Danh sách bài viết

Phật học Chính cương

Cập nhật: 27/12/2017

Vả chăng, đức Phật chưa từng nói: “Chỉ có ta là Phật, mọi người nên tín kính, ngưỡng vọng ta”; trái lại, Ngài thường nói: “Hễ có tâm linh hiểu biết, đều có khả năng tính thành Phật”. Đức Phật chủ trương bình đẳng, là chủ trương ai ai cũng đều khả dĩ thành Phật, tức là mục đích Phật học vậy.

Trần thuyết

Phật học Chính cương


“Hễ có tâm linh hiểu biết đều có khả năng tính thành Phật”(1)

 

Bình thường người ta hay nói đến chữ Phật, là nói tắt hai chữ Phật đà của tiếng Phạn, mà nó có ý nghĩa là Giác giả (Người giác ngộ), cũng như người có học vấn ở đời, người ta thường gọi là Học giả.

 

Sở dĩ có sự hiểu biết rốt ráo, cùng khắp mà gọi là Giác giả, vì người giác ngộ là người biểu hiện được nhân cách tối cao của nhân loại – con người là tiểu vũ trụ cùng dung hợp một mối với đại vũ trụ, lấy toàn vũ trụ làm tự thể, là giá trị tối cao của nhân sinh và đạt được mục đích ấy là ý nghĩa tối cao của nhân sinh. Vì vậy, thế giới nhân loại không thể không tìm tòi để thực hiện được nhân cách tối cao, nhân loại đạt tới chỗ giác ngộ tối cao ấy là Phật.

 

Phật là bậc mô phạm tối cao của nhân loại, chỉ dẫn cho chúng ta phương pháp làm người, phương pháp tiến đến địa vị siêu nhân và đến chỗ giác ngộ hoàn toàn như thế nào. Do đó, tin Phật không phải là mê tín, mà là triệt để phá tan mê muội, là xu hướng đến chỗ giác ngộ hoàn toàn.

 

Vả chăng, đức Phật chưa từng nói: “Chỉ có ta là Phật, mọi người nên tín kính, ngưỡng vọng ta”; trái lại, Ngài thường nói: “Hễ có tâm linh hiểu biết, đều có khả năng tính thành Phật”. Đức Phật chủ trương bình đẳng, là chủ trương ai ai cũng đều khả dĩ thành Phật, tức là mục đích Phật học vậy.

 

- Có người nói: “Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải là triết học”. Thực thế, đứng trên lập trường căn bản mà nói, Phật pháp chính không phải là tôn giáo cũng không phải là triết học, Phật pháp tuy có thể bao quát cả tôn giáo lẫn triết học, nhưng nó vượt trên hết thảy tôn giáo và triết học. Phật pháp không phải như tôn giáo khác, đã là người tín ngưỡng không thể bình đẳng với bậc được tín ngưỡng. Vì thế, Phật giáo chỉ gọi chung là Phật pháp, chứ không phải là tôn giáo cũng không phải là triết học. 

 

Nguyên lý Hiện thực chủ nghĩa

(tức Pháp nhĩ như thị: sự sự, vật vật như thế)

 

“Hết thảy sự thực tồn tại, hình bóng thuở xa xưa thế nào đều rõ ràng thế ấy và sự thật thế nào lại hoàn như thế”

 

Nguyên lý Phật học dùng một thứ danh từ để biểu thị cho nó là hiện thực chủ nghĩa

 

Hết thảy sự sự, vật vật tồn tại trong vũ trụ, đều có thể gọi là “Hiện” và sự thực của hết thảy sự tồn tại ấy gọi là “Hiện thực”.

 

Y vào đạo lý Phật học mà giảng, hiện thực chủ nghĩa là hết thảy sự thực tồn tại, hình bóng thuở xa xưa thế nào đều rõ ràng thế ấy và sự thực thế nào lại hoàn như thế. Ví như bình hoa là bình hoa, không thể gọi là cái chi khác được.

 

- Dưới tiêu đề hiện thực chủ nghĩa tại sao lại ghi câu: “Pháp nhĩ như thị” (sự sự, vật vật như thế).

 

- Đức Phật đối với vấn đề vũ trụ Ngài đã giác ngộ hoàn toàn , Ngài đem toàn vũ trụ giác chiếu ra bằng cách rành rẽ, cho nên Khế kinh mới nói: “Thấy suốt được thực tướng của mọi pháp” là thấy suốt được cái tướng mạo từ thuở xa xưa (bản lai diện mục) của toàn vũ trụ. Cái tướng mạo từ thuở xa xưa của toàn vũ trụ ấy trong Phật pháp gọi là “Pháp nhĩ như thị”; là nói hết thảy sự thực tồn tại trong toàn vũ trụ từ thuở xa xưa tới nay như thế.

 

- Lại duyên cớ gì, hiện thực chủ nghĩa trong Phật học có thể nói là chủ nghĩa Vô chủ nghĩa.

 

- Tất cả chủ nghĩa trên thế gian đều là chủ quan và tư kiến của cá nhân tham gia, chẳng phải là công bình, vô tư và bản lai như thị (xưa, nay như thế) của toàn vũ trụ; hiện thực chủ nghĩa của Phật là chủ nghĩa chân thực của toàn vũ trụ từ thuở xưa tới nay như thế, tức là không phải chủ quan cũng không phải ý kiến riêng, nên gọi là chủ nghĩa Vô chủ nghĩa.

 

Tóm lại, đức Phật tạm dùng ngôn ngữ, văn tự khéo léo, nhiệm mầu nói ra sự hiện thực từ thuở xa xưa tới nay như thế, gọi là hiện thực chủ nghĩa, tức là căn cứ vào giáo nghĩa Phật đà, để thuyết minh chân tướng hết thảy sự thực tồn tại trong vũ trụ.

 

Trên đây đã thuyết minh đầu mối, cái tên của hiện thực chủ nghĩa, nay xin phân tích và giảng giải thêm như sau:

 

1) Hiện hành thực sự

 

“Hết thảy sự vật hiển hiện, sinh, diệt, nhô, lặn, lưu hành, biến hóa như dòng nước chảy”

 

Hiện là hiển hiện là cái có thực, trong hiện tại. Như có thế giới hiện tại, có nhân loại hiện tại, có vạn vật hiện tại... Sự vật hiện có nơi trước mắt chúng ta, không lúc nào nó không ở trong sự biến hóa, lưu hành, nghĩa là nó không phải thứ cố định. Hết thảy sự sự, vật vật trong vũ trụ, lớn như thế giới, nhỏ như vi trần đều nằm trong sự biến hóa, lưu hành ấy nên gọi là Hiện hành thực sự. Như một đời con người, năm, tháng, ngày nào mới sinh, năm, tháng ngày nào đã chết; các thứ đồ vật, giờ phút nào mới thành, giờ phút nào đã hỏng; quả địa cầu, bao năm thành hình, bao năm sẽ tan hoại và ngay đến vầng thái dương cũng có khi thành, lại cũng có khi hoại, cho nên thế sự đều có hạn lượng nhất định trong sự thành, hoại, sinh, tử.

 

Vậy, thấy được hình tướng của sự, vật như thế chưa phải là thấy được chân tướng của nó, bởi vì muôn sự, muôn vật trong vũ trụ không những nó biến hóa từng giờ, từng phút mà thôi. Hết thảy sự vật hiển hiện, sinh, diệt, nhô, lặn, lưu hành, biến hóa như dòng nước nhảy ròng. Dòng biến hóa ấy có thể gọi là dòng sinh mệnh. Vì, hết thảy sự thực tồn tại trong vũ trụ, lớn, nhỏ dung thông với nhau, trước, sau, duyên sinh với nhau, cho đến tích tắc sinh diệt đều nối tiếp với nhau.

 

Nghiên cứu theo khoa học cận đại, lý thuyết, lưu hành, biến hóa ấy, không những không trái với khoa học, lại chứng minh là lý thuyết rất chân thực.

 

Khoa học phân tích sự vật làm phần tử, nguyên tử, điện tử... Điện tử có tính nóng, lạnh (âm, dương) là từng giờ, từng phút đã có sự biến hóa, do đó, thấy rõ muôn sự, muôn vật lưu hành không ngừng.

 

- Khoa học đối với Phật học tuy có chỗ chứng minh, nhưng khoa học căn cứ vào sự cảm giác của ngũ quan; mà Phật học lại cho là giác tri bằng trực tiếp. Thế là thấy chân tướng của vũ trụ, tức là thấy cái thực sự hiện hành trong vũ trụ vậy.

 

Hơn nữa sinh mệnh của nhân loại, trải qua từ vô thỉ (không lúc bắt đầu) không phải năm nào sinh, rồi sau mới có vì một đời con người chỉ là một đoạn của dòng sinh mệnh hiện ra, chứ chẳng phải là toàn thể, ví như một khúc sông trong con sông dài dặc. Một lần sống, một lần chết chẳng qua là một thứ giả tướng biến hóa của dòng sinh mệnh. Hết thảy sự vật đều như thế, nghĩa là nó biến hóa từng giờ từng phút mà lại nối tiếp nhau mãi mãi không dứt. Hiểu rõ đạo lý ấy là khả dĩ phá trừ được rất nhiều mê hoặc.

