Danh sách bài viết

Động cơ của nghề làm khoa học là gì?

Cập nhật: 28/12/2017

Công việc nghiên cứu có thể hấp dẫn đến mức các nhà khoa học có trình độ sẽ thích nghề đó hơn những nghề khác một cách tự nhiên. Nhưng tại sao phụ nữ và người da màu ít hiện diện trong giới khoa học? Rất nhiều trở ngại có thể trả lời cho câu hỏi này. Đó là do sự thiên vị, do sự thiếu vắng những tấm gương truyền cảm hứng và thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho con đường học thuật ở nhóm người này… Nghề nghiên cứu thiếu những yếu tố quan trọng đối với nhiều người trong các nhóm thiểu số. Do đó để thu hút họ, đưa những người trẻ vào các ngành nghiên cứu, cần phải có sự điều chỉnh để họ có động lực tham gia vào các ngành nghề này.

Nghiên cứu sinh Kenneth Gibbs Jr. tại Viện Ung thư Quốc gia (Mỹ) là một trong những tác giả của nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng người thuộc các nhóm thiểu số và phụ nữ không tìm kiếm nghề thiên về nghiên cứu nhiều bằng nam giới từ nhóm đa số. Điều đó xảy ra ngay cả khi họ có cùng hiệu suất nghiên cứu, thậm chí có cùng người hướng dẫn. Gibbs cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu động lực nghề nghiệp của các nhà khoa học thuộc nhóm thiểu số bằng cách sử dụng các nhóm tập trung, khảo sát và phỏng vấn.

Kenneth Gibbs Jr.

Nếu mọi thứ được kiểm soát mà vẫn thấy sự khác biệt, điều duy nhất có lỗi chính là bản thân hệ thống. Gibbs tin rằng một điểm cơ bản nào đó có thể ảnh hưởng đến những sự lựa chọn nghề nghiệp. Nhiều nhà khoa học nữ hoặc thuộc nhóm thiểu số nói rằng họ cảm thấy căng thẳng giữa những kỳ vọng chi phối khoa học và những giá trị mà họ mang đến cho công việc của mình. Nhiều phụ nữ và các nhà khoa học thuộc nhóm thiểu số lựa chọn nghề nghiên cứu để phù hợp với mong muốn theo đuổi công bằng xã hội, giá trị cộng đồng và lòng vị tha. Trong khi đó, những người đàn ông từ nhóm đa số thường tìm kiếm công việc nghiên cứu khoa học do có sự giao thoa các giá trị như tự do khoa học, khả năng nghiên cứu những gì bạn muốn theo cách của chính bạn.

Đối với các nhà khoa học có mối quan tâm xã hội mạnh mẽ, động lực khoa học và xã hội hòa quyện vào nhau. Gibbs cho biết: “Tôi đã chọn khoa học vì tôi cảm nhận rằng nó sẽ cho phép tôi thể hiện các giá trị mà tôi có: giúp đỡ thế giới, sử dụng công việc của mình để giúp đỡ nhân loại, đặc biệt là những nơi có ít nguồn lực hơn so với tôi có”. Đối với những người có động lực như vậy, cả khoa học và xã hội là "cần”, nhưng chưa “đủ”. Khoa học, mà cụ thể là nghiên cứu, là cốt lõi nhất, là đích đến cuối cùng của cả quá trình lao động, chứ không phải là cách thức ta nghiên cứu.

Cảm giác về sự bắt buộc

Nghiên cứu khoa học có xu hướng tập trung vào việc nâng cao bản thân mỗi cá nhân. Nhiều nhà khoa học từ các nhóm thiểu số trong lực lượng lao động mang theo tinh thần, cảm giác bắt buộc vượt lên sự tiến bộ của bản thân. 

Một nhà khoa học mà Gibbs biết xuất thân từ một nhóm thiểu số, làm việc rất tốt, đã từ chối vị trí tại một trường đại học nghiên cứu hàng đầu và cuối cùng lựa chọn giảng dạy bậc đại học trong một viện phục vụ sau đại học (undergraduate-serving institution). Ông ấy nói rằng, tại viện nghiên cứu hàng đầu, công việc của ông sẽ như việc xây dựng một đế chế lớn nhất có thể cho chính mình. Nhưng đó không phải là những động lực đã thôi thúc ông. Ông ấy đã nghĩ về cách tạo ảnh hưởng đến nhiều sinh viên hơn. Ông nói rằng: "Làm sao để tôi có thể làm điều tốt nhất cho mọi người quanh tôi? Tôi có thể làm tốt nhất bằng cách vào các trường đại học nổi tiếng và trở nên rất nổi tiếng, hoặc tôi có thể làm điều đó bằng cách cũng chẳng dễ dàng là đào tạo sinh viên, giúp họ phát triển".

