Danh sách bài viết

Phát hiện một loại enzyme mới có thể chống lại ảnh hưởng độc hại của đường

Cập nhật: 28/12/2017

"Nên cắt giảm các loại thực phẩm và đồ uống có đường". Đây là thông điệp quan trọng của các chuyên gia sức khỏe trên toàn thế giới với nỗ lực giải quyết vấn nạn béo phì hiện nay. Nhưng nếu các bạn có thể thưởng thức những món đồ ngọt mà không phải lo ảnh hưởng đến sức khỏe thì sao? Dù điều này nghe quá tốt đẹp để trở thành sự thật, nhưng một nghiên cứu mới đã cho thấy việc này có thể khả thi.

Trong báo cáo của Học viện Khoa học Quốc gia (National Academy of Sciences), các nhà nghiên cứu đã tiết lộ về việc phát hiện ra một enzymegọi là glycerol 3-phosphate phosphatase (G3PP) có thể loại bỏ lượng đường dư thừa trong tế bào, do đó giảm khả năng độc tố khi mức glucose cao.

Chủ nhiệm đề tài bác sĩ Marc Prentki và Murthy Madiraju của trường đại học Montreal ở Canada và cộng sự nói rằng phát hiện của họ sẽ mở đường cho các phương pháp điều trị mới đối với bệnh béo phì và tiểu đường loại 2.

Glucose và các axit béo là các thành phần chủ chốt trong cơ thể; tế bào của chúng ta sử dụng chúng trong một loạt các quá trình sinh lý, bao gồm sản xuất glucose ở gan, tiết insulin ở tụy, lưu trữ chất béo trong các mô mỡ và phân hủy chất dinh dưỡng để tạo ra năng lượng.

Tuy nhiên, sự dư thừa glucose và các axit béo đã được chứng minh là có hại; chẳng hạn như chúng có thể gây trở ngại tới các chức năng của tế bào beta tạo ra insulin ở tụy. Vì insulin là thành phần cốt yếu trong việc điều chỉnh lượng glucose và sử dụng chất béo, nên bất kỳ bất thường nào trong việc sản xuất nó cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì.

G3PP phân giải glycerol-3 phosphate dư thừa

Bác sĩ Prentki giải thích rằng khi cơ thể hấp thu một lượng glucose cao bất thường, ví dụ như vì ăn nhiều đồ ngọt, glycerol-3 phosphate sẽ vượt mức cho phép và có thể gây hại cho các tế bào và mô, bao gồm tế bào beta.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện G3PP có khả năng phân giải một số glycerol-3 phosphate dư thừa và dẫn chúng ra khỏi tế bào, bảo vệ tế bào beta và một số cơ quan khỏi những ảnh hưởng độc hại khi mức glucose cao.

Bác sĩ Madiraju cho biết thêm, “Khi glucose chuyển hóa thành glycerol, G3PP ngăn cản sự hình thành và lưu trữ chất béo dư thừa, đồng thời nó có thể làm giảm sự sản xuất glucose quá mức ở gan, một vấn đề chính trong bệnh tiểu đường.”

Nhóm nghiên cứu nói rằng việc phát hiện những enzym có vai trò chính trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng ở mô của động vật có vú rất hiếm thấy, nhưng đây chỉ là những gì họ đã phát hiện ra với nghiên cứu mới nhất này.

Bác sĩ Madiraju nói thêm, “Chúng tôi nhận diện enzym này khi đang tìm một cơ chế cho phép tế bào beta có thể loại bỏ những glucose dư thừa như glycerol. Cơ chế này còn được phát hiện có thể hoạt động ở các tế bào gan, và loại enzym này có mặt ở khắp các mô của cơ thể.”

Các nhà nghiên cứu mong rằng phát hiện của họ có thể mở ra một cánh cửa cho một biện pháp trị liệu mới của căn bệnh béo phì, tiểu đường loại 2 và hội chứng chuyển hóa. Hiện nay, họ đang trong quá trình khám phá các chất hoạt hóa tiểu phân tử của enzym G3PP.

Dù tiến trình khám phá các chất hoạt hóa đang rất khả quan, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ còn cần phải làm một số thí nghiệm trên động vật trước khi có thể cho con người sử dụng.

Nguồn: http://www.medicalnewstoday.com/articles/304941.php

Tác giả: Honor Whiteman

Dịch giả Phạm Ngọc Cẩm Hà

 

Nguồn: / 0