 

- Người ta thường hiểu rằng: nhân sinh là không hư, không có ý nghĩa, không có giá trị, ngoài việc ăn uống, trai gái... ra, việc gì cũng đều là không cả. Đó là phần kết quả của sự mê hoặc, phương tự sát của tư tưởng cao xa nhầm lẫn, họ cho mục đích của nhân sinh chỉ được sự thỏa mãn về cơm ăn, áo mặc, nơi ở... là đủ, nên họ đã phó thác tất cả tinh thần của họ vào việc tìm tòi sinh hoạt cho sự hưởng thụ mỹ mãn. Bởi thế người này kẻ kia tranh nhau, khiến thế giới nhiễu loạn không ngừng, sự tình khốn khổ của tranh đấu trông tới đâu cũng đều như thế, kết quả dẫn thế giới đến thời kiếp rất bi thảm. Thế là, đối với chân tướng lưu hành, biến hóa của vũ trụ không hiểu được minh bạch, là không hiểu được đầu mối của Hiện hành thực sự, thời chưa phải là người giác ngộ.

 

- Có những người suy xét rằng: trên thế giới này nhất định có một bậc chủ tể, sáng tạo – Sáng tạo và làm chủ tể muôn vật trong thế giới, do đó, sinh ra sự mê tín của tôn giáo, làm ngăn che cái tính khả năng giác ngộ của thuở xa xưa, không thể hiển thị ra được.

 

Vô thỉ, Vô chungvòng quanh không đầu, là cái chân tướng sẵn có của sự sự, vật vật. Người ta không rõ đạo lý ấy, chỉ nhận thấy một đoạn đời của dòng sinh mệnh, cho nên mới gọi ra cái tên là “tạo vật chủ”.

 

- Thử hỏi, tạo vật chủ là một vật thế nào? Giả như không phải là một vật, chắc không có tự thân, thời lấy chi mà có thể tạo vật khác. - Và, nếu là một vật, thời ai tạo ra tạo vật chủ ấy? Như thế thuyết “tạo vật chủ” không thể thành lập được.

 

Vậy, cần biết: muôn vật trong thế giới, đều không phải dùng đến vật nào khác tạo ra nó, nó do sự sinh diệt, tiếp nối nhau, lưu hành chẳng dứt từ thuở xa xưa như thế.

 

Nếu hiểu rõ chân tướng của nhân sinh, thế giới là Vô thỉ, Vô chung, sinh, diệt, thành, hoại; là sự lưu hành không ngừng, vòng quanh chẳng dứt, thời có thể đem tâm lượng phóng đại đến vô lượng, vô biên, tâm phóng đại tức là không còn chấp trước, là khế hợp với chân tướng của vũ trụ.

 

Hiện hành thực sự là vô thỉ, vô chung, thời nhân sinh, thế giới cũng đều như thế, đều thực hiện cái sinh mệnh, vô thỉ, vô chung. Hết thảy hành vi quá khứ là nhân, hiện tại là quả, hết thảy hành vi hiện tại lại phát sinh cái kết quả tương lai, nhân quả trùng trùng, nối tiếp không hết, cho nên kiếp nhân sinh mới có giá trị bất hủ.

 

Với những đạo lý ấy, không những học Phật cốt biết đạo thành Phật, mà cốt biết làm người có nhân cách, có đạo đức, đều nên hiểu nó bằng cách rõ ràng, không thời nó sẽ sinh ra những phiền não. Chiếu theo đạo lý Đại thừa mà nói, trước nhất cần làm một con người hoàn thiện, nhiên hậu tiến đến bậc Bồ tát siêu nhân và sẽ tiến đến bậc siêu siêu nhân là Phật.

 

Đối với vấn đề hiện hành thực sự, người mong tưởng làm một người hoàn thiện, trước tiên không phải không hiểu biết rõ ràng; hiểu biết rõ ràng lẽ Vô thỉ, Vô chung, là biết hành vi của nhân sinh vĩnh cửu, nối tiếp bất diệt; làm hành vi gì đều có ý nghĩa bất hủ và giá trị bất hủ.

 

2) Hiện sự thực tính 

 

“Muôn sự, muôn vật đều do nhiều nhân duyên tạo thành, không có tính cố định và không có tính độc lập”

 

Hiện sự tức là sự thực của hiện hành.

 

Khảo sát tỉ mỉ: một con người hoặc một cái nhà đều có cá thể của nó, kỳ thực cá thể ấy, không có tính cố định cũng không có tính độc lập; song, giảng theo Phật pháp, thì đó là “Nhân duyên sinh”. Như: phấn viết là do đất, (thứ đất dùng làm phấn) nước, nhân công, khuôn, mọi duyên hợp lại mới thành; như thành một thân cây là do hạt giống, nước, đất, ánh mặt trời... nghĩa là nhân phải có duyên mới được. Lại như nhân sinh là do dòng sinh mệnh, thêm cơ duyên hòa hợp của cha mẹ và quan hệ đến đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí v.v... Nói rộng hơn nữa, sự thành công của thế giới cũng là do nhân duyên mà có.

 

- Nhân là bốn đại(2) chủng tử(3) duyên là hết thảy nghiệp lực(4) của chúng sinh. Vì thế, suy luận ra, muôn sự muôn vật, đều do rất nhiều nhân duyên tạo thành, không có tính cố định và không có tính độc lập.

 

Như trên đã nói sự thành công của con người là do phần tụ họp của hết thảy... trong vũ trụ, cho nên con người là xã hội tính và vũ trụ tính, con người thành công là vũ trụ thành công.

 

Cổ nhân nói: “Một lời nói làm hưng thịnh cho nước, một lời nói làm mất nước”. Vì mọi hành động của con người đều có sự quan hệ, ràng buộc và ảnh hưởng lẫn nhau.

 

Sự thành công của thế giới, đều do nghiệp lực của nhân loại, là một chân lý xác thực, không huyễn tưởng. - Một địa phương có đạo đức, có phúc khí, tự nhiên khả dĩ tạo thành một địa phương tốt, trái lại, chỉ tạo thành một địa phương xấu mà thôi. Vậy nên con người thuộc xã hội tính, vũ trụ tính, chứ không có một cái “Ta” thực thể nào – Tự ngã tính (tính của tự cái Ta riêng biệt).

 

Bậc Đại thánh, Đại hiền phát huy lực lượng, nhằm vào sự quan hệ của toàn xã hội, phổ biến cho toàn nhân loại, toàn thế giới hiểu rõ con người có thể chuyển di được hết thảy; nên hết thảy hành động của con người đối với xã hội không thể không xét nét cẩn thận. Hành vi, nghiệp lực của con người không những ảnh hưởng đến nhân loại, lại còn ảnh hưởng đến cả thế giới. (thế giới thành là do nghiệp lực làm duyên).

 

Con người không có ngã tính, chỉ là xã hội tính, nên một lời nói, một việc làm của con người có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội, toàn thế giới. Đã thế, những người hiểu con người là không có tự ngã tính, cần y vào đạo lý ấy mà làm việc, thời tự có tính công bình, tức thành tính đại công vô ngã (tính rất công bình không có bản ngã riêng biệt); đại công vô ngã là thực tính của vũ trụ.

 

Người bình thường nhận định có tự ngã, tự lợi đấu tranh không ngừng, đến nỗi thế giới, nhân sinh không ngày nào yên ổn. Kỳ thực, nhân loại chỉ nên hỗ trợ, không nên đấu tranh. Tôn Trung Sơn giảng về “Tam dân chủ nghĩa” cũng có giảng tới chỗ đó. Ông nói: “Đấu tranh là bệnh thái của xã hội, thái độ chân chính của nhân sinh phải là hỗ tương điều hòa”.

 

Rõ ràng chân thực tính của hiện thực là xã hội tính, vũ trụ tính, là đại công vô ngã, do đó, phát tâm làm việc, tự nhiên là hòa bình, an lạc. Cái ấy không miễn cưỡng tạo thành, mà chỉ là cái tính chân thực của muôn sự, muôn vật trong vũ trụ từ thuở xa xưa như thế.

 

Nguyên lý Phật học ở chỗ “Mọi duyên họp thành, bản không vô ngã”. Hiểu rõ chân tướng của nhân sinh vũ trụ như thế thời về phương diện trí thức sẽ thêm trí tuệ, về phương diện hành vi, sẽ là phương pháp dẫn dắt con người đến chỗ làm người bằng cách thỏa đáng vậy.

 

3) Hiện lượng thực tướng 

 

“Thực tướng của hiện lượng là chân thực tướng của nhân sinh, vũ trụ, vạn hữu, tức là cảnh giới vô phân biệt trí tối cao giác ngộ của Phật đà”.

 

Lượng là suy xét, đo lường. Năng lượng là tri thức; dùng tri thức để đo lường vũ trụ, vạn vật, nên vũ trụ vạn vật là bị lượng.

 

Có hai thứ:

 

1) Hiện lượng.

 

2) Tỷ lượng.

 

Hiện lượng là trí thức bằng cách trực tiếp, như trông thấy nhan sắc, nghe thấy giọng tiếng là hiện tại hiển hiện.

