tất cả các pháp thiền. Nó đặc biệt đề cập đến một pháp thiền cao cấp để chú trọng vào thực tại. Tuy nhiên, có một dạng khái niệm mà tất cả các pháp hành thiền cần phải loại bỏ, nhưng để hiểu được các dạng khái niệm khác nhau được bàn luận trong các bản văn về thiền, chúng ta phải hiểu chữ “khái niệm” có nghĩa là gì. Một số người nghĩ rằng khái niệm liên quan đến những ý nghĩ bình thường xuất hiện trong tâm thức mỗi ngày – cái gọi là “tiếng nói trong đầu chúng ta” – và để trở thành vô niệm thì chỉ cần làm cho tiếng nói đó im lặng. Nhưng làm cho tiếng nói trong đầu chúng ta im lặng thì chỉ mới là sự bắt đầu. Chúng ta đã bàn luận điều này trong bối cảnh làm các tạp niệm phiền não trong tâm lắng xuống, để có được một tâm thức sáng suốt và bình tĩnh hơn. Một số người khác lại cho rằng nếu muốn thực sự hiểu biết điều gì, chúng ta cần phải hiểu nó theo cách không dựa trên khái niệm, và ý nghĩ dựa trên khái niệm và sự hiểu biết đúng đắn là hai điều hoàn toàn khác biệt. Nó không phải là như vậy. Để gỡ rối cho sự phức tạp về khái niệm, trước hết, chúng ta cần phải phân biệt việc diễn đạt điều gì từ ý nghĩ thành lời nói và việc hiểu biết điều gì. Chúng ta có thể diễn đạt thành lời điều gì trong ý nghĩ, dù ta có hiểu nó hay không. Ví dụ, ta có thể tụng thầm trong đầu một bài cầu nguyện bằng tiếng nước ngoài, dù ta có hiểu ý nghĩa của nó hay không. Tương tự như vậy, chúng ta có thể hiểu điều gì đó, dù ta có thể giải thích nó thành lời ở trong đầu hay không, ví dụ như khi đang yêu thì cảm giác ra sao. Tuy nhiên, vấn đề nhận thức bằng khái niệm so với nhận thức vô khái niệm trong thiền không phải là vấn đề hiểu hay không hiểu điều gì. Trong việc hành thiền cũng như trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn cần phải duy trì sự hiểu biết, dù bằng khái niện hay không, dù có diễn đạt nó thành lời trong đầu hay không. Đôi khi, việc diễn đạt thành lời cũng hữu ích; đôi khi, nó chẳng hữu ích chút nào, hoặc thậm chí, không cần thiết. Ví dụ khi cột dây giầy: chúng ta đã biết cách cột dây giầy ra sao rồi. Bạn có thật sự cần phải diễn đạt thành lời là bạn phải làm gì với sợi dây này và sợi dây kia khi cột chúng lại hay không? Không, thật ra tôi nghĩ hầu hết chúng ta sẽ khó mà dùng lời để mô tả cách cột dây giầy ra sao. Tuy vậy, chúng ta lại biết rõ cách cột giầy. Nếu không hiểu rõ, bạn sẽ không thể làm được bất cứ điều gì trong đời sống, phải không? Thậm chí bạn không thể mở được cánh cửa nữa. Theo nhiều quan điểm, sự diễn đạt thành lời thật sự là một việc có ích; chúng ta cần phải diễn đạt bằng lời để có thể giao tiếp với người khác. Tuy nhiên, sự diễn đạt thành lời trong sự suy nghĩ của chúng ta không hoàn toàn cần thiết; sự diễn đạt thành lời tự nó là điều trung hòa. Chúng ta có một số pháp thiền hữu ích liên quan đến việc diễn đạt thành lời. Ví dụ, lập đi lập lại các câu chú trong đầu là một dạng diễn đạt thành lời, làm phát sinh và duy trì một loại nhịp điệu hay rung động nào đó trong tâm thức. Ví dụ, khi phát tâm từ bi, nếu chúng ta đang đọc câu chú như OM MANI PEME HUNG, thì sẽ dễ chú tâm vào trạng thái yêu thương hơn một chút, dĩ nhiên mặc dù ta vẫn có thể chú tâm vào trạng thái này mà không cần phải nói thầm điều gì trong đầu cả. Vì vậy, sự diễn đạt thành lời tự bản thân nó không phải là vấn đề. Mặt khác, dĩ nhiên, chắc chắn là chúng ta cần làm cho tâm