Cập nhật: 29/12/2017
Lời mở đầu
Thời kỳ hội nhập là thời kỳ mà đất nước mở cửa để đón nhận sự giao lưu về mọi mặt giữa Việt Nam và thế giới. Đây cũng là thời kỳ để Phật giáo Việt Nam thực hiện sứ vụ đại chúng của mình từ quốc nội đến quốc ngoại. Đây cũng chính là cơ hội để Phật giáo Việt Nam phát triển từ Việt Nam đi vào thế giới. Nhận chân rõ những thành tựu, những thời cơ và những hạn chế để tìm ra được những giải pháp tốt đẹp nhất cho sự phát triển bền vững của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, đó cũng chính là tâm tư của tăng ni và tín đồ Phật giáo xứ Thanh gửi đến Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc.
I. Thời kỳ hội nhập mở ra một thời cơ lớn
Đất nước hội nhập vào quỹ đạo toàn cầu hóa cũng chính là thời kỳ cần kiến tạo một nền tảng văn hóa, đạo đức vững chắc cho xã hội và con người Việt Nam. Đây chính là vận mệnh và cơ hội của Phật giáo Việt Nam trong thời đại hiện nay.
1. Đội ngũ xuất gia của Phật giáo phải là những nhà truyền bá đạo đức, văn hóa thông qua Phật pháp đến với xã hội và nhân quần. Muốn làm được điều ấy nền giáo dục tăng già và tăng sự của Phật giáo Việt Nam phải quản lý, đào tạo và bồi dưỡng được những nhà truyền giáo thật tu, thật học, thật tài, thật tâm, thật đức làm mô phạm và nền tảng cho đạo đức văn hóa của xã hội và đất nước.
2. Ngành hoằng pháp và hướng dẫn nam nữ cư sĩ phật tử phải xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng được một đội ngũ tri thức Phật giáo có nền tảng kiến thức Phật học, có lối sống đạo đức Phật giáo trong đời sống bản thân và gia đình làm nền tảng để gia đình hóa Phật giáo, xã hội hóa Phật giáo, tri thức hóa Phật giáo, khoa học kỹ thuật hóa Phật giáo, trẻ hóa Phật giáo để đưa Phật giáo vào thời kỳ hội nhập phát triển bền vững tại Việt Nam, thâm nhập, đi sâu vào lòng người và xã hội Việt Nam, vững trụ ở Việt Nam để đi vào thế giới hướng ra toàn cầu.
3. Đạo đức văn hóa xã hội đang xuống cấp, đòi hỏi những nhà hoạt động tôn giáo, mà cụ thể là Phật giáo phải dấn thân gánh vác trách vụ tô bồi, xây dựng lại nền tảng đạo đức truyền thống của dân tộc.
4. Nhu cầu tìm hiểu và ứng dụng Phật pháp trong đời sống tinh thần của đội ngũ tri thức, đội ngũ công nhân viên chức và mọi giai tầng xã hội ngày một nâng cao. Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có đủ đội ngũ nhân sự thật sự có kiến thức Phật học, thế học, kinh nghiệm tu học và thực sự thể nghiệm để hướng dẫn cho quần chúng xã hội trên con đường bồi bổ tâm linh, quân bình cuộc sống. Tạo tiền đề cho một đời sống an lạc, hạnh phúc, chân thật trong xã hội.
5. Tầng lớp thanh thiếu niên cần được hướng dẫn một lối sống đạo đức, một căn bản truyền thống văn hóa và một quan điểm nhân sinh vì lợi ích cho chính mình và lợi ích cho cộng đồng, cho số đông của nhân sinh quan Phật giáo. Là nhu cầu và việc làm cần thiết của Phật giáo đối với xã hội thời hội nhập.
TT.Thích Giải Hiền |
II. Phải đối mặt, phải nhận chân và phải vượt qua mọi khiếm khuyết để Phật giáo có đủ nội lực gánh vác trách vụ với nhân quần xã hội trong thời kỳ hội nhập
1. Kiện toàn cơ cấu và hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương để tổ chức Phật giáo thật sự là tổ chức tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu, loại trừ mọi tư tưởng, mọi hình thức và thực tế hiện thực thế tục hóa tổ chức Phật giáo, quyền lực hóa tổ chức Phật giáo, quan liêu hóa tổ chức Phật giáo và hình thức hóa tổ chức Phật giáo.
2. Nhanh chóng kịp thời chỉnh đốn, kiện toàn hệ thống giáo dục tăng già để đào tạo được những nhà truyền giáo đầy đủ trình độ nội điển ngoại điển, nội lực tu tập, mô phạm đạo đức, loại trừ hiện tượng bằng cấp hóa, học vị hóa trong hệ thống giáo dục tăng già. Có như vậy thì hệ thống giáo dục tăng già mới thật sự đào tạo lên được những nhà truyền giáo thật sự trong xã hội hội nhập.