 

Tỷ lượng là y vào trực tiếp giác tri mà suy xét mới biết, như trông thấy trà, biết là thứ để uống khỏi khát.

 

Vậy “Lượng” là sự trí thức chân chính, xác đáng không một chút sai lầm. Hiện lượng là trực tiếp giác tri trên sự thực, Tỷ lượng là sự suy biết trên lý luận. Còn một thứ đạc lượng sai lầm, thường gọi là Phi lượng, là cái tri thức không chân chính, xác đáng.

 

Tri thức y cứ vào khoa học là tri thức bình thường, rất nhiều sự sai lầm. Hiện lượng của thế gian là kinh nghiệm từng bộ phận lẻ tẻ, không phải là phổ biến và hoàn toàn, nên sự thiếu sót của nó phải do Tỷ lượng bổ túc. Tỷ lượng có tính cách phổ biến, nhưng lại thiếu sót về tính cách xác thực. Do hai sự thiếu sót ấy, nên thời thường hay phát sinh sự sai lầm. Ví như chính trị đời xưa, là thích dụng với hoàn cảnh đương thời; người đương thời tuy nhiên nhận là thiên kinh, địa nghĩa. (đạo thường của trời, lẽ phải của đất xưa nay không bao giờ thay đổi được), lại không thích dụng với hiện tại. Cho nên biết rằng: Tỷ lượng xa cách tính xác thực, thời sẽ sinh ra lưu tệ và do sự sai lầm mà sinh ra đau khổ.

 

Hiện lượng chân chính là trực tiếp tri thức, hoàn toàn và phổ biến, không cần suy luận cũng đủ để bồi bổ vào sự thiếu sót của tri thức bình thường. Chuẩn nhận thực tướng Hiện lượng, là chân thực tướng của nhân sinh vũ trụ vạn hữu, tức là cảnh giới vô phân biệt trí tối cao giác ngộ của Phật đà.

 

Về tri thức tương đối là tri thức có sự phân biệt, không được hoàn toàn, không được phổ biến mà lại là trong vòng tương đối, ví như sự tri thức về mầu đen và mầu trắng chẳng hạn. Phật học với sự cần yếu thành công phải ở nơi “trí tuệ”, nghĩa là cần đem cái tri thức tương đối, không hoàn toàn ấy vượt lên thành cái tri thức tương đối, không hoàn toàn ấy vượt lên thành cái tri thức hoàn toàn và phổ biến – Nhất thiết trí (hiểu biết tất cả sự sự, vật vật). Thành công trong trí tuệ ấy, tức là mục đích của Phật pháp vậy.

 

Học Phật là phương pháp để đạt được trí tuệ hoàn toàn. Đạt được trí tuệ hoàn toàn ấy, là thân chứng được thực tướng của vũ trụ nhân sinh, có thể biết được sự phát huy của tính giác ngộ hoàn toàn. Ấy là lý do học Phật.

 

Nhân sinh đau khổ đều do sự sai lầm không hiểu rõ cái Hiện lượng chân chính mà ra, nếu chứng được “Nhất thiết trí” thời hết thảy mê vọng phải lui, hết thảy đau khổ đều không. Song, đến được Phật trí ấy phải làm thế nào mới được, tất nhiên phải dầy công phu tu trì. Vậy, hai lớp trên (hiện lượng, tỷ lượng) có thể dùng lý luận giải thích, nhưng lớp thứ ba (chứng Nhất thiết trí) cần phải y theo phương pháp thực hành mới được. Ai ai cũng có thể thành, cần nhất phải có phương pháp thích đáng. Tu tích thành công, đạt tới mục đích thành Phật, là chỗ tinh yếu của Phật học.

 

4) Hiện biến thực lực 

 

“Muôn sự, muôn vật đều biến hóa. Lực lượng biến hóa chân thực là tâm của con người và tâm của tất cả chúng sinh”.

 

Hết thảy sự sự vật vật, hiển nhiên, tồn tại trong toàn vũ trụ, đều là tùy thời biến hóa, mà trong sự biến hóa ấy có một thứ lực lượng "Năng biến” đó là Hiện biến thực lực.

 

Người bình thường cho Năng biến lực là “Thần”, hoặc “Tạo vật chủ”, nhưng, y theo Phật học mà nói, thời những sự đó đều sai lầm.

Lực lượng năng biến theo như kinh Phật nói: “Tam giới duy Tâm, Vạn pháp duy Thức” (Ba cõi(5) chỉ do tâm, muôn sự, muôn vật, chỉ do thức), thời là lực lượng của Tâm thức.

 

Muôn sự, muôn vật đều biến hóa. Lực lượng biến hóa chân thực là tâm của con người và tâm của chúng sinh. Ai ai cũng có tâm, nên ai ai cũng có cái năng biến hóa nơi tự kỷ, đều được tự do, tự chủ, song chỉ cần tự kỷ đối với chân tướng vũ trụ có sự nhận thức tương đương, lập chí, gắng làm là sẽ đạt tới mục đích. Bậc đại thánh, đại hiền, anh hùng, hào kiệt cho đến người phát đại nguyện thành Phật, đều có thể tự do, tự tại, nhưng chẳng qua chỉ hiểu biết đến địa vị nào thôi. Như Duy vật sử quan chỉ nhìn thấy một phương diện đạo lý duy vật chứ chẳng biết nó là duyên cớ của dục vọng tri thức tiến bộ, phát kiến, phát minh dần lên.

 

Do tâm thức biến hóa, mà hành vi của nhân sinh biến hóa, dĩ chí phương pháp sinh sản cũng từ đó biến hóa, cho đến tâm lý dân tộc, tri thức nhân loại, đều là nguyên nhân của thế giới chuyển biến. Cho nên có sự vật, đều là theo tâm lý tri thức mà biến hóa.

 

Xa hơn một chút, nhà thiên văn học khảo cứu về toàn vũ trụ cũng xác thực là theo sự biến hóa của tâm lý chúng sinh mà hiển hiện. Thử coi người tu dưỡng tương đương trong Phật học, họ có thể trông thấy những cái gì không thể trông thấy, nghe thấy những cái gì không thể nghe thấy, vì lực lượng tâm lý của họ có thể xung qua cái duyên cớ và cái lực lượng của tự nhiên giới.

 

Tóm lại, lực lượng năng biến ở tâm. Chúng ta đều có tâm, nên chúng ta đều được tự do, tự chủ, hướng thượng, đạt tới địa vị tối cao thành Phật.

 

Như thế, Phật học không phải là tiêu cực, chán đời hoặc mê tín, mà là sự tiến bộ mở mang cho nhân sinh đạt tới địa vị tối cao, tối viên mãn. Dùng cái mô phạm tối cao thành Phật ấy, để dẫn dắt con người đem lại bản tính thực hiện và từ nhân sinh thể hiện được chân tướng của toàn vũ trụ, là hoàn thành được ý nghĩa của con người.

 

II. Động cơ bình đẳng chủ nghĩa 

(Tức Đại từ bi tính)

 

“Thực sự, thực tính hoàn toàn bình đẳng, nhỏ từ một vi trần, lớn đến một thế giới, gần từ nhân loại, xa đến hết thảy chúng sinh đều là cái dòng sinh mệnh lưu hành không ngừng”.

 

Theo nguyên lý Phật học đã nói trên, thời biết rằng ai ai cũng đều có thể thành Phật, đức Phật không những chỉ bị người ta tín ngưỡng mà lại là làm người mô phạm. Chỉ cần hiểu rõ đức Phật là người phát tâm thế nào, tu hành thế nào và thành công thế nào, soi đó mà đi, thời khả dĩ thành Phật.

 

Phát tâm là động cơ. Động cơ chính đáng, nhất định sau sẽ sinh ra hành vi, kết quả viên mãn; động cơ lệch lạc, sai lầm, nhất định kết quả cũng không được hoàn thiện. Động cơ Phật học, thành Phật là bình đẳng chủ nghĩa, như trong Kinh đã nói: “Hết thảy chúng sinh đều bình đẳng”. Tức là, gần từ nhân loại, rộng đến vũ trụ, hết thảy hình hình, sắc sắc đều bình đẳng. Song, nhìn vào thế pháp, thấy không được như thế, vì còn phân biệt mỗi loại, mỗi loại tức là không được bình đẳng. Ví như: phân biệt loài đất, đá là vô sinh cơ, loài cỏ cây là hữu sinh cơ, loài động vật là có cảm tình, tri giác; cho đến loài người lại có tư tưởng, lý tính đạo đức, như thế có thể nói tựa hồ không được bình đẳng.

 

Đã cho hết thảy chúng sinh loại đều cùng bình đẳng, vậy đến chỗ nào là chỗ rốt ráo của nó?

 

Đức Phật từng nói: “Thực sự, thực tính, hoàn toàn bình đẳng, nhỏ từ một vi trần, lớn đến một thế giới, gần từ nhân loại, xa đến hết thảy chúng sinh, đều có cái dòng sinh mệnh lưu hành không ngừng”. Thế là, đều cùng bình đẳng ở điểm đó.