trí tĩnh lặng khi nó chỉ huyên thuyên dài dòng vô ích. Vì vậy, nếu khái niệm không phải là vấn đề về sự diễn đạt thành lời hay hiểu biết, thì vấn đề là gì? Tâm thức có khái niệm là gì và sự chỉ dẫn về hành thiền có ý nói gì khi nó bảo chúng ta phải dẹp bỏ tâm khái niệm? Sự chỉ dẫn này có liên quan đến tất cả các giai đoạn và mức độ hành thiền cũng như đời sống hàng ngày không? Điều quan trọng là phải làm rõ các điểm này. Tâm khái niệm nghĩa là suy nghĩ về các phạm trù, nói một cách đơn giản là nghĩ về các sự vật bằng cách đặt chúng vào trong “những cái ô,” như “tốt” hay “xấu”, “đen” hay “trắng”, “chó” hay “mèo”. Chắc chắn là khi đi chợ, chúng ta cần phải có khả năng phân biệt đâu là trái táo và đâu là trái cam, hoặc đâu là trái cây xanh và đâu là trái cây chín. Trong những trường hợp hàng ngày thì suy nghĩ theo các phạm trù như vậy không phải là một vấn đề, nhưng có những loại phạm trù khác lại có vấn đề. Chúng ta gọi một trong những số đó là “định kiến.” Một ví dụ của định kiến là: “Tôi luôn cho rằng anh có ác ý với tôi. Anh là một người rất tồi vì trước đây anh đã làm điều này điều nọ, và giờ đây, bất kể anh làm gì, tôi vẫn nghĩ anh là kẻ tồi.” Chúng ta đã xét đoán trước là người này đáng sợ và sẽ tiếp tục là người đáng sợ đối với mình – đó là định kiến. Trong ý nghĩ, chúng ta đã đặt người này vào trong phạm trù hay trong ô “kẻ đáng sợ.” Và dĩ nhiên, nếu suy nghĩ theo cách này, chúng ta sẽ gán lên người nào ý nghĩ: “Hắn là người ác, hắn luôn luôn đối xử thậm tệ với tôi,” rồi thì có một chướng ngại lớn giữa ta và người đó. Định kiến của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ đến người đó ra sao. Vì vậy, định kiến là một tâm thái mà chúng ta xếp loại, đặt sự vật vào những ô trong tâm trí mình. Tâm vô niệm có rất nhiều mức độ, nhưng một mức độ là đơn thuần tiếp nhận một hoàn cảnh theo cách nó xảy ra. Điều này không có nghĩa là bỏ qua tất cả mọi sự hiểu biết bằng khái niệm. Chẳng hạn, nếu có một con chó đã cắn nhiều người, nhờ cách suy nghĩ về con chó trong phạm trù “con chó cắn người,” chúng ta sẽ thận trọng khi ở gần nó. Chúng ta sẽ thận trọng một cách hợp lý khi ở gần con vật, nhưng không có định kiến là: “Chắc chắn con chó đó sẽ cắn mình, vì vậy, tôi sẽ không thử đến gần nó.” Ở đây có một sự cân nhắc nhẹ nhàng giữa việc chấp nhận hoàn cảnh đang xảy ra, đồng thời không có những định kiến ngăn cản ta trải nghiệm tình huống một cách trọn vẹn. Thế thì mức độ vô niệm cần thiết trong tất cả các pháp thiền là một tâm thức không có định kiến. Một trong những chỉ dẫn tổng quát nhất là hành thiền mà không có bất kỳ sự kỳ vọng và lo lắng nào. Các định kiến về một thời thiền có thể là mong chờ thời thiền của mình sẽ trôi qua một cách kỳ diệu, hay là lo lắng chân mình sẽ đau, hoặc có ý nghĩ: “Mình sẽ không thành công.”. Các ý nghĩ mong chờ và lo lắng này là những định kiến, cho dù chúng ta có diễn đạt chúng thành lời ở trong đầu hay không. Những ý nghĩ như vậy sẽ đặt để thời thiền kế tiếp vào một ô hay phạm trù trong đầu như là “ một trải nghiệm lạ thường” hay “một kinh nghiệm đau đớn.” Một cách tiếp cận thiền bằng vô niệm là đơn giản chấp nhận bất kỳ điều gì sẽ xảy ra và giải quyết nó theo những chỉ dẫn của pháp hành thiền mà không áp đặt sự phê phán đối với hoàn cảnh đó. Hoàn cảnh thuận lợi cho việc hành thiền Chắc chắn là chúng ta cũng cần môt