Dustin B. Thoman từ Đại học bang California và các đồng tác giả đã phát hiện ra động cơ vị tha có ảnh hưởng đến sinh viên thuộc nhóm thiểu số, thường đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng tới sự quan tâm của họ với nghề nghiên cứu khoa học. Theo báo cáo của Andrew Campbell (Đại học Brown) và các đồng tác giả, học viên từ các nhóm thiểu số ở bậc đại học cho đến sau tiến sĩ (postdocs) bày tỏ mong muốn được học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học – Science, Technology, Engineering, Mathematics) để đóng góp hoặc góp phần tạo ra công bằng xã hội". Các học viên muốn được có cơ hội để làm khoa học với mục đích tạo ra công bằng xã hội. Ước muốn đó dường như phản ánh cảm nhận về sự mất kết nối và cảm thấy bị cách ly mà người học cảm nhận được ở các học viên và cộng đồng khoa học. Dường như nó cũng phù hợp với mối quan tâm của họ đối với các vấn đề như sự chênh lệch về sức khỏe, điều hiển nhiên đối với nhóm thiểu số hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy vai trò quan trọng của những giá trị cá nhân trong lựa chọn nghề nghiệp khoa học.

Gibbs nhấn mạnh rằng những nghiên cứu được thực hiện chỉ cho thấy xu hướng chung trong các nhóm, tuy nhiên lựa chọn của mỗi cá nhân bao phủ một phạm vi rộng hơn.

Mong muốn tạo ra những tác động xã hội

Khoa học hàn lâm có thể thu hút và giữ chân nhiều nhà khoa học từ các nhóm thiểu số hơn, bằng cách tạo điều kiện cho nhu cầu của họ: nhu cầu có những tác động xã hội.

Đối với các nhà khoa học có động lực xã hội, có rất nhiều ý tưởng về cách phục vụ cộng đồng. Ví dụ như dành 3 giờ mỗi tuần để dạy trẻ em trong một trường nghèo biết đến thế nào khoa học. Hiện nay, hoạt động như vậy được coi là không có giá trị học thuật bằng việc bỏ ra hàng giờ trong phòng thí nghiệm. Thay đổi điều này sẽ mang đến suy nghĩ mới về những gì tạo nên công việc của chúng ta và cách chúng ta đánh giá mọi người. Gibbs tin rằng sự thay đổi là có thể bởi chúng ta đã làm được nhiều điều thực sự khó khăn trong khoa học. Chúng ta đã đưa người lên mặt trăng. Chúng ta đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Chúng ta đã đẩy tới nhiều giới hạn.

Nếu một người nào đó được thuê để làm nghiên cứu và cũng dành 20% thời gian của họ mở rộng nghiên cứu cho cộng đồng thông qua hệ giáo dục 12 năm hoặc làm việc với người có thu nhập thấp như một phần của một công việc biên chế tại một đại học nghiên cứu lớn, con đường đó liệu có khả thi nếu được hỗ trợ tốt trên toàn hệ thống? Một kế hoạch như vậy có thể làm cho sự nghiệp nghiên cứu hấp dẫn với nhiều nhà khoa học hơn, những người có nền tảng khác nhau, niềm tin khác nhau.

Không có yếu tố riêng lẻ nào có thể giải thích sự chênh lệch số người trong nhóm thiểu số và đa số làm khoa học, và cũng không có giải pháp nào có thể dễ dàng thay đổi điều này. Nhưng ý kiến của Gibbs có rất nhiều giá trị và có thể có ý nghĩa quan trọng cho việc thiết lập các chính sách khoa học.

Tài liệu tham khảo:

Beryl Lieff Benderly, "What’s the purpose of a scientific career?", Science, March 5, 2015.

Lược dịch Lê Tuấn Anh

Nguồn: / 0