 

Hết thảy chúng sinh đều có tâm, đều có hiện biến, thực lực, đều có khả năng tính có thể đạt tới chỗ tối cao giác ngộ, là Phật tính. Y vào điểm ấy mà giảng, là hết thảy bình đẳng. Chúng sinh đều có thể đạt tới địa vị tối cao thượng, tối viên mãn, thời địa vị Phật đâu phải vượt ra ngoài hết thảy nhân loại. Với tư tưởng ấy có thể tương hợp với đạo lý quốc gia dân chủ, vì người nước dân chủ có khả năng tính làm một vị nguyên thủ trong nước.

 

Chủ nghĩa bình đẳng của Phật là chủ nghĩa bình đẳng của toàn vũ trụ giới, toàn chúng sinh giới. Động cơ của Phật căn cứ ở nơi địa phương phát tâm cho toàn vũ trụ đều cùng bình đẳng, nghĩa là phát tâm thành Phật vì hết thảy chúng sinh trong toàn vũ trụ chẳng phải thành Phật vì một người, một thời đại hay một địa vực, đó là cái nguyện tâm bình đẳng rất phổ biến và cũng là tâm từ bi rộng lớn vậy.

 

Tâm Phật vẫn có sẵn cái trí tuệ đại quang minh phổ biến toàn vũ trụ và hết thảy năng lực đạo đức hoàn toàn. Hết thảy chúng sinh đều đầy đủ trí tuệ, đức tướng Như Lai, song, từ trước tới nay mê muội không biết, cứ nắm giữ cái tự kỷ nhỏ nhen, đem một điểm giả tướng trên dòng sinh mệnh làm tự kỷ, để hướng ngoại suy cầu; ai ai cũng đều như thế, tức là ngăn cách, tranh đấu lẫn nhau, thời tất cả khổ não cũng theo đó mà phát minh. Kỳ thực, đều là oan uổng, hoàn toàn do ở tự tính bất giác, tự mang lấy đau khổ. Cũng đều chẳng phải là ngoại vật cấp cho chúng ta, chẳng phải là sự tuyệt đối không thể biến đổi, chẳng qua, đối với chân tướng của vũ trụ, tự tính không giác ngộ được, nên khởi ra mọi thứ suy cầu, tranh đấu mà sinh ra mọi thứ khổ não.

 

Ai cũng đều là Phật, nghĩa là đều có khả năng tính thành Phật, song, đều mê muội không biết, thực đáng thương sót. Biết rằng hết thảy chúng sinh trong toàn vũ trụ, đều đáng thương sót, vì đều có thể thành Phật, lại phải oan uổng chịu khổ não luân hồi sinh tử, nên cần phải phát khởi tâm đại từ bi. Bởi thế tâm tự kỷ không thể thành Phật, vĩnh viễn không thể thoát khỏi nỗi đau khổ, thời hết thảy chúng sinh cũng đều thế. Phàm chưa đến địa vị thành Phật, chưa được viên mãn, thời hướng ngoại không thể còn có chỗ suy cầu, biến hóa, mà trong chỗ biến hóa lưu chuyển ấy, có chỗ không được tự chủ, nên có ra mọi thứ khổ não. 

 

Nhưng, bản tính chúng sinh cũng như nước chảy trong khe núi, nghìn vòng trăm đoạn đến biển là ngừng. Bản năng giác tính của hết thảy chúng sinh cũng nhất định chảy qua sông vào biển, tức là đi trên con đường thành Phật. Có con đường ấy thời hết thảy chúng sinh đều có khả năng tính thành Phật. Hiểu rõ nghĩa “Hết thảy bình đẳng” phát tâm từ trên lý tính ấy, tức là đi trên con đường thành Phật vậy. “Nguyện cho chúng sinh khỏi mọi khổ não, bằng cách rốt ráo được mọi sự an vui” đó là động cơ thành Phật. Nếu chỉ vì tự kỷ cá nhân, hoặc cho việc thành Phật là không thể tới được, tưởng ỷ lại Phật để cầu phúc, tránh họa, thời chẳng phải là người học Phật.

 

Người bình thường cho Phật và quỷ thần như nhau, tin Phật có thể khỏi họa được phúc, thứ động cơ ấy ở trong Phật pháp là mê chứ không phải là tín.

 

Người học Phật cần phát tâm vì hết thảy chúng sinh cần hướng tâm trên sự thực hành; hướng tâm trên sự thực hành nên có thể tạm dùng những phương pháp bất đồng. Như nước chúng ta, hiện tại chịu bao nỗi áp bức, khổ thống người dân phải làm sự nghiệp cứu quốc, cứu dân, là động cơ chính đáng. Song, là thực hành, hẳn phải từ chỗ có thể thực hành trước tiến đi, nhưng, trên động cơ cần phải hoàn toàn bình đẳng mới được. Vì, có phát tâm trên chủ nghĩa đại bình đẳng, mới có thể làm được cái sự nghiệp cứu quốc, cứu nhân loại. Sự phát tâm ấy giảng theo Phật pháp tức gọi là: “Phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát”. Phát động từ trên Phật tính: vì xã hội tính, vũ trụ tính mà phát tâm, thời tự nhiên là thiện, không còn có ác, ấy là động cơ của người học Phật như thế.

 

Thế nhân đối với việc học Phật, thường lầm tưởng cho là tự tư, tự lợi, người đọc sách thuở xưa cũng cho là học Phật, để sau khi chết được an lạc. Kỳ thực, cái ý nghĩa cá nhân giải thoát ấy vẫn có nơi bộ phận Tiểu thừa song, đều chẳng phải là căn bản Phật pháp. Căn bản của Phật pháp, ở chỗ phát tâm vì hết thảy chúng sinh nghĩa là “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”.

 

Động cơ phát tâm xuất gia, tu đạo, độ thế của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, do ở sự quán sát đối với tự nhiên giới. Tự nhiên giới tuy sinh sinh không ngừng, chủng loại đông đảo, nhưng, thiên địa bất nhân, cho muôn vật là thứ sô cẩu, để cắn xé nhau, tàn sát nhau, muốn sinh tồn không được sinh tồn, muốn an lạc không được an lạc thế mà không thấy thiên địa hỏi han gì?

 

Hết thảy sinh loại tranh nhau, giết nhau để sống lấy một ngày, biết rằng quá ư tàn khốc, thực rất thương hại; vì thế Ngài đi tìm phương pháp gì, trừ khỏi được hết thảy sự buồn thảm đau khổ cho chúng sinh, ấy là tâm đại từ bi. Như động cơ “ Dân sinh chủ nghĩa” của Tôn Trung Sơn, cũng phát xuất ở tư tưởng: muốn cho nhân loại khỏi đau khổ, được hòa bình, an lạc, đó cũng là sự phát xuất ở một điểm của tâm Bồ tát.

 

Tâm đại từ bi của Phật, vì hết thảy chúng sinh, song, muốn khỏi sự sinh hoạt bi thảm của chúng sinh, đầu tiên cần tự kỷ giác ngộ được chân tướng của vũ trụ nhân sinh mới đầy đủ công năng cứu tế chúng sinh được. Đức Phật Thích Ca khi đương thời niên thiếu có một lần Ngài đi quán sát nơi làng mạc, Ngài trông thấy người nông phu cày đất, loài trùng từ trong đất bò ra, chim chóc theo sau mổ ăn Ngài ta thán: sự sinh hoạt tàn khốc của tự nhiên giới thực đáng thương hại, lòng dạ buồn rầu, từ đó Ngài phát tâm khảo sát chân tướng của vũ trụ, nhân sinh thế nào, phương pháp thoát đau khổ thế nào, mới cần cầu đại đạo vô thượng chính giác. Thế là phát tâm thành Phật không phải là tiêu cực mà là kết quả được sự sinh hoạt hòa thiện, an vui tức là Đại Niết Bàn vậy.

 

Động cơ tu đạo của đức Phật Thích Ca ở chỗ là một vị Phật thành vô thượng chính giác, nên sau khi Ngài thành Phật, Ngài không ở yên chỗ nào, luôn luôn đi thuyết pháp độ nhân, do đó, biết rằng Ngài phát tâm là vì hết thảy chúng sinh, chẳng phải là “tự tư, tự lợi”, cũng chẳng phải là “không tưởng làm không tới đích”, mà là một biện pháp thỏa đáng thiết thực tiến hành đến chỗ thực hiện.

 

Người bình thường cho Phật pháp là: “Phi nhân sinh, chán đời, phi luân lý” đều là nhận xét sai lầm cả. Dòng sinh mệnh không tự giác ngộ được, nên mới có trạng thái bất an ninh; cầu cho sự sinh hoạt của thế giới nhân loại được hoàn toàn bình đẳng, lại tiến bước nữa cầu cho hết thảy chúng sinh đều được bình đẳng an lạc, tức là động cơ thành Phật. Cho nên Phật pháp không phải là “phi nhân sinh” mà là phát đạt nhân sinh; lại chẳng phải chuyên phát đạt về sinh hoạt vật chất; cũng chẳng phải chuyên phát đạt về tinh thần mà phát đạt về sinh hoạt sinh mệnh được hoàn toàn mỹ mãn. Ấy là bản nghĩa của Phật pháp Đại thừa, là động cơ học Phật, nên biện biệt rõ ràng.

 

Học Phật có phân ra Tiểu thừa và Đại thừa. Động cơ của Tiểu thừa chỉ cầu giải thoát cho tự kỷ. Người bình thường cho Tiểu thừa là Phật pháp chân chính; lại còn đối với chân lý Phật pháp, họ không hiểu được rõ ràng, họ cho Phật là quỷ thần, như thế đều là sai lầm và lại sinh ra nhiều bình luận sai lầm nữa. Cho nên phải phân biệt rõ ràng về động cơ học Phật có thể tóm tắt làm bốn nghĩa:

 

a) Đều có Phật tính.

b) Đều thành Phật được.

c) Thương mình, thương người.

d) Cùng thành chính giác.

 

Tức là nói: chúng sinh đều có khả năng tính thành Phật đều có thực tính và khả năng tính học Phật bình đẳng, nên đều có thể thành Phật.

 

Hơn nữa, với những nghĩa trên, có thể chia giảng làm từng thứ như sau:

 

- Từng thứ nhất: cùng tin rằng vũ trụ, vạn hữu có một thứ chân lý phổ biến hoàn toàn.

- Từng thứ hai: cùng tin rằng trong chân lý ấy có cái nhận thức hoàn toàn tối cao vô thượng đại giác ngộ (vô thượng Bồ đề).

- Từng thứ ba: cùng tin rằng cái vô thượng chính giác ấy có thể đạt tới được như đức Phật Thích Ca.

- Từng thứ tư: cùng tin rằng ai cũng đạt tới được.

 

Tín ngưỡng căn bản của Phật học không ngoài bốn từng thứ ấy.

 

Song, nhân loại hiện tại trên tri thức, hành vi, năng lực, sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần, đều không được viên mãn, sinh ra mọi thứ dục vọng, dĩ chí sinh ra mọi thứ đau khổ, tuy nói đều có thể thành Phật, mà thực là ở vào địa vị đáng thương xót. Đem so sánh sự đau khổ của thế giới, nhân loại, chúng sinh này, đều cùng như sự đau khổ nơi tự thân ta, phát tâm thương mình, thương người ấy là động cơ của Đại thừa Phật pháp. Cùng cách thức ấy, phát khởi đại tâm, vì hết thảy chúng sinh, cầu được vô thượng chính giác, có chân giác ngộ mới phá được mê và hết thảy hành vi mới được hợp lý.

 

Duy Phật pháp mới hiểu rõ ràng được cái nguyên khởi của hết thảy sự đau khổ ở mê hoặc, đào nhổ đến cỗi rễ, mới có thể nói là cách mạng đến triệt để. Mà động cơ thành Phật, mới có thể nói là cải tạo thành sự sinh hoạt an toàn cho toàn vũ trụ, toàn nhân loại được.

 

III. Biện pháp Tiến hóa chủ nghĩa 
 

“Từ địa vị chúng sinh, dùng phương tiện tu chứng, đi tới địa vị Phật, mới gọi là tiến hóa”.

 

Có động cơ, không có biện pháp thích đáng, không thể thực hiện được; biện pháp bất đối, kết quả hẳn trái với sự thích đáng của nó. Ví như chủ nghĩa xã hội, mục đích của nó cũng muốn cho sự sinh hoạt của nhân loại được phong phú, an lạc, nhưng, nó không có phương pháp thích đáng, nó lợi dụng phương pháp thiên vị, hiềm khích, để cổ động cái tâm bất bình, ghen ghét, bực tức của nhân loại đến nỗi nhân loại không những không thể đạt tới chỗ an ninh, lại khiến xã hội hiện tại không được an vui sung sướng. 

 

Vậy nên biết rằng lý tưởng tuy hay, nhưng không có biện pháp tương đương, lại thành cái kết quả không tốt. Học Phật cũng thế, bắt đầu giảng xong nguyên lý, giảng xong động cơ, nếu không có biện pháp, thời thành Phật thế nào được? Ví như khách lữ hành cần có một đường đi mới có thể tiền tiến, con đường Phật pháp, là một thứ tiến hóa chủ nghĩa.

 

Chủ nghĩa tiến hóa của Phật pháp, bất đồng với chủ nghĩa tiến hóa bình thường. Giảng theo Phật pháp, thời hết thảy chúng sinh trong tự nhiên giới là tuần hoàn, lưu chuyển (luân hồi) không phải là tiến hóa, vì tăng tiến đến một hạn độ nhất định liền lại thoái hồi. Như con người khi còn là trẻ con ít kinh nghiêm, lúc thiếu niên cầu trí thức học vấn, lúc khôn lớn ra làm việc, đến khi sự nghiệp thành công đã xong, tiến dần đến thời kỳ già yếu, kết quả không khỏi một lần chết. Một đời nối tiếp trong sự tiến hóa đến lúc chết là tiêu hủy hoàn toàn. 

 

Như quả địa cầu, có sự biến hóa trong thành, trụ, hoại, không, cũng là tuần hoàn chứ không phải là tiến hóa. Nhân loại và thế giới chẳng qua là cái cũ mất đi, cái mới sinh ra mà thôi. Hiện tượng tự nhiên của bình thường, không ngoài sự tuần hoàn của sinh tử luân hồi trong Phật pháp, đến khi hạn độ đầy đủ liền thoái lui không thể thành tiến hóa được. Vì chủ nghĩa tiến hóa hiện tại là giả tiến hóa, không phải là tiến hóa cứu cánh.

 

Sự lưu chuyển tuần hoàn trong luân hồi sinh tử, là việc rất không may, rất đáng thương, phải có phương pháp để đả phá sự bó buộc của luân hồi sinh tử, mới hay đạt tới tiến hóa chân chính được. Giả như, hiểu rõ ràng được dòng sinh mệnh, lớn, nhỏ quan  hệ và giao thông lẫn nhau, thời y vào đó sẽ thấy chân sinh mệnh không có hạn độ, không bị ngăn ngại, không bị chấp trước, mà chỉ thấy tăng tiến, không thấy thoái lui.

 

Trên kia đã nói, không cứ vật gì đều là sự quan hệ của toàn vũ trụ tạo thành, một vật tức tất cả mọi vật, một là ở trong tất cả. Nghĩa là, trong chân tướng ấy, cá thể của mỗi mỗi sự vật, không có thực tự ngã, là cái giả tướng của mọi thứ quan hệ tập hợp của toàn vũ trụ tạo thành; mà chân tướng là phổ biến toàn vũ trụ.

 

Hơn nữa, nhân sinh và thế giới, là không trước, không sau, không bờ cõi, không hạn độ; đã biết rằng không hạn độ, tức là thấy cái không lượng của vũ trụ nhân sinh là hoàn toàn khế hợp cùng chân tướng, đem tư tưởng, hành vi cải thiện nhân sinh, dần dần tiến bộ thành tiến hóa, ấy là khởi điểm vượt khỏi sinh tử luân hồi.
 

Đại thừa Phật pháp, do phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát (Bồ tát không phải là đại danh từ của thần tượng, là chúng sinh có giác ngộ hoàn toàn), đả phá sự lưu chuyển tuần hoàn, đi lên đại lộ tiến hóa. Nghĩa là từ địa vị chúng sinh, dùng mọi phương pháp tu chứng đi tới địa vị Phật, mới gọi là tiến hóa. Và cũng là con người tu đến địa vị Thập tín(6) của Bồ tát, qua Thập trụ(7), Thập hạnh(8), Thập hồi hướng(9), Tứ gia hạnh(10) và Thập địa(11) trải qua mọi bậc tiến hóa ấy, đến địa vị Phật mới là viên mãn. Thế nên biết rằng: vũ trụ là tiến hóa, con người chưa phải là cái kết quả của tối hậu tiến hóa, lại còn có địa vị siêu nhân nữa.

 

Con người hoàn thành địa vị Thập tín tương đương như bậc Đại thánh, Đại hiền ở thế gian; Thập trụ là địa vị siêu nhân; Thập trụ trở lên là địa vị siêu việt nhân. Phật lấy toàn vũ trụ làm sinh mệnh, toàn vũ trụ vô hạn lượng, Phật thân cũng vô hạn lượng, ấy mới là sự kết quả của tối hậu tiến hóa.

 

Phật tuy phổ độ hết thảy chúng sinh, hết thảy chúng sinh có khả năng tính thành Phật, song, chỉ có nhân loại là rất hợp với sự tu học trong Phật pháp. Nhân loại trở xuống, những chúng sinh như loài súc sinh, vì sự đau khổ bức bách, vì sự trí thức không phát đạt, nên tuy rằng có Phật thuyết pháp họ cũng không thể lĩnh hội được.

 

Nhân loại trở lên, thời ở vào cảnh giới rất đẹp, rất vui, tâm bị cảnh giới đương tiền làm say mê, nên không tưởng học Phật, cho nên nhân loại là một đạo rất có tâm đoan chính, xu hướng Bồ đề ở trong sáu đạo(12) chỉ có nhân loại là rất giàu khả năng tính thành Phật(13). Vì thế đức Phật thị hiện ở trong nhân loại, nói hết thảy pháp, mà sự giảng Phật pháp trong hiện tại tức là lưu hành Phật pháp trong nhân loại vậy.