hoàn cảnh thuận lợi để hành thiền. Một số người nghĩ rằng hoàn cảnh thuận lợi phải là tình huống mà tôi gọi là một “khung cảnh Hollywood.” Người ta cho rằng họ cần một căn phòng đặc biệt có những ngọn nến, một số loại âm nhạc và nhang nào đó; họ nghĩ họ cần toàn bộ cảnh trí của phim Hollywood. Nếu bạn muốn có loại khung cảnh như vậy thì cũng tốt; nhưng chắc chắn là nó không cần thiết. Chúng ta cần phải tôn trọng bản thân và những gì mình đang làm trong việc hành thiền, vì vậy mà một chỗ hành thiền gọn gàng và sạch sẽ là những điều thường được đề nghị. Thường thì việc dọn dep phòng ốc, nơi mà bạn sẽ hành thiền, chính là sự tu tập. Hãy sắp đặt phòng thiền gọn gàng; đừng quăng quần áo khắp nơi trên sàn, v.v… Nếu cảnh trí chung quanh ta ngăn nắp, nó sẽ giúp cho tâm ta trở nên trật tự. Nếu cảnh trí hỗn độn, nó sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm thức. Nếu hoàn cảnh chung quanh yên tĩnh thì cũng rất hữu ích, đặc biệt là khi mới bắt đầu tập thiền. Theo truyền thống đạo Phật, chắc chắn là chúng ta không hành thiền với âm nhạc. Âm nhạc là một yếu tố mà ta sử dụng để giúp tâm tĩnh lặng hơn, nhưng chúng ta muốn phát khởi sự bình an ở bên trong, thay vì dựa vào nguồn yên tĩnh từ bên ngoài. Ngoài ra, âm nhạc có thể có ảnh hưởng thôi miên, và chúng ta lại không muốn bị mê mẫn. Chúng ta không cần phải tự trấn an, như thể ta đang ở trong phòng chờ của nha sĩ, có âm nhạc nhẹ nhàng để giúp mình bình tĩnh lại. Đó không phải là bầu không khí tốt cho việc hành thiền. Về tư thế hành thiền, nếu xem xét các truyền thống châu Á, ta sẽ thấy có nhiều cách ngồi thiền khác nhau. Người Tây Tạng và người Ấn Độ ngồi bắt chéo chân lại; người Nhật ngồi trên hai chân gập lại và lòng bàn chân ngửa lên ở phía sau; người Thái Lan ngồi với cả hai chân gập qua một bên. Điều quan trọng nhất là ngồi trong một tư thế thoải mái. Nếu bạn cần ngồi ghế thì cũng được. Trong các bài tập thiền ở trình độ cao, liên quan đến việc tu tập các hệ thống năng lượng trong cơ thể thì tư thế hành thiền là điều quan trọng, nhưng nói chung thì chúng ta cần phải có khả năng hành thiền trong bất kỳ tình huống nào. Bạn có thể ngồi bắt chéo hai chân trên một cái gối, nhưng nếu bạn đang ở trên máy bay hay xe lửa và không thể ngồi bắt chéo hai chân thì bạn chỉ cần thiền trong khi ngồi một cách bình thường trên ghế. Môi trường yên tĩnh là điều quan trọng, đặc biệt đối với những người có ít kinh nghiệm hành thiền. Đối với nhiều người trong chúng ta, không dễ kiếm được một chỗ yên tĩnh, nhất là ở thành phố. Vì vậy, nhiều người thiền vào sáng sớm hay đêm khuya, khi tiếng ồn giảm bớt đi. Cuối cùng, khi đã khá tiến bộ thì tiếng ồn không còn làm phiền ta nữa; nhưng lúc ban đầu, tiếng ồn bên ngoài rất dễ làm cho ta phân tâm. Nói chung, điều quan trọng là tự mình phải xác định thời gian nào trong ngày là lúc tốt nhất để thiền. Ví dụ, nhiều người thấy năng lượng của họ giảm đi sau khi ăn và cảm thấy mệt. Vì vậy, đó không phải là thời gian tốt nhất để thiền. Một số người lại rất tươi tỉnh khi thức dậy vào buổi sáng, nhưng một số khác lại thấy chệnh choạng gần hết cả buổi sáng. Một số người lại tỉnh táo hơn vào ban đêm, nhưng một số khác lại phải cố gắng tỉnh táo nếu họ cố gắng hành thiền trước giờ đi ngủ, như vậy thì chẳng có ích lợi gì. Vì vậy, điều quan trọng là phải tự xem xét thời gian nào trong ngày là phù