3. Chỉnh đốn tông môn, chấn hưng tông phong để những cơ sở tự viện Phật giáo là những lò hun đúc nên phẩm chất đạo đức, cốt cách, tư tưởng, đạo phong của người xuất gia từ những nền tảng kiên cố ban đầu. Hơn ba mươi năm qua, chúng ta đã thật sự bỏ mất bao nhiêu cơ hội để thật sự củng cố và xây dựng một đội ngũ nhân lực của Phật giáo Việt Nam từ hình thức đến nội dung. Cái khó ở đây là chúng ta rất dễ tự mãn với cái mình đang có để dễ dàng đánh mất tầm nhìn trung hạn và dài hạn của sự phát triển trong một xã hội hội nhập ở tương lai.
4. Phật giáo mạnh và đủ sức đảm nhận gánh vác trọng trách xây dựng đời sống tâm linh, nền tảng văn hóa đạo đức cho xã hội hội nhập, không thể chỉ là đội ngũ tăng ni xuất gia mà cần phải có một kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng và sử dụng đội ngũ cư sĩ phật tử có đầy đủ trình độ Phật học thực tiễn tu học tri thức xã hội, kinh nghiệm cuộc sống, khả năng lãnh đạo và tiềm lực tài chính để đưa đạo vào đời trên mọi phương diện tổng thể của xã hội hội nhập mà có những cái đội ngũ tăng ni, những người xuất gia thật sự không thể làm được. Biết bồi dưỡng, xây dựng và sử dụng lực lượng cư sĩ là trí tuệ, là vận mệnh của Phật giáo trong thời kỳ hội nhập.
III. Giải pháp ở trong ta để tương lai càng thêm phát triển
1. Phật giáo đã tồn tại ở Việt Nam hai nghìn năm lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập với chặng đường ba mươi lăm năm. Thời đại mới tạo ra cho chúng ta những thời cơ mới, trên cơ sở những thành tựu có được chúng ta càng không thể tự mãn mà phải thật sự nhìn được chính mình, hiểu được chính mình để có được những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất để nâng tầm phát triển trong thời kỳ hội nhập ở tương lai.
2. Hai mươi bảy năm đất nước bước vào con đường đổi mới cũng là hai mươi bảy năm nhà nước nhân dân và xã hội kỳ vọng rất nhiều, tạo điều kiện rất lớn cho Phật giáo Việt Nam, chúng ta phải nhìn nhận ra rằng chúng ta đã đáp ứng được những kỳ vọng đó chưa, chúng ta đã thật sự sử dụng những điều kiện có được để kiện toàn và xây dựng một đội ngũ nhân sự thật sự vững mạnh hay chưa. Nếu không có con người thì chúng ta sẽ đánh mất thời cơ và kỳ vọng mà nhà nước, nhân dân và xã hội đang đặt nơi ta, phải nhớ rằng thời cơ chỉ có một. Đó là tầm nhìn và trí tuệ của những nhà lãnh đạo Phật giáo trong thời kỳ hội nhập.
3. Nguồn lực xã hội dành cho Phật giáo là hữu hạn nên những nhà lãnh đạo Phật giáo từ những vị xuất gia làm chủ các cơ sở tự viện thấp nhất đến các nhà lãnh đạo từ địa phương đến trung ương phải vận dụng trí tuệ để sử dụng rốt ráo nguồn lực hữu hạn đó tạo ra được một sức sống và lực lượng vô hạn cho Phật giáo phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.
4. Xã hội biến chuyển, thời cuộc đổi thay nhưng đạo pháp và dân tộc mãi mãi trường tồn, chất liệu và hương vị đạo đức, lối sống thật tâm vì lợi ích của đại chúng trong Phật giáo sẽ mãi mãi là hương liệu làm thăng hoa cho cuộc đời. Những nhà lãnh đạo Phật giáo phải ý thức để trong mọi đường hướng sách lược hoạt động của Phật giáo đều hướng đến mục tiêu làm thăng hoa cho cuộc đời, không thể để đạo pháp bị cuộc đời làm nhiễm ô và thế tục hóa. Có như vậy thì đạo Phật mới thật sự phát triển trong thời kỳ hội nhập.
IV. Thay lời kết
Tham luận là ước mơ, là tâm tư, là nguyện vọng được giãi bày đến với tất cả những người con Phật có lòng ưu tư với tiền đồ phát triển của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Mong muốn và nỗ lực làm cho đạo Phật phát triển cũng chính là đóng góp cho đất nước phát triển, cho đời sống được an lạc và cho sự phát triển bền vững của xã hội ở tương lai. Đất nước phát triển, đạo pháp trường tồn, đời sống văn hóa tinh thần tâm linh của xã hội và nhân dân được bền vững. Đó cũng chính là mục tiêu chung của công cuộc xây dựng, kiến thiết quốc gia, đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đạo pháp và dân tộc mãi mãi song hành, đó là tâm niệm chung của những người con Phật Việt Nam tự mấy nghìn năm nay. Giãi bày tâm niệm qua tham luận của Phật giáo xứ Thanh trong dòng chảy hội nhập và phát triển chung của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Mong lắm thay sự đồng cảm và chia sẻ của những người có chung một nỗi niềm ưu tư cho tiền đồ phát triển bền vững của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
TT.TS.Thích Giải Hiền - Trưởng Ban TTXH PG tỉnh Thanh Hóa
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
Nguồn: / 0