 

Từ khi đức Thích Ca thành Phật đến nay, đã hơn 2000 năm lưu hành bao quốc độ đều có sự tốt đẹp, nhưng sự kinh quá do thời đại bất đồng, dân tộc bất đồng, nên Phật giáo sử, có sự duyên cách, biến hóa lẫn nhau theo địa phương. Nhìn trên sự giáo hóa của Phật, thứ nhất là phải hợp chân lý. Chân lý là đại trí tuệ viên mãn của Phật, chứng được chân tướng của vũ trụ, nhân sinh, thứ hai là cần hợp thời cơ tức là phù hợp thời đại, trào lưu và tâm lý quần chúng; nếu không hợp thời cơ, là không được thông hành. Phật pháp lưu hành hơn vài ngàn năm, trải qua bao nhiêu nước như thế, đương nhiên là phải phù hợp với tâm lý quần chúng. Cho nên chân lý Phật pháp tuy nhiên thông suốt xưa nay không rời đổi, nhưng vì phù hợp với sự bất đồng của các thời đại, các tư tưởng, dân tộc, nên pháp môn của Phật pháp cũng tùy theo sự bất đồng ấy mà làm việc lợi ích.

 

Tới đây, xin đem lại một thuyết nói về sự biến thiên của lịch sử Phật giáo: Khi đức Thích Ca xuất thế tại Ấn Độ, quốc gia an tĩnh, dân thịnh, vật nhiều nhưng, nhân dân chỉ sợ về sinh, già, ốm, chết. Vì lo sợ chết đến cực độ, nên họ liền tìm phương pháp giải thoát cá nhân. Do đó Ngài muốn thích hợp với tâm lý cầu giải thoát cá nhân của quần chúng Ấn Độ đương thời, nên Ngài mới nói ra pháp Tiểu thừa trước nhất. Nói khác hơn, đương thời rất nhiều người cầu giải thoát, nhưng đều không biết rằng: đương thể của nhân sinh, thế giới là vô thỉ, vô chung, vô hạn lượng và không có sinh tử để giải thoát, cho nên Phật pháp không thể không dùng phương pháp vòng quanh khúc chiết, để thích hợp với tâm lý cầu giải thoát của quần chúng đương thời, mà nói ra pháp “Vô ngã giải thoát”.

 

Cá nhân coi như không, cái “Ta” lại không có, thời không chi là sinh tử lưu chuyển? Trên vô ngã phủ nhận tự ngã, thời không phải ý nghĩa chân chính của Phật pháp, song chẳng qua để thích hợp với tâm lý quần chúng đương thời mà thôi. Vì vậy, nói ra pháp giải thoát Tiểu thừa, là vòng quanh, khúc chiết, khiến do nơi Tiểu thừa đạt tới nơi Đại thừa, như trong kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh đã nói: “Tiểu thừa là phương tiện nhất thời, nếu không dùng phương tiện như thế, thời quần chúng không sinh lòng tin, không thể vào trong Phật pháp được”. Đức Phật, xưa nay chỉ do một nhân duyên đại sự, mới xuất hiện ra đời, để cho hết thảy chúng sinh, nhận sự khai thị của Phật chứng ngộ Phật trí, được sự vui vẻ, an ninh không chướng ngại.

 

Đương thời có một đoàn người chỉ lưu truyền về Tiểu thừa; sau bốn, năm trăm năm. Ngài Long Thọ mới xương minh Đại thừa, song vẫn là hình thức Tiểu thừa. Đến khi Bà la môn giáo phục hưng, Phật giáo suy tàn, vì tư tưởng Đại thừa với dân tộc Ấn Độ không được thập phần tương hợp. Mãi về sau Đại thừa mới từ Bắc Ấn Độ truyền sang Trung Hoa. Tư tưởng người Trung Hoa là thuận tự nhiên, trọng nhân sinh nên tư tưởng Tiểu thừa không hợp, mà lưu hành tư tưởng Đại thừa. Song, sự lưu hành phổ thông trên xã hội, lại không phải là Phật giáo thuần chính, mà là Phật giáo thiết giáo trên thần đạo sàn tạp. Tư tưởng Đại thừa đối với tư tưởng Nho gia họ cho như là ngoài chính trị, xã  hội, chỉ có thể lui ở núi rừng, không làm được sự nghiệp xã hội và không xã hội hóa được, nên tuy rằng xương minh tư tưởng Đại thừa cũng chưa thành xã hội, dân tộc giáo hóa. Cận lai Phật giáo lại có cái xu thế tiệm suy vì không thể theo với sự biến thiên của dân tộc mà tiến bộ được.

 

Hiện tại giảng về Phật pháp cần phải quan sát đặc điểm tâm lý dân tộc ở chỗ nào, tâm lý nhân loại thế giới thế nào, nắm được hai thứ ấy mà xem xét, mới có thể nắm được lẽ sống còn cho Phật giáo hiển dương, lưu hành giữa lòng người.

 

Nhân tâm thế giới hiện tại chú trọng về vấn đề nhân sinh, mong cầu sự sinh hoạt của nhân loại làm sao tới được chỗ hòa bình ưu mỹ. Công cụ ứng dụng là khoa học, phương pháp thực hành là xã hội và có tổ chức sinh hoạt quần chúng.

 

Tiểu thừa Phật pháp; ly khai thế giới, phủ định nhân sinh, là không thích hợp. Đại thừa đốn giáo(15) cũng có chỗ không hợp với tư tưởng hiện đại. Song có thể hợp với nhân loại thế giới hiện tại, cần dùng Đại thừa Tiệm giáo(16) hơn cả. Đại thừa Tiệm giáo lấy nhân loại làm cơ sở, tiến một bước có sự thực chứng của một bước, tức là phương pháp khoa học hóa, tổ chức hóa, dần dần được hoàn thiện. Cho nên hiển dương Phật pháp trong thời đại này, cần phải đề xướng về Đại thừa Tiệm giáo.

 

Nói rõ hơn, bước thứ nhất của Phật học ở chỗ hoàn thành nhân cách làm đầu, nghĩa là làm một cá nhân ở chỗ sinh địa tốt đẹp. Phương diện sinh hoạt vật chất như cơm ăn, áo mặc, nơi ở... cần được giải quyết tương đương, thì phương diện hành vi trên đạo đức, trí thức, trên lý tính cũng cần hợp với nhân loại để làm thành con người có nhân cách tương hợp với người quân tử thuở xưa, nhiên hậu mới đem sự hiểu biết minh bạch về nguyên lý của vũ trụ, nhân sinh áp dụng vào thực hành. 

 

Nghĩa là trước nhất làm cho con người hoàn toàn, an toàn sinh hoạt vật chất, tăng cao sinh hoạt trí thức, hoàn thiện sinh hoạt đạo đức lại dùng những cái đó mà hoàn thành gia đình ưu mỹ, xã hội lương thiện quốc gia hòa lạc, thế giới an ninh, như thế tức là Nho giáo nói: “Con người đã đạt đến địa bộ hy vọng của kẻ sĩ thành người hiền, người hiền thành bậc Thánh, bậc Thánh nhân thành công trong loài người. Nhân cách hoàn thành, hoàn thiện rồi, lại phát đại tâm Vô thượng viên giác, khởi đại nguyện phổ độ chúng sinh, như thế tức là Nho giáo nói: “Con người đã đạt tới địa vị hy vọng của bậc Thánh thành Trời”, thế là cầu tiến hóa trên nhân sinh chứ quyết không phải là sinh hoạt độc thiện, xa cách thế gian. Cũng thế, tiến hóa cao thượng kể từ địa vị Bồ tát Thập tín tâm đã là địa vị đạt tới nhân cách ưu mỹ cao thượng khiến thế gian có thể lĩnh thụ sự giáo hóa, Cổ lai Thánh hiền đều như thế. Đó là bước thực hành thứ nhất của Đại thừa Phật pháp. Vì sơ bộ của Đại thừa Phật pháp là hướng về hết thảy sự thực hành đạo đức của con người trên thế gian.

 

Bước thứ hai là “Thập trụ” cũng trải qua mười giai đoạn. Vì có hoàn thành công năng đức dụng của Thập tín tâm mới kết hợp thành Sơ phát tâm trụ; thành công được trụ tâm ấy rồi, mới là con đường chân chính đi lên sự tiến hóa. Đến thời gian ấy dòng sinh mệnh không phải như theo gió trôi dạt và cũng không phải luân hồi lưu chuyển nữa. Đã phát khởi tâm quyết định đời đời phổ độ chúng sinh đều cũng thành Phật, cho nên cần học rộng hết thảy học vấn thế gian mới có thể so sánh kịp. Và cũng do tâm Bồ đề kiên cố ấy, từ đó chỉ có sự tiến hóa chứ không có sự thoái hóa. Vì từ Sơ Phát Tâm trụ trở lên, còn có chín trụ tâm nữa mỗi trụ tâm đều theo một giai đoạn của con đường ấy, mà mỗi giai đoạn là đều hướng về sự tiến hóa.