hợp với bạn nhất. Chúng ta cũng cần tìm ra tư thế nào là tốt nhất cho mình. Ví dụ, nếu chúng ta ngồi bắt chéo chân thì nên luôn luôn có một cái gối dưới bàn tọa. Nhưng có nhiều người không dùng gối. Và nếu dùng gối thì bạn cần phải chọn loại gối nào thích hợp cho mình: dày hay mỏng, cứng hay mềm. Bạn cần tìm cho mình loại gối và tư thế nào giúp cho chân bạn ít tê cóng nhất và tránh cho bạn sự đau đớn và khó chịu trong suốt thời thiền. Thời thiền không nên biến thành một buổi tra tấn, khi chúng ta ngồi mà cảm thấy hết sức khó chịu vì đau đầu gối và không thể nào chờ cho đến hết thời thiền. Vì vậy, loại gối mà bạn dùng rất quan trọng; nó có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Khi lớn tuổi hơn, chúng ta không còn khả năng ngồi bắt chéo chân được nữa thì ngồi trên ghế cũng không thành vấn đề, mặc dù ta nên giữ lưng thẳng. Ngoài ra, thời gian hành thiền sẽ thay đổi khi chúng ta tiến bộ. Lúc mới bắt đầu, ta luôn được khuyên nên ngồi thiền trong một thời gian rất ngắn, từ ba đến năm phút, vì rất khó tập trung và chú tâm trong thời gian lâu hơn thế. Nếu như hành thiền trong một khoảng thời gian ngắn mà ta có thể tập trung tinh thần nhiều hơn thì tốt hơn là hành thiền trong thời gian dài mà suy nghĩ lan man, mơ mộng hay buồn ngủ. Nếu chúng ta đang thực hành một loại thiền Zen nào đó, thì việc giữ nguyên tư thế và không cử động rất quan trọng. Đối với những pháp thiền khác, nếu bạn cần cử động chân thì bạn cứ cử động chân – không có gì là quan trọng cả. Trong tất cả các pháp thực hành tâm linh này, việc thư giãn rất quan trọng; đừng ép mình quá mức. Dĩ nhiên, bạn sẽ tôn trọng những điều bạn đang làm, nhưng đừng làm cho nó trở thành một chuyện lớn, chẳng hạn như: “Mình là một thánh nhân đang ngồi đây và mình phải là người hoàn hảo.” Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất ta phải ghi nhớ là tất cả mọi việc đều có sự thăng trầm. Có ngày thì việc hành thiền của chúng ta sẽ diễn biến tốt đẹp; có ngày thì lại không được tốt. Có những ngày, chúng ta cảm thấy thích thú với việc hành thiền; có ngày thì lại không. Không bao giờ có trường hợp việc hành thiền của chúng ta sẽ ngày càng tiến triển tốt hơn và tốt hơn nữa. Sự tiến bộ không phải là con đường tuyến tính như thế; nó luôn luôn lên xuống. Có thể sau vài năm, bạn có thể sẽ thấy nói chung thì việc hành thiền của bạn có tiến triển, nhưng nó vẫn luôn luôn có những ngày này tốt hơn những ngày kia. Như một trong những vị thầy của tôi có nói: “Chẳng có gì là đặc biệt cả.” Nó đang tiến triển một cách tốt đẹp – không có gì là đặc biệt. Nó không tiến triển tốt đẹp – cũng không có gì là đặc biệt. Bạn cứ tiếp tục hành thiền thôi. Điều quan trọng nhất là kiên trì. Hãy thiền mỗi ngày. Giống như tập đàn dương cầm, bạn cần phải tập hàng ngày. Và nếu bạn chỉ hành thiền được vài phút mỗi lần cũng tốt thôi. Hãy nghỉ giải lao, rồi lại thiền một vài phút nữa. Nghỉ giải lao một chút, và lại thiền một vài phút nữa. Thực hành như vậy thì tốt hơn là ngồi như bị tra tấn trong một tiếng đồng hồ. Thiền bằng hơi thở Nhiều người muốn biết: tôi sẽ bắt đầu hành thiền như thế nào? Đối với hầu hết mọi người, theo nhiều truyền thống, cách chúng ta bắt đầu là thiền bằng cách chú tâm vào hơi thở. Khi thiền với hơi thở, bạn chỉ thở một cách bình thường: không nhanh quá, không chậm quá, không sâu quá, không cạn quá. Chỉ thở một cách bình thường bằng mũi. Nhất định là bạn không được thở quá nhanh; nếu thở quá sâu, bạn sẽ rất chóng mặt, và như vậy thì không có chút ích lợi nào cả. Bạn có thể chú tâm vào hơi thở ở hai nơi: một là cảm giác của hơi thở đi vào và đi ra khỏi mũi, hai là cảm giác bụng phồng lên và xẹp xuống. Nếu tâm bạn đi lang thang quá nhiều và bạn đang thả hồn trên mây – trong tiếng Anh chúng tôi gọi là “đờ đẫn” – thì việc chú tâm vào vùng bụng chung quanh rốn phồng lên và xẹp xuống sẽ giúp cho bạn tập trung tâm ý. Mặt khác, nếu bạn quá buồn ngủ và uể oải thì việc chú tâm vào cảm giác hơi thở đi vào và đi ra lỗ mũi sẽ giúp cho năng lượng của bạn gia tăng. Vì vậy nên bạn cũng phải tự xem xét mình cần những phương pháp nào ở bất kỳ thời điểm cụ thể nào. Toàn bộ vấn đề là phải chú tâm vào hơi thở với ý thức. Bạn sẽ không khép kín tâm thức; bạn có ý thức về cảm giác của hơi thở mà không có lời bình luận liên tục trong tâm trí của mình. Công việc thực sự là nhận thức được khi sự chú ý của bạn bị tản mác, rồi mang nó trở lại với đề mục thiền càng sớm càng tốt. Hoặc nếu bạn bắt đầu cảm thấy uể oải và buồn ngủ, bạn cần phải tự đánh thức mình. Đó là việc phải thực hiện ở đây. Chúng ta không nên tự đánh lừa mình: việc này không dễ dàng, vì ta có xu hướng bám chấp vào ý nghĩ và tâm lơ đãng, quên mất là mình phải đem tâm ý trở về với đề mục thiền. Nhất là nếu như có một sự phiền não nào liên quan đến một ý tưởng, như nghĩ về người nào đó mà ta rất gắn bó, người mà ta nhớ nhung, hay rất tức giận, thì rất khó đem tâm ý của mình trở lại. Nhưng hơi thở vẫn luôn có mặt, nó là một yếu tố ổn định mà tâm ý của ta có thể luôn luôn hướng đến. Chú tâm vào hơi thở có nhiều ích lợi. Hơi thở liên kết rất chặt chẽ với cơ thể. Nếu chúng ta là loại người quá bận tâm đến những ý nghĩ của mình, hay là người có “tâm trí ở trên mây”, thì việc chú tâm vào hơi thở, bất kể là chú ý đến nó ở lỗ mũi hay ở bụng, sẽ giúp ta quay trở lại, mang tâm ý trở lại với thân mình, với thực tại. Việc chú tâm vào hơi thở cũng rất hữu ích nếu ta thấy đau. Trên thực tế, thiền thở đã được áp dụng ở một số bệnh viện, đặc biệt ở Hoa Kỳ, để trị liệu cơn đau. Nếu bạn thử nghĩ về điều này, khi một đứa bé đang khóc và bà mẹ ôm đứa bé vào lòng, em bé sẽ cảm nhận hơi thở vào ra của bà mẹ rất là êm dịu. Tương tự như vậy, nếu chú tâm vào chính hơi thở của mình, nó có thể giúp ta bình tĩnh lại, nhất là khi ta bị đau nhiều. Hơi thở không chỉ có khả năng làm giảm bớt cơn đau của cơ thể; nó còn có thể giảm thiểu hay làm dịu nỗi đau tinh thần. Kế tiếp, bạn cần phải biết mình sẽ làm gì với đôi mắt trong khi hành thiền. Theo một số truyền thống, bạn sẽ nhắm mắt khi hành thiền. Ưu điểm của điều này là bạn sẽ ít bị phân tâm hơn. Điều bất lợi là bạn sẽ dễ ngủ gục hơn khi nhắm mắt. Một bất lợi khác của việc nhắm mắt trong khi thiền là bạn sẽ có thói quen phải nhắm mắt mới có được bình tĩnh, hay mới thiền được, mà thường thì điều này rất khó thực hiện trong cuộc sống thực tế. Người Tây Tạng mở mắt trong lúc hành thiền, không mở lớn và nhìn chung quanh, nhưng chỉ nhìn một cách nhẹ nhàng, không chú mục vào đâu, và hướng tầm nhìn xuống sàn nhà. Một lần nữa, chúng ta cần phải xem xét điều gì là tốt nhất cho mình. Phát tâm từ ái với người khác Một khi tâm ta đã yên tĩnh với pháp hành thiền bằng hơi thở, chúng ta có thể sử dụng trạng thái tĩnh lặng và tỉnh táo đó. Ta có thể sử dụng nó để ý thức được trạng thái cảm xúc của mình nhiều hơn, nhưng cũng có thể sử dụng nó trong lúc thiền để phát tâm từ nhiều hơn đối với người khác, chẳng hạn vậy. Bạn cần phải tạo cho mình một trạng thái yêu thương để phát khởi tâm từ. Vào lúc đầu, không thể nào bạn chỉ nghĩ rằng: “Bây giờ thì mình yêu thương mọi người”, rồi sau đó bạn thật sự có cảm giác yêu thương đó. Không có mãnh lực nào đằng sau một ý nghĩ như vậy. Vì vậy, bạn sẽ sử dụng một quá trình suy nghĩ để tạo cho mình một cảm giác yêu thương, chẳng hạn như: “Tất cả chúng sinh đều có mối liên hệ với nhau; chúng ta đều có mặt ở đây. Tất cả mọi người đều như nhau: chúng ta đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn khổ đau; mọi người đều muốn được ưa chuộng, không ai muốn bị ghét hay bỏ mặc. Tất cả các chúng sinh đều giống như mình.” Và bởi vì tất cả chúng ta đều có mặt ở đây và có mối liên hệ với nhau, thế thì tình thương là cảm giác của: “Nguyện cho mọi người đều có được hạnh phúc và nguyên nhân của hạnh phúc. Nếu tất cả mọi người đều được hạnh phúc, nếu không có ai gặp bất cứ vấn đề nào thì tuyệt vời biết bao.”. Bằng cách tự tạo cho mình tâm thái và lòng yêu thương này, rồi thì ta sẽ tưởng tượng một tia sáng màu vàng ấm áp như ánh nắng mặt trời, với lòng yêu thương từ chúng ta, chiếu sáng đến tất cả những người khác. Nếu tâm ý đi lang thang, ta sẽ đem nó trở về với cảm giác này: “Nguyện cho mọi người đều hạnh phúc.” Tạo các thói quen có ích cho cuộc sống hàng ngày Nếu tự tập cho mình quen với những phương pháp hành thiền này, chúng ta sẽ phát triển những công cụ mà mình có thể sử dụng trong đời sống hàng ngày. Chỉ việc chú tâm vào hơi thở không phải là sinh hoạt duy nhất trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đó không phải là mục đích cuối cùng, phải không? Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, chắc chắn ta có thể sử dụng kỹ năng mà mình đã phát triển, đó là khả năng luôn luôn mang tâm ý trở về một trọng tâm. Chẳng hạn, nếu như đang nói chuyện với người nào mà tâm trí ta bắt đầu phân tán, và ta nghĩ rằng: “Không biết đến khi nào thì bà ấy mới câm miệng lại?” và chúng ta đưa ra đủ mọi loại bình luận và phán xét trong đầu mình về những gì người đàn bà kia đang nói. Ngay khi nhận ra điều gì đang xảy ra, ta cần phải ngưng tất cả những điều này và chỉ đưa sự chú ý của mình trở về với người kia và những gì bà ta đang nói. Chúng ta đang sử dụng các kỹ năng mà mình đã thực hành trong lúc hành thiền để phát khởi sự hiểu biết: “Đây là một con người. Bà muốn được người khác ưa thích. Bà muốn được lắng nghe khi nói chuyện với mình. Bà muốn được đối xử nghiêm túc, cũng giống như mình vậy.” Thế thì mục đích của ta là có khả năng áp dụng những kỹ năng mà mình đã phát triển được trong lúc thiền quán vào những kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày. Chúng ta không nhắm đến việc đoạt huy chương vàng Olympic về việc có thể ngồi thiền một cách hoàn hảo; đó không phải là mục đích! Thay vì vậy, chúng ta muốn thiền để công phu hành thiền hỗ trợ ta trong cuộc sống, cho cả bản thân và trong các mối tương tác với người khác. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tạo nhiều thói quen có ích hơn nữa. Đó là tất cả những điều liên quan đến thiền.
Theo THƯ VIỆN HOA SEN / BERZINARCHIVES.COM
Nguồn: / 0