 

Bước thứ ba là Thập hạnh, tu Thập trụ tâm tiến thêm một bước vào địa vị Thập hạnh. Thập trụ tâm là do dụng tâm trên lý quan sát đến khi tu hành viên mãn đối với lý tính của chân lý đã trải qua và phù hợp thành một mối. Có năng lực cơ bản ấy hay làm những việc hy sinh lợi tha, tu những hạnh rốt ráo (Ba la mật Tàu dịch là đáo bỉ ngạn) như: tu hạnh bố thí, cũng gọi là hạnh hoan hỉ, nghĩa là lấy hết thảy sự vui mừng của chúng sinh trên thế gian làm sự vui mừng của mình, sinh mệnh tài sản đều đem bố thí, cho đến hy sinh một mình để cứu người, cứu đời, cứu nước. Đó là tài thí. Lại còn pháp thí. Pháp thí là dùng tất cả sự phát minh của chân lý cùng những phương pháp hay, bố thí cho hết thảy mọi người. Sau cùng là trừ khỏi khủng bố nguy hiểm cho chúng sinh, giúp người, cứu đời gọi là vô úy thí. Như thế trải qua được mười giai vị, thời sự tu hành cũng từ một bước tiến lên một bước. Trong Phật pháp thường nói về sự “thần thông chứng nghiệm”, không phải là thần bí, đều do sự thực hiện của những bước đã kinh quá trên đây mà ra.

 

Bước thứ tư là Thập hướng. Hướng là ý tứ hồi hướng. Trên đây đã nói về Thập trụ, Thập hạnh, nhưng Thập trụ còn thiên về lý, Thập hạnh thiên về sự, đến Thập hướng sự, lý mới hợp về một mối (quay về sự hướng về lý quay về lý hướng về sự đến chỗ sự, lý không hai), đó là từng thứ nhất của hồi hướng. Hơn nữa, quay tâm chúng sinh hướng về Phật, quay tâm Phật hướng về chúng sinh, quay hết thảy công đức tự kỷ hướng về chúng sinh và quay hết thảy chúng sinh hướng về tự kỷ. Hồi tự hướng tha, hồi tha hướng tự, tự, tha là một, ấy là từng thứ hai của hồi hướng.

 

Thứ bậc trải qua trên đường tiến hóa, do con người đi từ Tín, Trụ, Hạnh, Hướng và đi được một phần ba, tức như trong sách phật học gọi là vô số kiếp đầu tiên (sơ A tăng kỳ kiếp). Lại khởi công Gia hạnh tức là tập trung những hạnh đã tu hành từ trước tới nay tăng thêm cái hạnh về công dụng. Do gia hạnh đến được nơi sơ địa hoan hỉ địa thời khi ấy đã đến địa vị kiến đạo, thể nghiệm tới chỗ thực tướng của vũ trụ nhân sinh, vô thỉ chung, vô phương thể, xa hết thảy ngôn thuyết, không thể nào nghĩ bàn được (bất đồng với giả tứ lý tưởng trên tư tưởng). Thân tâm cải biến, trình độ vượt cao lực lượng vượt lớn, là sự hiếm có nơi tư tưởng người bình thường. 

 

Lực lượng tâm lý dần cao, sinh lý vật lý đều biến hóa, hiện thực thế giới tùy tâm lý cải biến, nên vũ trụ duy tâm, vạn hữu duy thức, đến đó đều có thể thực hiện được… Những cái có thể thấy được trên thế giới hiện thực thời cũng như loài côn trùng chỉ biết được cảnh giới của loài côn trùng, vì nó chỉ có thể tùy theo sinh lý sinh hoạt của thiên nhiên, chứ không thể bằng vào tâm lý mà tạo tác được. Sinh hoạt của cao đẳng động vật, thời có lực lượng tâm lý. Tâm lý mạnh ảnh hưởng sinh lý, sinh lý ảnh hưởng vật lý, đến khi thiền định thành công ngũ căn (tức ngũ quan) biến hóa, tự nhiên hết thảy vật chất cũng đều biến hóa, thời dầu rằng vào nơi nước lửa vẫn không thấy nóng, không thấy chìm. kết quả cải tạo tiến bộ là trí tuệ quang minh của tâm tràn đầy toàn vũ trụ tức là trong toàn vũ trụ không có cái gì, nơi nào là không thông suốt được hết thảy.

 

Phát tâm từ sơ địa, chân tướng vũ trụ đã chứng minh được hoàn toàn, trí tuệ lại có chỗ khả dĩ sung thực. Một từng, một từng tiến  bộ đến Pháp vân địa thứ mười thời hiểu biết hoàn toàn được hết thảy sự thuyết pháp của chư Phật trong thập phương thế giới và một tích tắc trong tâm, là tới địa vị tối cao của Bồ tát. Như Ngài Quán Âm Bồ Tát, rất gần Phật vị, nghĩa là thập địa viên mãn là tới được địa vị Phật. Phật không phải là tương đối cũng không phải là đơn độc mà là không thể nghĩ bàn được. Đã không phải là một cũng không phải là nhiều, không phải là dị, cũng không phải là đồng, thời không kể là xuất hiện ra tự thể gì, tự thể ấy đều tràn đầy khắp vũ trụ, lấy toàn vũ trụ làm Phật; mà Phật toàn vũ trụ, là ánh sáng trong sạch cứu cánh, an lạc hoàn thiện. Cho nên Phật pháp là biện pháp cải tạo nhân  loại, cải tạo toàn vũ trụ đều thành tối thiện viên mãn, thực hiện lý tưởng Phật. Đó là thực sự, nên thực hành và năng thực hành, thời khả dĩ do nơi con người tiến hóa tới chỗ Phật vị.

 

IV. Hiệu quả Tự do chủ nghĩa 

 

(Có nghĩa là vô chướng ngại) “... Tự tha là một, viên dung vô ngại, được đại tự do”.

 

Tự do chủ nghĩa không phải là phóng túng tự ngã, tha hồ làm càn. Không một Phật thân nào không phải không biến mãn toàn vũ trụ, tức là Pháp giới vô chướng ngại và cũng gọi là Pháp giới thân vô chướng ngại. Vô chướng ngại cùng vô ngã, lý rất hợp nhau, vì vô ngã nên vô chướng ngại, vô chướng ngại nên được tự do. Thế là, đem lực lượng quan hệ của toàn vũ trụ, hợp  thành một vật ấy (Pháp thân) thường làm chủ, làm bạn lẫn nhau, tức là Pháp giới vô chướng ngại, chủ, bạn trùng trùng vô tận, không thể nghĩ bàn được (tư tưởng bình thường là tư tưởng phân biệt tương đối, chẳng phải là tư tưởng bỉ, thử hỗ tương đối đãi). Tới cảnh giới ấy tức là không thể nói được; nhưng, chẳng phải không nói mà là cực tận thuyết cái năng sự vô sở bất thuyết (ngôn thuyết chẳng qua là lối chỉ đạo phương hướng trên sự tiến hành, như lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi). Mục  đích học Phật, là thành công “Pháp thân vô chướng ngại”. Ở trong vũ trụ vô chướng ngại ấy, tự tha là một, viên dung vô ngại, được đại tự do:

 

1. Cảnh trí tự do 

 

Cảnh là hết thảy sự vật bị trí tuệ nhận thức. Chân tướng của hết thảy sự sự vật vật trong vũ trụ hoàn toàn vô ngại, cảnh vô ngại nên hiển thị trí tuệ quang minh vô ngại, trí vô ngại nên cảnh cũng vô ngại; không có cảnh ở ngoài trí, không có trí ở ngoài cảnh, cảnh, trí nhất như, không thể nhận thấy được hai tướng, mà lại biết rõ ràng hết thảy cảnh, hết thảy cảnh là cái bị biết rõ (sở liễu) của trí biết rõ hết thảy (nhất thiết liễu tri trí). Đó tức là Vô thượng chính biến giác tri, biết rõ chân tướng của vũ trụ chư pháp bằng cách viên minh, không bị thời gian, không gian câu thúc.

 

Trí thức bình thường là tương đối, còn bị thời gian, không gian câu thúc; vì sự quan hệ của tâm lý, sinh lý bất đồng đều cho tâm lý cảnh giới là phải, nên đều có sự chướng, ngại. Phật thời hoàn toàn vô chướng ngại. Bậc Bồ tát thấy chân lý phổ biến, không thấy sai biệt; không thấy sai biệt nên trong đó trí tuệ đã có sự khu biệt, có sự cách ngại. Trái lại, trí tuệ Phật là chính biến giác tri, là trí tuệ bình đẳng phổ biến – hết thảy thời gian, hết thảy không gian hết thảy chủng loại, đồng thời không gì là không biết rõ bằng cách chu biến; năng tri trí (trí hiểu biết) sở tri cảnh (cảnh bị biết) viên dung vô ngại. Đó là cảnh, trí tự  do, mà trong sách Phật thường gọi là Trí đức.

 

2. Nghiệp quả tự do 

 

Nghiệp quả là do nghiệp lực trước làm nhân, tất nhiên sẽ có kết quả, mà nghiệp lực tức là những hành vi tiền thời của nó. Hành vi tiền thời kết hợp thành hiện tại sinh mệnh, kết quả là sự thúc phược của lực lượng hành vi trong tiền thế và hiện sinh, nên chịu sự tân trần đại tạ (cái cũ mất đi, cái mới sinh ra), sinh tử luân hồi. Bậc vô sinh (A la hán) chỉ tự do từng bộ phận và đến Phật vị mới là đại tự do – bỏ hết thảy nghiệp bất thiện hữu lậu, viên mãn nghiệp nhân vô lậu thanh tịnh từ vô lượng kiếp, thành tựu quả Niết bàn vô chướng thanh tịnh. Hết thảy sự bất hảo đều không có, hết thảy sự diệu hảo đều viên mãn (viên tịch) là đoạn trừ được hết thảy nghiệp nhân bất lương, thành tựu công đức Niết bàn. Đó là nghiệp quả tự do mà sách Phật thường gọi là Đoạn đức.

 

3. Hoàn toàn tự do 

 

Hoàn toàn tự do là Pháp thân, tức là bản thân pháp giới vô chướng ngại cũng là toàn thể vũ trụ. Hết thảy chúng sinh sinh tử trong Pháp thân mà Pháp thân hoàn toàn tự do trong toàn thế giới, hết thảy sinh. Vũ trụ pháp thân, tự tha không hai, thường hay giúp đỡ chúng sinh và làm lợi ích cho chúng sinh. Chúng sinh ở trong chỗ bất tri, bất giác, nhận sự cảm hóa của Phật, giải thoát hết thảy khổ não, được hết thảy sự an vui – đối với chúng sinh có ân đức lớn lao, nên trong sách Phật thường gọi là Ân đức.

 

Ba thứ tự do trên đây, tức là ba đức của Phật quả, là người học Phật hy vọng sẽ đạt tới mục đích ấy.

 

Tác giả: Thái Hư Đại sư

Phỏng dịch: Thích Tâm Châu

 

Chú thích:

1. Những hàng chữ nhỏ dưới đề-mục trong cuốn sách này là do ý-nguyện chúng tôi muốn nêu lên những câu toát-yếu toàn mục, để bạn đọc tiện bề nghiên-cứu và ức-ký (lời Dịch-giả).

2. Bốn Đại tức là: đất, nước, gió, lửa thuộc về sắc pháp.

3. Chủng tử là hạt giống, nhưng gọi theo khoa học là nguyên-tử điện-tử.

4. Nghiệp lực là cái năng lực của hành vi.

5. Ba cõi: cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc.

6. Thập-tín: 1) Tín-tâm. 2) Tinh-tiến-tâm. 3) Niệm-tâm. 4) Định-tâm. 5) Tuệ-tâm. 6) Thí-tâm. 7) Giới-tâm. 8) Hộ-tâm. 9) Nguyện-tâm. 10) Hồi-hướng-tâm. Mười bậc này đều lấy đức “Tín” làm gốc, cho nên gọi là “Thập-tín”.

7. Thập-trụ: 1) Phát-tâm-trụ. 2) Trị-địa-trụ. 3) Tu-hành-trụ. 4) Sinh-quý-trụ. 5) Phương-tiện-trụ. 6) Chính-tâm-trụ. 7) Bất-thoái-trụ. 8) Đồng-chân-trụ. 9) Pháp-Vương-tử-trụ. 10) Quán-đính-trụ. Mười bậc này đều gọi là “Trụ”, nghĩa là chỗ ở của các vị Bồ-tát an-trụ-tâm, đối với sự tu hành về lục-độ (a) chưa được rốt-ráo mầu nhiệm, cho nên chỉ gọi là “Trụ”.

8. Thập-hạnh: 1) Hoan-hỷ-hạnh. 2) Nhiêu-ích-hạnh. 3) Vô-khuể-hạnh. 4) Vô-tận-hạnh. 5) Ly-si-loạn-hạnh. 6) Thiện-hiện-hạnh. 7) Vô-trước-hạnh. 8) Tôn-trọng-hạnh. 9) Thiện-pháp-hạnh. 10) Chân-thực-hạnh. Mười bậc này chú-trọng tu-hành về phép lục-độ hơn các hạnh tu khác, cho nên gọi là “Hạnh”.

9. Thập-hồi-hướng: 1) Cứu-hộ chúng-sinh ly chúng-sinh tướng hồi-hướng (cứu giúp chúng-sinh mà không chấp-trước về sự cứu giúp). 2) Bất hoại hồi-hướng (không bao giờ thoái lui lòng cứu giúp chúng-sinh). 3) Đẳng chư Phật hồi-hướng (lòng Từ-bi cứu giúp chúng-sinh đã bằng chư Phật). 4) Chí nhất thiết xứ hồi-hướng (lòng cứu giúp chúng-sinh mỗi việc đều chu đáo). 5) Vô tận công-đức-tạng hồi-hướng (tích chứa công-đức vô tận). 6) Tùy thuận nhất thiết kiên cố thiện căn hồi-hướng (thuận theo hết thảy căn lành bền chặt). 7) Đẳng tâm tùy thuận nhất thiết chúng-sinh hồi-hướng (đem tâm bình-đẳng tùy thuận hết thảy chúng-sinh). 8) Như tướng hồi-hướng (làm các công-đức đều hồi-hướng về tự-tính chân-như). 9) Vô trước vô phược giải thoát tâm hồi-hướng (không chấp trước, không ràng buộc một lòng giải thoát). 10) Pháp-giới vô lượng hồi-hướng (hồi-hướng về vô lượng pháp-giới). Mười bậc này đều gọi là hồi-hướng, vì những sự tu-hành của các vị Bồ-tát về bậc ấy, đều đem công-đức mà hồi-hướng vậy.

10. Tứ-gia-hạnh: 1) Noãn-pháp (đây là lời ví dụ, như cưa cây lấy lửa, lửa tuy chưa ra, nhưng đã có nóng; người tu hành tuy chưa được trí-tuệ viên-mãn, nhưng đã có tướng trí-tuệ phát-hiện). 2) Đỉnh-pháp (các căn lành còn bị sao động, bậc này còn ở trong thời-kỳ tiến thoái, như đỉnh núi có thể lên xuống). 3) Nhẫn pháp (có ý-nghĩa là ấn khả và quyết định tiến). 4) Thế đệ nhất pháp (bậc này tuy chưa chứng được chính đạo nhưng, đã được phần tôn trọng thứ nhất của thế gian). Bốn bậc này đã gần kiến-đạo, một mực gia công tu-hành nên gọi là “Gia-hạnh”.

11. Thập-địa: 1) Hoan-hỷ-địa. 2) Ly khổ địa. 3) Phát quang địa. 4) Diêm tuệ địa. 5) Nan thắng địa. 6) Hiện tiền địa. 7) Viễn hành địa. 8) Bất động địa. 9) Thiện tuệt địa. 10) Pháp vân địa. Mười bậc này đều gọi là “Địa”, vì tóm thâu các công đức hữu vi và vô vi dùng làm tự tính, cùng làm chỗ nương tựa chắc chắn hơn cả cho sự tu hành khiến hay sin trưởng cho nên gọi là “Địa”.

(a) Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.

12. Sáu đạo: Thiên, nhân, a-tu-la, địa-ngục, ngã quỷ, súc sinh.

13. Muốn rõ hơn, cần xem cuốn “Đạo Phật với con người” .

14. Đốn-giáo: Giáo-lý dạy bảo lối tu chứng đốn ngộ, một niệm không sinh tức là Phật, không cần lập ra từng bậc trong khi đoạn hoặc chứng lý.

15. Tiệm-giáo: Giáo-lý dạy bảo lối tu chứng dần dần, để đạt tới chỗ cứu cánh

Nguồn: / 0

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.2)

Tôn giáo

Sự hưng thịnh của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc...

Tìm hiểu đường lối thực hành Thiền phái Trúc Lâm

Tôn giáo

Trước nhất muốn xác định cách tu tập của dòng thiền Trúc Lâm, thì chúng ta ngược dòng lịch sử để dẫn chứng.

Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1)

Tôn giáo

Vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp to lớn và thiết thực cho dân tộc và Phật giáo. Thế thì, vua đã sống và hành động theo hướng nào, dưới sự tác động của những suy nghĩ tư tưởng gì?

Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã

Tôn giáo

Giáo lý Phật giáo đồng nhất bản chất của thế giới vật chất với bản thể con người, do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ: sự vận động của vũ trụ phải nằm trong trạng thái cân bằng, và vận động của tư...

Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ thẳng

Tôn giáo

Thiền sư Pháp Loa dạy: "Mọi người nếu hướng vào Đệ nhất nghĩa mà nói thì suy nghĩ là sai, mở miệng là lầm. Vậy thì làm sao sinh Đế, làm sao sinh Quán? Nay thử căn cứ vào đầu Đệ nhị mà nói thì cũng chẳng được sao?". Nói về pháp dạy người, thật sự đối...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.2)

Tôn giáo

Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả...

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.1)

Tôn giáo

Duy thức học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sinh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là tâm...

Cõi âm có hay không? Nhận thức của Phật giáo đối với vấn đề này

Tôn giáo

Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản...

Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo (P.4)

Tôn giáo

Điều tối quan trọng, Phật giáo không vì kiến thức văn minh rực rữ của khoa học mà bắc quàng làm sang. Hiển nhiên, khoa học chưa đủ khả năng để chứng minh Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo dư trí tuệ để giải thích khoa học bởi vì...

Những đặc điểm của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Tôn giáo

Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh...